Phân tích nhân vật Mị trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài


Đề bài: Phân tích nhân vật Mị trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài.

Bài làm

Cuối năm 1952, trong chuyến đi thực tế cùng bộ đội vào giải phóng Tây Bắc, Tô Hoài có dịp cùng chung sống và làm việc với đồng bào dân tộc, từ đó nhà văn hiểu sâu sắc đời sống xã hội và con người miền núi đã tạo cảm hứng cho nhà văn viết lên tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”. Truyện ngắn xoay quanh hai nhân vật Mị và A Phủ, trong đó nhân vật Mị là nhân vật đại diện cho người phụ nữ miền núi sống trong xã hội cũ chịu nhiều bất công.

Trước tiên, nhân vật Mị là hiện thân của những người dân miền núi chịu số phận đau khổ, bất hạnh giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Mị không chỉ bị bóc lột về thể chất mà còn bị chà đạp về tinh thần.

Về thể chất, Mị bị bóc lột sức lao động tàn nhẫn. Hằng ngày Mị phải làm những công việc lặp đi lặp lại cõng nước, hái thuốc, giặt đay, xe đay, đi nương bẻ bắp, bung ngô thế nhưng “lúc nào cũng gài một bó đay trong cánh tay để tước thành sợi”. Mị làm việc liên tục và “suốt năm, suốt đời” như vậy đến mức gần như trơ lì cảm xúc. Trong thân phận đứa con dâu gạt nợ, Mị khác nào một “công cụ lao động biết nói”. Mị ý thức được “đàn bà con gái nhà này thì vùi vào việc làm cả đêm cả ngày”, “con ngựa con trâu làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân nhai cỏ”. Mị đồng thời còn phải chịu sự hành hạ của A Sử. Đối với mọi người, tết ai cũng được đi chơi, nghỉ ngơi nhưng còn Mị thì bị “trói đứng” trong buồng tối. Mị chỉ được cởi trói khi phải hầu hạ chồng. Mệt quá thiếp đi, Mị liền bị A Sử “đạp chân vào mặt”.

>> Xem thêm:  Tả cây dứa, quả dứa - Văn mẫu lớp 2

Về tinh thần, Mị bị chà đạp tàn nhẫn. Mị sống trong nhà thống lí Pá Tra chẳng khác nào bị giam cầm. Căn buồng Mị ở “kín mít, có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng”. Mị gần như mất đi khái niệm về thời gian và cứ mãi như “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”. Mị bị áp chế tinh thần khi bị đem đi “cúng trình ma” và cùng lúc chịu hai tầng áp bức là cường quyền và thần quyền. Khổ quá đến mức Mị còn ăn lá ngón để thoát khỏi số phận nhưng nghĩ đến cha mẹ Mị không thể làm như vậy. Bị “con ma” nhà thống lí “nhận mặt” rồi thì “chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi”. Hành động ăn lá ngón tự tử cho thấy Mị có hành động cố thoát thân song dần dần Mị rơi vào trạng thái cam chịu “ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi”. Có lẽ, đau nhất khi con người không còn biết đau là gì nữa!

Thứ hai, Mị cũng là hiện thân của sức sống tiềm tàng và sức mạnh vùng lên giải phóng, điều này đặc biệt được thể hiện trong đêm tình mùa xuân và đêm Mị cắt dây cởi trói cho A Phủ.

phan tich nhan vat mi trong tac pham vo chong a phu cua nha van to hoai - Phân tích nhân vật Mị trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài

Phân tích nhân vật Mị

Có thể bên ngoài Mị vật vờ sống như cái bóng nhưng ngay trong tình huống bi thảm nhất Mị vẫn bộc lộ sức sống mãnh liệt. Đầu tiên Mị ăn lá ngón tự tử, dẫu rằng đây là hành động phản kháng tiêu cực. Sau đó, Mị không chấp nhận cuộc sống ngục tù, Mị uống rượu “uống ực từng bát” nuốt uất hận vào lòng rồi lấy đó làm chất xúc tác thúc đẩy Mị tìm về tuổi xuân. “Tiếng sáo từ xa vọng lại, thiết tha bổi hổi” khiến Mị nhớ lại quá khứ tươi đẹp khi còn trẻ trung, xinh đẹp, nết na, bao chàng trai say đắm đi theo “đứng nhẵn” cả vách tường nhà Mị. Mị thắp đèn lên cho sáng đồng thời thắp sáng cuộc đời tăm tối của Mị. Mị “quấn lại tóc”, “với tay lấy cái váy hoa”. Mị muốn đi chơi, sức sống mùa xuân trong Mị dâng lên thúc Mị đi chơi. Ngay cả khi Mị bị A Sử trói lại, Mị vẫn “vùng bước đi” như người bị mộng du nhưng thực chất điều đó chứng tỏ sự vận động mãnh liệt trong nội tâm của Mị.

>> Xem thêm:  Tả cây chanh nơi vườn quê - Văn mẫu lớp 2

Một điều tất yếu rằng sức sống bên trong sẽ bật lên thành sức mạnh tự giải phóng nếu đúng thời điểm. Trong đêm mùa đông A Sử bị trói, thấy “một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại” của A Phủ, Mị nhớ lại bản thân, Mị thấy thương A Phủ, Mị muốn tìm cách cứu A Phủ. Hành động cắt dây cởi trói cho A Phủ cùng đồng thời Mị tự cứu mình. Trong phút chốc, Mị nối gót chạy theo A Phủ. Mị đã tự bước qua cánh cửa lớn nhà thống lí Pá Tra, cũng là vừa bước qua cả hai cánh cửa thần quyền và cường quyền phong kiến, bước từ thân phận nô lệ đến tự làm chủ cuộc đời mình. Bỏ lại một Hồng Ngài mù tối, Mị đến mảnh đất mới Phiềng Sa để tìm kiếm tương lai và hạnh phúc mới cho mình.

Tác phẩm là thành công lớn của Tô Hoài khi viết về miền núi và con người miền núi, thành công trong việc xây dựng nhân vật và miêu tả diễn biến nội tâm nhân vật thông qua hệ thống ngôn ngữ linh hoạt, quen thuộc, giàu bản sắc dân tộc. Thông qua nhân vật Mị, Tô Hoài đã phản ánh đầy đủ, chân thực cuộc sống của con người miền núi trước cách mạng với tư tưởng cổ hủ và tập tục lạc hậu đồng thời ca ngợi vẻ đẹp của những con người bình dị trong xã hội cũ.

>> Xem thêm:  Anh (chị) Hãy phân tích hình tượng sóng trong bài thơ cùng tên của Xuân Quỳnh

Hoài Lê

Bài viết liên quan