Nghị luận về vấn đề bạo lực học đường hiện nay


Nghị luận về vấn đề bạo lực học đường hiện nay

Bài làm

” Chúng ta luôn nói về hòa bình, việc đấu tranh cho một thế giới tốt đẹp hơn thế nhưng hòa bình sẽ không bao giờ bền vững nếu như vấn đề về bạo lực không được giải quyết.”
(Hoa hậu Thiên Ân)

Đúng như vậy, thời kỳ không có chiến tranh chưa chắc đã là hòa bình. Bởi vì ngoài kia bạo lực vẫn đang hoành hành dưới nhiều hình dạng từ bạo lực về thể xác đến bạo lực ngôn từ. Đáng nói hơn tình trạng bạo lực này đang diễn ra ngày càng nhiều ở ngay chính trường học – nơi mà đáng lý những em học sinh sẽ có kỷ niệm đẹp với bạn bè, thầy cô. Và tình trạng bạo lực học đường ngày nay là một vấn đề nhức nhối đối với bộ Giáo dục, nhà trường, và gia đình.

Có thể nói tình trạng bạo lực học đường đã trở nên khá phổ biến ở các trường học trong cả nước. Và cụm từ bạo lực học đường đang dần trở thành một thuật ngữ dùng chỉ những hành vi tác động vật lý, xô xát, đánh nhau giữa các học sinh. Không phải chỉ là tác động vật lý mới là bạo lực mà còn là những lời nói miệt thị, lăng mạ, chì chiết với thái độ cười cợt, đe dọa. Gây ra những tác hại không ngờ về cả thể chất lẫn tinh thần cho nạn nhân của bạo lực học đường.

Hiện nay chỉ cần lên Google gõ cụm từ “Học sinh đánh nhau” thì trong vòng 0,08 giây Google sẽ tìm kiếm cho bạn khoảng 3.140.000 kết quả liên quan đến việc học sinh dùng bạo lực để giải quyết những khúc mắc. Đây là một con số thật khủng khiếp và đáng báo động. Hoặc chỉ cần vào Youtube bạn sẽ thấy những hình ảnh, những thước phim bạo lực do học sinh quay lại và tung lên mạng. Những cảnh đấm đá vô nhân tính của các cô cậu mang đồng phục học trò đang đấm đá, xé áo, lột quần, túm tóc… gây ám ảnh cho người xem và nỗi đau một thế hệ tuổi trẻ đang bị băng hoại về nhân cách. Không chỉ xảy ra tại trường công mà ngay tại những môi trường quốc tế – nơi có sự giáo dục hàng đầu với chất lượng dạy học cao cũng xảy ra hiện trạng này. Điển hình là vụ việc tại trường Quốc tế TPHCM – Học viện Mỹ (ISHCMC-AA). Một học sinh nữ đánh bốn học sinh khác chỉ vì một xích mích nhỏ là tranh giành chỗ ngồi. Đáng nói hơn khi xử lý vụ việc nữ sinh này cũng không có chút thái độ xám hối mà tỏ vẻ cợt nhả, tạo dáng thảnh thơi mà ra về. Bạo lực ẩn mình và không phân biệt bất cứ điều gì, chỉ biết nơi tồn tại sự ganh ghét, hận hằn thì nơi đó chắc chắn xảy ra bạo lực. Chưa dừng lại ở đó bạo lực không chỉ là sự xô xác, xích mích giữa học sinh với học sinh, hay một tập thể mà còn là những hành vi thiếu chuẩn mực đối với giáo viên. Có rất nhiều trường hợp học sinh vô lễ với giáo viên, gây bức xúc trên mạng xã hội. Như vụ việc một học sinh chạy lên tát cô giáo của mình trước lớp hay là có hành vi không đúng trong các tiết học như nói leo, ngủ gật, nói tục… Ngược lại, cũng rất nhiều vụ việc học sinh bị giáo viên đánh đập, chèn ép vì lí do đơn giản là không đi học thêm. Nhưng thông tin trên không phải là quá nhiều nhưng nó đủ gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh về sự suy đồi đạo đức của một bộ phận giới trẻ ở Việt Nam.

Chính bởi những hành động thiếu suy nghĩ, không có văn hóa của các em tại môi trường học tập đã để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng đối với nạn nhân bị bắt nạt nói riêng và toàn xã hội nói chung. Nó gây ra tổn thương và dư chấn về tinh thần và thể xác: học sinh bị bạn bè đánh đập rồi bị quay phim tung lên mạng sẽ dễ bị chấn thương tâm lí, sốc về tinh thần, cảm thấy tự ti với bạn bè, xấu hổ với mọi người xung quanh. Nghiêm trọng hơn nữa khi mà những học sinh bị đánh, thầy cô giáo bị hành hung không phải sây sát nhẹ mà phải nằm viện với di chứng về tổn thương thể xác. Bị gãy tay chân, bị chấn thương sọ não. Thậm chí bị hoảng loạn, bị thần kinh, bỏ học, bỏ dạy… Đau lòng hơn là có những trường hợp các em đã phải tự tìm đến cái chết để giải thoát bản thân. Không những để lại cho nạn nhân bị bạo lực học đường một vết thương tâm lý vô cùng lớn mà chính những kẻ gây ra bạo lực chịu một tổn thương vô hình mà rất lâu sau đó mới có thể nhận ra. Về sau họ có thể cảm thấy dằn vặt vì những hành vi của bản thân. Hay nó sẽ ảnh hưởng đến những nhân cách của họ trong tương lai, các học sinh này thường sẽ có xu hướng giải quyết vấn đề bằng nắm đấm, bởi họ đã từng có hành vi bạo lực.

>> Xem thêm:  Phân tích bài Bên kia sông Đuống

Bạo lực có thể xuất phát từ những hành vi do: học sinh cá biệt thành lập băng nhóm để ức hiếp bạn bè; ảnh hưởng từ phim ảnh bạo lực; ghen tị về thành tích học tập; mâu thuẫn nhỏ trong bạn bè dẫn đến xích mích, nổi nóng thiếu kiềm chế; bên cạnh đó là những nguyên nhân cỏn con như “thích thì đánh cho nó chừa”, “nhìn đểu”… Có thể do học sinh bị tiêm nhiễm từ lối cư xử của các đối tượng bên ngoài nhà trường, thậm chí là những người lớn trong gia đình. Nhiều học sinh có cha mẹ hoặc người thân là những người hành nghề tự do trong xã hội và có cách cư xử không đúng chuẩn mực. Chính những thói quen ứng xử hằng ngày của họ đã vô tình gieo trong đầu các em những suy nghĩ không tốt, dẫn đến việc các em có lối cư xử, hành xử không hay trong nhà trường với bạn bè.

Ông Phạm Ngọc Lưu, Trợ lý thanh niên Phòng Giáo dục quận 9, Tp Hồ Chí Minh cho rằng: Vấn đề bạo lực học đường hiện nay đang ở mức báo động cấp thiết, có nguy cơ nổ bùng và lan rộng. Đứng trước vấn nạn đó giải pháp về giáo dục để xóa bạo lực học đường là vô cùng cấp thiết. Toàn xã hội cần phải củng cố, nâng cao chất lượng môi trường xã hội, văn minh tiến bộ. Quan tâm nâng cao văn hóa gia đình. Trong từng gia đình, người lớn phải làm gương, giao tiếp ứng xử đúng mực, mạnh dạn lên án và loại bỏ bạo lực ra khỏi đời sống gia đình. Xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ ba môi trường giáo dục: gia đình – nhà trường – xã hội. Xã hội và ngành giáo dục cần xác định rõ lại vai trò, vị trí của người thầy, quyền hạn và trách nhiệm trong nhiệm vụ giáo dục đạo đức học sinh. Và chính bản thân các em học sinh cũng nên có hướng đi giải quyết những vấn đề xung quanh một cách văn minh và đúng đắn nhất.

>> Xem thêm:  Phân tích tâm trạng của Anđrây Bôncônxki qua hai lần gặp Cây sồi bên đường trong tác phẩm Chiến tranh và hoà bình của L.Tônxtôi

Vì một môi trường học đường lành mạnh, Học sinh “HÃY NÓI KHÔNG VỚI BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG”. Mỗi người lớn trong gia đình phải là tấm gương lớn cho con em noi theo.

Bài viết liên quan