Cảm nhận về bài thơ Lá Đỏ của Nguyễn Đình Thi


Cảm nhận về bài thơ Lá Đỏ của Nguyễn Đình Thi

Bài làm

Nam Cao đã từng nói: ”Văn chương không cần những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có”. Chính điều đó đã làm nên cái tôi cá nhân riêng biệt đối với mỗi tác giả. Trong số đó, Nguyễn Đình Thi – một nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Phong cách thơ của ông luôn gắn liền với sự giản dị, giàu tính triết lý nhưng cũng không kém phần lắng  đọng: đó là tình yêu quê hương, đất nước, sự tự hào về dân tộc. Phong cách đặc sắc không thể trộn lẫn ấy được thể hiện qua bài thơ: Lá Đỏ – một tác phẩm chứa đầy niềm tin vào sự toàn thắng của dân tộc.

Gặp em trên cao lộng gió
Rừng lạ ào ào lá đỏ
Em đứng bên đường như quê hương
Vai áo bạc quàng súng trường.

Ðoàn quân vẫn đi vội vã
Bụi Trường Sơn nhoà trời lửa.
Chào em, em gái tiền phương
Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn…

    Mở đầu bài thơ là một không gian khoáng đạt, hùng vĩ lại tươi đẹp của núi rừng thiên nhiên rộng lớn. Đã mở ra trước mắt người đọc một cảm giác thân thuộc, hài hòa cùng núi rừng Trường Sơn:
Gặp em trên cao lộng gió

Rừng lạ ào ào lá đỏ

Em đứng bên đường như quê hương

Vai áo bạc quàng súng trường.

    Nhà thơ đã đứng ở trên đỉnh cao của dải Trường Sơn “lộng gió”, nơi không gian bao trùm tất cả bằng màu xanh, ở một thế đứng có thể mở được tầm nhìn rộng lớn và bao quát hơn. Không những thế ông còn nhận ra sức mạnh của dân tộc Việt Nam, nhận ra thiên nhiên Trường Sơn đẹp lạ lùng. “Rừng lạ ào ào lá đỏ”. Đã có biết bao nhiêu tác giả làm thơ về Trường Sơn như: Gia Dũng ( Bài ca Trường Sơn ), Tố Hữu ( Nước Non Ngàn Dặm ), Nguyễn Văn Cư ( Người Lính Già Thăm Lại Trường Sơn ),… Có biết bao nhiêu tâm tính, vẻ đẹp và sắc màu của Trường Sơn đã được nhiều nhà thơ khai thác. Thế mà những chiếc lá đỏ rực rỡ nổi bật giữa màu xanh điệp trùng của đại ngàn Trường Sơn lại chỉ “bay bổng” vào thơ của Nguyễn Đình Thi một cách kỳ diệu và ngỡ ngàng. Chính cơn cuồng phong đã làm nên trận mưa lá đỏ ào ào tuôn đổ hào phóng và mãnh liệt như sức sống của Trường Sơn. Màu đỏ của lá đã phối lên bức tranh thiên nhiên giàu hình ảnh, hoành tráng, khảm vào tâm cảm chúng ta một cách sâu sắc, lay động miền sâu thẳm tình yêu đất nước. Trường Sơn trở thành một địa chỉ thiêng liêng vì đó cũng là con đường dân tộc Việt Nam ta ra trận. “Em đứng bên đường như quê hương/ Vai áo bạc quàng súng trường”, tác giả đã sử dụng biện pháp so sánh để tô sắc màu cho thiên nhiên Trường Sơn thêm đẹp cùng với sự ấm áp. Giữa con đường hành quân khó khăn, cực nhọc lại gian khổ, cô gái thanh niên xung phong đứng bên đường với hình ảnh mộc mạc, chân chất, giản dị. “Em gái tiền phương” ấy nhỏ bé giữa rừng Trường Sơn bạt ngàn, lộng gió nhưng lại mang đến cảm giác thân thương, gần gũi vô cùng với dáng đứng vững vàng bên đường khi làm nhiệm vụ, đã phần nào xóa tan được những sự vất vả vừa trải qua, mang lại cảm xúc thân thương, bình dị như quê hương.

Ðoàn quân vẫn đi vội vã
Bụi Trường Sơn nhoà trời lửa.
Chào em, em gái tiền phương
Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn…

    Tới đây không còn là khung cảnh thiên nhiên khoáng đạt và hùng vĩ nữa. Mà đó chính là những gian nan, khó khăn nhưng không chùn bước, lại có niềm tin tất thắng vào Đại dân tộc. Con đường ấy thật sự đầy gian lao, khắc nghiệt. “Đoàn quân vẫn đi vội vã” đã cho thấy sự vội vàng, đi liên tục mà không ngừng nghỉ của đoàn quân với muôn bước chân mạnh mẽ điệp trùng, hối hả, nối dài như rung chuyển núi rừng, làm “nhoà trời lửa”, đó là sự khắc nghiệt và gian lao của chiến tranh, đạp bằng khó khăn, vượt lên nắng nôi, lửa đạn để tiến lên phía trước. Câu thơ diễn tả quang cảnh cuộc hành quân hào hùng thần tốc, gợi lên một không khí sử thi ở giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh, chuẩn bị sẵn sàng tiến công và nổi dậy đồng loạt giải phóng hoàn toàn miền Nam nước ta. Người chiến sĩ chỉ kịp ghi nhận cái hình dáng quê hương rồi gửi lời chào và hẹn gặp: ”Chào em, em gái tiền phương/ Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn…”. Đoàn quân ra đi mang theo niềm vui phơi phới, niềm tin tất thắng. Sài Gòn, cái đích của cuộc tiến công đã rất gần, con đường đi đến chiến thắng chẳng còn bao xa. Sài Gòn, điểm hẹn của bao thế hệ Việt Nam. Lời chào, lời hẹn ấy chứa đựng nhiệt huyết của tuổi trẻ, của lý tưởng độc lập tự do, của niềm lạc quan tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng.

>> Xem thêm:  Kể lại một việc làm khiến em ân hận

“Lá đỏ” của Nguyễn Đình Thi là một bài thơ rất thành công trong hệ thống những bài thơ viết về đất nước của ông nói riêng và của cả nền thơ nói chung. Các yếu tố nghệ thuật chính làm nên thành công của “Lá đỏ” là hình ảnh, nhịp điệu và ngôn ngữ thơ. Những tâm điểm và đặc tả, có sức khái quát cao về vẻ đẹp của đất nước, của con người Việt Nam. Đặc biệt, hình ảnh lá đỏ tạo cảm giác mạnh, mang ý nghĩa biểu trưng cho những dự cảm, dự báo về thắng lợi tất yếu của dân tộc. Cùng với đó là câu chữ của bài thơ rất chân thực, cuộc sống chiến trường sôi động, khắc nghiệt nhưng cũng rất trữ tình hiện lên một cách tự nhiên chứ không một chút bóng bẩy, hào nhoáng. Bởi những lời thơ ấy đi ra từ một con người nặng lòng với đất nước, với quê hương.

Chúng ta – những con người thật may mắn khi đang sống trong một thế giới hòa bình, hạnh phúc, nói không với chiến tranh. Vì thế, chúng ta phải biết quý trọng và biết ơn những công lao to lớn đó. Tôi – một cô gái đang ở độ tuổi trưởng thành sẽ cố gắng học tập, trau dồi thật nhiều kiến thức hơn nữa để giúp đất nước ngày một phát triển ngày một tươi đẹp và ngày một vững mạnh.

 

Bài viết liên quan