[Văn mẫu học trò] Phân tích đoạn trích Nỗi thương mình trong Truyện Kiều của Nguyễn Du
[Văn mẫu học trò] Phân tích đoạn trích Nỗi thương mình trong Truyện Kiều của Nguyễn Du
Dàn ý chi tiết
1. Mở bài:
– Giới thiệu khái quát về tác giả và tác phẩm
2. Thân bài:
2.1. Hoàn cảnh sống của Thúy Kiều ở lầu xanh:
– Cuộc sống ở lầu xanh của Kiều được miêu tả bằng bút pháp ước lệ, điển tích điển cố
– “Bướm lả ong lơi”- sự xuồng xã, đùa cợt của khách làng chơi, “lá gió cành chim”- hình ảnh người kĩ nữ mời chào khách làng chơi.
– Sự ra vào tập lập không ngớt của khách làng chơi. Cứ hết lượt này lại đến lượt khác, vui đùa suốt đêm, hả hê buông thả.
2.3. Tâm trạng của Kiều trước cảnh sống nhơ nhớp chốn lần xanh.
– Nhịp thơ 3/3 như gợi từng bước đi chậm chạp của thời gian.
– Cảnh sống xô bồ, nhơ nhớp đã bất giác khiến nàng giật mình không còn nhận ra đến chính bản thân mình.
– Chính nàng đã nhận thức được tấm thân mình giờ đây đã trở nên rẻ mạt khiến “bướm chán ong chường”.
2.3. Thái độ, nhận thức về nhân phẩm của Kiều.
– Kiều thờ ơ với mọi cuộc hoan lạc “mưa Sở mây Tần”.
– Vui nhưng lại gượng ý chỉ nụ cười chua chát, mặn đắng bờ môi, chắc rằng lòng Kiều đang nhỏ lệ.
– Dòng hồi tưởng về quá khứ tươi đẹp cứ thế tuôn dài, so sánh với chốn ngục tối này khiên nàng Kiều đau đớn thương thay cho chính bản thân mình.
3. Kết bài:
– Đoạn trích “ nỗi thương mình” trên thấy được niềm thương cảm cho số phận của nàng Kiều, người con gái tài sắc vẹn toàn mà bạc mệnh khi rơi vào hoàn cảnh éo le đầy nhục nhã tại lầu Ngưng Bích.
Phân tích đoạn trích Nỗi thương mình
Bài làm chi tiết
Nguyễn Du là nhà thơ nhân đạo lỗi lạc với tấm lòng sâu sắc, bao dung. Những sáng tác của Nguyễn Du là sự kết tinh những thành tựu chữ Hán và chữ Nôm của dân tộc . Ông để lại biết bao những tác phẩm nổi tiếng đi sâu vào lòng người đọc. Tác phẩm nổi tiếng làm lên tên tuổi ông chính là “ Đoạn trường tân thanh” hay ngắn gọn là “ Truyện Kiều”. Đoạn trích “ Nỗi thương mình” nằm từ câu 1229 đến câu 1248, trong phần Lưu lạc của Truyện Kiều là niềm thương cảm cho số phận của nàng Kiều, người con gái tài sắc vẹn toàn mà bạc mệnh khi rơi vào hoàn cảnh éo le đầy nhục nhã tại lầu Ngưng Bích và bắt đầu những ngày tháng trở thành kỹ nữ đồng thời lên án gay gắn cuộc sống.
Bốn câu đầu của đoạn trích cho ta thấy rõ hình ảnh lối sống xô bồ nơi ngục tối nhà chứa :
“Biết bao bướm lả ong lơi
Cuộc say đầy tháng trận cười suốt đêm.
Dập dìu lá gió cành chim,
Sớm đưa Tống Ngọc tối tìm Trường Khanh.”
Cuộc sống ở lầu xanh của Kiều được miêu tả bằng bút pháp ước lệ, điển tích điển cố: “bướm lả ong lơi”- sự xuồng xã, đùa cợt của khách làng chơi, “lá gió cành chim”- hình ảnh người kĩ nữ mời chào khách làng chơi. Công việc lặp đi lặp lại tuần hoàn theo ngày tháng khiến họ quên mất đi thời gian, quên mất mình là ai và đang rơi vào hoàn cảnh nào. Tác giả sử dụng từ ngữ một cách khéo léo và tinh tế. “ Trận cười” mà không phải “ tiếng cười” để ám chỉ chốn hoang lạc xuồng xã, sự ra vào tập lập không ngớt của khách làng chơi. Cứ hết lượt này lại đến lượt khác, vui đùa suốt đêm, hả hê buông thả. Nét bút tài tình hiện thực đã vễ lên bức tranh sinh hoạt nhơ nhớp chốn thanh lâu vừa ẩn chứa tiếng thở dài não ruột của người con gái tài sắc buộc phải làm kĩ nữ khiến độc giả sót thương thay thân phận của Kiều.
Cảnh sống xô bồ, nhơ nhớp đã bất giác khiến nàng giật mình không còn nhận ra đến chính bản thân mình nữa:
“Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh
Giật mình, mình lại thương mình xót xa”.
Vốn là người con gái xinh đẹp mai cốt cách, tuyết tinh thần, khiến hoa ghen đua thắm vậy mà giờ nàng lại rơi vào hoàn cảnh ê chề, đáng thương cho thân phận mình. Nhịp thơ 3/3 như gợi từng bước đi chậm chạp của thời gian. Không cảnh yên tĩnh, lúc tàn canh cùng sự kéo dài thời gian khiến cảm xúc trong nàng càng ứ đọng, lại càng đau đớn. Sau những cuộc vui, những chén rượu mời nàng say để quên đời, nhưng khi khách làng chơi đã ra về hết thì cũng là lúc nàng tỉnh rượu thì bao kí ức tươi đẹp nỗi đau khổ lại ùa về. Nhịp thơ đã có sự thay đổi 2/2/2/2: giật mình/mình lại/thương mình/xót xa. Kiều bàng hoàng tỉnh lại, nhận lấy nỗi đớn đau tận tâm can, như vặn xoắn lấy tâm hồn. Nàng chợt giật mình sau những cuộc vui, nhìn ngắm bản thân mình mà đau đơn xót xa. “Giật mình mình lại thương mình xót xa” nàng đã ý thức rất cao về phẩm giá và nhân cách bản thân, ý thức về quyền sống của bản thân.
Dòng hồi tưởng về quá khứ tươi đẹp cứ thế tuôn dài, so sánh với chốn ngục tối này khiên nàng Kiều đau đớn thương thay cho chính bản thân mình:
“Khi sao phong gấm rủ là,
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường.
Mặt sao dày gió dạn sương,
Thân sao bướm chán ong chường bấy thân!”
Trước kia, nàng sống sung túc hạnh phúc bên gia đình nhưng rồi xã hội đã cố vùi dập nàng xuống lớp bùn hôi tanh, dù tấm thân nàng đã vướng bụi đời. Giờ đây nàng chẳng khác như bông hoa tan tác giữa đường. Xưa kia tường đông ong bướm đi về mặc ai nhưng giờ thì “Mặt sao dày gió dạn sương”, đã chẳng còn biết xấu hổ, hay e lệ phép tắc. Sự đối lập một cách đau thương, khi sống bên gia đình nàng được nâng niu bao nhiêu thì chốn lầu xanh nàng bị vùi dập bấy nhiêu. Tác giả sử dụng hình thức điệp: Khi sao, giờ sao, mặt sao, thân sao kết hợp với các thành ngữ mà từ ghép, từ láy được xé lẻ rồi đan chéo khiến nỗi đau của nàng Kiều càng thêm ê chề, đau dơn. Chính nàng đã nhận thức được tấm thân mình giờ đây đã trở nên rẻ mạt khiến “bướm chán ong chường”. Từng câu từng chữ như ghim vào lòng người đọc, thấm đượm nỗi xót thương cho số phận của nàng Kiều tội nghiệp từ đó mà ta càng thêm trân trọng và đáng thương cho những kiếp người rơi vào nơi ngục tối và lên án xã hội mục nát tàn nhẫn. Đây chính là tiếng kêu vút lên từ nhà chứa, nó đòi quyền sống, quyền hạnh phúc của con người.
Dù có sống nơi tối tăm dơ bẩn nhưng tâm hồn nàng luôn tỏa sáng:
“Mặc người mưa Sở mây Tần,
Những mình nào biết có xuân là gì.
Đòi phen gió tựa hoa kề,
Nửa rèm tuyết ngậm bốn bề trăng thâu.”
Kiều thờ ơ với mọi cuộc hoan lạc “mưa Sở mây Tần”. Cảnh dù có đẹp nhưng lòng ngưởi chẳng vui, chẳng thể che lấp đi sự nhơ nhớp, trụy lạc của chốn phong trần phóng túng.. Vẻ đẹp đặc trưng của bốn mùa đầy chất lãng mạng , bức tranh thiên nhiên tươi đẹp hiện lên thấm đãm tâm hồn đau khổ ê chề của nàng Kiều. Tuổi xuân của nàng đang dần trôi qua, trôi qua một cách đạm bạc nhơ nhớp giữa chốn những con người ghẻ nhạt từng ngày. Đối mặt với thú vui nhưng lòng lại vô cùng khinh thường chán ghét. Thật đáng dơ bẩn một xã hội tàn nhẫn, mục nát.
Nỗi đau khổ của Kiều qua đoạn thơ này được Nguyễn Du thể hiện bằng bút pháp tả cảnh ngụ tình, càng thêm thấm thía, sâu sắc hơn trong từng câu chữ:
“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.
Đòi phen nét vẽ câu thơ
Cung cầm trong nguyệt nước cờ dưới hoa.”
Những cảnh thiên nhiên đẹp đẽ, tao nhã, nên thơ ấy lại như một sự giễu cợt, mỉa mai, chua chát. Vì dù ngụy trang khéo đến mấy, cũng không thể che đậy nổi cái bản chất nhơ nhớp, bẩn thỉu bên trong của chốn “buôn thịt bán người”. Cảnh dẫu đẹp đến mấy nhưng lòng người cũng chẳng thể dấu nổi nỗi buồn. Cảnh không thể vui vì lòng người nặng trĩu nỗi tê tái.. Khi gió tựa hoa kề, khi cung cầm thi họa, lúc nào nỗi đau cũng dâng đầy và nghẹn ứ trong lòng nàng.
Vui là vui gượng kẻo là
Ai tri âm đó mặn mà với ai
Vui nhưng lại gượng ý chỉ nụ cười chua chát, mặn đắng bờ môi, chắc rằng lòng Kiều đang nhỏ lệ. Sống trong cuộc vui mà không tận hưởng được niềm vui vì “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Tâm trạng con người chi phối cảnh vật. Câu thơ cuối như một lời hỏi bâng quơ “Ai tri âm đó mặn mà với ai?” Đây là câu hỏi tu từ, nàng hỏi nhưng không mong nhận được đáp án, nhận được câu trả lời. Đây là câu hỏi tự bản thân mình, tự suy ngẫm về cuộc đời tối tăm của bẩn thân.
Đoạn trích trên thấy được niềm thương cảm cho số phận của nàng Kiều, người con gái tài sắc vẹn toàn mà bạc mệnh khi rơi vào hoàn cảnh éo le đầy nhục nhã tại lầu Ngưng Bích và bắt đầu những ngày tháng trở thành kỹ nữ. Nguyễn Du đã đặc biệt thành công trong việc miêu tả tâm trạng của Kiều. Qua đây chúng ta cần có thái độ lên án gay gắt đối với xã hội phong kiện mục nát đã vùi dập những con người khốn khổ, đáng thương vào tận đáy của xã hội.
Bùi Thị Chung