Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Bánh Trôi Nước của Hồ Xuân Hương


Đề bài: Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương.

Bài làm

Nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương là một “hiện tượng” đặc biệt của văn học thơ Nôm và cũng là nghệ sĩ tài hoa có vị trí không nhỏ trong nền văn học Việt Nam. Hồ Xuân Hương đã thay bản thân và thay nhiều người phụ nữ khác thời kì xã hội phong kiến lên tiếng ngợi ca vẻ đẹp và bênh vực thông qua bài thơ “Bánh trôi nước”:

“Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son”

Bài thơ “Bánh trôi nước” là một trong những bài thơ rất quen thuộc với tất cả mọi người, kể cả trẻ em bởi vì tính dân gian của nó. Bài thơ có đặc sắc nghệ thuật toát lên từ ngôn từ giản dị mà giàu sức biểu đạt, hình ảnh trần tục mà rất tinh tế, sâu xa cùng với nghệ thuật sử dụng ngôn tư đa ngữ nghĩa. Thông qua đó, Hồ Xuân Hương đã mượn hình ảnh chiếc bánh trôi nước để làm biểu tượng cho vẻ đẹp hình thể và vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ phong kiến xưa kia. Cảm hứng ngợi ca và bênh vực đã chứng tỏ được tấm lòng nhân văn, nhân đạo cũng như tâm hồn hết sức khoáng đạt và tài năng thi phú độc đáo của Hồ Xuân Hương.

>> Xem thêm:  Giới thiệu về tác phẩm Một thứ quà của lúa non – Cốm của tác giả Thạch Lam

Hồ Xuân Hương đã lấy hình ảnh chiếc bánh trôi nước làm trung tâm. Hai câu thơ đầu tiên, nữ thi sĩ miêu tả vẻ đẹp bề ngoài của chiếc bánh trôi nước:

“Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non”

Trước hết, chiếc bánh trôi nước được tác giả thể hiện bằng ngôi thứ nhất, xưng “em”. Bằng cách này, Hồ Xuân Hương để chính bản thân chủ thể thể hiện vẻ đẹp của nó, cũng tức là người phụ nữ được biểu tượng ở đây có sự tự tin nhất định về bản thân mình.

phat bieu cam nghi ve bai tho banh troi nuoc cua ho xuan huong - Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Bánh Trôi Nước của Hồ Xuân Hương

Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Bánh Trôi Nước

Thứ hai, hai chữ “thân em” rất quen thuộc trong ca dao dân ca Việt Nam, gợi lên thân phận chìm nổi, nhỏ bé, truân chuyên của người phụ nữ xưa:

“Thân em như tấm lụa đào

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”

“Thân em như củ ấu gai

Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen”

“Thân em như hạt mưa sa

Hạt vào đài các hạt ra ruộng cày”

Hình ảnh chiếc bánh trôi nước được miêu tả bằng hai tính từ “trắng” và “tròn”. Điệp từ “vừa” đã kết hợp hai vẻ đẹp này lại và hội tụ trong một “thân em”. Theo hình ảnh thực thì bánh trôi nước có màu trắng của bột gạo. Vậy trắng là nhấn mạnh đến sự trong trắng, sự thơm thảo của hạt gạo. Còn “tròn” là nói đến hình dáng tròn đầy của miếng bánh trôi nước. Như vậy, miếng bánh trôi nước ở đây vừa đầy đặn vừa trong lành tựa như người phụ nữ đằm thắm, phúc hậu. Đẹp là vậy nhưng lại phải chịu kiếp “bảy nổi ba chìm”. Trong công đoạn luộc chín bánh trôi, chiếc bánh được thả vào nồi nước sôi và khi bánh lềnh đềnh trên mặt nước tức là đã chín và có thể thưởng thức. Miêu tả điều này, Hồ Xuân Hương ám chỉ thân phận người phụ nữ tuy đẹp nhưng long đong lận đận khó có thể tự làm chủ bản thân.

>> Xem thêm:  Nêu cảm nghĩ của em về đêm trung thu

Hai câu thơ sau là vẻ đẹp tâm hồn: 

“Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son”

Hình ảnh bánh trôi nước tiếp tục được lấy làm hình ảnh tượng trưng. Trong thực tế, bánh trôi nước chỉ vừa đẹp nếu luộc chín tới, luộc chưa đủ sẽ rắn, luộc quá tay sẽ nát vậy nên người luộc bánh phải canh giờ rất chuẩn. Còn “tấm lòng son” là nói đến nhân bánh. Điểm đặc biệt của bánh trôi là vỏ ngoài gạo nếp thương không vị và nhân đường mật đỏ ngọt ngào bên trong. Nếu luộc bánh nỡ luộc rắn hay nát thì ruột bánh đều không bị ảnh hưởng.

Khi đặt trong hình ảnh về người phụ nữ thì từ “rắn nát” một lần nữa nhấn mạnh đến số phận chịu phụ thuộc của người phụ nữ, không thể tự làm chủ số phận của mình. Còn “tay kẻ nặn” không rõ là ai, nhưng chắc rằng chế độ phong kiến với lễ giáo hà khắc và tư tưởng cổ hủ đã tiếp tay cho những kẻ đó. Cặp từ quan hệ “mặc dầu… mà” đã tạo ra sự liên kết giữa hai câu và khẳng định rằng dù có rơi vào hoàn cảnh như thế nào thì vẫn giữ được tâm hồn trong sáng và tấm lòng thảo thơm.

Tóm lại, bài thơ “Bánh trôi nước” đã khẳng định tâm hồn phóng khoáng và phong cách thơ ca rất đặc biệt vừa giản dị, vừa tinh tế, hàm súc của tác giả. Cuộc đời Hồ Xuân Hương trải qua không ít đắng cay nhưng bà vẫn giữ được tâm hồn phong phú, giàu lòng nhân ái, nhân văn của mình.

>> Xem thêm:  Bài thơ Qua đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan đã thể hiện nỗi nhớ nước thương nhà của chính tác giả như thế nào

Hoài Lê

Bài viết liên quan