[Văn mẫu học trò] Phân tích nhân vật Mị trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài
[Văn mẫu học trò] Phân tích nhân vật Mị trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài
Dàn ý chi tiết
1. Mở bài
– Tô Hoài là nhà văn nhạy cảm với cảnh sinh hoạt, phong tục tập quán của những vùng miền, ông có vốn ngôn ngữ phong phú, lối trần thuật tự nhiên.
– Vợ chồng A Phủ là một truyện ngắn tiếu biểu cho phong cách của Tô Hoài, truyện viết về những con người Tây Bắc tiềm tàng sức sống đã vùng lên đấu tranh chống lại bọn thống trị.
– Nhân vật Mị là biểu tượng đẹp cho sức sống tiềm tàng của người phụ nữ bị áp bức.
2. Thân bài
Trước khi về làm dâu nhà thống lí Pá Tra:
+ Mị là cô gái người Mông trẻ trung, hồn nhiên, có tài thổi sáo “thổi lá cung hay như thổi sáo có biết bao nhiêu người mê”
+ Mị đã từng yêu, từng được yêu, luôn khao khát đi theo tiếng gọi của tình yêu.
+ Hiếu thảo, chăm chỉ, ý thức được giá trị cuộc sống tự do nên sẵn sàng làm nương ngô trả nợ thay cho bố.
Khi về làm dâu nhà thống lí Pá Tra:
– Bị “cúng trình ma” nhà thống lí.
– Làm con dâu gạt nợ, bị bóc lột sức lao động, “không bằng con trâu con ngựa”, “đàn bà trong cái nhà này chỉ biết vùi đầu vào công việc” , bị đày đọa nơi địa ngục trần gian, bị đánh, bị phạt, bị trói, …
– Mị dần trở nên chai sạn với nỗi đau: một cô gái lúc nào cũng vậy dù quay sợi, thái cỏ ngựa, … đều cúi mặt “mặt buồn rười rượi”, không quan tâm đến thời gian “lỗ vuông bằng bàn tay …không biết là sương hay nắng”.
– Mị sống lầm lũi “như con rùa nuôi trong xó cửa”, “ở lâu trong cái khỏ Mị quen rồi”.
Sức sống tiềm tàng trong nhân vật Mị
– Khi bị rơi vào cảnh làm con dâu gạt nợ Mị có ý định tự tử bằng lá ngón, không chấp nhận cuộc sống mất tự do.
– Trong đêm hội mùa xuân ở Hồng Ngài, sức sống của Mị đã trỗi dậy:
+ Âm thanh cuộc sống bên ngoài (tiếng trẻ con chơi quay, tiếng sáo gọi bạn tình, ..) ùa vào tâm trí, đánh thức những kỉ niệm trong quá khứ của Mị.
+ Mị lẩm nhẩm lời bài hát, trong khoảnh khắc tâm hồn trở về với thanh xuân tươi đẹp, khao khát tình yêu hạnh phúc.
+ Mị ý thức được sự tồn tại của bản thân “thấy phơi phới trở lại”, “Mị còn trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi”, với khát khao tự do
+ Tinh thần phản kháng mạnh mẽ: lấy miếng mỡ để thắp sáng lên căn phòng tối, nổi loạn muốn “đi chơi tết” chấm dứt sự tù đày.
+ Khi A Sử trói, lòng Mị vẫn lửng lơ theo tiếng sáo, tiếng hát của tình yêu đến những đám chơi. Lúc vùng dậy cô chợt tỉnh trở về với hiện thực.
– Nhận xét: Mị luôn tiềm tàng sức sống mãnh liệt, sức sống ấy luôn âm ỉ trong lòng người con gái Tây Bắc và chỉ chờ có cơ hội để bùng lên mạnh mẽ.
– Khi A Phủ làm mất bò, bị phạt trói đứng:
+ Ban đầu Mị dửng dưng bởi sau đêm tình mùa xuân, cô trở lại là cái xác không hồn.
+ Khi thấy giọt nước mắt của A Phủ khiến Mị đồng cảm, chợt nhớ đến hoàn cảnh của mình trong quá khứ, Mị lại biết thương mình và thương cho kiếp người bị đày đọa “có lẽ ngày mai người kia sẽ chết, chết đau, … phải chết”.
+ Bất bình trước tội ác của bọn thống lí, Mị cắt dây đay cởi trói cho A Phủ
+ Mị sợ cái chết, sợ nỗi khổ sẽ phải gánh chịu trong nhà thống lí, cô chạy theo A Phủ tìm lối thoát vượt ra khỏi địa ngục trần gian.
– Nhận xét: Mị là người con gái lặng lẽ mà mạnh mẽ, tiềm tàng sức sống, hành động của Mị đã đạp đổ cường quyền, thần quyền của bè lũ thống trị miền núi.
3. Kết bài
– Nêu suy nghĩ về hình tượng nhân vật Mị.
– Nghệ thuật: ngôn ngữ, cách nói đậm chất miền núi, lối trần thuật linh hoạt với sự dịch chuyển điểm nhìn trần thuật, miêu tả thành công tâm lí nhân vật và hình ảnh thiên nhiên.
– Tác phẩm chứa đựng giá trị nhân đạo sâu sắc: sự cảm thông với số phận đau khổ của những con người chịu áp bức, tố cáo lên án bọn thống trị miền núi, bọn thực dân, ngợi ca vẻ đẹp, sức sống tiềm tàng trong mỗi con người Tây Bắc.
Phân tích nhân vật Mị
Bài văn tham khảo
Lăn lộn cuộc đời suốt hơn 30 năm, Tô Hoài từng đi qua bao nhiêu ngóc ngách của thế gian, trái tim ông rung lên đồng cảm với biết bao số phận. Tây Bắc là một trong số những vùng mà khi đi qua, ông phải dừng chân lại và chắp bút sáng tác. Vợ Chồng A Phủ ra đời như một lời chào, lời tạm biệt thân thương nhất mà tác giả muốn gửi tới đất và con người nơi đây. Nhân vật Mị trong tác phẩm được coi là người đại diện cho số phận người lao động dưới sự thống trị của bọn chúa núi vùng cao này.
Tế Hanh đã từng nhận xét: “ Nếu như Picaso sinh ra để vẽ thì ở một mức nào đó có thể nói Tô Hoài sinh ra để viết.” Năm 1953, Tô Hoài cùng một số anh em bộ đội lên giải phóng vùng núi phía tây Bắc, tại đây ông có cơ hội sống và tìm hiểu phong tục tập quán cũng như cuộc sống của con người nơi đây. Khi được hỏi về Tây Bắc, Tô Hoài đã tâm sự: “Đất nước và người miền Tây đã để thương để nhớ cho tôi nhiều, không thể bao giờ quên… Hình ảnh Tây Bắc đau thương và dũng cảm lúc nào cũng thành nét, thành người, thành việc trong tâm trí tôi”.Nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm là Mị, một phụ nữ phải chịu nhiều bất hạnh, nhưng có vẻ đẹp tâm hồn và có sức sống mãnh liệt, giám đứng lên đấu tranh tìm lại hạnh phúc cho mình.
Mở đầu thiên truyện về vùng cao này, Tô Hoài đã miêu tả hình ảnh cô Mị ở trong cảnh tình đầy nghịc lý và cuốn hút độc giả: “Ai ở xa về, có dịp vào nhà thống lí Pá Tra thường trông thấy có một cô gái ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tầu ngựa. Lúc nào cũng vậy, dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên, cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi”. Cách mở đầu này tạo cho người đọc sự tò mò về thân phận của cô gái ấy.
Cô là con dâu nhà thống lí Pá Tra nhưng với tư cách là một nàng dâu gạt nợ.
Ai cũng thấy được cô con dâu chẳng khác gì kẻ tôi đòi, phải làm việc quần quật suốt ngày đêm khác hẳn với cha con nhà thống lí suốt ngày ăn chơi chác tán. Mị phải làm việc vất vả, khổ cực. Mị không khác gì “một con rùa trong xó bếp”, “con ngựa” hết đi ở cho nhà này lại sang ở cho nhà khác. Sống trong nhà thống lý Pá Tra không phải là cô Mị trẻ trung, yêu đời như ngày xưa nữa. Chính thần quyền và cường quyền nhà thống lý đã giết chết tuổi thanh xuân, bóp nghẹt cuộc sống của Mị cả về thể xác lẫn tâm hồn. Mị không còn là Mị của ngày xưa nữa. Mị không còn là một người phụ nữ xinh đẹp, một bông hoa giữa rừng núi Tây Bắc, người con gái có vẻ đẹp đằm thắm dịu dàng mà bao chàng trai yêu mến. Trai đến đứng nhẵn vách đầu buồng Mị. Có thể nói, cuộc sống của Mị đang trên đà đơm hoa kết trái, một cuộc sống mà ở tuổi của cô ai cũng phải ao ước. Thế nhưng bước ngoặt của cuộc đời Mị đã dần chuyển sang hướng khác khi cô trở thành con dâu gạt nợ cho nhà thống lý Pá Tra. Chỉ vì món nợ truyền kiếp từ đi cha mẹ mà Mị phải chịu cảnh làm “con ở” cho nhà thống lí. Bị thần quyền và cường quyền trói buộc tuổi xuân, kìm hãm tuổi trẻ.
Cuộc sống của Mị khép chặt trong căn buồng kín bưng, trông ra ngoài chỉ duy nhất có “một chiếc cửa sổ lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy mờ mờ trăng trắng, không biết là sương hay là nắng”.Ý thức về cuộc sống của Mị dường như đã bị giai cấp phong kiến làm tê liệt. “Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi. Tất cả đã chứng tỏ Mị hoàn toàn mất đi ý thức, Mị tê liệt cả tâm hồn, Mị không còn có cảm xúc nữa. Những chi tiết gây ám ảnh ngột ngạt bức bối về một nhà tù rùng rợn về số phận, kiếp người, cuộc đời bị áp bức nơi địa ngục trần gian. Nhà văn đã cất lên tiếng nói đòi nhân quyền của con người. Tố cáo tội ác của xã hội phong kiến miền núi tàn ác vô nhân đạo đã làm tàn lụi niềm vui sống của con người.
Thế nhưng, ngòi bút nhân đạo không cho phép Tô Hoài để Mị sống mãi trong vũng lầy đau khổ. Khi mùa xuân về trên đất Hồng Ngài, trai gái tụ tập bên nhau nô đùa, nhảy múa, thổi sáo gọi bạn tình, Mỵ đã sống lại những chuỗi ngày tự do. Ngồi trong căn phòng tăm tối, Mỵ lén uống rượu uống ừng ực từng bát mà bên tai vẫn văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng. Mỵ thấy phơi phới trởlại, trong lòng đột nhiên vui sướng. Âm thanh cuộc sống bên ngoài (tiếng trẻ con chơi quay, tiếng sáo gọi bạn tình, ..) ùa vào tâm trí, đánh thức những kỉ niệm trong quá khứ của Mị. Mị uống rượu. Uống ực từng bát, từng bát một. “uống ực từng bát” là hành động uống nhanh và nhiều như thể Mị muốn uống để say, uống để quên đi tất cả, quên đi hiện tại đau khổ. Mị lẩm nhẩm lời bài hát, trong khoảnh khắc tâm hồn trở về với thanh xuân tươi đẹp, khao khát tình yêu hạnh phúc.Mị ý thức được sự tồn tại của bản thân “thấy phơi phới trở lại”, “Mị còn trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi”, với khát khao tự do, khát vọng thoát khỏi sợi dây thần quyền và cường quyền. Mị tiến tới, sắn một miến mỡ bỏ vào đèn. Hành động của Mị cho thấy Mị đã dần có ý thức về cuộc đời mình. Hành động sắn mở như thể Mị đang muốn thắp sáng cuộc đời chính mình, ánh sáng là thứ giúp Mị thoát khỏi sự trói buộc ấy. Đó là ánh sang của niềm tin, của hi vọng về một tương lai tươi sáng. Mị lấy chiếc váy hoa, cột lại tóc chuẩn bị đi chơi. Lúc bấy giờ, những kí ức thanh xuân đã ùa về trong tâm trí Mị. Mị nhận ra giá trị của bản thân. Mị thức tỉnh, hồi sinh sau boa nhiêu năm sống cơ cực dưới thân phận một nàng dâu gạt nợ.
Tô Hoài miêu tả tâm trạng, phân tích tâm lí của Mị một cách sâu sắc tinh tế qua tiếng sáo đêm tình mùa xuân. Mị khao khát tình yêu, khao khát hạnh phúc. Mị có một sức sống tiềm tàng mãnh liệt. Qua đó ông đã vạch trần bộ mặt ghê tởm của cha con nhà thống lí và chỉ rõ: việc bắt Mị làm con dâu gạt nợ là một tệ nạn xã hội vô cùng dã man. Hành động “nổi loạn” của Mị đã cho thấy không có uy quyền nào có thể làm lụi tàn được, vùi dập được nỗi khát khao trong người phụ nữ trẻ, người con dâu gạt nợ.
Sức sống tiềm tàng mãnh liệt của Mị được đẩy đến đỉnh điểm trong đêm mùa đông cắt dây cởi chói cho A Phủ. A Phủ là tràng trai khỏe mạnh, lực lưỡng,” con hổ trắng của núi rừng Tây Bắc”, “con trâu tốt mà nhà nào cũng muốn có”. A Phủ, một kẻ tứ cố vô thân, vì tội đánh con quan mà bị đánh trói, bị làng bắt phạt vạ 100 đồng bạc trắng, trở thành người vay nợ, kẻ ở nợ, phải làm con trâu con ngựa cho nhà thống lí , “đời mày, đời con, đời cháu” của A Phủ cũng phải thế! Hoạ vô đơn chí! Rừng động, A Phủ đi chăn bò, để hổ kéo về bắt mất một con. Thế là A Phủ bị thống lí trói đứng vào cột xuốt mấy ngày đêm. Mị và A Phủ như hai số kiếp tiền định cùng trải qua bao đau khổ dập vùi. Ban đầu, khi nhìn thấy A Phủ bị trói đứng như thế, Mị dửng dưng không quan tâm. Vốn dĩ Mị và A Phủ là hai người xa lạ, không có mối quan hệ nào, nếu bây giờ Mị cứu A Phủ thì bản thân Mị sẽ bị chịu tội thay. Mị không dám nghĩ tới cảnh xưa kia Mị cũng bị trói đứng như thế. Cho đến khi thấy giọt nước mắt của A Phủ khiến Mị đồng cảm, chợt nhớ đến hoàn cảnh của mình trong quá khứ, Mị lại biết thương mình và thương cho kiếp người bị đày đọa “có lẽ ngày mai người kia sẽ chết, chết đau, … phải chết”. Nhớ đến những chuyện ngày trước, trở về với hiện tại, Mị đau khổ cay đắng cho thân phận của mình: “Ta là thân đàn bà chúng nó đẵ bắt ta về trình ma nhà nó rồi thì chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi”. Nhưng Mị không có quyền bỏ mặc người khác. Lý trí mách bảo Mị rằng phải cứu A Phủ. Trái tim nhân ái của Mị đã thôi thúc Mị phải hành động. Nhưng Mị chợt chùn lại. Mị giằng xé dữ dội giữa mạng sống của mình và người đồng cảnh ngộ. Mị ý thức được tội ác của cha con nhà thống lí. Mị lấy hết can đảm cắt dây cởi trói cho A Phủ và chạy theo A Phủ giữa đêm mùa đông trên đất Hồng Ngài. Đây không phải là hành động mang tính bản năng. Đúng hơn, cùng với sự trỗi dậy của ký ức, khát vọng sống tự do, đã khiến Mị chạy theo người mà mình vừa cứu. Mị giải thoát cho A Phủ và giải thoát cho cả bản thân mình! Không biết cuộc sống của Mị sau này sẽ ra sao thế nhưng việc Mị chạy thoát khỏi nhà thống lí đã chứng minh được sức sống tiềm tàng mãnh liệt ẩn sâu trong tâm hồn Mị. Mị đã tự mình chống lại cường quyền và thần quyền nhà thống lí. Mị đã tự đứng lên để bảo vệ bản thân, tự mình dành lấy tự do, hạnh phúc.
Tô Hoài đã thành công khi miêu tả sự trỗi dậy của nhân vật, qua đó khẳng định sức sống tiềm tàng mãnh liệt ẩn sâu trong nhân vật. Đồng thời, Tô Hoài cũng đã lên tiếng tố cáo các ác, cái bất công của xã hội hay nói đúng hơn là tư tưởng phong kiến cũ. Thông qua cuộc sống của Mị tại nhà thống lí ta đã phần nào cảm nhận được nỗi cơ cực của người nông dân dưới ách thống trị của bọn “chúa núi vùng cao” mà đại diện cho chúng không ai khác là cha con nhà thống lí.
Vợ chồng A Phủ đã để lại trong lòng người đọc vẻ đẹp của lòng nhân đạo, tình yêu thương đồng cảm sâu sắc với những kiếp người nghèo khổ. Qua nhân vật Mị nhà văn đã làm hiện lên vẻ đẹp của một sức sống tiềm tàng mãnh liệt của người phụ nữ miền núi nói riêng và người phụ nữ Việt Nam nói chung.
Nguyễn Thị Thu Trang