MS262 – Tư tưởng nhân đạo của Thạch Lam và Nam Cao trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” và “Đời thừa”


Đề bài: Tư tưởng nhân đạo của Thạch Lam và Nam Cao trong truyện ngắn "Hai đứa trẻ" và "Đời thừa"

Bài làm

Nhà văn Nguyễn Minh Châu từng tâm sự: “Văn học và cuộc đời là hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm chính là con người‘’, bản chất của văn chương là như thế. Văn chương xuất phát từ sâu thẫm bên trong tâm hồn của con người, từ những mơ ước, khát khao bình dị đời thường để rồi nó cất thành câu, thành chữ, thành nghệ thuật ngôn từ. Có lẽ vì vậy mà văn chương phản ánh hầu như toàn bộ thế giới khách quan mà tâm điểm cuối cùng lại là con người. Qua hai tác phẩm “Hai đứa trẻ‘’ của Thạch Lam và “Đời thừa‘’ của Nam Cao ta thấy chất chứa trong đó là cả một sự vật lộn, xâu xé đớn đau, trầy trụa giữa nội tâm và hoàn cảnh, là cái buồn da diết thiết tha để từ đó bộc lộ một tấm lòng giàu tình yêu đối với con người. Với thiên chức cao quý của một nhà văn chân chính, Thạch Lam và Nam Cao đã thể hiện tư tưởng nhân đạo sâu sắc qua hai tác phẩm đó như thế nào?

“Một nghệ sĩ chân chính phải là nhà nhân đạo từ trong cốt tủy‘’ ( Sê-khốp ), tư tưởng nhân đạo của một tác phẩm chính là sự đồng cảm, cảm thông sâu sắc của nhà văn đối với những con người khốn khổ trong tác phẩm. Tư tưởng ấy còn biểu hiện ở sự tố cáo những thế lực gây đau thương cho con người, đồng thời khám phá và ca ngợi vẻ đẹp tiềm ẩn bên trong những số kiếp bất hạnh để từ đó nói lên khát vọng chân chính, tốt đẹp của con người. Tư tưởng nhân đạo và cảm hứng yêu nước là hai sợi chỉ đỏ hiện diệu xuyên suốt nền văn học Việt Nam, đặc biệt là tư tưởng nhân đạo, ta luôn bắt gặp được dù là ở văn học dân gian hay văn học viết, văn học trung đại hay văn học hiện đại. Tư tưởng nhân đạo góp phần tạo nên dấu ấn đậm nét cho tác phẩm, nếu không có tư tưởng ấy liệu rằng bây giờ có ai còn nhớ một nàng Kiều với cuộc đời đầy bão táp, phong ba? hay một bông hoa rừng Tây Bắc (Mị) với thân phận không bằng con trâu, con ngựa? Một tác phẩm thực sự có giá trị chỉ khi nó hướng đến con người, xoáy sâu vào những khao khát, ước nguyện cao đẹp, những hi vọng dù chỉ là nhỏ nhoi. Nói đến văn học hiện thực phê phán, ta không thể nào không nhắc đến Thạch Lam và Nam Cao, với bút pháp nhân đạo sâu sắc hai nhà văn đã vô tình gặp nhau trong sự đồng cảm, thương xót với những số phận bi đát trong xã hội cũ trước cách mạng tháng Tám năm 1945 lúc bấy giờ.

song trong doi song phai co mot tam long - MS262 - Tư tưởng nhân đạo của Thạch Lam và Nam Cao trong truyện ngắn "Hai đứa trẻ" và "Đời thừa"

Đến với “Truyện Kiều‘’ của Nguyễn Du, người đọc bắt gặp bi kịch của số kiếp tài hoa bạch mệnh; ở “Chí Phèo‘’ của Nam Cao là tấn bi kịch của con người có khát khao lương thiện nhưng lại bị xã hội cự tuyệt để rồi phải tiếp tục trượt dài con đường tha hóa. Và ta gặp ở “Đời thừa‘’ của Nam Cao tấn bi kịch tinh thần của người trí thức nghèo mang cái mộng văn chương. Và “Đời thừa‘’ cũng chính là tuyên ngôn về nghệ thuật của Nam Cao trước cách mạng tháng Tám bằng việc khắc họa tấn bi kịch của nhân vật Hộ càng thể hiện rõ tư tưởng nhân đạo của một nhà văn lớn. Hộ là một con người có tấm lòng cao thượng sẵn sàng nhận lấy đứa con Từ mang trong bụng và nhận Từ – một người phụ nữ xa lạ về làm vợ. Bên cạnh đó Hộ còn có cái khao khát thật đẹp về nghiệp văn chương, văn chương là khát vọng lớn nhất trong cuộc đời của anh, anh luôn mơ ước được trở thành một nhà văn chân chính, viết nên nhữnh tác phẩm chung cho cả loài người, một tác phẩm sẽ đạt giải Nobel, một ước nguyện thật cao đẹp làm sao của một kẻ hành văn. Nhưng cuộc sống này khắc nghiệt lắm, nó cho con người ta lựa chọn con đường để đi rồi lại bắt ta tự bước đi trên con đường ấy, trước cái xã hội nghèo nàn ấy ngày ngày con người ta phải đối mặt với cơm áo gạo tiền, cái nghèo đói bủa vây thì liệu rằng có ai dám dũng cảm đi theo cái nghiệp văn chương đầy long đong đó hay không? Và Hộ cũng không ngoại lệ, hằng ngày đối mặt với khung cảnh tối tăm nơi nhà ở đến tiếng khóc âm ỉ của con thơ, kiếp người với bao toan tính bộn bề đã níu anh ra khỏi cái mộng văn chương chân chính ấy. Đúng như Xuân Diệu nói:

“Cơm áo không đùa với khách thơ “

Bao nhiêu bộn bề, toan tính về cuộc sống đã đè nặng lên đôi vai anh, chính điều đó buộc anh phải viết những bài trái với lương tâm của mình, anh phải viết thật nhanh, thật nhiều để có cái mà trang trãi cuộc sống trước mắt. Để rồi có những bài anh phải xấu hổ đến đỏ mặt khi thấy tên mình phía dưới, nghiến răng rồi tự cho mình là một thằng khốn nạn, một kẻ bất lương. Đúng như Nam Cao nói “sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là sự bất lương rồi nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện“. Còn gì đau đớn hơn khi một tác phẩm do chính mình viết ra lại nhưng nó thật vô vị và tẻ nhạt, khi đứa con tinh thần của mình không có ý nghĩa gì trên cõi đời này? Đó là tấn bi kịch của Hộ nói riêng và những kẻ hành văn nói chung, nó chẳng khác gì sự tự sát trong văn học cả. Giá như anh không mang lấy cái mộng văn chương thì chắc anh chẳng khốn đốn như thế, chẳng tự dằn xé để đau đớn cho cái kiếp khổ đau của mình và cũng sẽ chẳng day dứt mãi khôn nguôi.

>> Xem thêm:  Bình giảng bài thơ Đò Lèn của nhà thơ Nguyễn Duy – Văn mẫu lớp 12 tuyển chọn

Cái tài của Nam Cao ở đây chính là hiểu biết và miêu tả sâu sắc nội tâm nhân vật, dường như ông đã gửi hết những trăn trở, suy tư đời mình vào nhân vật Hộ. Ông đã dành cho những số kiếp long đong như Hộ những lời văn hay nhất, những sự cảm thông chân tình nhất, đó chính là tư tưởng nhân đạo của Nam Cao khi đã ngợi ca những khát vọng đẹp đẽ của Hộ. Dù Hộ có là kẻ bất lương, đê tiện nhưng tất cả cũng là vì vợ con, vì anh muốn kéo dài sự tồn tại của cái gia đình nhỏ bé này, đó chẳng phải là một rất cao cả hay sao? Nếu ta quay ngược lại vấn đề thì Nam Cao đã xây dựng hộ như một vị anh hùng của thời đại lúc đó, Hộ đã dũng cảm đón nhận Từ, giúp Từ thoát khỏi những tủi nhục khi một mình trơ trọi với đứa con không cha. Thử hỏi có ai mà được như anh hay không? có ai dám bỏ cả tuổi thanh xuân của mình để nuôi nấng một người xa lạ? Anh cao đẹp quá, đời của anh đâu phải là “đời thừa“, đời anh đã sống rất đáng vì đã hi sinh đời mình để kéo Từ lên dưới đáy vực thẫm của sự đau đớn, tủi nhục. Thế mà anh chẳng giữ được cái lẽ sống cao quý ấy của mình nữa, cơm áo gạo tiền khiến anh phải gác lại cái mộng văn chương rồi anh đổ lỗi cho vợ anh và đứa con bé bỏng kia. Thất vọng trong văn chương, buồn chán trong không khí gia đình khiến anh phải đi tìm niềm vui trong men rượu. Anh sống trong những cơn say triền miên, anh còn chẳng biết vì sao mình lại về nhà được, anh ngày nào cũng chỉ biết mình tỉnh dậy trên giường nhà, men rượu không giúp anh có được cái tình như Chí Phèo giúp hắn tìm được “thiên lương“ mà nó lại khiến anh đánh mất đi cái thiên lương vốn có. Anh trở nên vũ phu, anh đánh Từ, quát mắng rồi đuổi mấy mẹ con đi, anh làm tất cả trong cơn say. Chao ôi! cái con người đẹp đẽ của anh đâu mất rồi? Nhưng chúng ta chú ý ở đây một chi tiết nhân đạo rất đắt giá mà Nam Cao đã khéo léo đưa vào, đó chính là cái ấm nước con âm ấm của Từ sau một đêm đau đớn với con say của chồng, cái ấm nước ấy phải chăng là hình ảnh tượng trưng cho sự tận tụy, yêu thương của tình nghĩa vợ chồng, dù cho có bị đánh, bị chồng phỉ báng nhưng Từ vẫn không một lời than trách bởi lẽ Từ hiểu cái nỗi đau mà Hộ đang gánh, điều đó khiến Hộ ân hận vô cùng và phải rơi những giọt nước mắt trong đau đớn. “Hắn khóc. Hắn khóc nức nở, khóc như thể không ra tiếng khóc “… đọc đến đây dường như độc giả cảm thấy có cái gì đó cảm động mà cứ buồn nao nao trong lòng. ‘’Đau đớn thay cho những số kiếp muôn cất cánh bay cao nhưng lại bị cơm áo ghì sát đất“ ( Sống mòn – Nam Cao).

Nam Cao đã xây dựng nên tấn bi kịch của Hộ để ta thấy được thực trạng xã hội lúc bấy giờ với bao nỗi lo về kế mưu sinh đã khiến anh từ bỏ giấc mộng văn chương, chính sự tuyệt vọng đó khiến anh chà đạp lên lẽ sống tình thương của mình, anh bế tắc và không tìm được lối thoát cho đời mình. Phải chăng đó chính là hạn chế trong tư tưởng nhân đạo của Nam Cao? Ông đề cao khát vọng của người tri thức nghèo, thông cảm sâu sắc với những gì mà họ phải trải nhưng rồi ông lại chưa cho họ có được lối thoát, Chí Phèo rồi cũng chỉ biết tìm đến cái chết giữa sự đau đớn khi bị cự tuyệt quyền làm người, Điền thì cũng chỉ biết bất lực nhìn ánh trăng huyền ảo giữa tiếng con khóc inh ỏi, tiếng vợ gắt gỏng và giữa “cái sự tàn nhẫn luôn luôn bày ra đấy“ ( Giăng sáng ).Nhưng dù sao đi chăng nữa những tư tưởng và tấm lòng của Nam Cao thật đáng quý và trân trọng biết bao! tình người thắm đượm qua từng trang viết của ông, với thiên chức cao quý của một người cầm bút ông luôn thể hiện quan điểm “một tác phẩm có giá trị phải vượt lên trên tất cả bờ cõi, giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó chứa đựng một cái gì đó lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình, nó làm cho người gần người hơn“ ( Nam Cao ). Và ông đã luôn làm được điều đó, điều mà tất cả nhà văn chân chính đều tâm đắc hướng đến.

>> Xem thêm:  MS409 - Phát biểu cảm nghĩ của em về loài cây em yêu thích

Nam Cao thì lấy cụ thể một nhân vật để hiện thân cho toàn xã hội, còn Thạch Lam bằng lối viết truyện ngắn rất đặc biệt, truyện không có cốt truyện nhưng đầy chất thơ. Ông miêu tả chân thật những số kiếp lầm thang trong cái phố huyện nghèo để từ đó nổi bật lên nhân vật chính, và tư tưởng nhân đạo của ông được thể hiện rất rõ qua thiên truyện “ Hai đứa trẻ “ – một tác phẩm in dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả suốt bao thập kỉ dài. Thạch Lam đã bày tỏ tấm lòng đồng cảm, thương xót của mình dành cho những kiếp người tàn trong xã hội cũ, dẫu họ lâm vào cảnh “ sống mòn “ nhưng vẫn không thôi mơ ước, hi vọng vào một ngày mai tươi sáng. Nhà văn trân trọng, nâng niu cái khát vọng đổi đời của họ, rung động sâu sắc và nâng đỡ những cái tốt đẹp để cuộc đời này công hơn, tốt đẹp hơn thông qua nhân vật Liên. Cái phố huyện nghèo hiện lên với tiếng trống thu không cùng đám mây ánh hồng, dãy tre làng đen kịt, tiếng ếch nhái, tiếng muỗi vo ve, cái không gian yên tĩnh đáng sợ đến nỗi mà người ta nghe được cả tiếng muỗi bay. Phiên chợ tàn, khung cảnh tàn bao trùm lên những kiếp người tàn tạ. Cái phố huyện ấy chỉ là một lát cắt thôi, còn Liên là con người cụ thể trong cái lát cắt cụ thể ấy. Nét đặc sắc trong ngòi bút nhân đạo của Thạch Lam là vẫn cho họ có được cái gì để hi vọng trong sự bế tắc, quẩn quanh. Liên và An với cái cửa hàng tạp hóa nhỏ xíu, mỗi ngày bán chẳng được bao nhiêu nhưng ngày nào cũng bán đến tận tối để rồi vô tình nhìn thấy những đứa nhỏ con nhà nghèo nhặt nhạnh những gì còn sót lại sau phiên chợ tàn, nhưng trên chợ thì còn gì đây? chỉ có những thanh nứa, thanh tre nhưng chúng vẫn nhặt, phải chăng chính những đứa trẻ ấy càng khắc sâu thêm cái nghèo nơi phố huyện và cái nỗi thương cảm của Liên cũng chính là nỗi lòng của tác giả?. Trời đã nhá nhem tối, mẹ con chị Tí cũng đã về, cuộc sống của mẹ con chị cũng đầu bấp bênh, chị không có công việc ổn định, “ngày mò cua bắt ốc, tối thì dọn hàng nước ra bán” nhưng cái phố huyện nghèo này thì bán cho ai đây? Một câu hỏi đầy bất lực không người đáp. Chị “không kiếm được bao nhiêu nhưng ngày nào cũng dọn hàng ra từ chập tối cho đến đêm”, tại sao lại như vậy? chẳng bán được cho ai mà vẫn bán, rồi cả vợ chồng bác Xẩm nữa, liệu rồi giữa cuộc sống bộn bề này ai ai cũng đua nhau tất bật với cơm áo gạo tiền thì lấy ra ai để mà nghe hát thế đấy mà hai bác ấy vẫn ra ngồi hát bên manh chiếu rách để rồi ngủ quên tự bao giờ, bác Siêu thì với cái món phở xa xỉ chẳng ai mua nổi nhưng vẫn cố bán từng ngày. Đó chính là bút pháp nhân đạo của Thạch Lam, ông đưa ra những điều thật nghịch lí như thế đó để rồi làm nổi bật lên những tia hi vọng dù là nhỏ bé nhất của những số kiếp tàn ấy.

“Chừng ấy con người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi mới cho sự sống hằng ngày của họ”. Và sự xuất hiện của cụ Thi- một bà già hơi điên với cái giọng cười khanh khách, nóc cạn cốc rượu rồi lại lần vào trong bóng tối, bà là biểu hiện cho sự tàn tạ của một mảnh đời sắp tàn. Nhưng cho dù thế nào đi chăng nữa thì chỉ cần có một hột sáng của ánh đèn dầu của Liên thắp, cái quằng sáng trên chổng hàng của chị Tí hay cái chấm sáng, ram sáng trên hàng phở của bác Siêu cũng đủ để họ vươn lên nghịch cảnh sống tốt từng ngày, cái sức sống mảnh liệt tiềm tàng bên trong những kiếp người tàn ấy thật mạnh mẽ. Nhưng ánh sáng nhỏ bé chưa đủ sức để phá tan cái màn đêm đen đặc này, họ mong đợi ánh sáng rực rỡ hơn và đó chính là chuyến tàu đêm, một hình ảnh mang giá trị nhân đạo của toàn bài. Đoàn tàu đi qua như mang một thế giới khác cho phố huyện, nó vụt sáng như thể thắp lên một nguồn hi vọng dào dạt. Dẫu rằng cái chuyến tàu ấy đầy ánh sáng nó đi qua thật nhanh và rồi lại trả về cái màn đêm còn u ám, đáng sợ hơn nhưng nó mang một ý nghĩa rất lớn lao trong tiềm thức của con người nơi đây, đặc biệt là hai chị em Liên và An. Nhưng hôm nay Liên thất vọng vì chuyến tàu kém sáng hơn và thưa thớt hơn, điều đó biểu hiện cho sự nghèo nàn, tăm tối đang bao trùm ngoài kia, dù trái với mong ước nhưng Liên vẫn tự an ủi mình để thoát khỏi bóng tối thăm thẳm của màn đêm phố huyện. Chuyến tàu ấy từ Hà Nội về, Hà Nội xa xăm với bao kí ức đẹp của hai chị em Liên. Thạch Lam đã không để Liên bị vùi dập và bào mòn ý thức trong bóng tối kia vì vậy ông cho cô bé một điểm tựa, đó là Hà Nội. Nơi tượng trưng cho bao mộng tưởng, mơ ước của Liên. Dường như con mắt trong thế giới của Liên được đo bằng ánh sáng, vì nó là cái duy nhất có ý nghĩa đối với người dân nơi phố huyện, nhưng điều quan trọng không nằm ở ánh sáng mà nằm ở tâm hồn Liên, tâm hồn khao khát được thực sự sống, được thoát khỏi cái cảnh sống mòn này. Không gian tối tăm, vô vọng ấy như muốn bóp nghẹt con người bằng cái sức mạnh của sự vô nghĩa giữa tiếng kêu than của con người và sự im lặng của xã hội. Đoàn tàu đã đi qua nhưng Liên và An vẫn nhìn theo mãi đến xa xa sau rặng tre làng như thể lúc Lí Bạch tiễn Mạnh Hạo Nhiên:

>> Xem thêm:  MS240 - Phân tích đoạn đối thoại giữa Thúy Kiều và Từ Hải, từ đó nêu lên quan niệm về người đàn ông lí tưởng

‘’Cô phàm viễn ảnh bích không tận

Duy kiến trường giang thiên tế lưu“

Liên, An và cả những con người nơi phố huyện này luyến tiếc đoàn tàu như đánh mất một thứ gì đó quan trọng của đời mình. Ánh sáng của chuyến tàu chỉ thoáng qua thôi, dù để lại một cái ám ảnh còn hơn cả cái ám ảnh trước đó nữa nhưng họ vẫn chấp nhận, bởi lẽ họ xem nó như một món quà đặc biệt của cuộc sống, họ bỏ hết đau thương, bế tắc để đón nhận theo kiểu

“Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt

Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm“

Dường như các nhà văn chân chính đều phát hiện ra một tác dụng mạnh mẽ của ánh sáng khi đưa vào thiên truyện của mình, khi Chí Phèo mở mắt ra sau đêm ăn nằm với Thị Nở thì hắn đã thấy ánh nắng lên tự bao giờ, hắn chưa bao giờ tỉnh để nhìn thấy nắng bởi chưa bao giờ hắn hết say, chi tiết này như mở ra con đường mới cho Chí, cứu hắn thoát khỏi con đường tha hóa mà hắn đang bước đi. Hay việc Mị ngày nào cũng ra hơ lửa dù bị A Sử đạp ngã, lúc ấy là lúc ánh sáng phản chiếu tâm hồn Mị, phản chiếu sự ham sống đang trổi dậy mạnh mẽ trong cô gái mang sức sống tiềm tàng ấy. Còn anh Tràng vào ngày cưới thì cũng đã trích tiền để mua hai hào dầu về thắp, bởi lẽ anh nhận thức được rằng phải có ánh sáng thì tâm hồn, khao khát mới được trổi dậy. Như chúng ta đã biết bản chất của văn chương là sự sáng tạo nên kết thúc của hai truyện ngắn ấy có phần khác nhau nhưng hai nhà văn đều hướng đến những giá trị thẩm mĩ, nhân đạo sâu sắc, vừa kế thừa tư tưởng nhân đạo truyền thống vừa tạo nên nét độc đáo và mới mẻ.

Với việc sử dụng “thứ vũ khí thanh cao và đắc lực“ cùng những quan niệm, nhận thức vô cùng sâu sắc, đúng đắn về nghiệp văn chương, hai nhà văn ấy đã thể hiện xuất sắc thiên chức cao quý của một người cầm bút, một nhà văn chân chính, họ đã giúp độc giả hiểu được cái thế giới nội tâm đầy mâu thuẫn qua nhiều lăng kính khác nhau. Và nhà văn muôn đời vẫn là “người thư kí trung thành của thời đại” ( Banlzac), luôn ghi lại những khát vọng cao đẹp, tình yêu thương sâu đậm của cuộc sống và đưa con người đến với những giá trị chân-thiện-mỹ để xứng đáng là nhà nhân đạo chủ nghĩa chân chính. Thông qua tư tưởng nhân đạo đó nhà văn cũng muốn gửi một thông điệp sâu sắc đến với bạn đọc: ‘’Sống trong đời sống cần có một tấm lòng‘’.

Nguyễn Lâm Tuệ Bình

Lớp 10A3 – Trường THPT Châu Thành A, Hậu Giang

Bài viết liên quan