[Văn mẫu học trò] Một bài thơ hay không bao giờ ta đọc qua một lần mà bỏ xuống được. Ta sẽ dừng tay trên trang giấy đáng lẽ lật đi, và đọc lại bài thơ. Tất cả tâm hồn chúng ta đọc


Đề bài: Trong tiểu luận Tiếng nói của văn nghệ Nguyễn Đình Thi viết :

“Một bài thơ hay không bao giờ ta đọc qua một lần mà bỏ xuống được. Ta sẽ dừng tay trên trang giấy đáng lẽ lật đi, và đọc lại bài thơ. Tất cả tâm hồn chúng ta đọc.”

Hãy làm sáng tỏ nhận định trên bằng một bài thơ đã học trong chương trình ngữ văn lớp 9.

(Ôn thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020)

Dàn ý tham khảo

Bài viết có thể trình bày theo những cách khác nhau nhưng đại thể có các ý cơ bản sau ở phần THÂN BÀI:

A. Giải thích nhận định:

– Bài thơ hay có sự sáng tạo độc đáo về nội dung cũng như hình thức nghệ thuật, khơi gợi tình cảm cao đẹp và tạo được ấn tượng sâu sắc đối với người đọc.

– Bài thơ hay tự nó có sức lôi cuốn kỳ lạ khiến ta không thể chỉ đọc một lần. Thơ hay đánh thức mĩ cảm trong ta khiến ta yêu thích, ngâm ngợi, ta như  được chia sẻ, giãi bày.

– Đọc nhiều lần để khám phá sự phong phú về nội dung tình cảm cũng như chiều sâu ý nghĩa của thơ (nhất là khi bài thơ có nhiều tầng ý nghĩa luôn khiến ta trăn trở, suy nghĩ)

– Đọc thơ không phải chỉ bằng trí tuệ hay cảm xúc, lý trí hay tình cảm, phải đọc bằng tất cả năng lực tinh thần của mình, bằng “tất cả tâm hồn” để cảm và hiểu cái hay cái đẹp của thơ.

Làm sáng tỏ nhận địnhbằng tác phẩm thơ

– Bài thơ được chọn thuộc chương trình Ngữ văn lớp 9 đã dược học.

– Bài thơ thực sự là một tác phẩm văn chương có giá trị.

– Cần làm rõ bài thơ hay ở cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật.

( Phần làm sáng tỏ nhận định phải gắn với ý giải thích ở trên một cách hợp lý)

mot bai tho hay khong bao gio duoc doc mot lan ma bo xuong duoc - [Văn mẫu học trò] Một bài thơ hay không bao giờ ta đọc qua một lần mà bỏ xuống được. Ta sẽ dừng tay trên trang giấy đáng lẽ lật đi, và đọc lại bài thơ. Tất cả tâm hồn chúng ta đọc

Một bài thơ hay không bao giờ ta đọc qua một lần mà bỏ xuống được

Bài văn tham khảo

Thơ ca là một lĩnh vực lớn trong văn chương. Thơ lấy cảm hứng từ cuộc sống rồi lại hình dung ra sự sống mới. Trải qua thăng trầm của lịch sử, thơ ca phát triển rực rỡ và đa dạng. Nhiều bài thơ hay đến nỗi con người không tài nào hiểu và lột tả hết được. Dưới mỗi cách nhìn, mỗi bài thơ có một vẻ đẹp riêng. Song phải xem đi xem lại, xem nhiều, hiểu sâu thì mới thấy hết vẻ đẹp của thơ. Nhận định về điều đó, Nguyễn Đình Thi một lần đã viết:

Một bài thơ hay không bao giờ ta đọc qua một lần mà bỏ xuống được. Ta sẽ dừng tay trên trang giấy đáng lẽ lật đi, và đọc lại bài thơ. Tất cả tâm hồn chúng ta đọc…”

Ý kiến của Nguyễn Đình Thi quả là lời bàn rất hay về việc đọc và cảm thụ thơ. Cụm từ “bài thơ hay” chắc sẽ khiến người đọc phải đặt câu hỏi: “Thơ hay là gì?”. Có phải “Thơ hay là thơ giản dị xúc động” như Tố Hữu từng nói? Nói như Tố Hữu cũng là rất đúng. Thêm vào đó, “thơ hay” ở đây còn là sự kết tinh của nghệ thuật độc đáo và nội dung sâu sắc. Người đọc thơ không tài nào “đọc qua một lần mà bỏ xuống được” có lẽ vì mãnh lực rất lớn của thơ ca. Nó khiến ta “dừng tay trên trang giấy”. Ấy là vì thơ ca chuộng lối nói gợi hình gợi cảm, vận dụng các biện pháp tu từ, ví von,… một cách sắc sảo. Không chỉ độc đáo về nghệ thuật, thơ ca thường truyền tải hàm ý trong nội dung, gợi ra những liên tưởng phong phú. Vì vậy, muốn cảm nhận đầy đủ vẻ đẹp của thơ hay, người đọc phải huy động toàn bộ tri thức và nhận thức (điều mà Nguyễn Đình Thi gọi là “Tất cả tâm hồn chúng ta đọc…”). Ý kiến của Nguyễn Đình Thi đưa ra một phương pháp cảm nhận thơ, tuy gần gũi mà sâu sắc. Nó tô đậm giá trị của những bài thơ đặc sắc. Qua đó, ta thấy việc cảm nhận thơ được rèn luyện qua thời gian, vốn sống và tâm hồn, đồng thời góp phần hoàn thiện bản thân mỗi người.

>> Xem thêm:  Cảnh Thúy Kiều báo oán

Kho tàng văn học Việt Nam đa dạng và phong phú. Nhiều bài thơ hay khiến bao người tốn nhiều công sức mà không sao lột tả được. Trong giai đoạn văn học hiện đại, thơ phát triển rực rỡ về nội dung lẫn nghệ thuật. Đi qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp – Mỹ cứu nước, nhiều bài thơ để lại dấu ấn trên thi đàn, tiêu biểu là bài thơ “Nói với con” của Y Phương.

Y Phương là nhà thơ đồng bào dân tộc Tày. Thơ ông thể hiện tâm hồn mạnh mẽ, chân thực và trong sáng, cách tư duy giàu hình ảnh của người dân tộc miền núi. Mang đậm bản sắc vùng cao, “Nói với con” cũng là một trong những bài thơ làm vang dang Y Phương trên thi đàn. Bài thơ viết vào năm 1980, khi đất nước mới hòa bình nhưng còn gặp nhiều khó khăn, trắc trở. Bài thơ vừa là lời tâm sự, động viên chính mình của tác giả vừa là lời nhắc nhở sâu sắc đến thế hệ con cháu mai sau.

Với hai khổ thơ phóng khoáng, tự do; “Nói với con” viết về sự trưởng thành của người con giữa vòng tay yêu thương của cha mẹ và quê hương. Qua đó, tác phẩm gợi nhắc người con về những truyền thống tốt đẹp của đồng bào, mong muốn con kế tục và phát huy những bản sắc tươi đẹp.

Mở đầu bài thơ, Y Phương gợi nhắc con về cội nguồn sinh dưỡng:

“Chân phải bước tới cha

Chân trái bước tới mẹ

Một bước chạm tiếng nói

Hai bước tới tiếng cười”

Giọng thơ tâm tình, tha thiết khiến người đọc cảm nhận được hơi ấm của một gia đình. Chỉ với hai câu thơ đầu tiên, không khí gia đình quây quần bên nhau đã rất tuyệt. Bằng phép tiểu đối và điệp từ “bước”, nhà thơ khắc họa một cách sinh động từng bước đi của người con. Cha mẹ luôn dõi theo từng bước con đi, dìu dắt và nâng đỡ con. Không khí gia đình thật ấm cúng và hạnh phúc. Những bước đi chập chững đầu tiên, con được cha mẹ trao cho những gì tốt đẹp nhất. Bằng phép ẩn dụ chuyển đổi cảm giác (“Một bước chạm tiếng nói”), nhà thơ cho ta thấy sự sung sướng của người con khi được cha mẹ trao cho “tiếng nói” – nhận thức, hiểu biết đầu tiên của con người. Con còn có niềm vui – “tiếng cười”, sát cánh. “Tiếng cười” ấy không chỉ của riêng con mà còn là của cha mẹ nữa. Có lẽ cha mẹ mỉm cười trên từng bước con đi, lớn khôn và vào đời. Con lớn lên giữa “tiếng nói” và “tiếng cười”, giữa tri giác và cảm giác. Bên cạnh con luôn có “cha” và “mẹ”, một gia đình ấm êm. Điều đó khiến con phải trân quý và gìn giữ gia đình, yêu thương và biết ơn cha mẹ. Ý thơ buộc ta phải “dừng tay trên trang giấy”, bồi hồi xúc ddoognj nhớ về gia đình và cha mẹ. Ta thêm yêu gia đình mình, thêm biết ơn những đấng sinh thành. Nước mắt ứa ra, ta chợt nhớ về những ngày thơ bé; được cha mẹ yêu thương, chiều chuộng. Hành trang của mỗi chúng ta bắt rễ từ gia đình, do cha mẹ vun đắp và xây dựng. Ý thơ hàm súc mà sâu sắc, nó khiến “tâm hồn chúng ta đọc”.

Mỗi người con không chỉ lớn lên trong gia đình mà còn lớn lên giữa vòng tay ôm ấp của quê hương, làng bản. Nhịp nhàng và thiết tha, Y Phương gợi nhắc con:

“Người đồng mình yêu lắm con ơi

Đan lờ cài nan hoa

Vách nhà ken câu hát

Rừng cho hoa

Con đường cho những tấm lòng

Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới

Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời”

Tiếng gọi “người đồng mình” sao mà tha thiết thế! Phải chăng đó là những người quen thuộc, gần gũi (người cùng quê, cùng xóm, cùng làng) quanh con? Đó chính là quê hương của con, một quê hương đẹp bình dị và trù phú. Người miền núi tìm đến vẻ đẹp và niềm vui trong công cuộc lao động – “Đan lờ cài nan hoa”. Họ trang trí cho mái nhà sàn đơn sơ bằng những chất quê mộc mạc – “Vách nhà ken câu hát”. Những người quanh con giản dị mà quá đỗi cao đẹp, thân thương. Thiên nhiên nơi rừng núi bạt ngàn còn tô điểm cho con những sắc màu về vật chất lẫn tinh thần. Những cánh rừng cho “hoa” chính là tặng con vẻ đẹp hình thức giản dị. Con đường không chỉ là lối mòn con đi mà còn mở ra những tấm lòng ôm ấp và chở che. Tất cả những gì quanh con – quê hương của con, tạo điều kiện để con phát triển toàn diện và sung túc. Ngày đầu tiên ươm mầm cho sự sống của con (“ngày cưới” của cha mẹ) luôn được khắc ghi trong lòng đấng sinh thành. Bởi lẽ gia đình và quê hương gắn bó mật thiết với nhau, trao cho con cuộc sống dung dị mà đủ đầy. Ý thơ bồi đắp cho ta tình quê hương và tình dân tộc. Ta yêu mảnh đất mình sinh ra hơn. Tình yêu ấy có thể bắt nguồn từ lòng yêu vách nhà đơn sơ, yêu cánh rừng, yêu con đường… những gì thân thuộc với ta. Ta bỗng chốc nhớ về những vần thơ đậm chất quê và yêu biết mấy nơi mình sinh ra:

>> Xem thêm:  Suy nghĩ về tình cảm cha con trong chiến tranh qua tác phẩm Chiếc lược ngà

“Quê hương là gì hở mẹ

Mà cô giáo dạy phải yêu

Quê hương là gì hở mẹ

Ai đi xa cũng nhớ nhiều?”

(Đỗ Trung Quân)

Để khắc sâu trong lòng con tình yêu quê, Y Phương còn khắc họa chân thực và sinh động những phẩm chất đáng quý của người miền núi. Đó là những truyền thống tốt đẹp được gìn giữ và phát huy qua nhiều thế hệ

Vẫn tiếng gọi thân thiết “người đồng mình”, ngòi bút của Y Phương viết về ý chí mạnh mẽ của đồng bào miền núi:

“Người đồng mình thương lắm con ơi

Cao đo nỗi buồn

Xa nuôi chí lớn”

Nỗi buồn được cụ thể hóa bằng chiều cao, ý chí được khắc họa bằng độ dài. Qua đó, ta thấy đời sống của người miền núi luôn tràn ngập nỗi buồn. Tuy nhiên, họ mãi vững tin, kiên cường vượt qua. Nhịp thơ nhanh, gấp rút góp phần nhấn mạnh sức sống bền bỉ và lòng kiên trì của người miền núi. Tâm hồn chúng ta cảm nhận rõ ý chí phi thường của họ. Tuy khác biệt về văn hóa nhưng ta tự nhủ sẽ học hỏi và rèn luyện ý chí như đồng bào vùng cao. Cảm ơn Y Phương! Những vần thơ súc tích gửi gắm nhiều điều bổ ích nơi “tâm hồn” người đọc.

Bằng những hình ảnh và tình cảm chân thật, Y Phương còn khắc họa thành công lối sống ân nghĩa thủy chung và nghị lực lớn lao của đồng bào miền núi:

“Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn

Sống trên đá không chê đá gập ghềnh

Sống trong thung không chê thung nghèo đói

Sống như sông như suối

Lên thác xuống ghềnh

Không lo cực nhọc”

Giữa rừng núi bạt ngàn, biết bao khó khăn chờ đợi “người đồng mình”: “gập ghềnh”, “nghèo đói”. Tuy nhiên, những trở ngại tầm thường đó không khiến người dân xiêu lòng, nhụt chí. Họ đứng lên, thủy chung và vững vàng. Điệp từ “sống”, “không chê” lặp lại nhiều lần thể hiện sự gắn bó, lòng thủy chung với đất mẹ thân thương. Người miền núi không ruồng bỏ quê hương cho dù nó là nơi đất cằn sỏi đá. Lối sống ân nghĩa ân nghĩa thủy chung của họ thực sự là nét văn hóa đẹp. Họ có lối sống khỏe khoắn tựa dòng sông, khe suối êm đềm lướt nhẹ nhưng cũng cứng rắn, chai lì trước khó khăn. Điều đó thể hiện qua phép so sánh “Sống như sông như suối” và câu khẳng định “Lên thác xuống ghềnh/ Không lo cực nhọc”. Thiết tha mà cũng vô cùng sâu lắng, Y Phương khơi dậy nơi người đọc sự gắn bó và tình yêu quê mãnh liệt. Ngày nay, khi xu hướng hội nhập và phát triển đang được đẩy mạnh, người Việt nam càng cần gắn bó với nước nhà hơn. Ta chu du nhiều nơi để tiếp cận nhiều nền văn hóa nhưng luôn trở về gắn bó với quê hương. Bởi lẻ nơi đó có những người ta thương và những nghị lực phi thường ta vốn có. Đoạn thơ tuyệt hay khơi dậy nơi người đọc nhiều suy ngẫm, buộc người đọc phải sử dụng cả “tâm hồn” để cảm thụ.

Bên cạnh những nghị lực phi thường, “người đồng mình” còn có lòng tự trọng sâu sắc. Điều đó làm bổi bật tình yêu quê hương đất nước của họ. Vẫn giọng thơ khỏe khoắn và phóng túng, Y Phương viết về điều đó:

>> Xem thêm:  Hãy phân tích những đặc sắc trong nghệ thuật sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các biện pháp tu tù ở đoạn thơ sau trong bài thơ Nhớ con sông quê hương của Tế Hanh

“Người đồng mình thô sơ da thịt

Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con

Người đồng mình tự đúc đá kê cao quê hương

Còn quê hương thì làm phong tục.”

 Người miền núi luôn mang những nét thô sơ, giản dị về ngoại hình. Song vẻ  bên ngoài không khắc họa chính xác nội tâm của họ. Họ thô ráp nhưng kiên cường, tự trọng và rất đỗi lớn lao. Người miền núi bản lĩnh và anh hùng. Có lẽ con còn quá nhỏ để hiểu hết những điều xa vời đó nên y Phương chỉ thủ thỉ tâm tình riêng với con: “Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con”. Ông nhận thức lòng tự trọng sục sôi trong dân tộc mình và ông cũng là một người cha tinh tế, thương con. Y Phương còn khắc họa công cuộc lao động, xây nhà vệ nước của đồng bào miền núi. Hình ảnh “tự đục đá kê cao quê hương” có thể là hình ảnh thực của người dân khai hoang lập ấp song cũng có thể là ẩn dụ cho khát khao xây dựng quê hương giàu mạnh, vững bền. Khát khao đó bắt nguồn từ quê hương (điều mà Y Phương cho là “phong tục”). Việc xây dựng quê hương tươi đẹp không phải ngẫu hứng và tùy tiện. Công cuộc ấy phải bám sát với văn hóa, phong tục của quê hương – những bản sắc đích thực và trường tồn. Trong thời đại mới, người Việt cần học tập lời gửi gắm của Y Phương. Chúng ta gìn giữ những truyền thống tốt đẹp của dân tộc đồng thời du nhập nét đẹp văn hóa từ các nước bạn. Ta không tỏ ra thua kém một ngoại quốc nào, ta giao lưu và cùng nhau phát triển. Ý thơ của Y Phương là một điểm nhấn hay và khái quát, in đậm trong “tâm hồn” bất kì ai yêu quê.

Qua những nét bút chân thực mà vô cùng sinh động, Y Phương khắc họa thành công vẻ đẹp của đồng bào miền núi. Ông muốn con mình thấy rõ những giá trị đẹp đẽ của “người đồng mình” mà tự hào và nỗ lực phấn đấu, phát huy. Cuối cùng, ông nghĩ về tương lai xa mà âu yếm dặn con:

“Con ơi tuy thô sơ da thịt

Lên đường

Không bao giờ nhỏ bé được

Nghe con.”

Qua những lời dặn đầy tình thương và đậm tính khẩu ngữ (“Nghe con”), Y Phương thể hiện mình là một người cha mộc mạc, yêu con sâu sắc. Ông mong muốn con hội nhập vào những nền văn hóa mới song cũng khuyên con phải gìn giữ cốt cách của cha anh, đặc biệt là lòng tự trọng và bản lĩnh anh hùng của “người đồng mình”. Có thể nói “Nói với con” là hành trang vào đời tuyệt vời mà Y Phương tặng cho con, cho thế hệ bạn đọc trẻ tuổi, trẻ lòng. Giọng thơ trầm ấm, gần gũi như lời nói của một người cha sẽ vang mãi trong tâm hồn độc giả. Người đọc khó có thể “lật đi” trang thơ ấy, đem cả “tâm hồn” mình để đọc và cảm nhận cho đến khi bài thơ phát sáng, làm rung lên một cung bậc trong tâm hồn.

“Nói với con” của Y Phương quả là một bài thơ tuyệt hay. Bài thơ vận dụng thể thơ tự do phóng khoáng làm cho cảm xúc cụ thể, rõ ràng. Giọng thơ trìu mến, thiết tha. Ngôn ngữ thơ cụ thể, hàm súc. Điều đó quyện hòa với những hình ảnh độc đáo, sinh động mang đậm bản sắc thơ ca miền núi. Qua đó, bài thơ thể hiện tình cảm gia đình ấm cúng, ca ngợi truyền thống, niềm tự hào về quê hương, dân tộc. Đối với mỗi người đọc nói riêng, “Nói với con” giúp ta hiểu thêm về vẻ đẹp tâm hồn của dân tộc Tày, gợi nhắc tình cảm đẹp đẽ với quê hương và ý chí vươn lên trong cuộc sống.

“Nói với con” là một bài thơ hay, góp phần làm sáng tỏ ý kiến rất đúng của Nguyễn Đình Thi, Nó sống mãi với thời gian, sống mãi trong lòng bạn đọc.  Thời đại mới mang đến những bài thơ mới, tuyệt vời và đặc sắc. Điều đó thôi thúc chúng ta tìm đọc chúng, để “tâm hồn chúng ta” mãi mãi được “đọc”.

Nguyễn Đức Minh

Bài viết liên quan