[Văn mẫu học trò] Phân tích bài thơ Tôi yêu em của Puskin


[Văn mẫu học trò] Phân tích bài thơ Tôi yêu em của Puskin

Dàn ý chi tiết

1. Mở bài

Giới thiệu bài thơ Tôi yêu em là bài thơ tình nổi tiếng của Puskin.

2. Thân bài

2.1. Tác giả

– Puskin (1799 – 1837) là một nhà thơ đã có nhiều đóng góp lớn lao cho sự phát triển của nền văn học Nga và thế giới nửa đầu thế kỉ XIX.

– Những sáng tác của Pu-skin là thể hiện của một tâm hồn Nga đôn hậu, trong sáng với khao khát tự do và tình yêu.

+ tình yêu chính là nguồn cảm hứng mạnh mẽ, bất tận trong thơ Pu-skin.

2.2. Phân tích

– Tôi yêu em là lời từ giã của một mối tình đơn phương vô vọng được giãi bày, thổ lộ, bộc bạch bằng một trái tim yêu luôn sôi nổi, nồng nàn.

– Hai câu thơ đầu là lời khẳng định một tình yêu cuồng nhiệt, cháy bỏng như một ngọn lửa tình dù qua bao thời gian cũng chưa hẳn đã tàn phai.

– Đến hai câu tiếp theo, mạch thơ như đứt đoạn bởi từ “ nhưng” ở đầu câu. Tôi yêu em nhưng đó chỉ là mối tình đơn phương, mối tình không có sự đáp trả.

– Các cung bậc của tình yêu: âm thầm, tuyệt vọng, rụt rè, hậm hực lòng ghen.

– hai câu thơ cuối, cảm xúc như được giải tỏa bởi tình yêu cao thượng, chân thành. Nhân vật trữ tình cầu chúc cho em hãy yêu người yêu em chân thành, đằm thắm nhất, mãnh liệt nhất, “như tôi đã yêu em”. Lời cầu chúc tế nhị thay cho lời vĩnh biệt một tình yêu không thành ẩn chứa sự tự tin và niềm kiêu hãnh. Có thể sẽ chẳng có người nào yêu em chân thành, đằm thắm như tôi đã yêu em. Cũng có thể tôi và em, chúng ta đã để mất một tình yêu quý giá chẳng thể tìm lại được bao giờ.

3. Kết bài:

Tôi yêu em phảng phất nỗi buồn của mối tình đơn phương nhưng là nỗi buồn trong sáng của một tâm hồn yêu đương chân thành, mãnh liệt, nhân hậu, vị tha. Bài thơ dạy cho người ta biết yêu một cách cao đẹp. Đây cũng chính là giá trị nhân văn cao cả mà tác giả muốn hướng đến làm cho tác phẩm sống mãi với thời gian.

>> Xem thêm:  Phân tích nghệ thuật sử dụng từ ngữ trong Câu cá mùa thu

phan tich toi yeu emm - [Văn mẫu học trò] Phân tích bài thơ Tôi yêu em của Puskin

Phân tích bài thơ Tôi yêu em

Làm bài

Thơ là thư ký trung thành của trái tim, là điểm tựa của cảm xúc, là nơi kí thác những rung cảm chân thật nhất của người nghệ sĩ. Thơ ca do đó bộc lộ con người với vẻ đẹp và tình cảm ban sơ trong sáng nhất, đặc biệt là tình yêu. Tình yêu ấy là tình yêu cuộc sống, yêu con người, cũng là tình yêu đơn phương say mê cuồng nhiệt mà Puskin đã nói hộ tất cả những trái tim thầm lặng trong bài thơ tình nổi tiếng “ Tôi yêu em”.

Puskin (1799 – 1837) là một nhà thơ đã có nhiều đóng góp lớn lao cho sự phát triển của nền văn học Nga và thế giới nửa đầu thế kỉ XIX. Những sáng tác của Pu-skin là thể hiện của một tâm hồn Nga đôn hậu, trong sáng với khao khát tự do và tình yêu. Thực chất tình yêu chính là nguồn cảm hứng mạnh mẽ, bất tận trong thơ Pu-skin. Ông viết về tình yêu như một sự thôi thúc, khám phá với những cung bậc tình cảm đa dạng, những sắc thái cảm xúc phong phú, những rung động thầm kín của con tim, những ấn tượng khó nắm bắt của tình yêu con người được diễn tả vô cùng chân thực. Sức hấp dẫn tuyệt vời trong thơ tình yêu của Pu-skin chính là sự chân thành, cao thượng được thể hiện bằng nghệ thuật ngôn từ điêu luyện. Tôi yêu em là bài thơ thể hiện thành công điều đó.

Tôi yêu em là lời từ giã của một mối tình đơn phương vô vọng được giãi bày, thổ lộ, bộc bạch bằng một trái tim yêu luôn sôi nổi, nồng nàn. Bài thơ hấp dẫn người đọc không phải bằng ngôn từ cầu kì, trau chuốt mà là bằng tình cảm chân thành, xúc động, giống như những đợt sóng lúc sôi nổi dạt dào, lúc dịu êm, sầu lắng. Làn sóng ấy dạt vào tâm hồn người đọc đầu tiên qua điệp khúc “ tôi yêu em” như một cách khẳng định không chút hồ nghi, băn khoăn, do dự, vừa là một sự thú nhận với tất cả sự chân thành thốt lên tự đáy lòng về khát vọng cháy bỏng của một trái tim yêu muốn được đáp lại:

Tôi yêu em: đến nay chừng có thể

Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai;

Nhưng không để em bận lòng thêm nữa,

Hay hồn em phải gợn bóng u hoài.

Hai câu thơ đầu là lời khẳng định một tình yêu cuồng nhiệt, cháy bỏng như một ngọn lửa tình dù qua bao thời gian cũng chưa hẳn đã tàn phai. Trong trái tim thi sĩ, hình bóng người con gái ấy không dễ phai mờ và tình yêu dành cho em chưa hẳn đã tàn phai bởi ngọn lửa si mê vẫn âm ỉ cháy. Đến hai câu tiếp theo, mạch thơ như đứt đoạn bởi một từ “ nhưng” ở đầu câu. Tôi yêu em nhưng đó chỉ là mối tình đơn phương, mối tình không có sự đáp trả. Cố quên đi nhưng lại càng nhớ. Lí trí cố kìm nén nhưng cũng không chế ngự được con tim. Tình yêu của anh không mang đến cho em hạnh phúc mà chỉ là những bận lòng và u hoài. Do đó tôi yêu em tha thiết, nồng nàn nên không muốn em phải bận lòng thêm nữa  dù cho tôi có khổ đau giằng xé:

Tôi yêu em âm thầm, không hi vọng,

Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen,

Câu thơ tiếp tục mở đầu bằng cụm từ “ tôi yêu em” là sự cô đặc của nỗi đau khổ âm thầm, niềm tuyệt vọng, sự rụt rè lẫn hậm hực lòng ghen. Qua hai câu thơ, nhân vật trữ tình đã chân thành giãi bày tất cả những yếu đuối, bất lực, những góc khuất của tâm hồn – một tâm hồn yêu đương cháy bỏng trong âm thầm, cuồng nhiệt trong vô vọng, đắm đuối đến bối rối, âu lo, thắc thỏm; một tâm hồn vật vã trăn trở, day dứt, không biết đến sự nhẹ nhõm, an bình, thanh thản. Anh yêu âm thầm, không hi vọng nhưng là tình yêu chân thành, không gian dối. Đôi khi trong đó cũng có những ghen tuông, hậm hực là cái tiêu cực. Nhưng chính cái tiêu cực đó lại làm hiện lên những nhịp đập sôi nổi, mạnh mẽ tràn đầy sinh lực của trái tim yêu. Những từ lúc, khi góp phần diễn tả biến động dồn dập trong cảm xúc của nhân vật trữ tình. Tôi biết em không nhớ tới tôi nhưng lúc nào trái tim tôi cũng hướng về em, bồn chồn day dứt và cả sự hậm hực đến cồn cào của lòng ghen bị dồn nén. Hai câu thơ mang tính chất thú nhận đã khơi mở những lớp tình cảm phức tạp và rất con người dưới đáy sâu tâm hồn, sau lớp vỏ ngôn từ bình thản, điềm tĩnh thể hiện qua cách xưng hô, qua vẻ ngoài lặng lẽ, rụt rẽ, qua ý thức cố ghìm nén tình cảm, chỉ cho phép nói rằng tình yêu của mình chưa li tắt chứ không phải là đang bùng cháy mãnh liệt.

>> Xem thêm:  Phân tích tác phẩm Hai đứa trẻ của nhà văn Thạch Lam

Đến hai câu thơ cuối, cảm xúc như được giải tỏa bởi tình yêu cao thượng, chân thành, đằm thắm:

Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thm,

Cu em được người tình như tôi đã yêu em.

Nhịp điệu chậm rãi cùng âm hưởng da diết, sâu lắng góp phần diễn tả cảm xúc thiết tha và đem lại cho câu thơ sức hấp dẫn tạ lùng, vượt lên nỗi buồn đau u ám và lòng ghen tuông ích kỉ, nhân vật trữ tình cầu chúc cho em hãy yêu người yêu em chân thành, đằm thắm nhất, mãnh liệt nhất, “như tôi đã yêu em”. Tuy nhiên, đây không đơn thuần chỉ là lời cầu chúc tế nhị thay cho lời vĩnh biệt một tình yêu không thành mà còn vừa mang niềm nuối tiếc, xót xa vừa ẩn chứa sự tự tin và niềm kiêu hãnh. Có thể sẽ chẳng có người nào yêu em chân thành, đằm thắm như tôi đã yêu em. Cũng có thể tôi và em, chúng ta đã để mất một tình yêu quý giá chẳng thể tìm lại được bao giờ. Câu thơ cuối là lời khẳng định, là sự thăng hoa của tình yêu cao thượng. Nó đã đưa tình yêu lên ngôi, làm chói sáng nhân cách của con người.

Tôi yêu em phảng phất nỗi buồn của mối tình đơn phương nhưng là nỗi buồn trong sáng của một tâm hồn yêu đương chân thành, mãnh liệt, nhân hậu, vị tha. Bài thơ dạy cho người ta biết yêu một cách cao đẹp. Đây cũng chính là giá trị nhân văn cao cả mà tác giả muốn hướng đến làm cho tác phẩm sống mãi với thời gian.

Bùi Thị Chung

Bài viết liên quan