Giới thiệu về Trần Nhân Tông – Tác giả của bài thơ Thiên trường vãn vọng


Bài giới thiệu về Trần Nhân TôngVanmaubathu giới thiệu dưới đây sẽ cung cấp thêm những thông tin về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Trần Nhân Tông. Các bạn hãy cùng tham khảo nhé.

1. Tiểu sử cuộc đời

Trần Nhân Tông tên thật là Trần Khâm, sinh ngày 11 tháng 11 âm lịch năm Mậu Ngọ niên hiệu Thiệu Long năm thứ 1 (tức 7 tháng 12 năm 1258). Ông là con trai đầu lòng của Trần Thánh Tông và Nguyên Thánh Thiên Cảm hoàng hậu Trần Thị Thiều. Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư (bộ quốc sử Đại Việt biên soạn năm 1479, thời Lê Thánh Tông), Trần Khâm ngay từ khi sinh ra đã được tinh anh thánh nhân, thuần túy đạo mạo, sắc thái như vàng, thể chất hoàn hảo, thần khí tươi sáng, nên vua cha và ông nội – thái thượng hoàng Trần Thái Tông đã gọi ông là Kim Tiên đồng tử. Các sách Tam Tổ thực lục và Thánh đăng ngữ lục (đều ra đời khoảng thế kỷ XIV) chép biệt hiệu này là Kim Phật. Cả 2 sách này và Đại Việt Sử ký Toàn thư đều kể rằng bên vai phải Trần Khâm có nốt ruồi đen lớn như hạt đậu; người xem tướng đoán rằng hoàng tử về sau sẽ làm được việc lớn.

gioi thieu ve tran nhan tong – tac gia cua bai tho thien truong van vong - Giới thiệu về Trần Nhân Tông – Tác giả của bài thơ Thiên trường vãn vọng
Giới thiệu về Trần Nhân Tông – Tác giả của bài thơ Thiên trường vãn vọng

Năm 1274, ở tuổi 16 tuổi, Trần Khâm được vua cha sách phong làm hoàng thái tử. Trần Thánh Tông cũng lập trưởng nữ của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn (tức Khâm Từ hoàng hậu sau này) làm thái tử phi. Trần Thánh Tông còn vời các nho sĩ có tài đức trong cả nước về hầu cận thái tử. Tướng Lê Phụ Trần được phong chức Thiếu sư, kiêm Trừ cung giáo thụ, đảm trách việc dạy học thái tử. Bản thân nhà vua cũng viết thơ và sách Di hậu lục (2 quyển) giáo huấn cho thái tử. Các chú giải của Trần Quang Chỉ trong tranh Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ cho biết Trần Khâm đã đạt được trình độ cao về các lĩnh vực như quân sự, âm nhạc, lịch số học và thiên văn học. Ông cũng học kỹ về tam giáo Phật-Lão-Nho và am hiểu tường tận giáo pháp nhà Phật. Sách Thánh đăng ngữ lục cũng viết: “Bản chất Ngài rất thông minh và hiếu học, có nhiều tài năng, xem khắp hết các sách, thông suốt cả nội điển lẫn ngoại điển”.

Tuy ở ngôi thái tử và có hôn nhân hạnh phúc, Trần Khâm có chí hướng xuất gia theo Phật. Ông đã nhiều lần xin nhường ngôi Thái tử cho em là Tá Thiên vương Trần Đức Việp, nhưng không được vua cha chấp thuận. Có lần, Trần Khâm nhân đêm khuya, vượt thành đi vào núi Yên Tử ẩn tu, đến chùa Tháp ở núi Đông Cứu thì trời sáng, ông đã thấm mệt nên vào nghỉ trong tháp. Vị tu sĩ ở chùa thấy ông có dung mạo phi thường, bèn mời cơm. Sau, Trần Thánh Tông và hoàng hậu biết tin, sai quan quân đi tìm và thỉnh cầu ông về kinh đô; Trần Khâm bèn miễn cưỡng nhận ngôi thái tử.

2. Vị vua anh minh, lỗi lạc

Ngày 22 tháng 10 âm lịch năm Mậu Dần (tức ngày 8 tháng 11 năm 1278), Trần Khâm được cha truyền ngôi, tức vua Trần Nhân Tông. Ông tự xưng làm Hiếu Hoàng  và được bá quan dâng tôn hiệu là Pháp Thiên Ngự Cực Anh Liệt Vũ Thánh Minh Nhân Hoàng Đế. Thánh Tông lên làm Thái thượng hoàng và cùng trị vì với Nhân Tông cho đến khi mất năm 1290.[12][13] Mùa xuân năm 1279, nhà vua lấy niên hiệu là Thiệu Bảo. Đến tháng 9 âm lịch năm 1285, ông đổi niên hiệu thành Trùng Hưng và dùng niên hiệu này tới khi nhường ngôi năm 1293.

>> Xem thêm:  Thiên nhiên là người bạn tốt của con người, hãy yêu mến và bảo vệ thiên nhiên. Em hãy chứng minh ý kiến trên

Trong thời kỳ làm vua, Trần Nhân Tông vẫn sống thanh tịnh trên tinh thần Phật giáo. Khi rảnh việc nước, ông thường mời các thiền giả đến hỏi về yếu chỉ Thiền tông. Đặc biệt, theo Thánh đăng ngữ lục, ông học đạo với thiền sư Tuệ Trung Thượng Sĩ (tức Hưng Ninh vương Trần Quốc Tung, anh của Nguyên Thánh Thiên Cảm hoàng hậu), “đạt sâu tới chỗ thiền tủy và thờ Thượng Sĩ làm thầy”. Ngoài ra, ông từng ăn chay khổ hạnh đến mức thân hình gầy guộc, khiến Thượng hoàng phải ngăn lại. Sách Thánh đăng ngữ lục kể: “Thánh Tông khóc, bảo: Ta nay già rồi, trông cậy một mình con, nếu con làm như thế thì sự nghiệp của Tổ tông sẽ ra sao? Ngài [Nhân Tông] nghe vua cha nói vậy cũng rơi nước mắt”.

Trần Nhân Tông lên ngôi trong lúc nền độc lập Đại Việt bị đe dọa trầm trọng. Ở phương Bắc, Nguyên-Mông đã chinh phục hầu hết Nam Tống và bắt đầu dòm ngó Đại Việt. Ngay sau khi ông đăng quang, vua Nguyên là Hốt Tất Liệt cử Lễ bộ thượng thư Sài Thung sang Đại Việt, lấy cớ Nhân Tông “không xin mệnh mà tự lập” (nghĩa là tự xưng làm vua mà không chịu xin phép “thiên triều” Nguyên) để ép vua Trần sang triều kiến. Trần Nhân Tông đã đối đãi tử tế với Sài Thung, nhưng kiên quyết không sang chầu. Thung đành đi tay không về nước. Nhân Tông lại sai Trịnh Đình Toản và Đỗ Quốc Kế sang cống nạp nhà Nguyên. Tháng 12 năm 1279, Hốt Tất Liệt giam cầm Đình Toản ở thành Đại Đô, rồi ép Quốc Kế đi cùng một phái bộ mới của Sài Thung sang dụ Đại Việt. Nhân Tông vẫn không nhân nhượng, mặc dù Thung đã dọa nạt rằng nếu không sang chầu, “thì hãy sửa sang thành trì của ngươi, để đợi sự phán xét”.

Đứng trước hiểm họa xâm lược từ Mông Cổ, Hoàng đế đã có nhiều nỗ lực nhằm phát triển kinh tế, đảm bảo sự ổn định và đoàn kết trong nước. Cụ thể, tháng 1 âm lịch năm 1280, ông ra lệnh hợp nhất hệ thống đo lường để thúc đẩy thương mại trên toàn quốc. Ngoài ra, ông khuyến khích nông dân tăng cường sản xuất, và nhờ vậy, Đại Việt đã “được mùa to, lúa ruộng ở hương Trà Kiều thuộc Khoái Lộ một giò hai bông” (theo Đại Việt Sử ký Toàn thư) vào tháng 10 âm lịch năm 1280. Mùa xuân năm 1284, Hoàng đế lại sai vét sông Tô Lịch nhằm biến sông này thành trục giao thông chính của kinh đô.

Trên phương diện chính trị-xã hội, tháng 2 âm lịch năm 1280, Trần Nhân Tông cho điều tra và cập nhật dân số, đồng thời giải quyết nhanh các khiếu nại oan sai của người dân. Đại Việt Sử ký Toàn thư thuật lại, Chi hậu cục thủ Đỗ Khắc Chung có người em tên Đỗ Thiên Hư từng kiện cáo một người; dù Thiên Hư trái về cả tình lãn lý nhưng viên quan xử án tỏ ra bênh vực. Người bị kiện thấy vua Trần Nhân Tông đang đi ngoài thành, bèn đón và kêu oan. Nhà vua phán: “Đó là do sợ mà né tránh Khắc Chung đấy”, rồi cử ngay Chánh chưởng nội thư hỏa là Trần Hùng Thao kiêm chức Kiểm pháp quan để điều tra lại, cuối cùng Thiên Hư phải nhận sai. Sử quan nhà Hậu Lê Ngô Sĩ Liên có nhận định về việc làm của vua Trần Nhân Tông: “Người kiện có điều oan uổng mà được dễ dàng kêu bày, hình quan để chậm án, không thấy có lời trách hỏi, hoạn quan nội thần lạm cử làm pháp quan, vua làm việc này có có ba lầm lỗi kèm theo, nhưng như vậy thì dân tình được thấu lên trên. Việc cai trị kẻ dưới thà sai để khoan thứ để cho án kiện đọng lại được xử ngay, cũng thấy được lòng trung hậu của vua” (Ngô Sĩ Liên).

Cũng trong năm 1280, thủ lĩnh người Ngưu Hống tại Đà Giang là Trịnh Giác Mật nổi dậy, Trần Nhân Tông sai Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật đi thuyết phục phiến quân quy hàng. Trần Nhật Duật nhờ khéo ngoại giao và hiểu biết văn hóa dân bản địa, nên đã thu phục được Giác Mật mà không phải giao chiến. Chiêu Văn vương đưa cả nhà Giác Mật vào chầu Trần Nhân Tông. Nhà vua hết mục khen ngợi Nhật Duật, sau này tha Giác Mật và gia đình về Đà Giang. Từ đây, Ngưu Hống thần phục Đại Việt cho đến khi nổi dậy vào mùa đông năm 1329, thời Trần Hiến Tông.

Về quan chế, vua Trần Nhân Tông đã đặt ra một số chức quan mới: Hàn lâm viện học sĩ phụng chỉ (1282), Tả hữu bộc xạ (1283).

Về giáo dục, năm 1281, Trần Nhân Tông dựng nhà học ở phủ Thiên Trường (đất phát tích của hoàng triều, nay thuộc Nam Định). Tuy nhiên, nhà vua vẫn theo lệ cũ, cấm các chiến sĩ hiệu quân Thiên Thuộc được vào học.[24] Cũng từ đầu đời vua Nhân Tông, chữ Quốc ngữ bắt đầu được sử dụng rộng rãi trong các tác phẩm thơ văn ở Đại Việt. Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, dưới trướng Nhân Tông có Hình bộ thượng thư Nguyễn Thuyên thạo thơ phú Quốc ngữ; năm 1282, khi có cá sấu tới sông Hồng, hoàng đế sai Nguyễn Thuyên làm văn tế cá sấu thả xuống sông. Sau này cá sấu bỏ đi, nhà vua cho là Nguyễn Thuyên có tài như Hàn Dũ, mới đổi gọi là Hàn Thuyên.

Trong việc đối ngoại, Trần Nhân Tông ứng xử vừa khéo léo, vừa cứng rắn với nhà Nguyên. Sau khi tiếp đón Sài Thung lần 3 vào năm 1280, năm 1281 Nhân Tông phái Trần Di Ái cùng Lê Mục, Lê Tuấn thay ông sang chầu vua Nguyên. Hốt Tất Liệt vẫn quyết tâm xâm lược phương Nam; nhà Nguyên cử một số quan lại sang giám sát các châu huyện của Đại Việt, nhưng Nhân Tông đã trục xuất những người này về Trung Quốc. Không bỏ cuộc, khoảng năm 1281–1282, vua Nguyên lập Trần Di Ái làm “An Nam Quốc vương”, Lê Mục làm “Hàn lâm học sĩ” và Lê Tuân làm “Thượng thư”, rồi lại sai Sài Thung đem 1 nghìn quân hộ tống nhóm Di Ái về bản quốc. Vua Nhân Tông đã huy động lực lượng chặn đánh ở ải Nam Quan và bắt giữ nhóm Di Ái, song vẫn nghênh đón Sài Thung về Thăng Long. Thất bại của việc lập Di Ái làm vua bù nhìn Đại Việt đã khiến Sài Thung tức giận đến mức khi “vua sai Quang Khải đến sứ quán khoản tiếp. Xuân [cách gọi khác của Sài Thung] nằm khểnh không ra, Quang Khải vào hẳn trong phòng, hắn cũng không dậy tiếp”. Phải đến khi Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đóng giả làm một tăng sĩ Trung Hoa đi vào sứ quán, Thung mới chịu tiếp.

Khoảng tháng 9 – 11 năm 1282, nhà Nguyên một mặt cử tướng Toa Đô từ Quảng Châu tấn công Chiêm Thành, mặt khác sai Trấn Nam vương Thoát Hoan tập trung 50 vạn quân chuẩn bị “mượn đường đánh Chiêm” (mà thực chất là xâm lược Đại Việt). Vào tháng 11, Nhân Tông mở hội nghị Bình Than để thảo luận với bá quan về phương án tổ chức kháng chiến. Viết về hội nghị này, sử sách có đề cập việc phục chức Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư, một tướng có tài, trước đã được Trần Thánh Tông phong làm Thiên tử nghĩa nam, sau bị đoạt hết quan tước, tịch biên tài sản vì tội thông dâm với công chúa Thiên Thụy. Khi thuyền Nhân Tông đỗ trên bến Bình Than, nhà vua nhìn thấy một chiếc thuyền lớn chở than củi, người lái đội nón lá, mặc áo ngắn. Ông nhận ra ngay là Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư. Nhà vua sai nội thị chèo thuyền đuổi theo, dẫn Trần Khánh Dư đến yết kiến. Vua Nhân Tông xuống chiếu tha tội Khánh Dư, phục chức Phó Đô tướng quân. Đại Việt Sử ký Toàn thư chép: “Vua ban cho áo ngự, cho ngồi các hàng dưới các vương, trên các công hầu, cùng bàn việc nước, nhiều điều hợp ý vua”. Sau Hưng Đạo vương giao cho Khánh Dư trấn giữ Vân Đồn, lập công lớn đánh bại đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ.

>> Xem thêm:  Hãy chừng minh rằng bảo vệ rừng là bảo vệ cuộc sống của chúng ta

Cũng tại hội nghị này, sử cũ ghi lại việc Nhân Tông thấy Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản còn nhỏ, không cho dự việc nước. Quốc Toản phẫn kích, bóm nát quả cam trong tay, rồi lui về huy động hàng nghìn thân quyền và gia nô, sửa sang khí giới, thuyền chiến và dựng lá cờ thêm 6 chữ: “Phá cường địch, báo hoàng ân” (Phá giặc mạnh, báo ơn vua). Trong cuộc chiến chống Nguyên năm 1285, Quốc Toản chiến đấu rất hăng, luôn đi đầu trận tuyến đánh quân Nguyên.[18] Theo An Nam truyện của Nguyên sử, Quốc Toản tử trận ở sông Như Nguyệt trên đường truy kích bại binh Nguyên vào tháng 5 âm lịch năm 1285. Sử Việt kể vua Nhân Tông đích thân viết văn tế, lại truy tặng tước vương.

Tháng 10 âm lịch năm 1283, Trần Nhân Tông phong Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn làm Quốc công Tiết chế thống lĩnh chư quân, đồng thời tuyển các quân hiệu có năng lực, chia nhau chỉ huy các đơn vị quân đội. Cùng với Hưng Đạo vương, Nhân Tông đã trực tiếp chỉ đạo các hoạt động huấn luyện, diễn tập của lục quân và thủy quân. Tháng 10 năm 1284, triều đình chia quân trấn giữ các địa bàn quan trọng trong cả nước. Bên cạnh đó, Nhân Tông vẫn cử một số sứ giả mang lễ vật đi xin Thoát Hoan “hoãn binh” trong nửa cuối năm 1284.

Không những đương đầu với người Mông Cổ, Trần Nhân Tông đã xây dựng mối quan hệ tích cực với nước Chiêm Thành ở phía Nam. Tháng 12 năm 1282, ông đã gửi 2 vạn quân cùng 500 chiến thuyền sang hỗ trợ người Chiêm chặn đánh cánh quân Nguyên của Toa Đô. Nhưng trong các văn thư gửi cho người Nguyên, Trần Nhân Tông một mực phủ nhận hành động này.

3. Sự nghiệp văn chương

Trần Nhân Tông được xem là một nhà thơ, nhà văn hóa tiêu biểu của Đại Việt thời trung đại. Tác phẩm của ông bao gồm: Thiền lâm thiết chủy ngữ lục (Ngữ lục về trùng độc thiết chủy trong rừng Thiền; Tăng già toái sự (Chuyện vụn vặt của sư tăng); Thạch thất mỵ ngữ (Lời nói mê trong nhà đá), được vua Trần Anh Tông cho chép vào Đại Tạng kinh để lưu hành; Đại hương hải ấn thi tập (Tập thơ ấn chứng của biển lớn nước thơm); Trần Nhân Tông thi tập (Tập thơ Trần Nhân Tông); Trung Hưng thực lục (2quyển): chép việc bình quân Nguyên xâm lược.

Các tác phẩm trên đều đã thất lạc, chỉ còn lại 32 bài thơ, kệ chép trong Thánh đăng ngữ lục, Thiền tông bản hạnh, An Nam chí lược, Nam Ông mộng lục, Việt âm thi tập và Toàn Việt thi lục, cộng thêm 3 đoạn phiến trong Đại Việt Sử ký Toàn thư và An Nam chí lược. Theo đánh giá trong sách Thơ văn Lý Trần (tập 2, quyển thượng) do Nguyễn Huệ Chi, Trần Thị Băng Thanh, Đỗ Văn Hỷ và Trần Tú Châu biên soạn, thơ Trần Nhân Tông mang tính chất “kết hợp nhuần nhuyễn giữa cảm quan triết học và cảm quan thế sự, có tinh thần lạc quan, yêu đời, tấm lòng vị tha của một nhân cách cỡ lớn và sự rung động tinh tế, lòng yêu tự do thích thảng của một nhà nghệ sĩ.”

Bài viết liên quan