[Văn mẫu học trò] Cảm nhận về vẻ đẹp của hai nhân vật anh Sáu và anh thanh niên
Đề bài: Cảm nhận của em về vẻ đẹp của hai nhân vật: anh Sáu trong tác phẩm “Chiếc lược ngà” (Nguyễn Quang Sáng) và anh thanh niên trong “Lặng lẽ Sa Pa” (Nguyễn Thành Long)
(Trích Đề thi tuyển sinh vào 10 năm học 2018-2019, Thừa Thiên Huế)
Dàn ý chi tiết
1. Mở bài
– Giới thiệu hai tác giả, tác phẩm
– Giới thiệu hai nhân vật: là linh hồn của tác phẩm. Qua hai nhân vật, tác giả gửi gắm tư tưởng của mình
2. Thân bài
a. Điểm giống nhau:
– Anh Sáu và anh thanh niên đều là những con người mới trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ
– Họ đều có tình yêu quê hương, đất nước; giàu tình cảm với người thân và những người xung quanh, có lí tưởng lớn
b. Điểm khác nhau:
Anh Sáu trong “Chiếc lược ngà”:
– Hiện thân của người cha tha thiết yêu thương con. Tình cảm đó được thể hiện xuyên suốt câu chuyện
– Một người lính kiên cường, chiến đấu vì miền Nam thân yêu
Anh thanh niên trong “Lặng lẽ Sa Pa”:
– Đại diện cho vẻ đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam thời kì kháng chiến chống Mỹ
– Đại diện cho những con người ngày đêm cống hiến thầm lặng để xây dựng đất nước
3. Kết bài
– Hai nhân vật đại diện cho người Việt Nam trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. Mỗi người mang một vẻ đẹp khác nhau.
– Nêu ra khuynh hướng văn học thời bấy giờ: sử thi và lãng mạn
Cảm nhận về vẻ đẹp của hai nhân vật anh Sáu và anh thanh niên
Bài văn tham khảo
Thời kì kháng chiến chống Mỹ là giai đoạn lịch sử có nhiều biến cố ác liệt ở nước ta. Văn học giai đoạn này phản ánh trung thực và sinh động chiến trường chống Mỹ, khắc họa thành công hình ảnh những con người xây dựng và bảo vệ đất nước. Trong số những tác phẩm tuyệt vời ấy, “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng và “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long là hai truyện ngắn xuất sắc. Hai tác phẩm làm nổi bật vẻ đẹp của anh Sáu và anh thanh niên – hình ảnh những con người chống Mỹ cứu nước.
Hai nhân vật – anh Sáu và anh thanh niên có những nét đẹp quyện hòa vào nhau. Hai nhân vật đều xuất hiện trong thời kì kháng chiến chống Mỹ. Họ đều là những anh hùng bảo vệ và xây dựng đất nước. Đồng thời, họ phản ánh trung thực giai đoạn chống Mỹ ác liệt ở hai miền Nam – Bắc lúc bấy giờ. Mặt khác, ngòi bút của hai nhà văn đều hướng đến hình thành vẻ đẹp nhân vật qua tâm hồn và tính cách, ít tập trung về ngoại hình.
Cùng với nét quyện hòa chung nhất, mỗi nhân vật cũng có những nét đẹp riêng.
Nhân vật anh Sáu để lại trong em những ấn tượng đẹp, tiêu biểu là tinh thần yêu nước và lòng yêu con thắm thiết của anh.
Anh Sáu là một chiến sĩ yêu nước, gan dạ, trung thành với Cách mạng. Anh nhập ngũ khi còn trẻ, rời xa vợ con để tham gia chiến đấu. Có thể nói, vẻ đẹp kì diệu ở anh là vẻ đẹp của người lính chống Mỹ trung kiên, dũng cảm. Anh hi sinh vì độc lập dân tộc nhưng sống mãi với non sông đất nước.
Điều em yêu mến ở anh là lòng yêu con gái sâu sắc và chu toàn.
Phải xa nhà khi con gái chưa chào đời, anh Sáu sống ở chiến khu trong sự khắc khoải nhớ thương đứa con gái đầu lòng. Anh yêu con mãnh liệt, luôn khao khát được gặp con. Tuy nhiên, đạn lửa chiến trường ngăn cách hai cha con anh. Chắc hẳn anh nhớ thương con và đau đớn đến tột cùng.
Trở về sau bao năm xa cách, anh Sáu nhảy tót lên bờ dù thuyền chưa cập bến. Với tình yêu con ủ sẵn bấy lâu, anh bước vội những bước dài và gọi tên con. Tình yêu con của anh, rõ ràng rằng, không chỉ là tình thương ấp ủ mà còn là tình thương bùng cháy. Nhưng anh tiến lên, bé Thu lùi lại. Vết thẹo trên mặt anh Sáu khiến bé hoảng sợ và kêu thét gọi má. Vì con không nhận cha trong lần gặp đầu, anh Sáu quyết dành ba ngày nghỉ để bù đắp tình thương cho con, mong con sớm nhận ra cha. Mọi sự cố gắng của anh, từ việc không nghe gọi ăn cơm đến không chắt nước giúp con, đều hoài công vô ích. Một người cha tội nghiệp! Trong bữa cơm, vì nóng giận nhất thời, anh vung tay đánh bé. Nhưng bé bỏ đi, anh không đuổi theo cũng không trách móc. Có lẽ anh hiểu rằng tình cảm không dễ gì gượng ép. Anh quả là một người cha tế nhị.
Đến lúc chia tay, sợ con lại bỏ chạy, anh Sáu cũng không dám tạm biệt con. Khi bé Thu nhận ra cha, anh mừng trong tiếng khóc. Anh chảy dòng nước mắt hiếm hoi của người lính can trường. Có lẽ anh hạnh phúc trước tình cha con hợp nhất, thiêng liêng.
Anh Sáu trở về chiến khu mang theo lời gửi của con về chiếc lược. Anh ân hận vì đã đánh con, anh mừng vui khi kiếm được khúc ngà. Điều đó làm người đọc thêm cảm động trước tình yêu con sâu đậm của anh. Anh Sáu tỉ mẩn làm chiếc lược ngà. Từ vẻ đẹp của người chiến sĩ miền Nam, anh còn có thêm vẻ đẹp của nghệ sĩ chân chính. Chiếc lược của anh làm ra đẹp và bóng, là sản phảm của sự kì công và tình yêu con gái. Tuy nhiên, anh hi sinh trước khi kịp trao tận tay bé Thu chiếc lược ngà. Tội nghiệp người cha! Anh chỉ kịp nhờ đồng đội – bác Ba, trao tận tay bé Thu chiếc lược. Và khi bác trao cho con anh, tình cha con lại như nảy nở giữa họ. Có lẽ đó là nhờ chiếc lược ngà – kết tinh vẻ đẹp nhân đạo và nhân cách của người lính, người cha; gợi ra những tình cảm thiêng liêng và tuyệt vời. Tuy anh Sáu về với đất mẹ nhưng anh sẽ mãi sống trong lòng chúng ta.
Cùng với anh Sáu ở miền Nam, nhân vật anh thanh niên ở miền Bắc hiện lên với nhiều vẻ đẹp, xứng đáng là biểu trưng của thế hệ trẻ Việt Nam thời chống Mỹ.
Anh thanh niên có vẻ đẹp của sự hòa hợp. Dù sống và làm việc một mình trên đỉnh Yên Sơn chót vót tầng mây, anh luôn hòa mình vào cộng đồng. Chi tiết để lại ấn tượng trong em là việc anh đặt khúc gỗ chắn người đi đường để kết bạn. Anh làm bác lái xe không khỏi ngạc nhiên, và chính em cũng thấy bất ngờ với nhân vật này. Khi đã quen bác lái xe, anh muốn bác kể cho anh nghe về đời sống dưới núi và mua sách hộ mình. Anh thật thà khoe với bác tính “thèm người” của mình. Điều đó cho ta thấy tính hiếu động trong tâm hồn nhân vật cũng như khát vọng sống hòa hợp với cộng đồng của anh.
Anh thanh niên hòa mình vào xã hội với những vẻ đẹp đáng quý. Trước hết, anh là người rất hiếu khách, luôn quan tâm người khác. Anh biết vợ bác lái xe bị ốm nên tặng bác củ sâm mình đào. Chỉ mới lần gặp đầu tiên, anh đã mời cô kĩ sư và ông họa sĩ đến chơi nhà. Anh mời trà, tặng hoa và làn trứng; anh trò chuyện thân mật với họ. Điều đó khiến hai vị khách cảm thấy tự nhiên và yêu mến anh hơn. Bên cạnh đó, anh tỏ ra là người thật thà nhưng rất khiêm tốn. Anh xởi lởi kể cho khách nghe về công việc và đời tư của mình. Vì mến phục, ông họa sĩ muốn vẽ anh song anh cũng tinh tế khước từ. Anh tự hào về kết quả công việc của mình nhưng không tự cao, luôn xem trọng những con người lao động chân chính khác. Điều đó càng tô đẹp thêm những phẩm chất đáng quý ở anh.
Qua cuộc trò chuyện giữa anh với ông họa sĩ và cô kĩ sư, ta thấy anh rất yêu công việc. Sự gắn bó với công việc làm nên vẻ đẹp tự nhiên ở anh. Làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt; thời gian làm việc bận rộn, khó khăn; anh vẫn yêu nghề nhiệt thành và tha thiết. Chính anh cũng khẳng định rằng công việc mang đến niềm vui, làm tan đi sự cô đơn ở Yên Sơn. Anh có chuyên môn sâu và tình yêu với công tác khí tượng. Qua cách nói chuyện và tổ chức cuộc trò chuyện với khách, tính làm việc khoa học và nguyên tắc của anh cũng được thể hiện rõ ràng. Tình yêu và trách nhiệm cao với nghề nghiệp là điều đáng học hỏi ở nhân vật này.
Cùng với tình yêu ấy, anh còn còn có lối sống ngăn nắp, chu đáo và tình yêu sách. Dù sống một mình nơi gió mưa tuyết lạnh, anh vẫn trồng hoa, nuôi gà. Anh có lối sống ngăn nắp đến nỗi bác họa sĩ lão thành cũng không ngờ tới. Bên cạnh đó, anh thanh niên biết cách bồi đắp cho tâm hồn những thứ tốt đẹp. Anh có một tủ sách và đó là kho giải trí của anh. Anh luôn bổ sung vào đó những quyển sách bổ ích và thú vị. Từ đó, em có thể thấy rằng: Anh thanh niên là con người đẹp toàn diện về hình thức lẫn tri thức.
Như vậy, hai nhân vật – anh Sáu và anh thanh niên – có những nét tách biệt. Anh Sáu là chiến sĩ cứu nước ở miền Nam, trong khi anh thanh niên là người lao động đi lên chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Sự khác biệt đó phù hợp với tình cảnh chia cắt Bắc – Nam ở nước ta lúc này. Anh Sáu toát lên vẻ đẹp của người lính, người cha giữa chiến tranh khốc liệt. Hoàn cảnh sống éo le, cay đắng hơn; phù hợp với không khí chiến trường. Anh thanh niên lại có vẻ đẹp của người lao động thời bình. Hoàn cảnh gặp khách bất ngờ, gấp rút; phù hợp với phong thái xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đặc biệt, anh Sáu cùng bé Thu viết nên câu chuyện bất tử về tình cha con bất diệt. Tình cha con của họ hun đúc ngọn lửa chiến đấu và chiến thắng. Mặt khác, anh thanh niên trở thành biểu tượng của thanh niên Việt Nam thời đại mới (nhiệt huyết, yêu nghề, yêu cuộc sống và đất nước). Anh làm sáng lên giá trị to lớn của những công việc lao động thầm lặng mà ý nghĩa.
Hai nhân vật vừa có những vẻ đẹp chung vừa có những nét đẹp riêng biệt. Họ là biểu tượng của thế hệ tiền nhân chống Mỹ yêu nước thương nhà, sống mãi với văn đàn dân tộc. Họ soi sáng cho chúng ta những lối sống và phẩm chất tuyệt vời, cao đẹp. Chúng ta cần gìn giữ và phát huy những vẻ đẹp ấy.
Nguyễn Đức Minh