Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Tiếng Gà Trưa của Xuân Quỳnh
Đề bài: Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ “Tiếng gà trưa” của thi sĩ Xuân Quỳnh.
Bài làm
Xuân Quỳnh (1942-1988) là một nữ thi sĩ có cuộc đời đa đoan, thăng trầm. Từ nhỏ đã mồ côi mẹ và chủ yếu sống với bà nội vì vậy thơ Xuan Quỳnh là tiếng lòng của người phụ nữ giàu yêu thương và luôn khao khát mái ấm gia đình, tình yêu quê hương bình dị. Bài thơ “Tiếng gà trưa” tiêu biểu cho phong cách và hồn thơ nữ thi sĩ.
Bài thơ “Tiếng gà trưa” (1965) mượn hình ảnh tiếng gà gáy trưa để gợi lên cảm hứng nhớ thương kỉ niệm tuổi thơ và tình yêu với những điều nhỏ bé, bình dị của quê hương. Bài thơ bắt đầu từ thực tại tiếng gà trưa:
“Trên đường hành quân xa
Dừng chân bên xóm nhỏ
Tiếng gà ai nhảy ổ:
“Cục… cục tác cục ta”
Nghe xao động nắng trưa
Nghe bàn chân đỡ mỏi
Nghe gọi về tuổi thơ”
Khổ thơ đầu tiên khắc họa chân dung nhân vật trữ tình trong thực tại. Đó là con đường “hành quân” xa quê, nhân vật bước chân qua một vùng quê nghèo có xóm dân cư nhỏ và bắt gặp thứ âm thanh quen thuộc – tiếng gà nhảy ổ. Ba chữ “nghe” đã mở đường dẫn cho tác giả để làm một chuyến tàu vượt thời gian trở ngược lại quá khứ.
Tuổi thơ dữ dội trở về trong lòng người:
“Tiếng gà trưa
Ổ rơm hồng những trứng
Này con gà mái mơ
Khắp mình hoa đốm trắng
Này con gà mái vàng
Lông óng như màu nắng”
Trước hết, tiếng gà trưa đã gợi về những hình ảnh về ổ rơm hồng, con gà mái mơ, con gà mái vàng… Cách miêu tả của tác giả với các tính từ hồng, hoa đốm trắng, vàng, óng như màu nắng đã tạo nên bức tranh tuổi thơ sinh động, hấp dẫn đầy đủ sắc màu cùng với đó là cách nói “này”, “này” tạo nên nét đẹp hồn nhiên, trong sáng của một tâm hồn trẻ thơ.
Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Tiếng Gà Trưa
Tiếp theo, âm thanh tiếng gà trưa còn gợi lên hình ảnh người bà trong kí ức tuổi thơ. Đó là một người bà chất phác, đôn hậu:
“Tiếng gà trưa
Có tiếng bà vẫn mắng:
– Gà đẻ mà mày nhìn
Rồi sau này lang mặt!
Cháu về lấy gương soi
Lòng dại thơ lo lắng”
Câu chuyện ngắn trên là câu chuyện chung của nhiều đứa trẻ. Tuổi nhỏ hay tò mò về những thứ xung quanh bao gồm cả việc gà đẻ trứng. Khi đứa cháu cố tình xem cảnh gà đẻ thì bà thường mắng mỏ cảnh báo rằng nhìn gà đẻ có thể bị bệnh “lang mặt”. Điểm đặc biệt ở đây là cách diễn đạt thông qua cụ xưng hô bà – mày tạo nên không khí thân mật và hình ảnh cháu “dại thơ lo lắng” vừa mộc mạc, vừa chân thật đáng yêu.
Tiếng gà trưa gợi lên một người bà tần tảo, khéo léo:
“Tiếng gà trưa
Tay bà khum soi trứng
Dành từng quả chắt chiu
Cho con gà mái ấp”
Hình ảnh bàn tay bà “khum soi trứng” và “chắt chiu” từng quả trứng hồng đã thể hiện rất thành công dáng dấp của một người phụ nữ tuổi xế chiều nhưng luôn sống cho tương lai, sống vì con cháu.
Đó còn là một người bà giàu đức hi sinh:
“Cứ hàng năm hàng năm
Khi gió mùa đông tới
Bà lo đàn gà toi
Mong trời đừng sương muối
Để cuối năm bán gà
Cháu được quần áo mới
Ôi cái quần chéo go
Ống rộng dài quét đất
Cái áo cánh chúc bâu
Đi qua nghe sột soạt”
Hình ảnh người bà dành dụm cả năm trời nhưng không để cho mình mà là để có thể mua quần áo mới đón Tết cho đứa cháu nhỏ đã cho thấy đức hi sinh cao đẹp của người bà. Hình ảnh “sương muối” biểu tượng cho nhũng khó khăn, vất vả của cuộc sống và thành quả sau những vất vả mà bà gánh chịu ấy là “cuối năm bán gà” và “cháu được quần áo mới”. Tác giả miêu tả tâm trạng vui sướng của mình “ôi” và sử dụng nhiều hình ảnh thú vị “quần chéo co – ống rộng dài quét đất”, “áo cánh chúc bâu – sột soạt” vừa thể hiện nỗi gian khó thời bấy giờ vừa thể hiện nét hồn nhiên, trong sáng của đứa cháu. Thế nên, tác giả mới kết lại tuổi thơ bằng một giấc ngủ hồng:
“Tiếng gà trưa
Mang bao nhiêu hạnh phúc
Đêm cháu về nằm mơ
Giấc ngủ hồng sắc trứng”
Tiếng gà trưa giống như một cây cầu nối giữa hiện tại với quá khứ và giữa đứa cháu với người bà năm xưa.
Cuối cùng, Xuân Quỳnh về với thực tại:
“Cháu chiến đấu hôm nay
Vì lòng yêu Tổ quốc
Vì xóm làng thân thuộc
Bà ơi, cũng vì bà
Vì tiếng gà cục tác
Ổ trứng hồng tuổi thơ”
Chính người bà và quê hương thân yêu đã trở thành động lực để cho nhân vật trữ tình hành quân chiến đấu cứu quốc. Cách tác giả giải thích đi từ chung tới riêng, từ rộng lớn tới thân thuộc: Tổ quốc – xóm làng – bà – tiếng gà cục tác, ổ trứng hồng. Điệp từ “vì” góp phần nhấn mạnh thêm điều đó.
Tóm lại, bài thơ “Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh theo thể tự do và do chính nhân vật kể chuyện do đó tình cảm được bộc lộ dạt dào, thiết tha đồng thời giọng thơ trong sáng, gần gũi và ngôn từ giàu hình ảnh đã tạo nên thành công cho tác phẩm. Bài thơ bộc lộ sâu sắc tình yêu quê hương, đất nước của tác giả.
Hoài Lê