Cách ngắm trăng của mỗi nhà thơ trong”Vọng nguyệt (Hồ Chí Minh) và Ánh trăng (Nguyễn Duy)


Đề bài: So với cách ngắm trăng của Hồ Chí Minh trong “Ngắm trăng” (Vọng nguyệt), cách ngắm trăng của nhà thơ Nguyễn Duy trong bài “Ánh trăng” có điều gì gần gũi, quen thuộc và điều gì là mới mẻ, bất ngờ? Bài học thấm thía rút ra từ hình tượng ánh trăng của Nguyễn Duy là gì?

Bài làm:

            Trăng tự bao giờ đã trở thành một biểu tượng bất hủ của thơ ca từ cổ chí kim, trở thành hòn ngọc được thi sĩ muôn đời đau đáu hướng về. Qua mỗi trái tim nhà thơ, trăng lại mang một dáng vẻ, một linh hồn khác…Ta gặp ánh trăng rọi đầu giường trong thơ Lý Bạch, thơ Nguyễn Khuyến có “Song thưa để mặc bóng trăng vào”, nhà thơ Nguyễn Bính sau này cũng “đứng buồn trăng” trong những nỗi niềm nhớ thương khắc khoải…Chủ tịch Hồ Chí Minh những ngày trong ngục tù cũng đau đáu về một vầng trăng “sáng như gương” nơi hòa bình, tự do. Đến với bài thơ “Ánh trăng” của nhà thơ Nguyễn Duy, ta lại bắt gặp một cái hồn, cái tình mới mẻ được gửi gắm vào vầng trăng, thâm sâu và kín đáo vô cùng. Bài thơ vừa có những nét gần gũi, quen thuộc của thơ về trăng, vừa có những sáng tạo mới mẻ, bất ngờ, gửi đến người đọc những bài học đạo đức nhẹ nhàng mà sâu cay.

            Bài thơ “Ánh trăng” được Nguyễn Duy sáng tác năm 1978, ba năm sau ngày non sông thống nhất hoàn toàn. “Ánh trăng” hướng đến tâm tư, tình cảm của người lính cũng như những thế hệ vừa bước ra từ khói lửa chiến tranh, sống trong thời hậu chiến. Đất nước đã sạch bóng quân thù, người người tranh nhau đổ về thành phố…Cuộc sống thay đổi, trở nên văn minh, hiện đại hơn song chính hoàn cảnh đó đã tạo ra những tình huống trớ true, đắng cay đã được Nguyễn Duy xây dựng rất khéo trong tác phẩm của mình. “Ánh trăng” đánh dấu một mốc đổi thay trong thơ ca hiện đại Việt Nam, vừa gắn với cái cũ của muôn đời, vừa tìm tòi, sáng tạo về cả nội dung và hình thức, “lay động lương tri đang ngủ” của người đọc. Bài thơ “Ngắm trăng” (Vọng nguyệt) của Hồ Chủ tịch đã ra đời rất lâu trước khi “Ánh trăng” thành hình. Năm 1940, đất nước đang khổ đau dưới xiềng xích quân thù, Người bị bắt giam trong ngục tù của Tưởng Giới Thạch. Tuy vậy, với “thân thể tại ngục trung, tinh thần tại ngục ngoại”, Người đã vượt lên bóng tối lao tù, vươn đến ánh sáng của khát vọng, của tự do; Người làm bạn cùng trăng, hòa hợp với trăng…Qua bài thơ “Ngắm trăng”, ta thấy được chí khí, tâm hồn của người chiến sĩ Cách mạng- một tâm hồn bản lĩnh và giàu chất thơ. Cả hai bài thơ đều có ánh sáng vầng trăng, song mỗi thi nhân lại có cách “ngắm trăng” khác nhau. Đặc biệt, ở “Ánh trăng” của Nguyễn Duy, nhà thơ đã vừa xây dựng được nết quen thuộc trong tình cảm giữa người với trăng, vừa gửi gắm những suy ngẫm mới mẻ, cho ta những bài học từ trái tim.

            Trong thơ ca xưa, vầng trăng là đối tượng trữ tình quen thuộc. Thi nhân tìm đến trăng để gửi gắm những tâm tư, tình cảm. Trăng như tri âm để người sẻ san nỗi sầu buồn dai dẳng trong trái tim, trăng cũng là đối tượng khơi nguồn cho những suy tư, rung động trong lòng thi nhân. Trăng trong những vầng thơ ấy chiếu soi ánh sáng mênh mông, bang bạc lên khắp cảnh vật, com người, làm sáng từng lời thơ, ý thơ. Người hướng về trăng trong nguồn thi hứng dồi dào, bất tận. Trăng hướng về người để quấn quýt, hòa hợp. Bài thơ “Ngắm trăng” (Vọng nguyệt) của Hồ Chí Minh cũng ở trong những dòng cảm hứng ấy:

                                    “Trong tù không rượu cũng không hoa

                                     Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ

                                     Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ

                                     Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.”

Nét đặc biệt trong thơ của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là bên cạnh chất thơ còn đậm chất thép. Người “ngắm trăng” nhưng không chỉ đơn thuần là nhìn trăng mà chìm vào nỗi buồn nhớ thiết tha, Người ngắm trăng trong hoàn cảnh vô cùng đặc biệt: “trong tù”. Trong ngục tù đến thức ăn, nước uống còn thiếu, gian nan, khốn khổ mọi bề, huống gì là đến rượu,đến hoa. Thế là thú vui cùng trăng không trọn vẹn, nơi ngục tối, Người dường như thẹn với trăng:

>> Xem thêm:  Thuyết minh về thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật

                                     “Đối thử lương tiêu nại nhược hà?”

Biết làm thế nào để tiếp đón người tri kỉ ấy dù không rượu, không hoa? Trước cảnh đẹp đêm trăng, tâm hồn người chiến sĩ xao xuyến, bồi hồi…Người nhướng mình hướng ra ngoài song sắt, tìm đến trăng. Và trăng cũng tìm đến người. Trăng và người quấn quýt, giao hòa…

                                     “Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt

                                      Nguyệt tong song khích khán thi gia…”

Hai câu thơ cuối là hai câu thơ tuyệt đẹp, là bức tranh lung linh của sự hòa hợp giữa người và trăng. Người hướng ra ngoài song sắt nhà tù để tìm đến trăng, trăng vào song sắt gặp người tù. Phép đối “nhân- nguyệt”, “minh nguyệt- thi gia” cho thấy cuộc gặp gỡ của hai tâm hồn: tâm hồn thi sĩ và ánh trăng. Hai câu thơ diễn tả một “sự vượt thoát” ngoạn mục của người để tìm đến trăng và diễn tả cái tình luyến lưu muôn thuở giữa trăng với người. Trăng với người “đối diện đàm tâm”, không cần lời lẽ nhưng cả hai đều thấu rõ cõi lòng của nhau. Tình tri âm, tri kỉ giữa người và trăng làm song sắt ngục tù mờ nhạt rồi tan biến đi, để lại những hình ảnh, những vang âm đẹp đẽ trong lòng người đọc. Hồ Chủ tịch “ngắm trăng” là vượt lên mọi khó khăn, gông cùm, đày ải để gặp người bạn trăng. Trăng trong “Vọng nguyệt” không chỉ là trăng, mà còn là biểu trưng cho cái đẹp của thiên nhiên, là hòa bình tự do, là bóng hình đất nước canh cánh bên lòng…

            Đến với “Ánh trăng” của Nguyễn Duy, ta gặp một hình tượng trăng mang ý nghĩa khái quát, ngỡ giản đơn mà lại rất sâu sắc, gửi gắm nhiều trăn trở, nhắc nhở. Nguyễn Duy không chỉ “ngắm trăng” trong khoảnh khắc mà còn dõi theo, kể lại câu chuyện của trăng và người trong thời gian xuyên suốt từ quá khứ đến hiện tại, gửi lời nhắc nhở đến tương lai. Trước hết, trăng trong thơ Nguyễn Duy vẫn là hình ảnh gần gũi, quen thuộc với con người, trăng gắn bó, hòa hợp cùng con người:

                                     “Hồi nhỏ sống với đồng

                                      với sông rồi với bể

                                      hồi chiến tranh ở rừng

                                      vầng trăng thành tri kỉ

 

                                      Trần trụi với thiên nhiên

                                      hồn nhiên như cây cỏ

                                      ngỡ không bao giờ quên

                                      cái vầng trăng tình nghĩa”

Từng mốc thời gian được gợi lại bằng điệp từ “hồi…hồi…”. Từ lúc nhỏ đến khi trưởng thành, ra chiến đấu nơi trận mạc, vầng trăng luôn ở bên con người, khăng khít với con người. Con người cũng hòa hợp với thiên nhiên, sẵn sàng cởi hết những “lớp áo” phù phiếm bên ngoài để “trần trụi” về tâm tư với trăng. Con người “hồn nhiên”, vô tư, sống chân thật, tình nghĩa. Vầng trăng theo bước con người trên từng dặm đường trưởng thành. Dù ở đồng, sông, bể hay rừng, trăng cũng tìm đến người, cũng “đàm tâm” với người, sẻ san, nâng đỡ con người vượt lên những khó khăn của cuộc đời. Trăng đã trở thành “tri kỉ”, trăng “tình nghĩa”. Vẫn là vầng trăng mộc mạc ở đồng quê, sông núi, vẫn là trăng trong mối tình muôn thuở với con người. Đó là nét gần gũi, quen thuộc của vầng trăng trong thơ Nguyễn Duy với bao bài thơ đi trước, trong đó có “Ngắm trăng” của Hồ Chủ tịch.

            Nhưng từ “ngỡ” ở cuối khổ thơ thứ hai đã ngầm dự báo cho một chuyển biến, một sự đổi thay dường như là cay đắng. Hoàn cảnh vừa thay đổi, con người đã vội chuyển hướng quay đầu:

                                     “Từ hồi về thành phố

                                      quen ánh điện, cửa gương

                                      vầng trăng đi qua ngõ

                                      như người dưng qua đường”

Cứ “ngỡ” trăng và người mãi là tri kỉ, cứ “ngỡ” tình nghĩa đậm sâu bao tháng năm sẽ không bao giờ đổi dời…Nhưng rồi người với trăng đã không còn chan hòa, thân mật, cùng quấn quýt bên “chén rượu, cuộc cờ” nữa. Nếu những ngày xưa người “để mặc bóng trăng vào”, người cùng trăng “hồn nhiên, trần trụi” thì bây giờ, “ánh điện, cửa gương” đã trở thành bức ngăn lớn giữa trăng và người. “Ánh điện, cửa gương” là phép hoán dụ chỉ cuộc sống tiện nghi, văn minh, hiện đại của con người lúc bấy giờ. Nhà thơ không nói “quen hiện đại, tiện nghi” mà nói “quen ánh điện, cửa gương” để tạo ra sự đối lập giữa ánh sáng vầng trăng và những thứ ánh sáng chói lóa, phù phiếm, vô hồn…Nhưng rõ ràng, tiện nghi, hiện đại đâu đáng trách, đáng trách là ở lòng dạ con người. Đã không còn là người hướng về trăng, người thả hồn theo trăng nữa mà là người dửng dưng, hững hờ, lạnh nhạt. Tình tri kỉ trăng- người nay chỉ còn lại một mình trăng, đơn phương, “đi qua ngõ” ngày ngày nhưng người chớ hề đoái hoài…Người đặt cho trăng “chức danh” là “tri kỉ”, là “tình nghĩa” làm gì để rồi giờ đây hạ bệ trăng còn thua người dưng nước lã…Phép so sánh “vầng trăng- người dưng qua đường” làm ta phải xót xa. Nó như gáo nước lạnh làm buốt hồn vầng trăng vẫn luôn dõi theo người. Việc “ngắm trăng” trong thơ Nguyễn Duy có những điều mới mẻ, bất ngờ như thế. “Ngắm trăng” nhưng sự thật phũ phàng là người đã “quên trăng”. Ngắm trăng nhưng không chỉ nói lên vẻ đẹp tuyệt vời của vầng trăng, mà còn soi vào sâu trong tâm thức con người. “Ánh trăng” của Nguyễn Duy hay ở chỗ: là thơ nhưng có tình huống rõ ràng, kịch tính, hấp dẫn, qua đó mà bộc lộ được những cảm xúc, nghĩ suy của con người. Người đã gặp lại trăng trong một tình huống đường đột, bất ngờ:

                                     “Thình lình đèn điện tắt

                                      phòng buyn-đinh tối om

                                      vội bật tung cửa sổ

                                      đột ngột vầng trăng tròn”

Người ta ngắm trăng với rượu với hoa, người ngắm trăng với nỗi buồn man mác…chứ chưa ai “ngắm” trăng trong một tình huống như Nguyễn Duy đã tạo dựng: mất điện, “thình lình”, “đột ngột”…Trong thơ xưa, thi nhân “đăng lầu vọng nguyệt” trong thong dong, thư thái nhưng trong “Ánh trăng”, con người lại hấp tấp, cuống quýt: “vội, bật, tung”. Người gặp lại trăng lần nữa như sự đưa đẩy bất ngờ của dòng đời vốn nhiều uốn khúc, gập ghềnh…Đấy, việc “ngắm trăng” trong thơ Nguyễn Duy là thế đấy, bất ngờ, kì lạ, mới mẻ mà chan chứa nhiều điều… “Vầng trăng tròn” xuất hiện khơi lên những dòng xúc cảm từ trái tim con người:

                                   “Ngửa mặt lên nhìn mặt

                                  có cái gì rưng rưng

                                     như là đồng, là bể

                                     như là sông, là rừng…”

Nhân vật trữ tình “ngửa mặt lên” mà trông trăng, người ngắm trăng trong tư thế “mặt nhìn mặt” trực diện. Nhìn vầng trăng tròn trịa, thủy chung không đổi thay mà người bỗng “rưng rưng”. Dường như người không chỉ “ngắm trăng” mà còn tự soi chiếu lại bản thân mình. Sau cái “ngửa mặt” là cái “cúi mặt” để xúc động, ăn năn. Nhìn vầng trăng, người bỗng thấy lại từng kỉ niệm, từng kí ức đã qua một cách cụ thể, rõ ràng, chậm rãi… Cấu trúc “như là… là…” được lặp lại tạo nên sự tha thiết, nghẹn ngào, bồi hồi cho giọng điệu thơ. Việc làm xuất hiện lại các hình ảnh “đồng, bể, sông, rừng” gợi nên một dòng kí ức tuôn chảy ngập tràn. Những kí ức thân thương, hồn hậu người đã bỏ quên nay lại trở về, không thiếu sót một chi tiết nào. Vì thế mà người “rưng rưng”, “rưng rưng” vì hoài nhớ, xót xa và tủi thẹn. Ngắm vầng trăng tròn, người nhận ra mình và tủi thẹn với cách sống nông nỗi của mình:

>> Xem thêm:  Tôi thấy mình đã khôn lớn (bài hay)

                                     “Trăng cứ tròn vành vạnh

                                       kể chi người vô tình

                                       ánh trăng im phăng phắc

                                       đủ cho ta giật mình.”

Hình ảnh vầng trăng là một lời nhắc nhở, một tiếng chuông vang thức tỉnh tâm hồn con người. Rõ ràng, vầng trăng trong thơ Nguyễn Duy đã không còn đơn thuần là một vật thể tự nhiên nữa. Hình tượng vầng trăng đã vượt ra khỏi quy luật đổi thay của thời gian, vũ trụ, mãi sắt son, tròn đầy, ân tình ân nghĩa. Phép nhân hóa “kể chi” còn cho ta thấy vầng trăng “tròn vành vạnh” ở đây còn mang cả linh hồn, mang cả tâm tư và cảm xúc. Trăng biết người bội bạc vô tình đấy, nhưng trăng không chấp nhặt, không hờn trách mà chỉ “im phăng phắc”. Trăng im lặng một cách nghiêm khắc, một cách khoan dung và độ lượng. Trăng chỉ lẳng lặng tỏa sáng những giọt sáng dịu hiền, ân nghĩa; trăng im lặng bước qua, im lặng và “cứ tròn”. Chỉ như vậy thôi là “đủ” để con người “giật mình” thức tỉnh. Phải chăng con người ngắm trăng mà tâm hồn được soi sáng, con người đã nhìn ra cái xấu xí, tối tăm trong mình? Cái “giật mình” mạnh mẽ ấy được tạo nên từ những xót xa ân hận tự chính bản thân con người. Thức tỉnh để tự nhắc mình không bao giờ sống bạc tình bội nghĩa nữa. Đó cũng là sự “giật mình” mà Nguyễn Duy muốn khơi lên ở mỗi chúng ta. Qua hình tượng đa nghĩa của một “vầng trăng tròn”, nhà thơ muốn gửi gắm đến ta bài học về cách sống ân nghĩa thủy chung với quá khứ, với nhân dân, đồng đội, với những người đã ở bên ta, cưu mang giúp đỡ ta, và với chính bản thân mình…

Từ việc “ngắm trăng”  mà nhà thơ hướng ta đến những quan niệm nhân sinh sâu sắc, buộc ta phải ngẫm lại mình, soi xét lại cách sống và lương tâm mình. Quả thật, “Ánh trăng” là một “bài thơ nhỏ, bài học lớn”. Tất cả những điều ấy cũng làm nên cái mới mẻ, độc đáo cho “Ánh trăng” và cách “ngắm trăng” của Nguyễn Duy.

            Cùng viết về đề tài “người và trăng”, bài thơ “Ngắm trăng” của Hồ Chí Minh và “Ánh trăng” của Nguyễn Duy lại có những nét đẹp riêng, ý nghĩa riêng. Sự khác biệt ấy là hiển nhiên bởi “nhà thơ không bao giờ lặp lại người khác, cũng không lặp lại chính mình”, làm thơ đòi hỏi phải sáng tạo, gửi gắm được những điều mới mẻ của riêng mình. Thêm vào đó, hoàn cảnh ra đời của hai bài thơ là khác nhau, tâm tư của mỗi nhà thơ cũng khác nhau. Nếu Bác Hồ hướng đến vầng trăng từ ngục tù tăm tối, người và trăng cùng chan hòa trong khối tình tri kỉ sâu đậm thì Nguyễn Duy đã “ngắm trăng” và tạo dựng nên những lớp nghĩa sâu sắc cho hình tượng, khơi gợi bao suy ngẫm và gửi đến người đọc những bài học đắt giá. Nếu “Ngắm trăng” của Bác lắng đọng ở thể thơ tứ tuyệt, những hình ảnh hàm súc mà đậm chất thơ, chất thép thì “Ánh trăng” của Nguyễn Duy lại tỏa sáng với những từ ngữ đời thường, gần gũi mà ý tứ sâu xa mang hơi thở của thời đại mới. Cả hai bài thơ đều hướng đến tinh thần nhân đạo cao cả, lay động trái tim mỗi người.

            Cùng “ngắm trăng”, nhưng hai nhà thơ, ở hai mốc thời gian và hoàn cảnh khác nhau lại có những sự đồng điệu, gần gũi, quen thuộc với thơ xưa, đồng thời mỗi thi sĩ lại có những sáng tạo mới mẻ, bất ngờ. Đọc thơ, ta rút ra cho mình những bài học thấm thía, trái tim ta giàu đẹp hơn, ăm ắp bao tình cảm sáng trong, cao cả… “Ngắm trăng” (Vọng nguyệt) của Hồ Chủ tịch và “Ánh trăng” của Nguyễn Duy đã cho ta những rung cảm thẩm mĩ đáng quý từ tâm hồn chung, và từ đôi mắt riêng đầy tâm huyết của mỗi nhà thơ.

Bài viết liên quan