Phân tích bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm


Phân tích bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm

Bài làm

Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) hiệu là Bạch Vân Cư Sĩ. Bản thân ông là một người  học rộng tài cao, đỗ đạt ra làm quan sau đó vì chán ghét chốn quan trường nhiều mưu thâm kế hiểm cho nên ông đã trở về quê sông cuộc sống thanh đạm mà hiền lành. Bài thơ “Nhàn” được ông sáng tác đã nói lên quan niệm sống hết sức thanh cao, giản dị của ông.

 Nhàn là bài thơ Nôm nằm trong tập Bạch Vân quốc ngữ thi. Nhan đề bài thơ chỉ một chữ thôi nhưng cũng đủ cho ta thấy một phong thái thanh thản của nhà thơ. Bài thơ nêu lên quan niệm sống đẹp- vượt lên danh lợi tầm thường để thanh tịnh trong tâm hồn.

 Một mai, một cuốc, một cần câu,

Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.

Câu thơ đầu ngắt nhịp rõ ràng 2/2/3 vừa làm cho câu thơ tách bạch rõ ràng, vừa cho thấy cuộc sống đơn giản mà ung dung. Biện pháp điệp ngữ “một” như muốn nhân lên cái giản đơn trong cuộc sống của nhà thơ. Nhìn vào câu thơ đầu tiên, chắc hẳn không ai nghĩ đó là cuộc sống của một vị quan. Thế mà nhà thơ nhắc đến cuộc sống của mình với một giọng thơ đầy khoan khoái. “mai”, “cuốc”,”cần câu” gợi lên cuộc sống mộc mạc, giản dị nhưng đầy niềm vui.

Câu thơ thứ hai “Thơ thẩn dầu ai vui thú nào”  như một lời khẳng định vũng chắc cho lựa chọn của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ngoài kia cuộc sống tấp nập nhưng ông vẫn chọn cho mình thú vui nhà nông, xa lánh chốn đông đúc phù phiếm. Ông muốn tận hưởng không khí bình dị, yên ắng nơi đây.

>> Xem thêm:  Anh (chị) hãy phân tích bài: Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu

Hai câu thơ sau, tác giả đã nêu rõ quan niệm của nhà thơ về sự “khôn”-“dại” ở đời:

“Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ

Người khôn người đến chốn lao xao”

Câu thơ như một vế đối rõ ràng “Ta-người” “dại-khôn” “nơi vắng vẻ-chốn lao xao”cho ta thấy quan niệm đối lập giữa ta và người. Hay nói cách khác đó là quan niệm giữa nhà thơ và người đời. Đối với nhiều người, một cuộc sống sung túc, được làm quan triều đình là cả một niềm mơ ước nhưng Nguyễn Bình Khiêm lại từ bỏ để trở về cuộc sống ẩn dật. Do vậy, nhà thơ tự nhận mình là “dại” ở đời. Quan niệm của ông đi ngược lại với quan niệm lúc bấy giờ. Nhưng qua đó ta lại thấy được tâm hồn thanh cao, trong sạch của nhà thơ. Một tâm hồn đẹp của bậc nhà Nho xưa, chấp nhận từ bỏ chốn “lao xao” phồn hoa để về với cuộc sống nông nhàn. Ông cũng đã từng khẳng định điều này qua câu thơ:

Khôn mà hiểm độc là khôn dại,

Dại vốn hiền lành ấy dại khôn.

Ta thấy được Nguyễn Bỉnh Khiêm không hề “dại” vì ông có nhiều hơn của cải- đó là của cải trong tâm hồn. “Chốn lao xao” chính là chốn quan trường đấu đá khốc liệt. Câu thơ như một lời tự sự của nỗi lòng tác giả: chán ghét cuộc sống đấu đá, tranh giành. Qua đó cho thấy đâu mới thực sự là cuộc sống khôn-dại theo đúng nghĩa.

>> Xem thêm:  Thuyết minh về truyện Chuyện chức phán sự đền Tản Viên (Tản Viên từ phán sự lục - Trích Truyền kì mạn lục - Nguyễn Dữ) (Yêu cầu lập dàn bài)

 Cuộc sống nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm được miêu tả thật đẹp, tựa như một bức tranh:

“Thu ăn măng trúc, đông ăn giá

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao”

Bức tranh bốn mùa được vẽ lên với giọng thơ đầy vui vẻ và thanh nhàn. Mùa nào thức nấy, tác giả tận hưởng món quà của thiên nhiên một cách ung dung. Mùa thu tác giả ăn măng, mùa  đông ăn giá đỗ. Một cuộc sống bình dị mà thanh cao biết bao. Câu thơ “Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao” như nét phác họa nhẹ nhàng cho bức tranh bốn mùa. Câu thơ như gột rửa bụi trần, thanh cao, thoát tục. Cuộc sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm thật đẹp không ai sánh được. Vì đó là cuộc sống đẹp trong cách sống nhàn, đẹp trong tâm hồn người thi sĩ.  Một cuộc sống dường như chỉ có tác giả và thiên nhiên, hai người bạn tâm giao ý hợp.

  Hai câu thơ kết dường như đúc kết được tinh thần, cốt cách cũng như suy nghĩ của Nguyễn Bình Khiêm:

“Rượu đến cội cây ta sẽ uống

Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”

Cuộc sống nhàn chính là được thưởng thức chén rượu nồng, tận hưởng không khí trong lành của cuộc sống thôn quê.  Cuộc sống nhàn mà tác giả lựa chọn chính là biểu hiện cao nhất của trí tuệ sáng suốt. Nhà thơ giữ nguyên lập trường của mình: xem công  danh phú quý tựa như một giấc mơ. Thật vậy, tiền bạc, của cải rồi cũng chỉ là phù phiếm. Chỉ có cuộc sống đẹp nơi tâm hồn mới là thứ quý giá nhất.Nhà thơ  quyết tâm từ bỏ chốn quan trường lao xao danh lợi để trở về với cuộc sống thiên nhiên trong sạch nơi tâm hồn.

>> Xem thêm:  Soạn bài phong cách ngôn ngữ nghệ thuật

Quan niệm sống nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm không phải nhằm mục đích trốn tránh vất vả, cực nhọc. Đối với ông, Nhàn là sống hoà hợp với tự nhiên, trở về với tự nhiên để thư thái nơi tâm hồn. Nhà thơ “Nhàn tâm nhưng không nhàn thân”. Ông lúc nào cũng mang trong tim nỗi niềm thương lo cho đất nước.

 “Nhàn” là một bài thơ hay của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bài thơ như một bức tranh tự họa về cuộc đời của tác giả. Đó là một cuộc sống trong sạch, ung dung, tự do tự tại trong tâm. Bài thơ thể hiện tình yêu thiên nhiên của tác giả đồng thời cũng cho thấy một tâm hồn Nho sĩ vươn lên khỏi mặt bùn danh lợi tầm thường để vươn tới khát vọng về cuộc sống giản dị cao đẹp.

Bài viết liên quan