MS561 – Cảm nhận đoạn thơ “Khi ta lớn lên … có từ ngày đó” trích Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm


Đề bài: Cảm nhận đoạn thơ “Khi ta lớn lên … có từ ngày đó” trích Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm

Bài làm

Cảm hứng về đất nước vốn là một cảm hứng quen thuộc của thơ ca hiện đại Việt Nam giai đoạn 1945-1975. Là một nhà thơ trẻ, trưởng thành trong thời kì chống Mỹ cứu nước, nặng tình với non sông, Tổ quốc; người tri thức Nguyễn Khoa Điềm cũng muốn góp tiếng nói riêng của mình để khẳng định sự lớn dậy, vẻ đẹp trường tồn của quê hương mình. Vì lẽ đó, tác phẩm Đất Nước ra đời.

Điểm mới của Nguyễn Khoa Điềm là đề cập đến một đề tài khái quát, nếu không muốn nói là trừu tượng – đề tài Đất Nước. Khác với những nhà thơ trước, dùng những hình ảnh kì vĩ, mĩ lệ, mang tính biểu tượng, qua các mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc để dựng nên tầm vóc Đất Nước, như lời nhà thơ Chế Lan Viên:

“Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc
Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn
Khi Nguyễn Huệ kéo quân vào cửa Bắc
Hưng Đạo Vương diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng”,

thì Nguyễn Khoa Điềm lại chọn cách thể hiện hết sức bình dị, tự nhiên và gần gũi. Trong đoạn mở đầu, từ câu thơ thứ nhất đến “Đất Nước có từ ngày đó”, nhà thơ đã lý giải về cội nguồn đất nước:

“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
… Đất Nước có từ ngày đó.”

ms561 cam nhan doan tho khi ta lon len co tu ngay do trich dat nuoc cua nguy - MS561 - Cảm nhận đoạn thơ "Khi ta lớn lên ... có từ ngày đó" trích Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm

Chữ “khi” kết hợp với “có rồi” đánh dấu sự ra đời của khái niệm đất nước. Ngay từ khi có sự sống con người, đã tồn tại và hiện hữu một Đất Nước từ rất xa xưa, với lịch sử hàng ngàn năm văn hiến. Bởi lẽ, chúng ta đã sinh ra và lớn lên, được bảo bọc, chở che trong một tình cảm ấm áp, sâu nặng mang tên hai chữ Đất Nước. Tác giả dùng đại từ “ta” mang nét nghĩa chung đại diện cho cả một cộng đồng dân tộc với nhiều tầng lớp và mọi thế hệ. Sau dòng thơ đầy tâm tình ấy, nhà thơ bắt đầu trả lời cho câu hỏi “Đất Nước có tự bao giờ”?

“Đất Nước có trong những cái ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu bằng miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc”

“Có trong” tức có nghĩa rằng Đất Nước đã và đang tồn tại trong từng nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt ta. “Ngày xửa ngày xưa” là nhịp điệu thời gian mở đầu những mẫu chuyện cổ tích quen thuộc, mang đậm hơi thở cha ông và răn dạy con người ta về đạo lý làm người. Đất nước ra đời vì lẽ đó, những vần ca dao, mẩu chuyện cổ tích rất đỗi thân thương và gần gũi ấy đi vào thơ ca vô cùng nhẹ nhàng mà sâu lắng; tác giả muốn nhấn mạnh rằng: Đất Nước này vốn đã tồn tại rất lâu, rất xa trong lịch sử dân tộc, từ cái thuở:

>> Xem thêm:  Phân tích đoạn 1 bài Bình ngô đại cáo của Nguyễn Trãi

“Mang gươm đi giữ nước
Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long.”

Từ ngày đó, đất nước gắn liền với những nét đẹp về phong tục tập quán, mang đậm bản sắc quê hương, được khơi dậy từ mạch nguồn tâm tình giàu cảm xúc, thấm đượm văn hóa dân gian. Như Nguyễn Khoa Điềm đã viết:

“Đất Nước này là Đất Nước của nhân dân
Đất Nước của nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại”.

Qúa trình ra đời và trưởng thành của Đất Nước được tác giả phát hiện khá độc đáo và mới mẻ.“Bắt đầu” như là một sự khởi đầu, sự xuất hiện của hình ảnh Đất Nước:

“Đất Nước bắt đầu bằng những miếng trầu bây giờ bà ăn”

Người xưa có câu “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Không phải lẽ tự nhiên mà dân tộc ta lấy đó làm tục lệ trong mỗi dịp lễ tết, cưới hỏi hay gặp mặt, miếng trầu tuy đơn giản như thế nhưng chứa đựng trong đó bao ân tình sâu nặng. Nó gắn liền với sự tích Trầu cau trong dân gian. Câu chuyện nhắc nhở con người về giá trị sống trong tình nghĩa anh em, vợ chồng gắn bó keo sơn. Nhà thơ kết hợp “bắt đầu” với hình ảnh “miếng trầu” nhằm nhấn mạnh sự ra đời của Đất nước. Như vậy, ngay từ khi xuất hiện tục ăn trầu trong dân gian thì Đất nước được hình thành, đó chính là khoảng thời gian từ rất xa xưa trong lịch sử dân tộc ta, từ thời Vua Hùng gầy dựng nên nhà nước Văn Lang cổ đại. Đất Nước tuy lớn mạnh như vậy đó nhưng cũng bắt đầu bằng những điều rất đỗi bình dị và nhỏ bé, quen thuộc trong đời sống hàng ngày. Có sự khởi đầu, ắt hẳn sẽ có sự lớn lên và phát triển. “Lớn lên” chính là quá trình trưởng thành qua từng năm tháng, phát triển ngày một hoàn thiện và tốt đẹp hơn. “Bắt đầu” từ những điều bình dị vô cùng và Đất Nước cũng “lớn lên” bằng những điều đơn giản như thế. Lịch sử ta được đo bằng những cuộc chiến chinh không mỏi “ lịch sử thành văn trên mình ngựa”( Trần Mạnh Hảo). Và chính từ những cuộc đấu tranh bảo vệ dân tộc ấy mà Đất Nước từng ngày trưởng thành hơn:

“Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn.”

Nhà thơ nhắc đến một truyền thống quý báu của dân tộc ta là truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm với hình ảnh người anh hùng trẻ tuổi đầu tiên trong lịch sử đánh giặc giữ nước – Thánh Gíong. Ở Gióng tiềm tàng một tấm lòng yêu nước nồng nàn, mãnh liệt, hội tụ sức mạnh của cả cộng đồng Việt Nam. Chính sức mạnh ấy đã khiến chàng dũng sĩ diệt tan giặc Ân trả lại bờ cõi cho đất nước. Hình ảnh người anh hùng làng gióng đã trở thành một biểu tượng đẹp mãi đi vào thiên thu còn những rặng tre nơi Làng Ngà kia là minh chứng hùng hồn, trở thành “ pháo đài xanh”, là tay sai đắc lực trong các cuộc chiến đấu chống quân xâm lược của lịch sử dân tộc Việt.Ngọn tầm vông tuy bé nhỏ mà dẻo dai ấy đã kết lại thành từng rặng, từng lũy cùng với con người bảo vệ bờ cõi Tổ quốc: “Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín”. Bên cạnh đó, nhà thơ cũng nhấn mạnh hình ảnh của “tre” từ lâu đã trở thành là biểu tượng cho dân tộc Việt Nam kiên trung, bất khuất, thẳng thắn, cần cù, đôn hậu, đảm đang…đều là những phẩm chất đáng quý làm nên giá trj vẻ đẹp của con người. “Tóc mẹ bới sau đầu” là hình ảnh quen thuộc trong đời sống dân dã, là một nét đẹp tự nhiên của người phụ nữ xưa được tác giả đưa vào tác phẩm của mình rất đỗi tự nhiên, bình dị.“Cái răng, cái tóc là góc con người”, Nguyễn Khoa Điềm trân trọng từ những nét đẹp bình dị ấy bởi lẽ chúng cũng góp phần làm nên đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam. “Gừng cay muối mặn” là những gia vị không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày, ý chỉ những mặn nồng, thăng trầm, đằm thắm mà người xưa đã đúc kết được trong thời gian chung sống cùng nhau:

>> Xem thêm:  Bài 13 - Đề văn thuyết minh và cách làm bài văn thuyết minh

“Tay bưng chén muối đĩa gừng
Gừng cay, muối mặn xin đừng quên nhau.”

Điều đó chứng tỏ rằng: cái làm nên giá trị của Đất nước ấy không chỉ là tình cảm son sắt, thủy chung, sâu nặng giữa vợ chồng, cha mẹ với nhau mà đó còn là tình yêu thương nói chung của tất cả những con người đang sống trên cùng dải đất hình chữ S thân thương mang tên “ Đất Nước”. Tiếp theo đến “kèo, cột” là những hình ảnh thân thuộc trong lao động sản xuất ở mỗi gia đình. Câu thơ “Cái kèo, cái cột thành tên” diễn tả thời gian hơn là không gian, phải trải qua bao năm tháng thì những vật dụng hàng ngày mới có tên để gọi. Đây cũng chính là quá trình hình thành ngôn ngữ dân tộc của ông cha ta.

Lịch sử Việt Nam được cắt nghĩa không phải bằng sự nối tiếp của triều đại phong kiến, trang sử hào hùng chói lọi hay những cái tên lưu danh thiên cổ mà gợi nhớ đến các truyền thống có từ thời xa xưa, và đặc biệt là nền văn minh lúa nước sông Hồng – thành tựu nổi bật đối với một nước thuần nông như chúng ta: “Hạt gạo phải một nắng hai sương say, giã, giần, sàng”. Có thể nói, nếu không có những bàn tay, trái tim của những con người chịu thương, chịu khó, lam lũ, cần cù ngày ngày “ bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” thì chắc chắn sẽ không có khái niệm Đất Nước ngày hôm nay. Đất Nước là sự tồn tại hiện hữu có khi phải được đánh đổi bằng mồ hôi, xương máu và cả nước mắt của cả một thế hệ luôn phải rũ bùn đứng dậy để tự khẳng định mình, làm nên vẻ đẹp Đất Nước muôn đời.

>> Xem thêm:  Tả cây vú sữa mà em biết

Trong đoạn thơ này, nhà thơ lấy chất liệu từ văn hóa dân gian, từ ca dao tục ngữ, đời sống quen thuộc hàng ngày. Dưới hình thức một cuộc trò chuyện tâm tình, giọng điệu thủ thỉ biểu hiện qua thể thơ tự do không gò bó về niêm luật, Đất Nước hiện lên gần gũi và thân quen khiến cho người đọc dễ cảm nhận và nắm bắt. “Đất Nước” viết hoa và lặp lại nhiều lần như một lời khẳng định mạnh mẽ về sự trường tồn vĩnh cửu của Đất Nước, đồng thời cũng bày tỏ lòng tự hào, tự tôn dân tộc với tình yêu thương đầy trân trọng mà tác giả dành cho Tổ Quốc mình. Đặc biệt, điệp từ “có” (có rồi, có trong, có từ ngày đó) đã nối kết hình ảnh tưởng chừng không liên quan thành khối thống nhất không thể tách rời; khẳng định sự hiện hữu đầy ân tình sâu nặng của Đất Nước như một nét riêng không thể hòa lẫn.

Đoạn thơ mở đầu chính là lời lý giải cho câu “Đất Nước có từ ngày đó” mà nhà thơ đã đặt ra ngay phần đầu của tác phẩm. “Ngày đó” là ngày mà con người có sự sống, niềm nghĩ suy, tự hào về  đất nước. Đó cũng là ngày mà dân tộc ta bắt đầu những truyền thống tốt đẹp, những nét đẹp về phong tục, tập quán, tâm linh trong đời sống thường nhật. Qua đó, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã nhẹ nhàng mà sâu lắng bộc lộ tình yêu Tổ Quốc thiết tha đồng thời đưa ra những khái niệm mới mẻ, độc đáo về nơi “chôn nhau cắt rốn” sâu nặng nghĩa tình.

Nguyễn Thị Hoa 

Bài viết liên quan