Đề 26: Cảm nhận văn bản Đêm nay Bác không ngủ
Đề 26: Cảm nhận văn bản Đêm nay Bác không ngủ
Hướng dẫn
Đêm nay Bác không ngủ là bài thơ tự sự ngắn của nhà thơ Minh Huệ, viết vào năm 1951, sau khi nghe một anh bạn kể chuyện Bác Hồ đi chiến dịch Biên giới Cao – Bắc – Lạng năm 1950. Bài này trong các tuyển thơ gần đây đều gồm mười sáu khổ. Trong bài thơ, nhà thơ đã không nói tới tên chiến dịch, không nói tới việc Bác ngủ tạm ở lán trong rừng, mà chỉ nói việc Bác và bộ đội ở chung dưới một mái nhà tranh và mấy chữ Đêm nay Bác không ngủ có một ý vị vĩnh viễn. Đêm nay là đêm cụ thể này, nhưng cũng là tất cả mọi đêm. Bài thơ mở bằng đầu một phát hiện và một câu hỏi:
Anh đội viên thức dậy
Thấy trời khuya lắm rồi
Mà sao Bác vẫn ngồi
Đêm nay Bác không ngủ
Cả bài thơ là sự xúc cảm mãnh liệt trước biểu tượng “Đêm nay Bác không ngủ” rất thiêng liêng, cao cả đó.
Hình tượng trung tâm của bài thơ là hình tượng Bác Hồ – người Cha của lực lượng vũ trang Việt Nam. Nét đặc trưng thứ nhất trong hình tượng Bác ở đây là một vẻ trầm ngâm yên lặng, suy tư, thâm trầm của hiền triết phương Đông:
Lặng yên bên bếp lửa
Vẻ mặt Bác trầm ngâm
Lần thứ ba anh đội viên thức dậy, vẫn một hình ảnh ấy:
Bác vẫn ngồi đinh ninh
Chòm râu im phăng phắc.
Dường như Bác đã hóa thân thành bức tượng vững chãi. Đối lập với Bác, anh đội viên là người hay xúc động, lòng anh khi thì “bồn chồn”, khi thì “thổn thức”, khi thì “bề bộn”, khi thì “hốt hoảng giật mình”. Đặc điểm này của anh đội viên làm tôn lên tính chất thâm trầm, vững chãi của hình tượng Bác.
Nét thứ hai trong hình tượng Bác là lòng thương yêu chiến sĩ và muôn dân. Bác không chỉ đốt lửa cho anh đội viên nằm, mà còn có cử chỉ chăm sóc ân cần tới giấc ngủ của chiến sĩ:
Rồi Bác đi dém chăn
Từng người từng người một
Sợ cháu mình giật thốt
Bác nhón chân nhẹ nhàng
Một lòng thương yêu thật đằm thắm, dịu dàng, tế nhị. Không phải là lòng thương chung chung, mà lòng thương tỏa ấm tới “Từng người từng người một”, cụ thể. Trước tình thương ấy, anh đội viên đắm chìm trong một cảm giác hạnh phúc:
Anh đội viên mơ màng
Như nằm trong giấc mộng
Bóng Bác cao lồng lộng
Ấm hơn ngọn lửa hồng
Từ thực tế đến mơ màng rồi đến giấc mộng, và hình ảnh Bác trong tâm hồn ấy đúng là sưởi ấm hơn ngọn lửa hồng, bởi nó sưởi ấm tự bên trong! Nét thứ ba trong hình tượng Bác Hồ ở đây là lòng thương bao la. Người không chỉ thương các chiến sĩ trong lều, mà thương tất cả mọi chiến sĩ dân công:
Bác ngủ không an lòng
Bác thương đoàn dân công
Đêm nay ngủ ngoài rừng
Rải lá cây làm chiếu
Manh áo phủ làm chăn
Trời thì mưa lâm thâm
Làm sao cho khỏi ướt!
Càng thương càng nóng ruột
Mong trời sáng mau mau.
Đến đây tấm lòng của Bác như đã hòa chung với tấm lòng chiến sĩ. Người lo, Người mang theo nỗi lo, nỗi mong của từng chiến sĩ.
Mấy câu kết bài thơ thực sự đã nâng tầm khái quát của bài thơ lên một bậc cao tuyệt vời:
Đêm nay Bác ngồi đó
Đêm nay Bác không ngủ
Vì một lẽ thường tình
Bác là Hồ Chí Minh
Từ chỗ cảm thấy “Bác không ngủ” là một việc lạ lùng, khác thường, không hợp lí, làm cho anh đội viên hốt hoảng, giật mình thổn thức, anh đội viên đã nhận ra: Bác thuộc một tầm cỡ khác, có một cái “thường tình” khác – cái thường tình của các vĩ nhân, của Hồ Chí Minh. “Thường tình” trong tiếng Việt nghĩa là thông thường, không có gì lạ. Từ chỗ thấy lạ đến chỗ không thấy lạ nữa là một bước nhảy vọt trong nhận thức mới về lãnh tụ! Hai câu kết bài thơ thực sự gây chấn động trong tâm hồn người đọc: Cái thường tình của Hồ Chí Minh là sự hi sinh, lòng thương yêu vô hạn đối với chiến sĩ… một cái thường tình mà nếu ở xa Người thì người ta không dễ hiểu được.
Một bài thơ thật giản dị. Bên cạnh hình tượng Bác Hồ còn có hình tượng người chiến sĩ cảm nhận Bác, yêu thương Bác. Tình yêu được đền đáp bằng tình yêu. Một bức tranh hài hòa về tình yêu giữa lãnh tụ và quần chúng đạt tới mức lí tưởng. Những bài thơ hay còn vì khéo xây dựng không khí. “Ngoài trời mưa lâm thâm” là một không khí mang nhiều sức gợi cảm. Trời se se lạnh, mưa nhỏ ẩm ướt bao phủ, lẽ tự nhiên khêu gợi ở con người một khát vọng về sự ấm cúng. Trong không khí ấy, hình ảnh Bác Hồ xuất hiện như một nguồn tình cảm sưởi ấm mọi người, không chỉ sưởi ấm bằng bếp lửa, bằng cử chỉ dém chăn, mà bằng cả tấm lòng lo lắng cho các chiến sĩ, dân công ngủ ngoài rừng “Rải lá cây làm chiếu – Man áo phủ làm chăn”. Không phải ngẫu nhiên mà trong bài thơ, bên cạnh hình ảnh Bác Hồ có hình ảnh ngọn lửa hồn
‘- Người Cha mái tóc bạc
Đốt lửa cho anh nằm…
‘- Bóng Bác cao lồng lộng
Ấm ơn ngọn lửa hồng..
‘- Anh đội viên nhìn Bác
Bác nhìn ngọn lửa hồng…
Ánh lửa trong lều sưởi ấm các chiến sĩ trong lều nhưng ánh lửa trong lòng Bác sưởi ấm tất cả lòng chiến sĩ Việt Nam. Chính nhờ xây dựng không khí tương phản: trời thì mưa lâm thâm – ngọn lửa hồng; xây dựng hình ảnh đối chiếu: Bác Hồ – ngọn lửa, Bác Hồ – anh đội viên, nhà thơ đã dựng nên một hình tượng Bác Hồ thật gần gũi mà vĩ đại, một nguồn tình cảm ấm áp của toàn dân và toàn quân ta trong những ngày đầu kháng chiến gian nan, thiếu thốn.
Nhịp thơ năm chữ cũng thích hợp để xuất hiện những dòng thơ cô đúc, nén chặt như những nét khắc, những câu thơ nhịp nhàng gây được ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc.
Theo Vanbantailieu.com