Suy nghĩ của em về bài thơ Viếng Lăng Bác của tác giả Viễn Phương


Đề bài: Suy nghĩ của em về bài thơ “Viếng lăng Bác” tác giả Viễn Phương.

Bài làm

Khi viết về Bác, các nhà văn hay nhà thơ đều dùng những câu từ lớn lao, đanh thép cho Bác, trái lại nhà thơ Viễn Phương khi viết bài thơ “Viếng lăng Bác” lại gây ấn tượng bởi tình cảm chứa chan niềm thương xót tạo nên giọng thơ rất riêng, rất chân thực.

“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng.”

Trong khổ thơ đầu tiên, Viễn Phương đã biến một cuộc viếng tang thành một chuyến về thăm quê. Nhà thơ hóa mình trong chân dung một đứa con xa quê lâu ngày nay mới trở về thăm người Bác thân yêu. Giọng điệu ấy được tạo ra nhờ cách tác giả gọi Bác xưng con và thể hiện trong từ “thăm”.

Hai hình ảnh hàng tre xuất hiện trong 3 câu thơ sau là hình ảnh đa nghĩa. Hàng tre thứ nhất là hàng tre thực tại. Ở các vùng nông thôn, tre quen thuộc và mọc thành bụi lớn, cao, gió lay ngọn như đu với bầu trời thiên nhiên. Do vậy nó được miêu tả là bát ngát.

Hình ảnh hàng tre thứ hai mang nghĩa biểu tượng cho con người Việt Nam do tác giả miêu tả “xanh xanh Việt Nam” mang hơi hướng về sức sống con người và cụm “bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng” ẩn dụ cho phẩm chất kiên cường bất khuất và trung hậu ngay thẳng của con người Việt Nam trong suốt cac thời kì lịch sử dựng nước và giữ nước.

>> Xem thêm:  Phân tích hình tượng nhân vật Hoạn Thư trong đoạn Thúy Kiều báo ân báo oán

Khổ thơ thứ hai xuất hiện thêm một hình ảnh đa nghĩa khác là “mặt trời”:

“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân…”

Mặt trời đầu tiên là mặt trời thiên nhiên bất tử ở phía trên lăng. Mặt trời thứ hai là mặt trời đi liền với tính từ rất đỏ vì vậy có tính biểu tượng cho Bác Hồ. Tác giả muốn nhấn mạnh rằng Bác Hồ cũng như ánh sáng vĩ đại không chỉ là bất tử mà còn là nguồn sống, nguồn sáng chỉ đường dẫn lối cho các thế hệ con người Việt Nam.

suy nghi cua em ve bai tho vieng lang bac cua tac gia vien phuong - Suy nghĩ của em về bài thơ Viếng Lăng Bác của tác giả Viễn Phương

Suy nghĩ của em về bài thơ Viếng Lăng Bác

Từ “ngày ngày” điệp lại hai lần ở đầu các câu thơ số 1 và số 3 tạo ra tính chất sóng đôi của hai mặt trời. Tác giả Viễn Phương muốn nhấn mạnh rằng đoàn người dâng hoa tưởng niệm Bác cùng niềm thương nỗi nhớ và sự biết ơn sẽ mãi mãi không dứt cũng như quy luật xuất hiện mỗi ngày trên đỉnh lăng của mặt trời bất tử. Đoạn thơ đã biến chân dung Bác Hồ thành một vì tinh tú bất tử.

Khi đoàn người tiến sâu vào trong lăng cũng là lúc Viễn Phương được nhìn thấy chân dung thực của Bác. Viễn Phương đã có những câu thơ thật đẹp:

>> Xem thêm:  Phân tích nhân vật ông Sáu trong truyện Chiếc lược ngà

“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền

Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim.”

Ở đây, Viễn Phương miêu tả Bác với trạng thái là “giấc ngủ bình yên”, để muốn nói giảm nói tránh và cũng thể hiện được nét hiền hòa và tâm hồn an tịnh của Bác Hồ. Bác Hồ không chết, Bác chỉ đang ngủ, Bác chìm sâu trong giấc ngủ dài và đẹp tới mức không tỉnh dậy nữa. Mặt khác, tác giả còn đặt Bác bên hình ảnh “vầng trăng sáng dịu hiền”. Vầng trăng này có thể là ẩn dụ về Bác cũng có thể là vầng trăng tri kỉ mà thơ Bác vẫn thường xuất hiện. Hình ảnh “trời xanh là mãi mãi” cũng có ý biểu tượng cho sự bất tử của Bác.

Tuy nhiên, sự thật Bác đã mất vẫn khiến tác giả phải “nhói đau” bàng hoàng xót xa và cái nhói này đã biến thành ngàn lệ trào khi tác giả rời lăng:

“Mai về miền Nam thương trào nước mắt

Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác

Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây

Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này…”

Hình ảnh “thuong trào nước mắt” khiến người ta không khỏi cảm động, nỗi đau trào lên theo mỗi nhịp độ và dường như chẳng còn một hình tượng nghệ thuật nào có thể diễn tả ngoài thể hiện nó một cách chân thực.

>> Xem thêm:  Phân tích nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng của Kim Lân

Cuối cùng, Viễn Phương đã nói lên khát vọng cháy bỏng của mình bằng cách sử dụng điệp ngữ “muốn” ở đầu mỗi dòng thơ. Tác giả khao khát vô cùng được làm con chim, bông hoa hay cây tre để gắn bó và trung thành với Bác. Khát vọng đó cho thấy tấm lòng yêu thương vô hạn của tác giả.

Tóm lại, Viễn Phương đã viết “Viếng lăng Bác” để kể lại một cuộc thăm viếng nhiều cảm xúc bằng giọng thơ thiết tha và hình ảnh giàu sức biểu tượng. Bài thơ đã thay hàng triệu người Việt nói lời tri ân với Bác. Qua đó, tấm lòng yêu thương Bác và tâm hồn giàu tình thương mến của Viễn Phương cũng được làm rõ. Mãi mãi bạn đọc sẽ nhắc đến Viễn Phương như một nhà thơ hiện đại xuất sắc của văn học Việt Nam.

Hoài Lê

Bài viết liên quan