Cảm nhận của em về hình tượng nhân vật Chí Phèo


Cảm nhận của em về hình tượng nhân vật Chí Phèo

Bài làm

“Đối tượng của văn học vốn là thân phận con người, nên chỉ có kẻ nào đọc và hiểu nó sẽ hóa thành không phải là một chuyên gia nghiên cứu văn học mà là một kẻ hiểu biết con người một cách sâu sắc”. Con người từ lâu vốn vẫn là đối tượng tìm hiểu và nghiên cứu của văn học. Qua mỗi tác phẩm khác nhau, chúng ta lại có thêm một cái nhìn mới mẻ, một khám phá rất riêng về thân phận con người. Và trong tác phẩm “Chí Phèo”, bằng ngòi bút giàu giá trị hiện thực của mình, Nam Cao đã mang đến những trang văn neo đậu mãi trong lòng người đọc về nhân vật Chí Phèo.

Có thể nói, mảnh đất hiện thực về người nông dân Việt Nam đã được các nhà văn cùng thời Nam Cao đào sâu bới kĩ. Nhưng, khác với các nhà văn hiện thực đương thời, Nam Cao không đi sâu vào khai thác những nỗi khổ thường thấy của người nông dân lúc bấy giờ như sưu cao thuế nặng hay bần cùng khốn khổ vì đói cơm rách áo trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố, Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan. Đứng trước một đề tài quen thuộc, ông đã không chọn theo đường mòn lối cũ mà tìm đến một nơi chưa có dấu chân người. Tiếp cận với “Chí Phèo”, người đọc phải ngạc nhiên trước bao phát hiện vô cùng mới mẻ về bức tranh làng quê Việt Nam. Không ào ào thác đổ, không cuộn trào sóng dữ nhưng tưởng như bao mạch sóng ngầm dưới cái ao tù kia đang sẵn sàng cuốn phăng đi bản tính lương thiện của người nông dân. Đó chính là cái nhìn hiện thực mới mẻ của Nam Cao, là nỗi ám ảnh quặn lên trong từng câu chữ. Một điều gì đó xót xa hơn cả những lời oán trách khổ đau, nhức nhối hơn cả cơn đói và manh áo rách, ấy là thiên lương bị xâm hại và tha hóa nghiêm trọng.

Chí Phèo ngay từ đầu tác phẩm đã hiện lên qua tiếng chửi- một cách mở đầu thật ấn tượng và có sức lôi cuốn người đọc. Hắn chửi trời, chửi làng Vũ Đại, rồi chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn. Thoạt nghe thì có vẻ đay là lời lẽ của một kẻ say rượu nhưng thực chất tiếng chửi của Chí rất có lớp lang, bài bản, từ cao đến thấp, từ xa đến gần, mênh mông, hư vô đến sát sườn, vu vơ đến xác định. Vậy rượu là tác nhân, chứ không phải nguyên nhân, Chí Phèo không phải một kẻ say ăn càn nói quấy, rượu vào lời ra. Bi kịch của Chí Phèo là bi kịch của kẻ bế tắc cùng đường, bộc lộ nhu cầu giao tiếp dù chỉ là mạt hạng của kẻ lưu manh bị cả cộng đồng hắt hủi, coi như không có hắn trên đời. Đằng sau cái vô thức của kẻ say là phần tỉnh táo của Chí Phèo, là nỗi đau con người sau hình thù quỷ dữ, là khát vọng thiện lương sau những lời nói côn đồ. Tiếng chửi ấy cũng là “tiếng hát thiết tha của một tâm hồn lộn ngược”, vang lên trong vô vọng để tìm kiếm sự sẻ chia, đồng cảm. Giọng văn có phần lạnh lùng, khinh bạc nhưng ẩn sau nó là một trái tim yêu thương, thấu hiểu, thương cảm, xót xa của một tấm lòng đau đời, đau người tha thiết.

>> Xem thêm:  Phân tích hình ảnh bà Tú trong bài thơ Thương Vợ của Trần Tế Xương

Bi kịch bị tha hóa, lưu manh chính là con đường đẩy Chí đến bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người. Tua nhanh cuốn phim cuộc đời, kể từ lúc bị bỏ rơi ở cái lò gạch cũ đến khi đi làm canh điền cho Bá Kiến rồi chỉ vì ghen tuông vô cớ mà Bá Kiến đẩy anh vào tù tội oan uổng, Chí Phèo đã bị nhà tù thực dân hủy hoại cả nhân hình lẫn nhân tính. Chân dung của Chí làm người ta liên tưởng đến một tên côn đồ, lưu manh. Bị đối xử bằng bạo tàn, Chí đã phản kháng bằng bạo tàn. Hình thù gớm ghiếc chuyên kiếm ăn bằng máu của mình và máu của người để rồi cuối cùng bị cuộc đời lìa bỏ. Bên cạnh Chí Phèo còn có Năm Tư, Binh Chức, để ta thấy rằng những con người ấy như một sản phẩm tất yếu của xã hội đương thời với tất cả sự bạo tàn của giai cấp thống trị. Bi kịch ấy đã làm đậm nét, hoàn thiện và sâu sắc hơn bao nhiêu nỗi khổ từ ngàn đời nay vẫn đè nặng lên dáng cấy, dáng cày, để rồi trong lòng người đọc quặn thắt lại một niềm đau đớn, xót xa cho những kiếp người nổi lênh bất hạnh nơi làng quê đã chẳng còn yên bình khi in dấu gót giày của bọn thực dân xâm lược.

Trong chuỗi bi kịch kéo dài ấy, đã có lúc tâm hồn Chí Phèo cháy lên khát vọng được làm người lương thiện. Điều trân trọng và đáng quý ở Nam Cao là khi miêu tả nhân vật bị tha hóa đến chỗ tận cùng, ông vẫn phát hiện ra trong chiều sâu của nhân vật bản tính tốt đẹp vốn có, chỉ cần chút lay động là có thể sống dậy mãnh liệt. Sự xuất hiện của Thị Nở- con người xấu “ma chê quỷ hờn” ấy lại là nguồn sáng duy nhất soi rọi vào tâm hồn cằn cỗi của Chí Phèo, làm thức dậy bản tính lương thiện bấy lâu nay bị vùi dập nhưng không tắt hẳn của Chí. Chí Phèo đến với Thị Nở trong một đêm say rượu. Thế nhưng, câu chuyện tình Thị Nở- Chí Phèo sẽ chỉ là “đôi lứa xứng đôi” nếu Thị Nở chỉ làm thức dậy phần bản năng của Chí. Bằng tình yêu thương chân thành, sự chăm sóc giản dị của Thị Nở, phần con đã nhường chỗ để phần người trong Chí bừng dậy mãnh liệt. Sau cuộc gặp gỡ ngắn ngủi ấy, Chí Phèo nhận ra những âm thanh quen thuộc của cuộc sống hàng ngày: tiếng chim hót, tiếng anh thuyền chài đuổi cá, tiếng người đi chợ về… Âm thanh ấy gợi Chí về một thời rất xa xưa, khi hắn còn có cái mơ ước giản dị nhưng thật đẹp: “Hình như có một thời hắn đã ao ước có một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải, chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm”. Trong giây phút tỉnh táo hiếm hoi, Chí nhận ra cái hiện thực đáng buồn: đói rét, ốm đau và cô độc, cái này còn đáng sợ hơn cả đói rét và ốm đau. Bát cháo hành tượng trưng cho tình người ấm nóng, chân thành, mộc mạc, giản dị. Bát cháo hành không không chỉ giải cảm mà còn tẩy ố men rượu, hoen mờ tội lỗi, đưa Chí từ quỷ dữ quay về làm người lương thiện. Và hắn thấy bâng khuâng, đã bao lâu rồi hắn mới có cảm giác như thế? Mắt hắn ươn ướt vì hạnh phúc nhỏ nhoi mà có thật. Hắn ao ước có thể hòa nhập với cộng đồng, khát khao về một cuộc sống thiện lương mà Thị Nở đã dẫn đường cho hắn. Như vậy, tình yêu thương đã làm sống lại trong Chí bản chất đẹp đẽ của người lao động không thể bị dập tắt dẫu cho có gió dập sóng vùi.

>> Xem thêm:  Bàn luận về câu nói của M. Go-rơ-ki: "Hãy yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức mới là con đường sống".

Và cái kết đau đớn cuối cùng là trên ngưỡng cửa trở về làm người lương thiện, Chí lại bị cự tuyệt quyền làm người. Việc Thị Nở từ chối sống chung như cánh cửa cuộc đời đóng sập trước mắt Chí. Ý thức về quyền làm người quay trở lại, Chí càng hiểu rõ hơn về bi kịch của mình, về nguyên nhân dẫn đến bi kịch ấy: “Tao muốn làm người lương thiện”, “Ai cho tao lương thiện”. Những câu hỏi không lời đáp vút lên đầy cay đắng như đánh thẳng vào bộ mặt xã hội đương thời, làm người đọc không khỏi xót xa về thân phận của biết bao kiếp người nổi trôi vô định. Người xưa từng nói: “Nhân chi sơ tính bản thiện”. Lương thiện là phần sẵn có trong mỗi con người, vậy mà Chí phải đi đòi lương thiện. Hành động giết Bá Kiến đã cho thấy bế tắc không lối thoát của người nông dân lúc bấy giờ. Chí Phèo dẫu không được sống cuộc sống của người lương thiện nhưng đã chết cái chết của người lương thiện, chết để được lương thiện. Qua đó, tác giả cũng ngầm khẳng định, ngợi ca, trân trọng phẩm giá, bản chất lương thiện, tốt đẹp của người nông dân.

Chí Phèo có tầm ảnh hưởng sâu rộng bởi nó chứa đựng những tư tưởng, tình cảm mang giá trị nhân đạo và hiện thực sâu sắc. Tác phẩm mãi mãi bất tử, mãi mãi có khả năng đánh thức trí tuệ và khơi dậy những tình cảm đẹp đẽ trong tâm hồn con người.

Bài viết liên quan