[Văn mẫu học trò] Phân tích bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh


[Văn mẫu học trò] Phân tích bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh

Dàn ý chi tiết

1. Mở bài:

Giới thiệu tác phẩm Chiều tối của Hồ Chí Minh.

2. Thân bài:

2.1. Tác phẩm:

Tác phẩm “ Chiều tối” thuộc tập thơ “ Nhật ký trong tù” được Bác Hồ sáng tác trong khoảng thời gian sống trong cảnh ngục tù thiếu thốn, khổ cực, phải trải qua 30 nhà tù đi qua 13 huyện thuộc Quảng Tây, Trung Quốc.

2.2. Phân tích:

Hai câu đầu:

+ hình ảnh cánh chim mỏi và đám mây trôi đã làm nên một bức tiểu hoạ về cảnh thiên nhiên vùng sơn cước ở thời điểm chiều tối.

+ hình ảnh cánh chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ vừa gợi ra ý niệm về thời gian đậm nét cổ điển, vừa rất hiện đại vì cánh chim được nhìn nhận rất sâu ở trạng thái bên trong – cánh chim mỏi mệt.

+ Không chỉ có cánh chim mỏi, hình ảnh đám mây trôi cũng góp phần làm nên nét cổ điển và hiện đại hài hòa thống nhất cho bài thơ.

– Hai câu cuối:

+ hình ảnh thiếu nữ miền sơn cước trở thành điểm sáng của bức tranh, là trung tâm của cảnh vật.  Công việc của cô gái, ngọn lửa hồng của hòn than và nhiệt huyết của tuổi trẻ đã làm bừng sáng và sưởi ấm cả không gian. Khung cảnh ấy dễ mang lại cho người đi đường nhất là người tù hơi ấm của sự sống, của niềm vui, của hạnh phúc bình dị.

+ Phép điệp vòng “ ma bao túc” – “ ma túc bao hoàn” tạo nên sự nối âm liên hoàn, nhịp nhàng như vừa diễn tả vòng quay không dứt của động tác xay ngô vừa thể hiện vòng lưu chuyển của thời gian từ chiều đến tối.

+ chữ “ hồng” giúp người đọc hình dung ra bóng tối đang dần buông xuống xóm núi. Trời tối, người đi mới nhìn thấy ánh lửa rực hồng đến thế. Một chữ “ hồng” ấy đã trở thành nhãn tự của cả bài thơ.

=> cách nhìn tràn đầy lạc quan, yêu đời, thể hiện một tâm hồn luôn hướng về phía ánh sáng, sự sống ở nhà thơ – chiến sĩ Hồ Chí Minh.

3. Kết bài:

– Nghệ thuật: âm hưởng Đường thi thâm đượm qua đề tài, thi liệu đến bút pháp chấm phá ước lệ, dấu ấn hiện đại trong hình ảnh tả thực, dân dã, đời thường, hình ảnh có sức gợi tả, gợi cảm…

>> Xem thêm:  Bình giảng khổ thơ đầu trong bài "Đây mùa thu tới" của Xuân Diệu: Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang, Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng, Đây mùa thu tới, mùa thu tới, Với áo mơ phai dệt lá vàng

– bài thơ “ Chiều tối” nói riêng và tập thơ “ Nhật ký trong tù” trở thành tác phẩm thơ “ vượt ra ngoài mọi thứ quy luật của văn chương truyền thống, là thứ thơ của một người đứng trên quyền lực văn chương”.

phan tich bai tho chieu toi - [Văn mẫu học trò] Phân tích bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh

Phân tích bài thơ Chiều tối

Làm bài

“ Bác Hồ, nhìn từ xa thấy dáng đi thật ung dung, nhàn nhã. Nhưng khi tiếp cận và đi cùng Người, nhiều khi chạy gần mới theo kịp” ( đồng chí Trần Độ). Có được điều đó bởi lẽ, thơ Bác vừa là ngòi bút phương Tây sắc sảo, vừa là áng thơ chữ Hán đậm đà mầu sắc Đường thi. Hai yếu tố đó, cái tôi cổ điển và cái tôi hiện đại thống nhất hài hòa trong một phong cách thơ phong phú, độc đáo đã thể hiện rõ qua tác phẩm “ Chiều tối”.

Tác phẩm “ Chiều tối” thuộc tập thơ “ Nhật ký trong tù” được Bác Hồ sáng tác trong khoảng thời gian sống trong cảnh ngục tù thiếu thốn, khổ cực, phải trải qua 30 nhà tù đi qua 13 huyện thuộc Quảng Tây, Trung Quốc. Tập thơ tái hiện bộ mặt đen tối của nhà tù Tưởng Giới Thạch nói riêng và những bất công ngang trái của xã hội Trung Quốc nói chung; đồng thời, là một bức chân dung tự họa thấm đượm bản lĩnh, ý chí, niềm tin vào cuộc đời, vào tương lai cùng tấm lòng yêu Bác dành cho thiên nhiên, cho con người. Cụ thể trong bài thơ “ Chiều tối”, người đọc không khó để nhận ra tác giả đã dành cho thiên nhiên một vị trí thật đặc biệt:

“ Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ

Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không.”

( Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ

Cô vân mạn mạn độ thiên không.)

Qua hai nét vẽ hình ảnh cánh chim mỏi và đám mây trôi đã làm nên một bức tiểu hoạ về cảnh thiên nhiên vùng sơn cước ở thời điểm chiều tối. Buổi chiều, đó là quãng thời gian của những tâm hồn đa cảm đa sầu, dù là miền sơn cước hay chốn chương đài đều thấm thía một nỗi buồn thê lương. Giữa không gian man mác nỗi buồn, xuất hiện hình ảnh cánh chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ vừa gợi ra ý niệm về thời gian đậm nét cổ điển, vừa là nét vẽ khắc họa không gian. Tuy vậy, ý thơ vẫn rất hiện đại vì cánh chim được nhìn nhận rất sâu ở trạng thái bên trong – cánh chim mỏi mệt. Có thể thấy một sự gần gũi tương đồng giữa cánh chim mỏi mệt sau một ngày kiếm ăn với một người tù đã thấm mệt sau một ngày vất vả lê bước đường trường. Bởi vậy, ngoại cảnh cũng chính là tâm cảnh.

>> Xem thêm:  MS104 - Viết về mẹ kính yêu

Không chỉ có cánh chim mỏi, hình ảnh đám mây trôi cũng góp phần làm nên nét cổ điển hài hòa thống nhất cho bài thơ:

“ Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không”

( Cô vân mạn mạn độ thiên không.)

Mây vẫn là một thi liệu quen thuộc gợi ra sự vĩnh viễn, phiêu du và mang theo cái khắc khoải mơ hồ của con người trước hư không. Chòm mây như một sinh thể có tâm trạng, tâm trạng cô đơn trong lẻ loi, trong cô độc, là sự băn khoăn trăn trở về tương lai mịt mùng phía trước của người tù nơi đất khách. Chính vì là sản phẩm của bút pháp hiện đại, chòm mây đã hoá thi nhân trong nỗi buồn thấm thía cái xa vắng mênh mông của núi rừng hẻo lánh đang bị bóng tối dần bao phủ.

Tuy nhiên, bức tranh chiều tối không buồn, thê lương ảm đạm mà tràn đầy sức sống ấm áp tươi sáng, từ nỗi buồn thương đến niềm tin vui thể hiện một hồn thơ luôn hướng về ánh sáng. Do đó, không tự nhiên bài thơ kết thúc bằng hình ảnh con người trong ánh sáng rực rỡ:

“ Cô em xóm núi xay ngô tối

Xay hết lò than đã rực hồng.”

( Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc

Ma túc bao hoàn lô dĩ hồng.)

Giữa núi rừng mênh mông hiện lên hình ảnh thiếu nữ miền sơn cước trở thành điểm sáng của bức tranh, là trung tâm của cảnh vật. Thiên nhiên không còn là tâm điểm, con người không còn là tiểu vũ trụ lọt thỏm giữa đại vũ trụ núi non, sông nước hùng vĩ. Công việc của cô gái, ngọn lửa hồng của hòn than và nhiệt huyết của tuổi trẻ đã làm bừng sáng và sưởi ấm cả không gian. Khung cảnh ấy dễ mang lại cho người đi đường nhất là người tù hơi ấm của sự sống, của niềm vui, của hạnh phúc bình dị.

>> Xem thêm:  Bàn về truyện ngắn, có người cho rằng: "Yếu tố (...) chưa nói hết". (Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục, 1992, tr.253). Anh chị hiểu thế nào về ý kiến trên đây và hãy chứng minh ý kiến ấy qua sự phân tích một số truyện ngắn tiêu biểu

Phép điệp vòng “ ma bao túc” – “ ma túc bao hoàn” đã tạo nên sự nối âm liên hoàn, nhịp nhàng như vừa diễn tả vòng quay không dứt của động tác xay ngô vừa thể hiện vòng lưu chuyển của thời gian từ chiều đến tối. Mặt khác, chữ “ hồng” cũng giúp người đọc hình dung ra bóng tối đang dần buông xuống xóm núi. Trời tối, người đi mới nhìn thấy ánh lửa rực hồng đến thế. Một chữ “ hồng” ấy đã trở thành nhãn tự của cả bài thơ.

Bài thơ “ Chiều tối” có sự vận động thật khỏe khoắn, bất ngờ: từ ánh sáng chiều tối âm u đến ánh lửa rực hồng ấm áp, từ sự mệt mỏi đến khoẻ khoắn, từ nỗi buồn đến niềm vui. Sự vận động này cho thấy cách nhìn tràn đầy lạc quan, yêu đời, thể hiện một tâm hồn luôn hướng về phía ánh sáng, sự sống ở nhà thơ – chiến sĩ Hồ Chí Minh. Đó cũng là chất thép, chất tình trong thơ Bác:

“ Nay ở trong thơ nên có thép

Nhà thơ cũng phải biết xung phong.”

Trong tác phẩm “ Chiều tối”, âm hưởng Đường thi thâm đượm qua đề tài, thi liệu đến bút pháp chấm phá ước lệ tạo nên nét cổ điển đồng thời, bài thơ vừa đậm dấu ấn hiện đại trong từng hình ảnh tả thực, dân dã, đời thường đưa con người trở thành trung tâm của thiên nhiên,vũ trụ rộng lớn,… Cùng với đó, sự cô đọng, hàm súc trong thể thơ tứ tuyệt; những hình ảnh có sức gợi tả, gợi cảm “ quyện điểu”, “ cô vân”, “ lô dĩ hồng”,…đã góp phần làm nên bài thơ “ Chiều tối” nói riêng và tập thơ “ Nhật ký trong tù” trở thành tác phẩm thơ “ vượt ra ngoài mọi thứ quy luật của văn chương truyền thống, là thứ thơ của một người đứng trên quyền lực văn chương”.

Bùi Thị Chung

Bài viết liên quan