MS552 – Chứng minh về câu nói: Bất cứ thi sĩ vĩ đại nào, sở dĩ họ vĩ đại bởi vì những đau khổ và hạnh phúc của họ bắt nguồn từ khoảng sâu thẳm của lịch sử xã hội, bởi vì họ là khí quan và đại biểu của xã hội, của thời đại và của nhân loại


Belinxki đã viết: “Bất cứ thi sĩ vĩ đại nào, sở dĩ họ vĩ đại bởi vì những đau khổ và hạnh phúc của họ bắt nguồn từ khoảng sâu thẳm của lịch sử xã hội, bởi vì họ là khí quan và đại biểu của xã hội, của thời đại và của nhân loại.” Chứng minh qua Truyện Kiều- Nguyễn Du

Bài làm

Thơ ca cũng như văn chương và các loại hình nghệ thuật khác, nếu không hút nhựa sống dạt dào ngầm chảy trong lòng cuộc sống thì nó sẽ mãi mãi là một cây non èo uột, không mang trên mình những cành cây săn chắc, những chiếc lá xanh tươi phơi phới dưới ánh mặt trời. Là nhà thơ, ngòi bút của anh phải chấm vào nghiên mực của cuộc đời thì thơ anh mới tươi màu, neo chặt trong bến tâm hồn người thưởng thức. Như Belinxki đã viết: “ Bất cứ thi sĩ vĩ đại nào, sở dĩ họ vĩ đại bởi vì những đau khổ và hạnh phúc của họ bắt nguồn từ khoảng sâu thẳm của lịch sử xã hội, bởi vì họ là khí quan và đại biểu của xã hội, của thời đại và của nhân loại.” Qua Truyện Kiều của Nguyễn Du, ta thấy “ một trái tim lớn, một nghệ sĩ lớn”, ông đã thấy cả một xã hội loạn lạc, thối nát, đã nhỏ lệ xót thương cho những kiếp đời đau khổ qua những “ khỏang sâu thẳm của lịch sử xã hội” ấy.

Nhận định của Belinxki là hoàn toàn đúng đắn. Nhà văn là thư kí trung thành của thời đại. Qua những tác phẩm của họ, người đọc có thể hiểu được phần nào diện mạo bức tranh đời sống của một thời đại. “ Những đau khổ và hạnh phúc” chính là tiếng nói của nhà văn, nhà thơ. Họ đã lẳng nghe, đã cảm, đã thấu những tiếng khóc khổ đau của nhân dân, của cả một thời đại, lắng nghe tiếng vang vọng của những “ khoảng sâu thẳm của lịch sử xã hội”. Từ đó, những vấn đề trong tác phẩm của họ chính là tiếng nói đại diện cho số phận của những người dân trong đời sống xã hội.

ms552 chung minh ve cau noi bat cu thi si vi dai nao so di ho vi dai boi v - MS552 - Chứng minh về câu nói: Bất cứ thi sĩ vĩ đại nào, sở dĩ họ vĩ đại bởi vì những đau khổ và hạnh phúc của họ bắt nguồn từ khoảng sâu thẳm của lịch sử xã hội, bởi vì họ là khí quan và đại biểu của xã hội, của thời đại và của nhân loại

Ảnh minh họa

Văn học là tấm gương phản ánh hiện thực. Nhà văn có vai trò là người thư kí trung thành của thời đại. Nhưng đặc biệt, để trở thành thi sĩ vĩ đại, người viết cần phải có một trái tim đồng cảm với tiếng nói của nhân dân để từ đó có thể sẻ chia những hạnh phúc hay đau khổ của họ trong mỗi tác phẩm của mình, và tác phẩm mới trở thành tiếng nói đại diện cho tiếng nói của dân tộc trong một thời đại. Nguyễn Du là nhà thơ vĩ đại đã làm được tất cả những điều đó trong tác phẩm Truyện Kiều của ông.

Trong bài thơ “ Bài ca mùa xuân 1961” nhớ đến Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều, Tố Hữu viết:

Trải qua một cuộc bể dâu

Câu thơ còn đọng nỗi đau chân tình

Nổi chìm kiếp sống lênh đênh

Tố Như ơi, lệ chảy quanh thân Kiều

Đúng như ý thơ Tố Hữu. Qua tác phẩm của mình, Nguyễn Du đã khái quát nỗi đau của con người trong xã hội phong kiến qua hình tượng Thúy Kiều với cuộc đời lênh đênh chìm nổi. Trải qua những biến đổi trong cuộc sống, lời thơ của Nguyễn Du còn đọng lại một nỗi đau về nhân tình thế thái, về cuộc đời của con người dưới xã hội đầy rẫy xấu xa. “Cuộc bể dâu” mà Nguyễn Du “trải qua” đây không phải ảo ảnh mà là sự thực rành rành trước mắt. Đó là hình ảnh của xã hội với sự thay đổi nhanh chóng không thể ngờ của nó mà Nguyễn Du đã chứng kiến. Chính vì thế, “những điều trông thấy” đã làm cho nhà thơ “đau đớn lòng”. Tâm can quặn thắt, đau xót vô cùng trước những hình ảnh diễn ra hàng ngày, hàng giờ .

Nguyễn Du đã “trông thấy” những gì? Đó là cả một bức tranh chân thực về một xã hội loạn lạc thời phong kiến với cảnh ăn chơi sa đọa của vua quan, xã hội phong kiến suy tàn, các tập đoàn phong kiến tranh quyền đoạt lợi. Đời sống người dân khốn khổ, lầm than, không có quyền sống.

Nguyễn Du đã chứng kiến một xã hội không chỉ bất công, ngang trái mà còn là nơi ngự trị của bao thế lực hắc ám chà đạp con người.

Trước hết , đó là thế lực quan lại. Nhắc đến cuộc đời Kiều chúng ta nghĩ đến kiếp nạn “ Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần” nhưng còn một nơi mà người con gái đáng thương, tội nghiệp ấy đã hơn một lần phải tới và trở thành nạn nhân, đó là cửa quan. Không ở đâu thế giới quan lại hiện lên sinh động, chân thực, đa dạng như trong tác phẩm Truyện Kiều. Đó là những kẻ đại diện cho bộ máy chính quyền phong kiến, những kẻ được xem là cha mẹ dân, lại chính là thủ phạm gây ra biết bao oan khốc đến nỗi sinh li tử biệt cho người dân vô tội. Thế lực đen tối ấy đã phủ bóng đen lên cuộc đời Kiều từ một chuyện tai bay vạ gió. Chỉ một lời xưng xuất của một thằng bán tơ không tên không tuổi, giông tố đã nổi lên giữa cuộc sống yên bình của gia đình họ Vương. Bọn sai nha ập vào nhà Vương viên ngoại, tài sản bị vét “ sạch sành sanh”. Hành động của chúng không phải là hành động công lí, hay công lí của chúng là công lí của bọn đầu trộm đuôi cướp? Tên quan xử kiện vụ Vương ông vì tiền chứ không phải vì công lí. Không lộ mặt, rõ tên nhưng viên quan đầu tiên này chính là kẻ đã đẩy Kiều – một cô gái trắng trong lượng thiện vào nhà chứa, hắn cũng chính là kẻ viết những dòng đầu tiên lên sổ đoạn trường của đời nàng.

>> Xem thêm:  [Văn mẫu học trò] Phân tích đoạn trích Chiến thắng Mtao Mxây

Xã hội Truyện Kiều không chỉ tồn tại một thế lực đen tối ấy. Còn một lũ người gớm ghiếc khác chung tay nhào nặn, đẩy đưa số phận con người khiến cho tiếng đoạn trường trong thiên truyện đến muôn năm sau vẫn còn đẫm máu. Đó là sự hoành hành tác quái của bọn buôn thịt bán người. Người đọc không thể quên một Mã Giám Sinh “ mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao”, một Tú Bà “ thoắt trông lờn lợt màu da” , một Sở Khanh “ hình dong trải chuốt áo khăn dịu dàng”, mỗi tên một vẻ nhưng chúng đều là một cốt một đồng, chung nghề nghiệp kiếm ăn trên thân xác con người. Chỉ vài nét phác họa, Nguyễn Du đã vẽ nên những chân dung điển hình cho hạng người xấu xa này. Nếu như thế lực quan lại đã lấy đi của Kiều viễn cảnh cuộc đời bình yên tươi sáng, xô dạt đời nàng trên những bước đường lưu ly chìm nổi thì bọn buôn thịt bán người như Mã Giám Sinh, Tú Bà,… là những kẻ đã đưa nàng xuống đáy sâu xã hội, xuống vực thẳm của sự nhơ nhớp.

Sau thế lực quan lại, nhà chứa, Nguyễn Du cũng lên án, tố cáo gay gắt quyền lực vạn năng của đồng tiền. Trong xã hội Truyện Kiều, đồng tiền có một sức mạnh phi thường ghê gớm. Đồng tiền đổi trắng thay đen, đồng tiền lăn trên lương tâm và phẩm giá con người:

“ Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền”

“ Có ba trăm lạng việc này mới xuôi”

“ Máu tham hễ thấy hơi đồng thì thua”

Con người đã trở thành một “món hàng” mua đi bán lại không hơn không kém. Thông thường, Nguyễn Du ít dừng lại miêu tả tỉ mỉ, nhưng chúng ta không thiếu những chi tiết về sự mua bán, “đầu tư” đủ kiểu trên cái nhan sắc của Kiều, và điều này Nguyễn Du đã làm với một ý thức tố cáo rõ rệt. Đối với bọn buôn thịt bán người, Kiều chỉ là một món hàng không hơn không kém. Mã Giám Sinh đã đem tài sắc của Kiều ra mà “cân” . Hắn ưu Kiều, say Kiều nhưng ở cả những phút đắm say nhất, hắn vẫn không quên đồng nhất Kiều với “vàng”, “ngọc” với “vốn”, với “lời”. Hắn có cả một kế hoạch :

Đã nên quốc sắc thiên hương

Một cười này, hẳn nghìn vàng chẳng ngoa

Về đây, nước trước bẻ hoa

Vương tôn, quý khách ắt là đua nhau

Hẳn ba trăm lạng kém đâu

Cũng đà vừa vốn, còn sau thì lời.

Tất cả những thế lực xấu xa ấy đã đẩy Kiều vào một cuộc đời bất hạnh, khổ đau. Mặc dù ở thời đại Nguyễn Du, những điều gọi là lẽ phải không hiện ra vằng vặc trước mắt nhưng Nguyễn Du là người có tài, có tầm tu tưởng sâu rộng, đủ để nhận ra chân giá trị hiện thực thời đại. Vì thế, dẫu xuất thân trong gia đình quan lại phong kiến, dẫu bản thân làm quan dưới triều Nguyễn nhưng chân dung quan lại xấu xa, thối nát vẫn bị nhà thơ bóc trần trong tác phẩm Truyện Kiều dưới cái nhìn chân thực nhất. Như vậy, ông đã vạch trần  khoảng sâu thẳm thối nát của xã hội ấy.

Không những vậy, Nguyễn Du đã “ đau khổ” chung với số phận đau thương của Kiều, đã “hạnh phúc” với những niềm vui tưởng chừng đơn giản của nàng trong mười lăm năm lưu lạc đoạn trường. Qua đó, Nguyễn Du đã thể hiện thái độ đau xót , cảm thông với những con người bị áp bức trong xã hội phong kiến thối nát.

>> Xem thêm:  MS426 - Nghị luận xã hội về cách sống

Nguyễn Du đau lòng trước cảnh sống của những con người đau khổ, bất hạnh. Đó là kiếp sống của nàng Kiều, của Vương Ông, của Kim Trọng, Thúy Vân …mà Kiều là nhân vật trung tâm. Tất cả những nhân vật trong Truyện Kiều đều là những con người bất hạnh. Vương Ông là người cha bất hạnh, người đàn ông đau khổ bởi con phải bán mình vì ông. Kim Trọng, chàng thư sinh không gặp may, không cưới được người mình yêu. Thúy Vân phải chấp nhận một cuộc hôn nhân được định sẵn. Họ sống hạnh phúc chăng, trong khi Kim Trọng luôn canh cánh nghĩ đến Kiều, khi Thúy Vân chỉ vì nghĩa tình với chị mà sống cùng chàng Kim.

Tất cả những kiếp người ấy không làm Nguyễn Du “đau khổ” bằng kiếp sống của Kiều. Câu chuyện trầm luân của Thúy Kiều xưa nay biết bao người nói tới, lời thơ của Nguyễn Du đã đi qua hàng thế kỉ nhưng bao nhiêu nỗi đoạn trường cùng những vần thơ đứt ruột kia như vẫn còn thổn thức trong tim người đọc. Kiều không chỉ hiện thân cho nhan sắc, mà còn hiện thân cho tài hoa và phẩm hạnh. Tài sắc của Kiều không phải thông thường mà là tuyệt đỉnh của tài sắc : “ Sắc đành đòi một, tài đành họa hai”. Một con người như vậy lẽ ra phải được sống cuộc đời tốt đẹp, hạnh phúc nhưng xã hội bất công vô đạo đó đã biến tất cả những phẩm chất cao quý của nàng trở thành tai họa .

Đang sống trong cảnh :

“Êm đềm trướng rủ màn che

Tường đông ong bướm đi về mặc ai”,

chỉ một phen gió thảm mưa sầu đã hất tung nàng ra giữa cuộc đời, giông tố. Sự thay đổi đó không thể gọi là hoàn cảnh đẩy đưa mà là tang thương dâu bể. Hạnh phúc đã không đến được với một người tài tình, hiếu hạnh như Kiều. Thậm chí nàng cũng không được sống một cuộc đời bình yên. Nhan sắc bị đem ra cò kè mua bán, tài năng bị đưa ra làm phương tiện mua vui, lòng hiếu nghĩa bị đem ra đánh đổi thành tiền bạc , nhân phẩm bị chà đạp, giày xéo… Không phải là nỗi khổ vì chiến tranh của người chinh phụ, không phải là nỗi cay cực, nỗi oan uổng , trong con người Kiều, trong cảnh ngộ Kiều, hình như tất cả những đau khổ, tủi nhục của cuộc sống trong xã hội cũ đã dồn lại và cất lên thành  những tiếng đoạn trường. Nhan sắc, tài hoa, phẩm hạnh, tất cả đã bị chôn vùi theo mười lăm năm lưu lạc của đời Kiều. Giữa cuộc đời giông tố, thân phận con người trở nên mỏng manh chẳng khác gì cánh bèo mặt nước:

Phận bèo bao quản nước sa

Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh

Đó là một hiện thực tàn nhẫn. Hiện thực ấy không khốc liệt như những phen thay đổi sơn hà, cũng không dữ dội như hiện thực đấu tranh quật khởi của nhân dân nhưng nó không còn là chuyện của một hai cá nhân riêng lẻ. Một nàng Kiều, một Tiểu Thanh, một Đạm Tiên, một nàng Cầm đủ để tạo nên một ấn tượng hãi hùng về kiếp tài hoa bạc mệnh.

Ông khóc thương cho mối tình trong trắng của Kim- Kiều tan vỡ. theo Xuân Diệu, tác giả Nguyễn Du đã dành đến một phần tám tác phẩm này mà xây dựng nên mối tình Kiều – Kim, “cố đem tài mình mà tả tình yêu của hai người ấy”(2), để rồi mỗi khi gấp trang sách lại, bao buồn vui, bao xót xa, thương cảm cứ đầy vơi trong lòng người đọc… mối tình của Kiều – Kim mới chớm nụ, chưa kịp đơm hoa thì giông bão ập tới. Kiều phải bán mình để cứu cha và em. Đêm trao duyên cho Thúy Vân, bên “ngọn đèn khuya”, nàng xót xa thương chàng Kim mai ngày khi trở lại vườn Thúy nơi này thì tình xưa đã lìa tan:

Công trình kể biết mấy mươi,

Vì ta khăng khít cho người dở dang.

Để rồi, nàng nức nở, vật vã khóc than:

Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang!

Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!

Mối tình đầu đẹp đẽ và đầy mộng mơ giữa Kiều và Kim sẽ còn đọng lại mãi mãi trong trái tim nàng, “mai sau dù có bao giờ”, không thể nhạt phai.

Năm tháng thời gian có thể trôi qua, nhưng mùi hương của mối tình đầu đẹp đẽ ấy vẫn cứ mãi thơm ngát trong tâm hồn Kiều, nó sẽ theo đi suốt cuộc đời nàng, trở thành tình yêu trường cửu, vĩnh hằng! Kiều dám vượt qua lễ giáo phong kiến, tự do gắn bó yêu thương chàng Kim nhưng vẫn giữ được tình yêu trong sáng, thủy chung. Vì chữ Hiếu mà nàng đã lỡ lời thề nhưng vẫn giữ trọn chữ tình son sắt :

>> Xem thêm:  Kể lại việc em góp phần bảo vệ hàng cây mới trồng trên đường tới trường

Ngay sau khi đính ước, thề nguyền, gặp cảnh tai biến, lúc chia tay để chàng Kim về quê chịu tang chú, Kiều đã nói với chàng Kim tấm lòng son sắt, thủy chung của mình:

Cùng nhau trót đã nặng lời,

Dẫu thay mái tóc dám dời lòng tơ.

Và:

Đã nguyền hai chữ đồng tâm,

Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai.

Lời thề nguyền ấy là thiêng liêng và nó đã đi theo suốt cuộc đời nàng Kiều.

Không chỉ thương, không chỉ đau, ông cũng đề cao ca ngợi nhân phẩm cao quý của Kiều. Ở lầu xanh, dù phải tiếp khách làng chơi, nàng vẫn giữ được tâm hồn thanh sạch của mình. Ngòi bút sắc sảo và cái nhìn tỉnh táo của Nguyễn Du đã cho chúng ta thấy lầu xanh, kĩ viện không chỉ là chốn đi về của khách làng chơi:

Biết bao bướm lả ong lơi

Cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đêm.

Dập dìu lá gió cành chim

Sớm đưa Tống Ngọc tối tìm Trường Khanh

Đó còn là nơi phong tỏa mọi ngả đường, mọi lối thoát của những con người có ý thức sâu sắc về nhân phẩm, muốn vươn lên khỏi vũng bùn ngập ngụa này:

“ Vui là vui gượng kẻo là

Ai tri âm đó mặn mà với ai’’

Từ “vui gượng” nói lên tất cả sự lạc lõng, cô độc cũng là sự mâu thuẫn, bế tắc không lối thoát của Kiều trước hoàn cảnh. Sống trong cảnh nhơ nhớp, phải tiếp khách làng chơi, trải qua những cơn say, trận cười quanh năm suốt tháng, phải lả lơi… là điều bất đắc dĩ, Kiều không bao giờ muốn thậm chí không bao giờ có thể tưởng tượng được cuộc đời mình lại bi kịch như thế. Giữa chốn lầu xanh mà đồng tiền lên ngôi, có bao kẻ đến rồi đi, cái còn lại sau cùng với Kiều chỉ là sự rã rời, đau đớn cả về thể xác và tâm hồn thì làm gì có ai là tri kỉ, có ai để “mặn mà” nhưng trong sâu thẳm cõi lòng, Kiều vẫn luôn mong ngóng một tấm lòng, một người hiểu mình. Một lần nữa ngôn ngữ nửa trực tiếp lại khiến cho câu thơ có những lớp nghĩa sâu sắc kết hợp câu hỏi tu từ đầy sót xa cay đắng cho thấy phẩm chất tốt đẹp của TK giàu lòng tự trọng, coi trọng phẩm giá và muốn sống một cuộc sống bình yên, trong sạch.

Mười lăm năm đoạn trường với bao tai ương nhưng Thúy Kiều vẫn giữ được phẩm cách tốt đẹp của mình. Nàng không buông xuôi, phó mặc mà luôn có ý thức về nhân phẩm, muốn thoát khỏi cuộc sống tủi nhục, xấu xa đó.

Nguyễn Du đã vui, buồn, hạnh phúc và đau khổ cùng cuộc đời nàng Kiều, một nhân vật tiêu biểu đại diện cho biết bao con người tài sắc mà bất hạnh trong chế độ xã hội phong kiến.

Qua Truyện Kiều, ta lại càng thấy rõ vai trò quan trọng của người nghệ sĩ trong sáng tác văn học nghệ thuật. Thông qua những tác phẩm nghệ thuật lớn người ta có thể hiểu được cuộc sống của một thời đại. Người nghệ sĩ phải sáng tác bằng tất cả sự cảm nhận và rung động từ trái tim, phải thấu hiểu, cảm thông chia sẻ với từng thân phận con người trong cuộc sống. Giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của tác phẩm là thước đo tầm vóc nhà sáng tác. Và muốn trở thành vĩ đại, thi sĩ phải là người đại diện cho ngôn ngữ và tiếng lòng của một thời đại.

Ý kiến trên của Belinxki đã đánh giá đúng vai trò, vị trí của nhà văn trong sáng tác văn học nói riêng và đời sống nghệ thuật nói chung. Điều đó đã được chứng minh trong tác phẩm Truyện Kiều.

Có ý kiến cho rằng : “ Thơ ca bắt rễ từ lòng người, nở hoa nơi từ ngữ” . Thơ ca là tiếng nói chân thực của tình cảm. Nó được khơi nguồn, bắt rễ từ tư tưởng, cảm xúc của người nghệ sĩ thông qua những vấn đề của thời đại. Nhà thơ phải là thư kí trung thành của thời đại thì mới có những cảm xúc chân thành, mới biết rung động trước nỗi bất hạnh, khổ đau của con người.

Lê Thu Trang

Bài viết liên quan