Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Phò giá về kinh


Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Phò giá về kinh

1. Bài thơ là của Trần Quang Khải, một vị tướng tài ba của nhà Trần, từng có nhiều công lao trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông – Nguyên. Tác phẩm được sáng tác trong dịp nhà thơ đi đón Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông trở về Thăng Long ngay sau chiến thắng ở Chương Dương và Hàm Tử, giải phóng kinh đô năm 1285. Với hình thức diễn đạt cô đúc, chặt chẽ của tác thơ ngũ ngôn tứ tuyệt viết bằng chữ Hán, bài thơ đã dồn nén cảm xúc vào bên trong ý tưởng, thể hiện được khí thế hào hùng, những chiến công lừng lẫy của quân và dân nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông – Nguyên lần thứ hai, đồng thời cũng thể hiện niềm tin và khát vọng về một nền thái bình thịnh trị lâu bền của đất nước.

2. Hai câu đầu: Trần Quang Khải đã nêu hai sự kiện thời sự nóng hổi của đất nước. Đó là chiến thắng ở bến Chương Dương và Hàm Tử. Kể lại hai sự kiện này nhà thơ đã không tuân theo trình tự lôgíc của thời gian, đáng lẽ sự kiện diễn ra trước phải kể trước, sự kiện diễn ra sau kể lại sau. Nhưng ở đây nhà thơ đã đảo ngược cái trật tự thông thường ấy, trận thắng tháng Sáu năm Ât Dậu (Chương Dương) được kể trước, còn trận thắng tháng Tư năm Ât Dậu (Hàm Tử) kể sau. Cách kể này bị chi phối bởi quy luật của tâm lí: sự kiện vừa diễn ra đang còn nóng hổi, đương gây những ấn tượng cảm xúc mạnh mẽ. Diễn tả chiến thắng thứ nhất, nhà thơ đã dùng một hình ảnh hoán dụ rất sinh động “cướp giáo”.

>> Xem thêm:  Hãy chứng minh rằng: Trong trích đoạn Nỗi oan hại chồng, nhân vật Thị Kính không chỉ chịu khổ vì bị oan mà còn mang nỗi nhục của một thân phận nghèo hèn bị kẻ giàu có, tàn ác khinh rẻ

Hình ảnh này đã miêu tả được hành động tước khí giới, vô hiệu hoá kẻ thù của quân đội nhà Trần. Đồng thời gợi lên thế áp đảo của quân ta đối với quân xâm lược Mông – Nguyên ở ngay cửa ngõ kinh thành Thăng Long. Miêu tả chiến thắng thứ hai, tác giả kể lại việc bắt sống quân giặc ở cửa ải Hàm Tử. Ở lời kể này nhà thơ đã dùng cách gọi quân xâm lược Mông – Nguyên theo cách gọi của người Trung Quốc. Hai câu thơ năm chữ ngắn gọn, chắc nịch kết hợp với nghệ thuật đảo trật tự cú pháp đưa hai động từ “đoạt” (cướp), “cầm” (bắt) làm vị ngữ lên đầu câu, trạng ngữ chỉ địa điểm đặt ở sau đã tạo nên nhịp thơ nhanh, dồn dập, gợi lên cái khí thế mạnh mẽ, những trận đánh như vũ bão của quân đội nhà Trần làm nên những chiến công hiển hách. Có thể thấy, lời thơ ở đây giản dị, không cầu kì, hoa mĩ nhưng vẫn khơi gợi lên tình ý lai láng, cảm xúc tràn trề của một vị tướng trực tiếp chỉ huy các trận đánh làm nên những chiến công chói ngời sử sách.

3. Hai câu kết: Là một vị tướng văn võ song toàn, Trần Quang Khải không quá đắm mình trong những hào quang của chiến công. Với tầm nhìn chiến lược của mình, nhà thơ – vị tướng đã chỉ ra cho mọi người thấy rõ nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của đất nước, vẫn là cái cách nói cô đọng, dồn nén bằng những ý thơ chắt lọc tinh tế nhưng hồn thơ không kém phần rần rật, nóng hổi, hai câu thơ cuối của bài thơ vừa như một lời tự nhủ vừa như một sự suy ngẫm, chiêm nghiệm. Tác giả khẳng định, dân có giàu, quân có mạnh thì tương lai của đất nước mới được vững bền, dài lâu. Quả là một tầm nhìn xa trác việt. Một tầm nhìn xa chiến lược, một ý thức về bài học cảnh giác kín đáo. Và có lẽ ẩn sâu trong sự cảnh giác đó còn có cả những khát vọng về hoà bình, niềm tin vào sự trường tồn của dân tộc. Đây là nhân cách Việt Nam, bản lĩnh Việt Nam được kết tinh trong trí tuệ thiên tài Trần Quang Khải.

Bài viết liên quan