Nghị luận về vấn đề đọc sách


Đề bài: “Đọc sách là một con đường quan trọng để tích lũy và nâng cao học vấn, nhưng trong xã hội ngày nay, dường như con đường quan trọng này đang có vấn đề.”

   Trình bày ý kiến của em về hiện tượng này.

 Bài làm

   Các bậc tài trí cổ kim luôn coi sách là phương tiện trau dồi tri thức, bồi dưỡng đạo đức. Một lẽ giản đơn rằng: “ Sách là kết tinh những thành tựu tri thức và văn hóa của nhân loại, là đời sống xương máu quý giá ướp hương và ủ kín”. Đọc sách, nghĩa là ta đang dung nạp vào mình những kiến thức, những tư tưởng, tình cảm đáng quý…Đọc sách, ta không thành bậc cao nhân trong thiên hạ thì cũng là người có học vấn, sáng suốt, đức độ. Việc đọc giá trị dường ấy nhưng ngày nay, ta đã và đang thấy ngày một nhiều những vết nứt vá, hư hỏng, những vấn đề đáng quan ngại trên con đường dẫn đến học vấn vốn đầy trong sáng và cao quý đó.

   Trước tiên, hãy hiểu sơ lược về học vấn. Có nhiều người nói vui rằng: “ Tôi thà chọn xấu xí nhưng thông minh, tài giỏi còn hơn là đẹp mà không có hiểu biết gì!”. Nói thế, hẳn là người ta đang đề cao tầm quan trọng của học vấn vậy. Có thể hiểu rằng, học vấn là những hiểu biết, những kiến thức, kĩ năng mà ta đạt được từ quá trình học tập, rèn luyện lâu dài. Họ vấn là cơ sở để ta giải quyết nhiều vấn đề trong cuộc sống, là vị quân sư hướng ta vượt qua những khó khăn, trở lực trên con đường đi đến ước mơ của mình.  Phải có kiến thức, có hiểu biết mới có thể hành động và đem lại hiệu quả. Học vấn cho ta một cái nhìn chín chắn, sáng suốt hơn. Có con mắt của tri thức, ta ít nhiều nhìn thấu được cuộc đời, vững chãi hơn trước những cơn sóng gió bất kỳ. Có thể ví học vấn của con người như chiếc phao cứu sinh, như con thuyền. Học vấn cạn hẹp thì con thuyền nhỏ bé, chênh chao giữa biển đời không ngừng biến động. Đặc biệt trong xã hội hiện nay, công nghệ đang phát triển vượt bậc, nhân loại không ngừng đi lên, không có học vấn, ta sẽ chỉ là bèo bọt dềnh dàng mà thôi…Ta hãy nhìn quanh mình mà xem, những kẻ học vấn hạn hẹp thường long đong, lận đận dưới cái “số kiếp” mà họ tự đặt ra, còn những người có học vấn sâu rộng, uyên thâm luôn có phong thái vững chãi, họ mang cái nhìn nhân sinh sâu sắc. Bể kiến thức thì mênh mông mà học vấn của con người thì nhỏ bé. Vì vậy việc tích lũy và nâng cao học vấn là chuyện suốt đời.

   Ta có thể đến những đâu để tìm kiếm suối nguồn của tri thức? Ta có thể học qua những người thầy, tìm tới những người bạn tốt, nhìn vào cuộc đời và hơn hết, hãy đến với những trang sách. “Đọc sách là một con đường quan trọng để tích lũy và nâng cao học vấn”, vì sao vậy? Sách là thành quả của hoạt động tư duy và xúc cảm nên bản thân nó đã có giá trị. Lại nói, sách chứa đựng những hiểu biết, những chiêm nghiệm của người viết đúc kết được từ quá trình học tập và trải nghiệm của họ, họ tâm đắc và gửi gắm qua tác phẩm của mình. “Sách là tinh hoa nhân phẩm và trí tuệ của con người ở mỗi thời đại đã qua”…Ngày nay, thế giới của sách muôn màu muôn vẻ, cung cấp cho ta kiến thức ở mọi lĩnh vực, mọi khía cạnh của cuộc sống. Cách ta tiếp cận với tri thức của sách là đọc, hoạt động đó được thực hiện một cách tập trung sẽ kích thích não bộ vận động, tư duy, vì thế mà tri thức của sách thẩm thấu vào ta, trở thành hiểu biết của ta. Những tri thức, chiêm nghiệm mà người viết mất nhiều năm, thậm chí cả cuộc đời để đúc rút được, qua những trang sách nhỏ của họ, ta có thể cảm hiểu, tiếp nhận, chẳng phải rất tuyệt vời sao? Càng hiểu sâu một cuốn sách, càng khám phá thế giới của sách, hiểu biết và học vấn của ta ngày càng sâu rộng…Tóm lại, sách là tinh hoa của tri thức, đọc sách là phương pháp ưu việt nhất để tích lũy và nâng cao học vấn cho mình.

>> Xem thêm:  Em có nhận xét gì về câu nói của Hoài Thanh khi đọc bài Nhớ rừng: Thế Lữ như một vị tướng điều khiển đội quân Việt ngữ với một mệnh lệnh không thể cưỡng lại được

   Thế nhưng, việc đọc và học tập qua sách ngày nay đang có nhiều vấn đề nổi cộm, đáng lưu tâm, có khi biểu hiện thành hiện tượng xấu của xã hội. Trong những thập niên qua, xã hội đã có những bước phát triển vượt bậc. Nhiều thiết bị điện tử và những công nghệ tiên tiến ra đời, dường như đã thay đổi địa vị của sách. Văn hóa nghe, nhìn đã và đang lấn át văn hóa đọc. Trên những chuyến tàu điện ở Nhật Bản thế kỉ trước, người ta im lặng xem sách, còn giờ đây, hầu hết mọi người tập trung xem truyện tranh hoặc xem điện thoại. Nếu ngày trước người ta phải tìm đến thư viện để đọc, để học thì ngày nay, đã có ứng dụng đào tạo qua mạng, những video và chương trình phát thanh trực tuyến hệt những gói “kiến thức ăn liền” đa dạng cho người ta sử dụng. Tệ hơn, nhiều người sử dụng ưu thế của mạng thông tin chỉ để phục vụ thú vui tiêu khiển của mình, nhiều khi lại bị dẫn dắt đến những văn hóa phẩm độc hại. Không nói việc học tập qua mạng là xấu, trái lại nó còn có nhiều ưu điểm, nhưng ta không nên phụ thuộc vào công nghệ mà đánh giá thấp tầm quan trọng của sách. Tạm dừng lại vấn đề đó, ta còn thấy rằng, nhiều người hiện nay sẵn sàng bỏ của cải ra để phục vụ cho việc “hưởng lạc” nhưng lại tằn tiện với sách, không đầu tư để nâng cao hiểu biết của mình. Dễ thấy rằng, xung quanh ta, nhiều quán ăn, khu giải trí mọc lên như nấm, và người ta kéo đến rất đông trong khi những tủ sách công cộng, những thư viện rất hiếm thấy và cũng bị nhiều người ngó lơ. Nhiều bạn trẻ dùng tiền của cha mẹ để mua sắm, để ủng hộ thần tượng nhưng không chịu đầu tư mua sách để nâng cao học vấn cho mình. Ở một chiều hướng ngược lại, nhiều bạn trẻ mua rất nhiều sách và cho biết họ đã đọc nhiều, đã biết nhiều, nhưng nghịch lí là họ vẫn bất ổn trong cuộc sống của mình, họ vẫn mang những suy nghĩ thiếu chín chắn dù rất tự tin về tấm áo hào quang mà mình đang khoác. Khi những người ấy gặp phải khó khăn, bất trắc trong đời, chiếc thuyền sự nghiệp của họ vẫn chênh chao, lật nhào, và rồi họ mất niềm tin với sách, họ quay lưng lại với việc đọc sách…Chưa dừng lại ở đó, uy danh của sách ngày nay còn bị đe dọa bởi sự có mặt của những cuốn sách tồi. Có một số người viết sách nhưng không phải ai cũng tâm huyết với đứa con tinh thần của mình dẫn đến tình trạng sách kém chất lượng tràn lan, nhiều cuốn sách gây ra những cách hiểu sai, những tư tưởng không tốt cho bạn đọc. Bởi những vấn đề trên mà việc đọc sách, từ con đường dẫn đến tri thức, trí tuệ trở thành con đường đầy ổ gà và những vết nứt vá…

   Có những nguyên nhân tiêu biểu lí giải cho việc xuất hiện các vấn đề trên con đường đi đến học vấn này. Vì sao nhiều người biết “sách là tinh hoa tri thức” rồi, biết khi đọc sách là “cả thế giới mở ra cho bạn rồi”, nhưng họ vẫn chọn những phương tiện nghe, nhìn trên mạng xã hội thay vì đầu tư cho một cuốn sách? Cũng như khi người ta biết mình cần ăn những món ăn tốt cho sức khỏe nhưng họ vẫn chọn mì ăn liền hay thức ăn nhanh, nguyên nhân chính ở đây là con người hiện đại chúng ta muốn đạt được mục tiêu một cách nhanh chóng. “ Tại sao tôi phải đọc một cuốn sách dài hàng trăm trang trong khi tôi có thể có được kiến thức như vậy chỉ bằng việc xem video ngắn vài phút?”. Việc tiêu thụ các video ngắn trên mạng làm người ta dễ mất kiên nhẫn hơn, sự tập trung bị bào mòn và người ta ngán ngẩm trước những cuốn sách “toàn là chữ”. Sự thật là, dù bạn xem bao nhiêu video, tham gia bao nhiêu khóa “truyền động lực” hay thậm chí nghe đọc sách qua điện thoại, hiệu quả và thành tựu mà bạn đạt được vẫn chẳng bằng việc đọc và chiêm nghiệm một cuốn sách giá trị. Như đã nói từ trước, việc đọc giúp ta tiếp nhận kiến thức tốt hơn, bên cạnh đó, khi ta tập trung vào từng trang sách, tư duy, trí tưởng tượng của ta được mở rộng. Sách giúp ta nhận ra nhiều điều, hơn cả học vấn, nó cho ta những bài học cuộc sống sâu sắc đằng sau mỗi chi tiết mà có lẽ hàng trăm khóa học chưa chuyển tải hết được…Lại có những người khác, không quan tâm đến việc đọc sách do người ta coi thường việc học, do không nhận ra tầm quan trọng của học vấn. Có ý nghĩ đúng đắn mới có hành động đúng đắn, suy nghĩ thiển cận, nhiều người cho rằng đọc sách mất thời gian và không đem lại hiệu quả gì, thành ra bảo thủ giữ lấy cái xấu, cái dốt của mình. Lại nói, nhiều người “sưu tầm” rất nhiều sách, rất ham đọc nhưng kết quả mang lại chẳng được bao nhiêu…Nhiều bạn trẻ hiện nay cầm cuốn sách trên tay mà không thực sự đọc, đọc mà không thực sự muốn trau dồi bản thân. Họ dường như muốn “ra oai”, đọc chạy đua số lượng cho có vẻ “tri thức”, cho bằng bạn bằng bè…Làm như vậy là lừa mình dối người, vỏ bọc thì lộng lẫy mà thực chất chẳng thu được gì. Hãy nhớ rằng: “Sách làm cho cuộc đời ta đầy đặn, không phải để lấp đầy giá sách”. Thêm vào đó, nhiều bạn trẻ chọn sách mà chỉ nhìn bìa, không kiên nhẫn đọc, bỏ dở cuốn này lại nhảy sang cuốn khác…Thói đọc càn, đọc loạn, bỏ dở giữa chừng ấy chẳng khác gì những nỗ lực ảo, không cải thiện được bản thân cũng là việc dễ hiểu. Đọc nhiều, biết nhiều nhưng học vấn không sâu rộng thêm, tâm trí không khoáng đạt ra, nhân sinh quan hạn hẹp thì đó cũng là vấn đề. Đọc rồi mà không ngẫm, không rèn, không luyện là cách đọc hời hợt, học vấn sẽ không cặn kẽ và sâu sắc…Muốn khắc phục những vấn đề của việc đọc sách, ta phải bắt nguồn từ những nguyên do như thế.

>> Xem thêm:  Giới thiệu về Trần Quốc Tuấn và hoàn cảnh ra đời của văn bản Hịch tướng sĩ

   Vậy, phải làm thế nào để khắc phục những vấn đề của việc đọ sách? Việc đọc sách mang vấn đề ảnh hưởng đến toàn nhân loại, không đọc sách là quay lưng lại với nền văn minh, tri thức của nhân loại, xã hội sẽ khó mà đi lên. Nhưng thực sự, người ta đọc sách trước hết là để nâng cao hiểu biết, trau dồi chính bản thân họ nên vấn đề của việc đọc sách phải được bắt đầu từ ý thức của mỗi người. Phải ý thức rõ tầm quan trọng của học vấn, của việc đọc đồng thời có trách nhiệm với bản thân thì người ta mới có sự thôi thúc tìm đến sách. Nguồn động lực ấy phải được khơi gợi từ bên trong ta. Sách làm con người trở nên tốt hơn, hướng con người đến hoài bão về cuộc sống tốt đẹp hơn. Ta biết Oprah Winfrey- bà hoàng truyền thông của Mỹ, đã thoát khỏi những năm tháng tủi cực và cay đắng của một cô bé da màu bằng việc đọc sách. Chủ tịch Hồ Chí Minh- vị Cha già của dân tộc Việt Nam, được ghi nhớ đời đời với tinh thần ham học hỏi. Bác khẳng định: “ Bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc sách.” Quả thật vậy, còn không biết bao nhiêu những danh nhân, những người thành đạt ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống đã vươn lên từ trang sách…Nhờ có sách mà cậu học trò nghèo trở thành đại quan, một gã bần nông thoát kiếp cơ hàn. Muốn bắt đầu việc đọc sách, ta phải biết cách chọn sách. “Chớ nên đặt cuốn sách tầm thường lên giá sách”, cũng giống như việc chọn thầy, chọn bạn, ta đừng chỉ nhìn vào hình thức bên ngoài mà còn phải hiểu rõ cái thực chất một cách tinh tế. Chọn sách phải chú trọng vào nội dung, trước khi mua sách cần phải cảm hiểu nó. Chọn được sách rồi thì cần tập cho mình thói quen đọc, đọc chuyên cần ngày ngày. Thật ra, việc đọc sách cũng giống như chăm tưới một cái cây, hôm nay cây còn bé nhỏ nhưng tương lai hứa hẹn sẽ mang lại thành quả lớn, cái cây đó chính là bản thân chúng ta vậy. Đọc sách nên đọc chậm, vừa đọc vừa suy ngẫm, chiêm nghiệm, liên hệ với cuộc sống của bản thân, rút ra bài học cho mình. Biết rồi, hiểu rồi thì phải tìm cách rèn luyện, thực hành, áp dụng vào thực tế cuộc sống của mình. Suy cho cùng, trong mọi sự học đều cần song song sự hành. Đó mới là thực học, là cách đọc sách hiệu quả, tích lũy và nâng cao được học vấn, và cả vốn sống cho mình.

   Sách thường được ví như tinh hoa tri thức, là những bản thảo cất giữ cả một quá trình phát triển văn minh của loài người. Đọc sách, là ta đang tìm đến và tiếp thu, trải nghiệm và trưởng thành ở một thế giới diệu kì. Đọc sách, là ta đang giữ cho thế giới trong sáng và đẹp đẽ của tri thức không rơi vào cõi hư hoại…Mỗi người chúng ta, hãy tìm đến sách với một thái độ nghiêm túc và trân trọng. Đó là ta đang sống trách nhiệm với chính bản thân mình và góp phần tu sửa lại những vấn đề trên con đường quan trọng dẫn đến học vấn: việc đọc sách.

 

 

 

 

Bài viết liên quan