[Văn mẫu học trò] Cảm nhận về hình tượng nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao
[Văn mẫu học trò] Cảm nhận về hình tượng nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao
Dàn ý chi tiết
1. Mở bài:
Dẫn dắt giới thiệu tác giả, tác phẩm và nhân vật Chí Phèo.
2. Thân bài
2.1. Giới thiệu quan niệm văn chương và phong cách nghệ thuật của nhà văn.
– Quan niệm văn chương: nghệ thuật là sự thật ở đời, thể hiện giá trị nhân đạo và đòi hỏi người nghệ sĩ phải có thực tài, thực tâm.
– Phong cách: biệt tài miêu tả tâm lí nhân vật, viết đề tài nhỏ nhưng ẩn chứa nhiều triết lý, giọng điệu dửng dưng lạnh lùng nhưng đằm thắm yêu thương.
2.2. Giới thiệu đôi nét về tác phẩm:
– Là tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật Nam Cao.
– Khai thác Chí Phèo là đỉnh cao của nạn nhân bị tha hóa cả nhân hình và nhân tính. Qua đó tố cáo và tìm lại giá trị tốt đẹp trong nhân phẩm con người.
2.3. Nhân vật Chí Phèo:
Chí Phèo là nạn nhân:
– Lai lịch: bị bỏ rơi trong cái lò gạch cũ
– Khi trưởng thành: đi ở cho nhà Bá Kiến, bị chà đạp nhân phẩm khi bà Ba gọi lên bóp chân, và bị đẩy vào tù.
Chí Phèo tha hoá:
– Tha hoá nhân hình: Điệu bộ, hình dạng của một tên đầu bò chính cống.
-Tha hoá nhân tính:
+Từ một thanh niên hiền như đất trở thành một tên lưu manh.(say, đánh nhau với Lý Cường, đập chai, lăn lộn, la làng, lấy mảnh chai cào vào mặt)
+ Từ thằng lưu manh đến con quỉ dữ của làng Vũ Đại:
Trở thành công cụ giết người, tay sai cho Bá Kiến
Triền miên trong cơn say
Mặt Chí không còn là mặt người, mà là mặt của một con vật lạ…
=> Chí chính thức trở thành con quỉ dữ của làng Vũ Đại, bị cả làng cự tuyệt quyền làm người.
Quá trình hồi sinh:
– Tỉnh rượu
– Tỉnh ngộ:
+ Nhớ về quá khứ, nghĩ đến hiện tại và tương lai
+ Từ ngạc nhiên xúc động đến khát khao hoàn lương và mong ước hạnh phúc (khi Thị Nở xuất hiện với nồi cháo hành còn nóng)
+ Chí cảm nhận được tình yêu của Thị Nở, thấy thị có duyên
=> Tình yêu dành cho Thị Nở không đơn thuần là tình yêu dành cho một tình phụ nữ mà còn là tình yêu dành cho cuộc đời, cho con người và khát khao được hoàn lương.
Bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người:
– Thị Nở đem tất cả lời bà cô trút vào mặt Chí: Đầu tiên, thâý thú vị, lắc lư đầu cười -> ngẩn người -> gọi lại -> bị Thị gạt ra, dúi cho một cái
– Thị Nở đi:
+ Chí uống rượu rồi ôm mặt khóc rưng rức
+ Phẫn uất, tuyệt vọng. Chí xách dao định đâm chết bà cô Thị Nở nhưng bước chân lại đưa Chí đến nhà Bá Kiến -> Chí đâm chết Bá Kiến rồi tự sát.
+ Hành động đâm chết Bá Kiến rồi tự sát là một quy luật tất yếu
=> Tố cáo xã hội mạnh mẽ và thể hiện mối xung đột giai cấp của nông thôn Việt Nam trước cách mạng với quy luật tất yếu “ tức nước vỡ bờ”
3. Kết bài:
– Chí Phèo được xây dựng thành công qua ngòi bút tỉnh táo, sắc lạnh của nhà văn.
– Nhân vật Chí góp phần to lớn làm nên tên tuổi nhà văn và sức sống tác phẩm trong lòng dân tộc.
Cảm nhận về hình tượng nhân vật Chí Phèo
Bài văn tham khảo
Nam Cao là một trong những tên tuổi tiêu biểu của nền văn học hiện đại Việt Nam trước cách mạng. Với tác phẩm “Chí Phèo”, đặc biệt là qua nhân vật Chí Phèo, Nam Cao đã mang đến cho độc giả những ấn tượng sâu sắc về số phận và tính cách của người dân cùng ở nước thuộc địa bị chà đạp, bị dày xéo, bị hủy hoại cả nhân hình và nhân tính.
Với Nam Cao, “nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than”. Do vậy, văn học chân chính bao giờ cũng là sự thật ở đời, đòi hỏi người nghệ sĩ dùng thực tài, thực tâm thể hiện giá trị nhân đạo sâu sắc để hướng đến con người, vì con người mà lên tiếng. “ Một tác phẩm thực sự có giá trị phải vượt lên trên tất cả bờ cõi và giới hạn, trở thành một tác phẩm chung cho tất cả loài người… nó làm cho người gần người hơn.”
Chính quan niệm sáng tác mới mẻ đã giúp Nam Cao có chân cảm và hướng ngòi bút vào những con người ở tầng lớp dân nghèo. Ông thường viết về những cái xoàng xĩnh, nhỏ nhặt nhưng đằng sau đó là những triết lý nhân sinh sâu sắc. Viết về con người, ông đi sâu vào khám phá thế giới “ con người bên trong con người” theo kết cấu, mạch tự sự đảo lộn không gian, thời gian bằng một giọng văn dửng dưng, lạnh lùng nhưng chân chứa yêu thương, đằm thắm tình cảm. Tác phẩm “ Chí Phèo” chính là tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật này của Nam Cao.
“Chí Phèo” là tác phẩm viết về đề tài người nông dân, một đề tài quen thuộc của dòng văn hiện thực phê phán trước cách mạng. Trước Nam Cao, đã có một anh Pha, một Chị Dậu là đại diện cho mọi khổ đau của con người, là nạn nhân bất lực của xã hội nhưng Chí Phèo vẫn sống vì nhà văn đã khai thác đến đỉnh cao của nạn nhân: bị tha hóa cả nhân hình và nhân tính. Qua đó, nhà văn sâu cay tố cáo xã hội tàn nhẫn và mong muốn tìm lại giá trị tốt đẹp trong phẩm chất người nông dân.
Ngay từ khi mới sinh ra, Chí Phèo đã trở thành nạn nhân của xã hội bất công. Hắn là một đứa trẻ mồ côi bị bỏ rơi trong cái lò gạch cũ, được nhặt về rồi đi ở hết nhà này đến nhà khác, cuối cùng làm canh điền cho nhà Bá Kiến. Ở nhà Bá Kiến, Chí bị hành hạ, bị bóc lột sức lao động, bị chà đạp về nhân cách khi bà Ba gọi lên bóp chân mà cứ bắt bóp lên nữa…rồi đi tù chỉ vì một cơn ghen vu vơ của Bá Kiến.
Bảy, tám năm sau Chí trở về làng “ đặc như một thằng săng đá”. Cái răng cạo trắng hớn, ngực chạm trổ rồng phượng và một ông tướng cầm chùy, mặt cơng cơng, mắt gườm gườm trông gớm chết. Hắn bước đi ngật ngưỡng như một tên lưu manh, một tên đầu bò chính cống.
Mới về hôm trước, hôm sau người ta đã thấy Chí ngồi uống rượu với thịt chó từ trưa đến xế chiều rồi xách chai đến nhà Bá Kiến trả thù. Hắn đập chai vào cột cổng, rạch mặt, lăn lóc ăn vạ. Nhưng rồi, hắn bị Bá Kiến dụ dỗ và trở thành tay sai đắc lực trong tay cụ Bá. Hắn triền miên trong cơn say và làm bất cứ thứ gì người ta sai hắn. Hắn ức hiếp, phá phách, đâm chém, mưu hại những người dân lương thiện, “ hắn phá bao nhiêu cơ nghiệp, đập nát bao nhiêu cảnh yên vui, đạp đổ bao nhiêu hạnh phúc, làm chảy máu và nước mắt của biết bao người dân lương thiện”. Cái mặt hắn vàng vàng mà muốn xạm mầu gio, đó không còn là mặt người mà là mặt một con quỉ dữ vằn dọc ngang không biết bao nhiêu là sẹo…
Chí Phèo đã chính thức trở thành con quỉ dữ của làng Vũ Đại. Hắn không chỉ bán đi bộ mặt mà giờ đây, hắn còn bán cả linh hồn cho quỉ dữ. Hắn bị tất cả mọi người xa lánh, bị cả xã hội cự tuyệt quyền làm người. Hắn chửi trời, chửi đời, chửi cả làng Vũ Đại nhưng chẳng ai chửi lại với hắn, đáp lại chỉ là những tiếng chó sủa. Hắn đành chửi đứa nào sinh ra hắn cũng là chửi chính bản thân mình. Nỗi đau thân phận, nỗi cô đơn tột cùng được dồn nén trong tiếng chửi như một nỗi niềm khắc khoải khao khát được giao tiếp. Nhưng cả làng Vũ Đại không ai cho hắn làm người, ngay cả ngôi nhà hắn cũng cách cả một con đê, cách cả xóm làng như một nơi lẩn trốn của ma quỉ.
Bước chân lảo đảo thảm hại dưới trăng đưa Chí đến gặp Thị Nở và mở ra một chương mới cho cuộc đời tăm tối của Chí. Hắn tỉnh rượu, tỉnh ngộ và khao khát trở về làm người lương thiện. Lần đầu tiên trong cuộc đời, hắn tỉnh rượu để nhận ra cái lều của mình ẩm thấp có thể thấy chiều lúc xế trưa và gặp đêm khi bên ngoài vẫn còn sáng. Lần đầu tiên hắn nghe được tiếng chim hót vui vẻ quá, tiếng người nói, tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá. Lần đầu tiên hắn nhận thức được quá khứ, hiện tại, tương lai của hắn. Quá khứ là mơ ước có một gia đình nhỏ, chồng cuốc mướn, vợ dệt vải. Hiện tại là ốm đau, bệnh tật. Và tương lai là cô độc… Hắn thấy sợ. Hắn mong muốn được trở về làm người lương thiện. Khoảnh khắc tỉnh táo hiếm hoi đã giúp Chí có cơ hội nhìn nhận lại cuộc đời và khao khát thay đổi tương lai.
Thị Nở vào với một nồi cháo hành còn nóng nguyên khiến Chí ngạc nhiên, xúc động rồi ăn năn mong muốn được lương thiện. Lần đầu tiên hắn được cho mà không phải doạ nạt hay cướp giật, lần đầu tiên hắn được chăm sóc bởi tay một người đàn bà và cũng là lần đầu tiên, hắn được nếm thử cháo hành để nhận ra cháo hành ăn rất ngon. Hắn cảm động, hắn muốn làm hòa với mọi người, hắn thấy lòng mình thành trẻ con và muốn làm nũng với thị như với mẹ. Chí Phèo, một con quỉ dữ của làng Vũ Đại phút chốc trở thành anh canh điền hiền lành ngày nào. Hắn thấy yêu thị, cảm thấy thị có duyên. Tình yêu của Chí không đơn thuần là tình yêu dành cho một người phụ nữ mà còn là tình đời, tình người. Thị Nở là chiếc cầu nối để Chí trở về với xã hội loài người.
Thế nhưng, cuộc đời ngoài kia còn đầy rẫy những bất công, định kiến. Thị Nở cùng tình yêu của thị như cầu vồng lung linh bẩy sắc chợt xuất hiện rồi vụt biến mất sau cơn mưa. Chí Phèo chưa bước chân lên cây cầu đã biến mất.
Thị Nở đến và mang tất cả lời bà cô chửi vào mặt Chí. Ban đầu, hắn thấy thú vị quá, lắc lư cái đầu cười. Nhưng rồi hiểu ra, hắn ngẩn người, chạy tới níu tay thị nhưng bị gạt ra, Chí đau đớn tìm đến rượu để khoả lấp nỗi buồn. Hơi rượu không thấy chỉ thấy hơi cháo hành. Hắn ôm mặt ngồi khóc rưng rức như một đứa trẻ bị cướp giật là tột cùng của nỗi đau thân phận không thể kìm nén.
Phẫn uất, tuyệt vọng, Chí xách dao đến định đâm chết bà cô Thị Nở nhưng tiềm thức sâu xa nhận ra kẻ gây ra mọi bi kịch là Bá Kiến, Chí đến, đâm chết Bá Kiến rồi tự tử. Chí Phèo, từ một kẻ mất trí, là tay sai đắc lực của bọn thống trị giờ đây trở thành người nô lệ thức tỉnh, là một đầu óc sáng suốt nhất của làng Vũ Đại khi đặt ra những câu hỏi có tầm khái quát cao vượt ra khỏi sự gian xảo của Bá Kiến: “Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào để mất hết những mảnh chai trên mặt này? Tao không thể trở thành người lương thiện nữa…”
Hành động giết Bá Kiến rồi tự sát là một quy luật tất yếu. Đó là tột cùng của nỗi bế tắc, tuyệt vọng, là lối giải thoát duy nhất cho cuộc đời Chí. Trước đây để tồn tại, Chí phải bán cả linh hồn lẫn thể xác, giờ đây khi nhân tính tìm về, nhân hình tìm lại, Chí phải đánh đổi bằng cả mạng sống. Hơn thế, Chí muốn làm người lương thiện nhưng không ai giúp Chí hoàn lương. Kẻ thù bây giờ của Chí là cả một xã hội vô nhân tính và cái chết là sự lựa chọn duy nhất. Qua cái chết của Chí, Nam Cao mạnh mẽ tố cáo chế độ xã hội bất công và thể hiện mối xung đột giai cấp gay gắt của nông thôn Việt Nam trước cách mạng với quy luật tất yếu “ tức nước vỡ bờ”.
Truyện ngắn “ Chí Phèo” đã khắc họa thành công hình ảnh Chí Phèo qua ngòi bút tỉnh táo, tài năng của Nam Cao. Ông đã thành công trong việc sử dụng cốt truyện, tình huống độc đáo, trong ngôn ngữ bình dị mà giàu sức gợi với những hình ảnh, chi tiết giàu tính biểu tượng… Giọng văn lạnh lùng nhưng đằm thắm yêu thương, sắc lạnh nhưng phảng phất niềm tin vào bản chất tốt đẹp của con người…đã mang đến sức hấp dẫn, lôi cuốn đặc biệt cho thiên truyện “ Chí Phèo” và đưa tên tuổi tác giả bất tử cùng thời gian.
Bùi Thị Chung