Nghị luận về bệnh thành tích trong giáo dục học tập thi cử


Nghị luận về bệnh thành tích trong giáo dục học tập thi cử

Bài làm

Trong xã hội ngày nay, việc giáo dục con trở thành một người tài giỏi là một trong những vấn đề hàng đầu mà bất cứ bậc phụ huynh nào cũng quan tâm tới. Thế nhưng một số người lại vướng phải một căn bệnh tiêu cực. Đó là bệnh thành tích.

Bệnh thành tích được hiểu là tư tưởng thích được khen ngợi, đánh giá cao nên sẵn sàng theo đuổi những thành tích ảo bằng bất cứ giá nào. Đây là một hiện tượng khá phổ biến trong cuộc sống đặc biệt là trong môi trường học đường. Các học sinh, thầy cô vì đạt được sự hư vinh về tinh thần lại cố gắng chạy đua với những thành tích ảo, tạo nên bởi các hành vi sai trái, gian lận, thậm chí là mua điểm. Điều đó tạo nên những lỗ hổng lớn về kiến thức, gây nên những mặt hại về giá trị bên trong. Bệnh thành tích cũng xuất hiện ở các bậc phụ huynh khi việc quá coi trọng kết quả mà tạo nên những áp lực vô cùng lớn tới các con em của mình, dần hình thành những hiệu quả ngược khó có thể lường trước được.

Đã từng có một vụ việc làm xôn xao dư luận khi mà tại trường trung học cơ sở Trần Phú huyện miền núi Sông Hinh, tỉnh Phú Yên, hai mươi sáu học sinh lớp sáu vẫn chưa đọc viết thông thạo nhưng vẫn được lên lớp. Chỉ qua đó thôi đã phần nào hé mở cho ta thấy được hiện trạng của căn bệnh thành tích đang lan rộng. Những đạo đức nghề nghiệp, cắn rứt lương tâm chẳng còn là gì khi đứng trước cảm giác đắc ý khi nhận được lời khen, sự sùng bái của mọi người bằng cái thành tích ảo của mình.

Vậy nguyên nhân từ đâu lại xuất hiện căn bệnh thành tích này? Xã hội ngày càng phát triển, trọng bằng cấp, muốn có một nghề nghiệp tốt với mức lương cao cần một tấm bằng giỏi. Học sinh không muốn học nhưng vẫn muốn có một bảng điểm chói lòa, nhà trường muốn đạt chỉ tiêu của bộ giáo dục dù không đủ thực lực. Phụ huynh đã bỏ ra một số tiền không nhỏ cho con cái học hành, ai mà không muốn được đền đáp lại bằng những thành tích, kết quả thật. Nhưng cứ có tấm bằng đi đã, để sau này có thể có một công việc ổn định đã rồi khi có cơ hội thì học lại một cách chân thực sau. Bởi vậy bệnh thành tích càng có nhiều cơ hội lan rộng rãi.

Căn bệnh thành tích này có thể đem lại những hậu quả vô cùng lớn. Trước hết nó ảnh hưởng trực tiếp tới bản thân học sinh. Với những thành tích ảo, các em sẽ dần hình thành lên tâm lí ỷ lại, không chịu cố gắng bởi suy nghĩ mình không học vẫn có một bảng điểm đẹp. Do đó việc tiếp thu kiến thức cũng trở nên khó khăn, học sinh sẽ không có năng lực bộc lộ tài năng, không có động lực để học. Điều đó tạo nên những ảnh hưởng vô cùng lớn tới quá trình giáo dục và chất lượng dạy- học. Không dừng lại ở đó, bệnh thành tích cũng khiến các thầy cô giáo đánh mất đi lương tâm nghề nghiệp, không chủ động, sáng tạo ra được các phương pháp mới để giảng dạy. Tất cả những điều đó sẽ dần tạo nên một nền giáo dục lạc hậu, trì trệ, không phát triển được.

>> Xem thêm:  Cảm nhận và suy nghĩ của em về đoạn thơ: “Thuyền ta lái gió với buồm trăng... Nuôi lớn đời ta tự buổi nào." (Đoàn thuyền đánh cá - Huy Cận)

Chính vì vậy, chúng ta cần có những biện pháp tức thời để giải quyết vấn đề này. Mỗi chúng ta cần có những nhận thức đúng đắn về bệnh thành tích và ý thức phấn đấu để dật được thành tích, hiểu rõ những tác hại mà bệnh thành tích đem lại. Đối với các học sinh, chúng ta cần cố gắng học tập, thi thật, điểm thật, nỗ lực bằng tất cả tài năng, công sức của mình. Nhà trường cần quản lí gắt gao về thành tích, điểm số để không tạo nên những khe hổng vi phạm, lên tiếng phê phán những hành vi tiêu cực trong học tập để ngành giáo dục ngày càng phát triển.

Hãy ra sức học tập và rèn luyện đạo đức, học thật, thi thật, thành tích thật để đẩy lùi căn bệnh thành tích.

Bài viết liên quan