[Văn mẫu học trò] Phân tích nghệ thuật châm biếm sắc sảo của Vũ Trọng Phụng qua đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia


[Văn mẫu học trò] Phân tích nghệ thuật châm biếm sắc sảo của Vũ Trọng Phụng qua đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia

Dàn ý chi tiết

1. Mở bài:

Giới thiệu tác giả, tác phẩm và vấn đề nghị luận.

2. Thân bài:

2.1 Vài nét về tác giả:

– Được mệnh danh là “ ông vua phóng sự đất Bắc” nổi tiếng với hai thể loại tiểu thuyết và phóng sự.

– Là người sống khuôn phép, mực thước, có nguyên tắc nhưng thế giới nghệ thuật của ông lại trái ngược hoàn toàn.

2.2 Tác phẩm:

– Kiệt tác “ Số đỏ” đã lên án gay gắt xã hội tư sản thành thị đua đòi lối sống văn minh rởm, đồi bại, lố lăng đã hủy hoại những nét đẹp văn hóa truyền thống.

– Đoạn trích “ Hạnh phúc của một tang gia” thuộc chương XV của tác phẩm. Bằng nghệ thuật trào phúng bậc thầy, Vũ Trọng Phụng đã vạch trần thói đạo đức giả của một gia đình đại bất hiếu khi cụ cố tổ qua đời, từ đó phản ánh sự xuống cấp của đạo đức xã hội.

2.3 Nghệ thuật trào phúng trong chương “ Hạnh phúc của một tang gia”:

Giải thích:

Nghệ thuật trào phúng là nghệ thuật sử dụng những chi tiết, hình ảnh, ngôn ngữ, chân dung, hành động,…có tác dụng “ chửi địch”, “ đánh địch” bằng tiếng cười đả kích sâu cay.

Nghệ thuật trào phúng trong đoạn trích:

– Đặt nhan đề “ Hạnh phúc của một tang gia”:

+ Đặt tất cả nhân vật vào một hoàn cảnh trớ trêu buộc phải bộc lộ bản chất.

+ Nhan đề hàm chứa tình huống. Chọn thời điểm tang gia là lúc gia đình đau xót và bối rối nhất để làm bật lên niềm hạnh phúc cực điểm là cách nhà văn gợi ra bi kịch chính yếu của toàn chương: mâu thuẫn giữa hình thức và bản chất nhân vật.

+ Là phép thử cho tính người và tình người mà Vũ Trọng Phụng đã mở ra.

-Xây dựng chân dung trào phúng đối lập nội dung và hình thức:

+ Đằng sau những lo lắng, bận rộn, những đăm chiêu, “ buồn lãng mạn” là niềm hạnh phúc cực độ của đại gia đình cụ cố tổ khi được chia tài sản.

+ Hạnh phúc riêng từng người trong gia đình:

Cụ cố Hồng: hút thuốc, một nghìn tám trăm bảy mươi hai câu gắt “ biết rồi, khổ lắm, nói mãi” >< mơ màng nghĩ đến cảnh được mặc áo Xô gai, được chống gậy, ho lụ khụ,… -> khoe danh, khoe giàu, khoe phúc của gia đình.

Vợ chồng Văn Minh: lăng xê mốt áo tang. Văn Minh vợ tưởng tượng đến lúc được diện một bộ áo tang tân thời. Văn Minh chồng băn khoăn trong việc ứng xử với Xuân Tóc Đỏ khi hắn có hai cái tội nhỏ và một cái ơn to…

Cô Tuyết: y phục hở hang >< tên “ Ngây thơ”. Vẻ mặt buồn lãng mạn không phải là mất đi người thân mà vì người yêu cô chưa đến…

=> Cụ cố Hồng ra đi >< mọi người sung sướng, băn khoăn cho những vấn đề riêng của mình. Ẩn sau ngòi bút trào phúng chính là nỗi xót xa, ngậm ngùi về một gia đình đại bất hiếu và sự chai sạn của tình người…

+ Người ngoài gia đình:

Minđơ – Mintoa sung sướng cực điểm vì được thuê giữ trật tự cho đám ma, chấm dứt tình trạng thất nghiệp kinh niên.

Những ông tai to mặt lớn khoe huân chương, mốt râu ria…

Nâng cao giá trị cho Xuân Tóc Đỏ trong lòng mọi người và cô Tuyết khi xuất hiện đúng lúc hoành tráng.

=> Trong cả một tấn trò đời nhố nhăng, mỗi nhân vật là một con rối bị giật dây bởi lòng tham và thói háo danh, dẫn tới sự chai sạn về tâm hồn, sự băng hoại về đạo đức…

– Nghệ thuật miêu tả đám đông nhố nhăng, hỗn tạp:

+ Những cái “ to tát”, “ long trọng”, “ danh giá” của cái “ đám ma gương mẫu” ấy chỉ là sự phô trương giả dối, lộ liễu, hợm người, lố lăng, vô văn hóa.

+ Những bộ mặt nghiêm chỉnh >< những lời thì thầm trò chuyện về vợ con, về nhà cửa,… Dáng vẻ trai thanh gái lịch >< những câu chê bai, bình phẩm, ghen tuông, hẹn hò nhau.

+ Lúc hạ huyệt:

Cậu Tú Tân luộm thuộm trong chiếc áo trắng bắt bẻ từng người một để cậu chụp ảnh kỷ niệm. Đám tang chẳng khác gì một màn kịch, tất cả hành động đều là vai diễn để hoàn thành một đám ma to tát, kiểu mẫu.

Đứa cháu rể quý hóa khóc rống lên kì quái “ Hứt!… Hứt!… Hứt!…” trong khi tranh thủ thanh toán một món tiền với Xuân.

-Ngôn ngữ trào phúng:

+ “ Ba hôm sau cụ già chết thật”.

>> Xem thêm:  Hướng dẫn soạn văn Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của tác giả Nguyễn Đình Chiểu

+ “ Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”.

+ “ Thật là một đám ma to tát có thể làm cho người chết nằm trong quan tài cũng phải mỉm cười sung sướng, nếu không gật gù cái đầu.”

+ “ Thật là giai thanh gái lịch, nên họ chim nhau, cười tình với nhau, bình phẩm nhau, chê bai nhau, ghen tuông nhau, hẹn hò nhau, bằng những vẻ mặt buồn rầu của người đi đưa ma…” + “ Hứt!… Hứt!… Hứt!…”

=> Góp một phần không nhỏ mang đến tiếng cười đả kích, chua chát về một xã hội trụy lạc, nhố nhăng.

3. Kết bài:

Ngòi bút trào phúng sắc sảo giúp tái hiện sắc nét bộ mặt xã hội thực dân nửa phong kiến “ chó đểu”, “ vô nghĩa lý” => căm phẫn mãnh liệt và ước mơ thay đổi cuộc sống, ước mơ con người trở về với những giá trị tốt đẹp và cùng nhau hướng đến, hoàn thiện cái chân – thiện – mĩ.

phan tich hanh phuc cua mot tang gia 1 - [Văn mẫu học trò] Phân tích nghệ thuật châm biếm sắc sảo của Vũ Trọng Phụng qua đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia

Phân tích nghệ thuật châm biếm sắc sảo qua đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia

Bài văn tham khảo

Văn Vũ Trọng Phụng là một màn bi kịch thấm lẫn trong hài kịch được thể hiện qua nghệ thuật trào phúng sắc sảo. Cùng quan niệm “ tiểu thuyết là sự thật ở đời”, trong khi đọc Nam Cao, người ta bắt buộc phải suy nghĩ, băn khoan không dứt thì khi đọc Vũ Trọng Phụng, “ người ta muốn đập phá một cái gì cho hả giận” ( Nguyễn Đăng Mạnh). Bởi lẽ, mỗi trang viết của ông mang đến những tiếng cười châm biếm, mỉa mai, đả kích nhưng đầy chua chát về một xã hội “ chó đểu”, “ vô nghĩa lý” của đủ hạng bịp bợm, dâm ô, trụy lạc chạy theo đủ thứ nhố nhăng, bỉ ổi, “ Tây Tàu lẫn lộn” và chi phối bởi quyền lực đồng tiền. Xã hội ấy đã được tái hiện chân thật và sắc nét qua tác phẩm “ Số đỏ”, cụ thể là qua chương “ Hạnh phúc của một tang gia”.

Vũ Trọng Phụng được mệnh danh là “ ông vua phóng sự đất Bắc” nổi tiếng với hai thể loại tiểu thuyết và phóng sự. Là người sống khuôn phép, mực thước, có nguyên tắc nhưng thế giới nghệ thuật của ông lại trái ngược hoàn toàn. Đọc văn ông, người ta dễ hình dung tác giả là một tay sành sỏi, thạo đời, chắc hẳn đã từng lăn lóc lâu năm trong đủ thứ hang ổ của bọn cờ bạc, me Tây, bọn tư sản lừa lọc, bỉ ổi… Viết về con người nghệ thuật trái ngược con người ngoài đời thực chính là tài năng thiên tài của Vũ Trọng Phụng. Và, cái gốc của tài năng ấy xét đến cùng là ở tấm lòng đau đớn và đầy căm phẫn của một trí thức nghèo bị giày xéo, bị lăng nhục bởi cái xã hội xây dựng trên nguyên tắc của quyền lực bất công và đồng tiền phi nghĩa. Để rồi, nhà văn tập trung vạch trần những lố lăng, kệch cỡm của lối sống Âu hoá nửa vời trong xã hội Việt Nam những năm ba mươi bằng một ngòi bút sắc sảo, cay nghiệt. Qua kiệt tác “ Số đỏ” nhà văn đã lên án gay gắt xã hội tư sản thành thị đang đua đòi lối sống văn minh rởm, đồi bại, lố lăng đã hủy hoại những nét đẹp văn hóa truyền thống. Đoạn trích “ Hạnh phúc của một tang gia” thuộc chương XV của tác phẩm. Bằng nghệ thuật trào phúng bậc thầy, Vũ Trọng Phụng đã vạch trần thói đạo đức giả của một gia đình đại bất hiếu khi cụ cố tổ qua đời, từ đó phản ánh sự xuống cấp của đạo đức xã hội.

Nghệ thuật trào phúng là nghệ thuật sử dụng những chi tiết, hình ảnh, ngôn ngữ, chân dung, hành động,…có tác dụng “ chửi địch”, “ đánh địch” bằng tiếng cười đả kích sâu cay. “ Chửi địch” là trực tiếp ném ra những lời thoá mạ. “ Đánh địch” là dựng đối tượng đả kích thành nhân vật sống động để tự nó diễn tả những trò lố bịch mà chuốc lấy tiếng cười khinh bỉ của độc giả. Lối “ đánh địch” cao tay hơn, và, nhà văn đã sử dụng thủ pháp này một cách xuất sắc qua cách đặt nhan đề, xây dựng chân dung trào phúng, qua ngôn ngữ, giọng điệu,…

Nghệ thuật trào phúng được thể hiện đầu tiên qua cách đặt nhan đề “ Hạnh phúc của một tang gia” gợi sự tò mò, bất ngờ cho người đọc đồng thời đặt tất cả nhân vật của mình vào một hoàn cảnh trớ trêu buộc phải bộc lộ bản chất. Nhan đề hàm chứa tình huống. Chọn thời điểm tang gia là lúc gia đình đau xót và bối rối nhất để làm bật lên niềm hạnh phúc cực điểm là cách nhà văn gợi ra bi kịch chính yếu của toàn chương: mâu thuẫn giữa hình thức và bản chất nhân vật. Tình huống oái ăm biến đám ma thành đám hội tạo nên sự “ lệch chuẩn” phi đạo đức. Đó là niềm hạnh phúc của một gia đình vô phúc khi cụ cố tổ qua đời, đám con cháu bất hiếu cũng nhận được một phần gia sản mà bấy lâu nay chúng thèm muốn. Một người nằm xuống làm bao nhiêu người sung sướng chính là phép thử cho tính người và tình người mà Vũ Trọng Phụng đã mở ra.

>> Xem thêm:  Phân tích một khổ thơ yêu thích nhất trong bài thơ Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh

Tang gia nhưng lại hạnh phúc. Nghệ thuật trào phúng của tác giả tiếp tục đi sâu để tái hiện từng chân dung trào phúng có sự đối lập gay gắt giữa vẻ bề ngoài hào nhoáng và nhân cách thối nát, mục rỗng bên trong. Đằng sau những lo lắng, bận rộn, những đăm chiêu, “ buồn lãng mạn” là niềm hạnh phúc cực độ của đại gia đình cụ cố tổ. Cái chết của cụ đã mang lại cho mọi thành viên một niềm hạnh phúc chung – được chia tài sản. Giờ đây, “ cái chúc thư kia sẽ vào thời kỳ thực hành chứ không còn là lý thuyết viễn vông nữa.” Đồng tiền đã chi phối nhận thức con người, làm biến chất xã hội “ Bây giờ ấy à? Chỉ có đồng tiền là Giời là Phật, chỉ có đồng tiền là đáng kính thờ vì nó sai khiến được mọi người(…) Lương tâm à? Còn thua đồng tiền. Pháp luật à? Chưa bằng đồng tiền…, Giời phật à? Còn kém đồng tiền. Chỉ có đồng tiền là ai cũng phải kính thờ, chỉ có những cách xoay tiền là đáng cho người ta tụng niệm…”

Tuy có cùng hạnh phúc chung nhưng mỗi người trong gia đình cụ cố Hồng lại có những hạnh phúc riêng tạo nên những chân dung biếm họa khác nhau. Vị trưởng bối đứng đầu cả một đại gia đình – cụ cố Hồng- trước cái chết của cha mình tìm hạnh phúc với những điếu thuốc, với một nghìn tám trăm bảy mươi hai câu gắt “ biết rồi, khổ lắm, nói mãi” và mơ màng nghĩ đến cảnh được mặc áo Xô gai, được chống gậy, ho lụ khụ vừa đi vừa khóc mếu để cho thiên hạ phải chỉ trỏ: “ Úi kìa, con giai nhớn đã già đền thế kia kìa!”… Mục đích của cụ là được khoe danh, khoe giàu, khoe phúc của gia đình và điều cụ nghĩ đến trong đám tang là tiền, là danh vọng chứ không phải niềm xót thương, đau khổ trước sự ra đi của cha mình.

Đám ma là cơ hội để vợ chồng Văn Minh lăng xê mốt áo tang. Văn Minh vợ tưởng tượng đến lúc được diện một bộ áo tang tân thời. Văn Minh chồng băn khoăn trong việc ứng xử với Xuân Tóc Đỏ khi hắn có hai cái tội nhỏ và một cái ơn to…

Bị mang tiếng hư hỏng, đám tang cũng là cơ hội để cô Tuyết chứng minh sự trong sáng của mình bằng một y phục hở hang có tên là “ Ngây thơ”. Vẻ mặt buồn lãng mạn của Tuyết rất hợp với nhà có đám nhưng nỗi buồn ấy không phải là mất đi người thân mà vì người yêu cô chưa đến… Đồng thời, đám tang chính là cơ hội để cậu Tú Tân đạo diễn tài nghệ chụp ảnh.

Như vậy, cái chết của cụ cố tổ đem đến niềm vui, niềm hạnh phúc cho tất cả thành viên trong gia đình từ cụ cố Hồng, vợ chồng Văn Minh đến cô Tuyết, cậu Tú Tân. Là người thân, là cha, là ông mình ra đi nhưng mọi người không chút mảy may đau đớn mà trái ngược là sung sướng, băn khoăn cho những vấn đề riêng của mình. Ẩn sau ngòi bút trào phúng chính là nỗi xót xa, ngậm ngùi về một gia đình đại bất hiếu và sự chai sạn của tình người…

Đám tang không chỉ đem đến hạnh phúc cho tang gia mà hạnh phúc ấy còn lan tràn ra cả ngoài gia đình người chết. Hai viên cảnh sát là Minđơ – Mintoa cảm thấy sung sướng đến cực điểm vì được thuê giữ trật tự cho đám ma, chính thức chấm dứt tình trạng thất nghiệp kinh niên. Những ông tai to mặt lớn có cơ hội khoe huân chương, mốt râu ria… Đám tang cũng góp phần nâng cao giá trị cho Xuân Tóc Đỏ trong lòng mọi người và cô Tuyết khi xuất hiện đúng lúc hoành tráng với “ sáu chiếc xe, trên có sư chùa Bà Banh, xe nào cũng che hai lọng, từ một ngả len vào chiếm chỗ sau năm lá cờ đen”…

Đám tang là cơ hội để tất cả mọi người kiếm tìm những niềm vui riêng cho bản thân, là cơ hội để họ phô diễn về hình thức, chẳng một ai nghĩ đến người nằm kia đã mãi mãi ra đi. Nơi quan tài, cụ cố tổ một mình lạnh ngắt không một sự xót thương của con cháu. Và giá cụ được chứng kiến tất cả cảnh này, cụ sẽ cảm nhận rõ nét cái giá lạnh trong tâm hồn người còn sống như chính cái chết của mình. Trong cả một tấn trò đời nhố nhăng, mỗi nhân vật là một con rối bị giật dây bởi lòng tham và thói háo danh, dẫn tới sự chai sạn về tâm hồn, sự băng hoại về đạo đức…

>> Xem thêm:  Suy nghĩ về truyện ngắn Lão hạc của Nam Cao

Nghệ thuật trào phúng cũng được bộc lộ qua nghệ thuật miêu tả đám đông nhố nhăng, hỗn tạp. Ai cũng trông thấy đám ma cụ cố tổ là một đám ma linh đình theo cả lối Ta, Tây, Tàu với “ kiệu bát cống, lợn quay đi lọng, cho đến lốc bốc xoảng và bú – dích”; với đủ vòng hoa, câu đối và những người sang trọng toàn “ giai thanh gái lịch” cùng cảnh sát giữ trật tự… Nhưng kì thực, những cái “ to tát”, “ long trọng”, “ danh giá” của cái “ đám ma gương mẫu” ấy chỉ là sự phô trương giả dối, lộ liễu, hợm người, lố lăng, vô văn hóa. Và nhà văn với nghệ thuật sắc sảo vận dụng kĩ thuật điện ảnh có khi lùi ra xa quay toàn cảnh đám tang tưởng như rất nghiêm chỉnh đi theo quan tài người chết đến tận huyệt với điệp khúc “ Đám cứ đi…”; có khi lại gần đưa ống kính quay cận cảnh để nhận ra, đây hoàn toàn là một đám hội hết sức vui vẻ.

“Đám cứ đi” nhưng không ai nghĩ đến việc đưa đám. Mọi người đến đây để mải mê kiếm tìm và tận hưởng niềm vui riêng của bản thân chứ không phải vì xót thương người mất. Đằng sau những bộ mặt nghiêm chỉnh là những lời thì thầm trò chuyện về vợ con, về nhà cửa, về một cái tủ mới sắm, một cái áo mới may. Đằng sau dáng vẻ trai thanh gái lịch là những câu chê bai, bình phẩm, ghen tuông, hẹn hò nhau.

Đến huyệt, lúc hạ quan tài, ngòi bút trào phúng của tác giả hiện lên sắc sảo qua hình ảnh cậu Tú Tân luộm thuộm trong chiếc áo trắng “ đã bắt bẻ từng người một, hoặc chống gậy, hoặc gục đầu, hoặc cong lưng, hoặc lau mắt như thế này, như thế nọ…để cậu chụp ảnh kỷ niệm…” Đám tang chẳng khác gì một màn kịch, từng hành động từ chống gậy đến lau nước mắt đều chỉ là vai diễn để hoàn thành một đám ma to tát, kiểu mẫu. Và, màn kịch ấy đã kết thúc thành công với cảnh đứa cháu rể quý hóa khóc rống lên kì quái “ Hứt!… Hứt!… Hứt!…” trong khi tranh thủ thanh toán một món tiền với Xuân. Cảnh này là đỉnh cao của sự trào phúng trong màn hài kịch một đám ma gương mẫu vì sự giả dối bịp bợm đã lên tới độ vô liêm sỉ đến ghê tởm.

Tất cả chân dung trào phúng, hình ảnh trào phúng trên đã được tái hiện qua hệ thống ngôn ngữ mang sắc thái châm biếm mỉa mai sâu cay. Câu văn “ Ba hôm sau cụ già chết thật” vừa giễu cợt vừa chua xót là một cách thể hiện sự đại bất hiếu của đám con cháu. “ Chết thật” nghĩa là từng chết hụt, cũng có nghĩa đám con cháu kia đã không ít lần hụt hẫng, nhấp nhổm vì cái chết của cụ cố tổ. Các câu văn: “ Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”, “ Thật là một đám ma to tát có thể làm cho người chết nằm trong quan tài cũng phải mỉm cười sung sướng, nếu không gật gù cái đầu.”, “ Thật là giai thanh gái lịch, nên họ chim nhau, cười tình với nhau, bình phẩm nhau, chê bai nhau, ghen tuông nhau, hẹn hò nhau, bằng những vẻ mặt buồn rầu của người đi đưa ma…” cùng tiếng khóc đỉnh cao “ Hứt!… Hứt!… Hứt!…” bóp nghẹt cảm xúc người đọc…đã góp một phần không nhỏ mang đến tiếng cười đả kích, chua chát về một xã hội trụy lạc, nhố nhăng.

Bằng ngòi bút trào phúng sắc sảo, Vũ Trọng Phụng đã tái hiện sắc nét bộ mặt xã hội thực dân nửa phong kiến, cái xã hội mà chính nhà văn gọi là “ chó đểu”, “ vô nghĩa lý”. Qua đó, tác giả thể hiện thái độ căm phẫn mãnh liệt và cả ước mơ thay đổi cuộc sống, ước mơ con người trở về với những giá trị tốt đẹp và cùng nhau hướng đến, hoàn thiện cái chân – thiện – mĩ.

Bùi Thị Chung

Bài viết liên quan