Cảm nhận bài thơ Bạn đến chơi nhà


Đề bài:Em hãy cảm nhận bài thơ Bạn đến chơi nhà của Nguyễn Khuyến văn mẫu 7

Nguyễn Khuyến được biết đến là một nhà thơ giản dị và gắn bó với quê hương đất nước. Thơ ông thể hiện những tình cảm chân thành gắn bó giữa người với người. Bài thơ “ Bạn đến chơi nhà” của Nguyễn Khuyến thể hiện tình cảm đơn sơ, mộc mạc của ông dành cho người bạn của mình.

Đã bấy lâu nay bác tới nhà

Trẻ thời đi vắng chợ thời xa

Ao sâu nước cả khôn chài cá

Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà

Cải chửa ra cây, cà mới nụ

Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa

Đầu trò tiếp khách trầu không có

Bác đến chơi đây ta với ta

Bài thơ Bạn đến chơi nhà được làm theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật, Nguyễn Khuyến đã mượn lời thơ để giãi bày tâm sự và thể hiện tình cảm chân thành với người bạn của mình. Ngay mở đầu bài thơ, nhà thơ đã gọi người bạn của mình là “ Bác” – một danh từ thân thương, gần gũi, đã lâu lắm rồi bạn của mình mới ghé thăm, đây hẳn là một dịp cần tiếp đãi thật trang trọng. Vậy mà, nhà thơ lại đang ở trong hoàn cảnh khá bối rối vì gia quyến nhìn đi nhìn lại cũng không có gì có thể đãi khách được. “ Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa” muốn gọi người ra chợ mua đồ thiết đãi khách cũng không có vì trẻ con đã ra ngoài hết. Muốn chài cá, thịt gà để thiết cơm thì lại rơi vào tình trạng “ ao sâu nước cả” và “ vườn rộng rào thưa”. Nhà thơ không nản chí lại tiếp tục ngó quanh nhà từ sân ra vườn xem còn gì có thể đem ra hầu bạn được không

>> Xem thêm:  Văn biểu cảm về sự vật, con người - Tháng ba, rét nàng Bân

“Cải chửa ra cây, cà mới nụ

Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa”

Cây nhà lá vườn chỉ còn có mỗi vài loại rau mà cũng phải không thể dùng làm đồ đãi khách. Cải thì “ chửa ra cây” bầu thì “ vừa rụng rốn”, còn mướp thì “ đương hoa”. Nguyễn Khuyến đã bày tỏ tấm lòng chân chất của mình với người bạn, nhà thơ không giấu giếm hoàn cảnh khó khăn của mình mà lại kể hết ra mong có sự thông cảm của người bạn. Thực tình gia cảnh của nhà thơ không lấy gì là giàu có mà hoàn toàn là thiếu thốn, trong lời thơ của nguyễn khuyến có thể thấy đó là tấm lòng nghĩ cho người bạn của mình, đến thăm nhà nhưng ông lại không thể có đến những thứ nhỏ nhất để tiếp đãi. Người xưa thường nói “ miếng trầu là đầu câu chuyện” vậy mà ở đây “ Đầu trò tiếp khách trầu không có”, thứ để dẫn dắt cuộc nói chuyện giữa hai người bạn thân cũng không có, thật là éo le!.

Câu cuối cùng của bài thơ đã thực sự khiến người đọc xúc động:

“ Bác đến chơi đây ta với ta”

Mọi thứ của cải vật chất thiếu thốn ở trên đã không còn quan trọng nữa, nhà thơ không còn phải nhìn quanh quất tìm thứ gì để thiết đãi bạn mình mà ông đã sử dụng chính tấm lòng thành của mình để tiếp bạn. Vẫn xưng hô là “ bác” nhưng cuối cùng lại chuyển thành “ ta với ta”, hai người bạn tri kỉ đã cùng gắn kết với nhau, họ không màng đến danh lợi, thực dụng mà hoàn toàn đến với nhau bằng tấm lòng và sự nhiệt thành. Nếu đã là tri kỉ thì cần gì màng đến vật chất, những lời thơ dân dã thể hiện tình cảm làng quê lúc nào cũng gắn bó, cũng thân thiết.

>> Xem thêm:  Chứng minh: Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng

Đó là thứ tình cảm quý giá mà không phải ai cũng có, có được một người bạn tri kỉ như vậy, đến với ta bằng cả tấm lòng thì còn cần gì nữa những thứ phù phiếm. Giọng điệu của bài thơ nhẹ nhàng mà sâu lắng, nó đi sâu vào từng ngóc ngách tâm hồn tình cảm của mỗi con người. Sống ở trên đời, đâu phải ai cũng gặp được tri kỉ, cũng gặp được người đến với ta bằng sự chân thành không vụ lợi như Nguyễn Khuyến? Tình cảm bạn bè của Nguyễn Khuyến thật đáng trân trọng, họ bỏ qua tất cả những thứ vật chất để trò chuyện cùng nhau, họ không cần đến một bữa cơm thịnh soạn mới gọi là thiết đãi bạn bè. Ngay cả miếng trầu để gợi chuyện nếu không có họ cũng không cần, hai người tri kỉ tuy hai mà một.

Bạn đến chơi nhà của Nguyễn Khuyến cũng để lại một bài học đạo đức sâu sắc về sự chân thành trong tình bạn, tình cảm con người chỉ có thể bền vững khi cả hai cùng thông cảm cho hoàn cảnh của nhau. Đó là bài học quý cho mọi người trong cuộc sống trong cách chọn bạn và thể hiện tình cảm với người bạn của mình.

Nguồn: Văn mẫu

Bài viết liên quan