Suy nghĩ về câu chuyện Thượng đế cũng không biết


Đề bài: Suy nghĩ về câu chuyện sau:

Thượng đế cũng không biết

Thượng đế lấy đất sét nặn ra con người. Khi Ngài nặn xong vẫn còn thừa ra một mẩu đất, Thượng đế hỏi:

  • Còn nặn thêm cho mày gì nữa, con người?

Con người suy nghĩ một lúc: có vẻ như đã đủ đầy- tay, chân, đầu,… rồi nói:

  • Xin Ngài nặn cho con hạnh phúc.

Thượng đế dù thấy hết, biết hết nhưng cũng không hiểu hết được hạnh phúc là gì. Ngài trao cục đất cho con người và nói:

  • Này, tự đi mà nặn lấy cho mình hạnh phúc.

(Những giai thoại hay nhất về tình yêu và cuộc sống)

Bài làm:

Hạnh phúc có màu gì, có hình dáng như thế nào, bạn có biết không? Ai trong chúng ta cũng mong cầu và ước ao hạnh phúc. Hai chữ “hạnh phúc” dường như là mục tiêu, là điểm đến lí tưởng của cuộc đời mỗi người. Dẫu vậy, chẳng ai định nghĩa chính xác được hạnh phúc, bởi đã là cái gì đó thiêng liêng thì không thể dễ dàng hiểu hết, kể cả Thượng đế. Cuộc đối thoại giữa Thượng đế và loài người trong giai thoại “Thượng đế cũng không biết” đã cho ta nhiều suy ngẫm về hạnh phúc: hạnh phúc là một hành trình và phải do chính ta tạo dựng.

Chuyện kể rằng, Thượng đế đã dùng đất sét để nặn ra loài người. Thứ đất sét ấy tạo nên dáng vóc, tay chân,… và cả khối óc cho loài người. Chúng ta hiểu rằng, loài người là thành quả của hành trình mấy chục triệu năm tiến hóa. Nhưng buổi ban sơ, ta chẳng khác gì nhiều với những loài thú khác ngoài việc đi bằng hai chân và biết sử dụng lửa… Tạo hóa đã nhào nặn ra loài người bằng quá trình công phu và dai dẳng, nhưng loài người vẫn thấy thiếu đi một điều gì đó rất quan trọng trong cuộc sống. Nó không hữu hình như các bộ phận tay, chân, đầu,… nhưng nó có vẻ ý nghĩa hơn cả. Nó mang tên “hạnh phúc”. Loài người muốn mình được ban cho hạnh phúc. Nhưng Thượng đế, dẫu là đấng tối cao, toàn năng cũng không thể định nghĩa và “nặn ra” dáng hình của hạnh phúc. Hạnh phúc với mỗi người là những điều vô cùng khác nhau. Mỗi người, ở mỗi thời điểm khác nhau lại có cho mình những khái niệm khác nhau về hạnh phúc. Thượng đế không tài nào cố định được một hạnh phúc khiến cả nhân loại đồng tình. Cuối cùng, Ngài đã cho con người tự “nặn” lấy hạnh phúc đời mình. Chi tiết đó cho ta hiểu rằng, hạnh phúc không phải do trời ban hay bất cứ thế lực nào quyết định, hạnh phúc là do chính mỗi người tạo nên. Hạnh phúc là vấn đề của trái tim, là hành trình tìm kiếm trọn đời…

>> Xem thêm:  Điều quan trọng làm nên thành công của đoạn trích Trong lòng mẹ (Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng) là giọng văn giàu chất trữ tình. Em có đồng ý như vậy không? Viết đoạn văn nêu những ý kiến của em

Bất cứ ai, dù lớn hay nhỏ, già hay trẻ, giàu- nghèo, trai- gái,…đều có ước ao nhất định về hạnh phúc. Em bé sơ sinh mơ về vòng tay mẹ, lớn hơn thì ao ước mẹ chiều chuộng, vỗ về. Tuổi trẻ khao khát yêu đương, đó cũng là lúc người ta định hình về hạnh phúc đời mình. Hạnh phúc có khi là một buổi chiều vui vẻ bên người thân, một mùa đông không còn buốt giá… Dù không hiểu hay cố tỏ ra trơ lì đến nhường nào, trái tim mỗi người đều cảm nhận được và mường tượng ra hạnh phúc.

Hạnh phúc không phải một cô gái kiêu kì, cũng không phải một bức sơn mài công phu, nó có thể bắt nguồn từ những điều giản đơn nhất trong cuộc sống. Ta có được một cơ thể khỏe mạnh, một mái nhà để ở, một bữa cơm để ăn, còn người thân làm điểm tựa,…ấy chẳng phải hạnh phúc sao? Vấn đề là ta phải biết nhận ra và trân quý, đó là kết quả của việc thực hành lòng biết ơn. Biết ơn là một cách vun xới tâm hồn. Vun xới tâm hồn làm ta hạnh phúc. Rèn luyện cách nghĩ, cách nhìn của bản thân cũng là cách ta “nặn ra” hạnh phúc đời mình với “cục đất” là cơ may được sống, là tất cả những gì ta đang có quanh mình.

Hạnh phúc là do chính ta tạo ra, nó bắt đầu từ ý thức và những hành động nhỏ của ta hôm nay. Hạnh phúc là một hạt giống, một cái cây, để ta vun xới và chăm sóc ngày ngày. Lấy ví dụ như hạnh phúc từ tình bằng hữu, duyên lứa đôi. Muốn giữ được hạnh phúc lâu bền phải chăm bón bằng sự đồng cảm, quan tâm và thấu hiểu. Không cố gắng gìn giữ và gây dựng nên hạnh phúc cho mình, ta chẳng thể than oán bất cứ ai ngoài chính mình. Ta còn có thể tạo ra hạnh phúc cho mình, thậm chí cho người, cho đời bằng tấm lòng nhân ái và trái tim yêu thương. Mẹ Teresa, suốt cuộc đời tu hành đã đi khắp thế giới để cưu mang, giúp đỡ những trẻ em nghèo, trẻ em khuyết tật. Đối với bà, đó là niềm hạnh phúc đích thực. Hellen Keller, từ một cô bé khiếm khuyết cả ba khả năng: nhìn, nghe, nói, cô đã dùng sự cố gắng và tấm lòng nhân ái của mình để tiếp tục trao niềm tin và sức mạnh cho những trẻ em khuyết tật, mang lại hạnh phúc cho các em, và cho tâm hồn mình… Nhân vật anh thanh niên- tiêu biểu cho những người lao động Việt Nam thời kì mới- trong truyện “Lặng lẽ Sa Pa” của nhà văn Nguyễn Thành Long đã thổ lộ: “Từ đấy cháu sống thật hạnh phúc” khi biết mình được đóng góp cho đất nước, cho cuộc đời. Như thế đấy, hạnh phúc bắt nguồn từ những điều giản đơn thôi nhưng thật ý nghĩa, cao đẹp. Hạnh phúc của ta là do ta tạo ra chứ không phụ thuộc vào bất cứ ai. Khi tự tạo nên hạnh phúc cho đời mình, ta sẽ thấy hạnh phúc ấy thật quý giá,đẹp đẽ; ta tin tưởng và yêu mến hơn cuộc sống này. Vậy thì, chẳng có lí do gì để hôm nay ta ngồi chờ đợi một ai đó đến và ban cho ta hạnh phúc mà ta muốn. Thượng đế đã quay đi và người khác cũng sẽ bất lực. Hãy tự vun trồng hạnh phúc cho mình.

>> Xem thêm:  Cảm nhận của em về khổ thơ sau: "Dân chài lưới làn da ngâm rám nắng - Cả thân hình nồng thở vị xa xăm - Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm - Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ". (Quê hương - Tế Hanh)

Thật đáng buồn cho những ai còn nằm dài trông đợi hạnh phúc một ngày nào đó tự tìm đến mình. Những kẻ lười nhác và nghèo nàn trong tâm tưởng luôn nghĩ hạnh phúc, niềm vui, may mắn là do số phận định đoạt, rồi họ ngán ngẩm, ca than khi không được như ý. Họ làm việc qua loa, ỷ lại và dựa dẫm. Những người có thái độ sống như vậy rất khó đạt được hạnh phúc và thành công trong cuộc sống. Thêm vào đó, nếu nói mỗi người có định nghĩa riêng về hạnh phúc và tự tạo ra hạnh phúc cho mình thì có nghĩa quan niệm về hạnh phúc là quyền tự do tuyệt đối của mỗi người. Ta đừng nên áp đặt hạnh phúc của người khác, cũng đừng bao giờ cản trở nỗ lực để đạt tới hạnh phúc của họ. Chúng ta hãy biết sống công bằng, yêu thương, hướng đến lợi ích chung của cộng đồng, hạnh phúc chung của xã hội.

Câu chuyện “Thượng đế cũng không biết” không chỉ gợi cho ta những suy nghĩ về hạnh phúc mà còn có những vấn đề, trở trăn về trách nhiệm của chúng ta với cuộc đời của chính mình. Hãy sống bản lĩnh, dựa vào chính mình, nỗ lực không ngừng để vượt lên khó khăn, kiến tạo giá trị cho cuộc đời mình. Hạnh phúc sẽ đến với những người biết nhận thức, cố gắng hết mình vì cuộc đời.

Bài viết liên quan