[Văn mẫu học trò] Nghị luận về phương châm Học đi đôi với hành
[Văn mẫu học trò] Nghị luận về phương châm Học đi đôi với hành
Dàn ý chi tiết
1. Mở bài:
“ Sự học là chìa khóa mở mọi kho tàng”. Chỉ có cách học đúng đắn là kết hợp hài hoà giữa “ học” và “ hành” mới có thể giúp con người chinh phục mọi kho tàng.
2. Thân bài:
2.1 Giải thích:
– “ Học” là tiếp thu tri thức, học tập theo lí thuyết và những kiến thức đã có sẵn trong sách vở, hoặc được thầy cô truyền thụ nhằm kiện toàn tri thức cho mình.
– “ Hành” là thực hành, thực hiện, áp dụng những tri thức đã học để vận dụng vào xử lý các vấn đề trong cuộc sống nhằm kiện toàn về kĩ năng, phát huy sức mạnh của tri thức.
– Giữa “ học” và “ hành” có mối quan hệ mật thiết và sẽ là một cách học hiệu quả khi ta kết hợp đúng đắn cả “ học” và “ hành”.
2.2 Lợi ích của “ học” và “ hành”:
– “ Học” giúp nắm vững được kiến thức, giúp có cơ sở lí thuyết để vượt qua các kì thi, có đủ trí tuệ để nhận biết vấn đề và mang đến cho ta được mở mang tầm hiểu biết. Học tốt về lí thuyết, chúng ta luôn tự tin mình là người có học thức, biết suy nghĩ và có một chỗ đứng nhất định trong trường lớp, xã hội.
– “ Hành” ta thành thạo công việc, không bị lúng túng khi làm việc và xử lý một cách tốt nhất các vấn đề trong cuộc sống. Thực hành mang đến cho người ta kĩ năng và kinh nghiệm để mở ra nhiều hơn cơ hội.
2.3 Cần phải học đi đôi với hành:
– “Học” mà không “hành” thì chỉ nắm vững lí thuyết nhưng thiếu kĩ năng, thiếu kinh nghiệm thực tế, làm việc dễ thất bại, trở thành người vô dụng, có thể khiến đất nước trở nên tàn bại.
– “Hành” mà không “học”: có kĩ năng, kinh nghiệm thực tế còn hiểu biết, lí thuyết lại không có nên dễ mắc sai lầm trong công việc, gây tổn thất cho chính mình lẫn những người xung quanh.
– Vừa “học” vừa “hành”:
+ Nắm vững lí thuyết cùng kĩ năng vững vàng, từ đó hình thành kinh nghiệm thực tế, giúp ta ít sai sót, dễ hoàn thành công việc và thành công trong cuộc sống.
+ Giúp ta có thêm nhiều hiểu biết để hoàn thiện đồng thời hạn chế được sai lầm, thiệt hại, tránh làm cho bản thân và mọi người bị tổn thất.
+Tạo ra giá trị giúp cuộc sống con người phát triển, là động lực giúp xã hội ổn định và tiến bộ.
2.4 Cách kết hợp học và hành:
– Học một cách bài bản, kĩ lưỡng để nắm vững tri thức. Từ nắm vững tri thức, ta mới có thể thấu hiểu lí lẽ và áp dụng nó để hành động đúng đắn, làm việc được trôi chảy.
– Biết chọn lọc, kiểm nghiệm tri thức, rút kết kinh nghiệm cho bản thân, có lựa chọn đúng đắn sáng suốt nhất và phải học tập, suy nghĩ kĩ càng trước khi bắt đầu công việc.
– Biết phân biệt lẽ đúng sai, phải trái, đề cao cái tốt, xa rời cái xấu để giữ gìn đạo đức và truyền thống học tập, mang tri thức và hành động cụ thể phục vụ cái tốt, cái đẹp, phục vụ chính con người, vì con người.
3. Kết bài:
“ Học đi đôi với hành” là câu nói đúng với muôn đời. Nhiệm vụ của chúng ta hôm nay chính là tạo ra các giá trị mới mẻ và tiến bộ, đưa đất nước đi lên phía trước bằng cách bắt đầu học tập kết hợp hài hòa với thực hành.
Nghị luận về phương châm Học đi đôi với hành
Bài văn tham khảo
“ Sự học là chìa khóa mở mọi kho tàng”. Con người biết học tập sẽ có thể bay đến chinh phục mọi chân trời tri thức, khám phá mọi bí ẩn của thế giới và đạt được thành công đích thực. Thế nhưng, sự học là con đường đầy thử thách và để thành công cần có một cách học tập đúng đắn. Cách học tập đúng đắn đó là kết hợp hài hoà giữa “ học” và “ hành”.
“ Học” ở đây nghĩa là tiếp thu tri thức, là học tập theo lí thuyết và những kiến thức đã có sẵn trong sách vở, hoặc được thầy cô truyền thụ. Hằng ngày đến trường, thứ học sinh học chính là học theo cách học lí thuyết đã có sẵn này nhằm kiện toàn tri thức cho mình. Còn “ hành” nghĩa là thực hành, là thực hiện, áp dụng những tri thức đã học để vận dụng vào xử lý các vấn đề trong cuộc sống. “ Hành” thực chất là quá trình biến lí thuyết thành hành động cụ thể nhằm hoàn thiện một kĩ năng hoặc hoàn thành một công việc nhằm kiện toàn về kĩ năng, phát huy sức mạnh của tri thức. Giữa “ học” và “ hành” có mối quan hệ mật thiết và sẽ là một cách học hiệu quả khi ta kết hợp đúng đắn cả “ học” và “ hành”.
Việc “ học” và “ hành” đều mang đến cho người học những lợi ích nhất định. “ Học” giúp ta nắm vững được kiến thức, giúp ta có cơ sở lí thuyết để vượt qua các kì thi, có đủ trí tuệ để nhận biết vấn đề và mang đến cho ta được mở mang tầm hiểu biết. Học tốt về lí thuyết, chúng ta luôn tự tin mình là người có học thức, biết suy nghĩ và có một chỗ đứng nhất định trong trường lớp, xã hội. Nếu không “ học” sẽ không có những nhân tài, những tên tuổi như Newton, giáo sư toán học Ngô Bảo Châu hay các thủ khoa đại học với số điểm hai chín gần ba mươi như Ngô Thu Hà, Vũ Đức Anh,…
Không chỉ “ học” mà việc “ hành” cũng mang đến cho ta nhiều lợi ích. Thực hành giúp ta thành thạo công việc, giúp ta không bị lúng túng khi làm việc, giúp ta xử lý một cách tốt nhất các vấn đề trong cuộc sống. Thực hành mang đến cho người ta kĩ năng và kinh nghiệm để mở ra nhiều hơn cơ hội. Thử hỏi khi đến một công ty xin việc, câu đầu tiên họ hỏi bạn sẽ là bạn đã có kinh nghiệm gì hay bạn đã học được kiến thức gì?
Tuy nhiên, mấy ai biết rằng, mục đích của việc học là học để làm người tốt đẹp, có nhân cách cao thượng; học để biết phân biệt lẽ đúng sai; học để giữ gìn kỉ cương và đạo lí ở đời. Nghĩa là phải biến những điều đã học được thành hành động cụ thể để tạo ra một hiệu quả nhất định. Vậy tất nhiên, học phải đi đôi với hành.
Học phải đi đôi với hành bởi lẽ, nếu “học” mà không “hành” thì chỉ nắm vững lí thuyết nhưng thiếu kĩ năng, thiếu kinh nghiệm thực tế, làm việc dễ thất bại, trở thành người vô dụng. Phần lớn học sinh bây giờ chỉ biết” học” mà không có thực hành khi ra trường thiếu kinh nghiệm thực tế nên làm việc luôn thất bại. Một đất nước có nhiều người hay chữ, đó là điều tốt giúp giữ gìn truyền thống hiếu học của dân tộc nhưng, nó không chân thực, thiếu sức mạnh xây dựng để cải biến làm cho xã hội tốt hơn, thậm chí có thể khiến đất nước ấy trở nên tàn bại. Đồng thời, nếu “hành” mà không “học” thì chỉ có kĩ năng, kinh nghiệm thực tế còn hiểu biết, lí thuyết lại không có nên dễ mắc sai lầm trong công việc, gây tổn thất cho chính mình lẫn những người xung quanh. La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp từng viết: “Cứ theo điều học mà làm”. Vì vậy, khi làm việc, chúng ta luôn phải vận dụng những điều đã học để đảm bảo đúng đắn, chính xác, không sai lệch của công việc.
Khi chúng ta vừa “học” vừa “hành”, ta sẽ nắm vững lí thuyết cùng kĩ năng vững vàng, từ đó hình thành kinh nghiệm thực tế, giúp ta ít sai sót, dễ hoàn thành công việc và thành công trong cuộc sống. Nắm rõ và nắm đúng cơ chế hoạt động, thành phần cấu tạo, chức năng hay tính chất công việc sẽ giúp ta vận dụng vào thực tiễn một cách đúng đắn, giúp chính mình có thêm nhiều hiểu biết để hoàn thiện đồng thời hạn chế được sai lầm, thiệt hại, tránh làm cho bản thân và mọi người bị tổn thất. Không chỉ vậy, khi ta biến sự thông hiểu thành hành động hữu ích sẽ tạo ra giá trị giúp cuộc sống con người phát triển, là động lực giúp xã hội ổn định và tiến bộ. Hành động là hệ quả không thể khác của việc thông hiểu lí thuyết.
“ Học” và “hành” thực chất là một quá trình không thể tách rời. Con người muốn bước đến cái đích là thành công cần kết hợp chặt chẽ giữa “học” và “hành”. Để làm được điều đó, trước tiên ta cần học một cách bài bản, kĩ lưỡng để nắm vững tri thức. Từ nắm vững tri thức, ta mới có thể thấu hiểu lí lẽ và áp dụng nó để hành động đúng đắn, làm việc được trôi chảy. Quan trọng, tri thức nhiều và chưa hẳn đúng, ta cần biết chọn lọc, kiểm nghiệm tri thức, rút kết kinh nghiệm cho bản thân, có lựa chọn đúng đắn sáng suốt nhất và phải học tập, suy nghĩ kĩ càng trước khi bắt đầu công việc. Hơn hết, mỗi người cần biết phân biệt lẽ đúng sai, phải trái, đề cao cái tốt, xa rời cái xấu để giữ gìn đạo đức và truyền thống học tập, mang tri thức và hành động cụ thể phục vụ cái tốt, cái đẹp, phục vụ chính con người, vì con người.
“ Học đi đôi với hành” là câu nói đúng với muôn đời. Nhiệm vụ của chúng ta hôm nay chính là tạo ra các giá trị mới mẻ và tiến bộ, đưa đất nước đi lên phía trước bằng cách bắt đầu học tập kết hợp hài hòa với thực hành.
Bùi Thị Chung