Nghị luận xã hội về bệnh vô cảm hiện nay


Đề bài: Nghị luận xã hội về bệnh vô cảm hiện nay

Bài làm

Đang đứng chờ xe bus, tôi chợt thấy một em bé đeo trước ngực giỏ hàng đi rao bán. Em mời từng người một nhưng nhận lại chỉ là sự lắc đầu lạnh lùng, thản nhiên. Trời rét căm căm, tôi nhìn em trong làn mưa buốt giá. Mưa không quá lớn nhưng cũng đủ để làm em thâm tím da thịt vì trên người chỉ có chiếc áo cộc phong phanh. Tôi tự hỏi lòng mình: giữa cái lạnh của mùa đông và cái lạnh của lòng người, cái nào khiến con người ta cảm thấy tê buốt hơn? Tôi bước vội qua đường, mặc cho tuyến xe bus tôi đợi nãy giờ đã đến và vụt qua. Tôi cởi  chiếc khăn len đang quàng để quàng vào cổ em. Mặt em tái nhợt, môi thâm lại vì lạnh. Chiếc áo khoác tôi mua cho thằng Bờm, tôi nhường lại cho em. Giữa bao nhiêu con người, tại sao lại nhẫn tâm nhìn một em nhỏ co ro trong cái lạnh giá như vậy? Em cảm ơn tôi rồi đi bán tiếp. Bóng em xa dần, lẫn trong dòng người đang xôn xao ở bến xe. Tôi đứng đó, nhìn theo và nghĩ suy về sự vô cảm đang ngày càng xâm chiếm xã hội này.

Vô cảm là thái độ hờ hững, thản nhiên trước những cảnh đau buồn, khổ cực. Là cái lắc đầu khi em nhỏ kia đưa bàn tay nhỏ bé mời từng người mua gói tăm, phong kẹo. Là sự vụt đi không chút để tâm tới cụ già ăn xin ngồi bên góc đường hiu quạnh. Là những phút con ăn chơi mà chẳng để tâm xem cha mẹ đang làm gì. Là khi con tiêu tiền hoang phí mà không hề biết rằng mình đang trà đạp lên mồ hôi nước mắt của mẹ cha. Là khi con rong chơi, con chẳng chịu học bài dù thầy cô đã tận tâm tận lực thức suốt đêm thâu để soạn bài chu đáo…

>> Xem thêm:  Cảm nhận của anh (chị) về hai câu thơ sau trong bài “Thương vợ” của Tú xương: “Lặn lội thân cò khi quãng vắng, Eo sèo mặt nước buổi đò đông"

Có thể các bạn biết vô tâm là gì, nhưng lại không biết rằng chính mình đang sống trong sự vô tâm. Có bao nhiêu bạn chứng kiến cảnh mẹ mình dậy từ hai, ba giờ sáng để nhổ rau đem đi chợ bán cho kịp các khách mua buôn? Trời rét lắm, sương lạnh lắm, bàn tay mẹ tê cứng lại nhưng vì giấc ngủ của con, mẹ vẫn âm thầm chịu đựng. Có bao giờ bạn nhìn thấy mẹ mình kì kèo từng nghìn một khi bán từng mớ rau? Trong khi đó, bạn sẵn sàng bỏ ra mấy chục nghìn ném vào quán điện tử chơi game. Có bao nhiêu bạn biết rằng bố mẹ có mấy bộ quần áo để ăn diện? Còn bạn, bạn thay đổi hết mốt này đến mốt kia… Bố mẹ luôn hi sinh, luôn chịu đựng mọi khó khăn vất vả chỉ mong con có được nụ cười vui. Còn con chỉ vì mải cười quá mà quên đi mất những giọt mồ hôi lẫn trong nước mắt của mẹ. Cha mẹ vẫn ân cần, vẫn dành hết tình yêu thương bao la cho con. Ra ngoài xã hội, bạn hào phóng với bạn bè và cho rằng làm vậy được bạn nể, bạn quý. Nhưng khi gặp khó khăn, hay khi lầm đường lạc lối, có bàn tay nào khác ngoài bàn tay bố mẹ luôn sẵn sàng chờ đón con quay trở về? Bạn bè giận nhau, có thể chẳng bao giờ nhìn mặt nhau nữa. Nhưng mẹ giận con, mẹ vẫn âm thầm phần con những món ăn ngon nhất… Vậy mà có bao nhiêu bạn thấu hiểu tấm lòng của mẹ? Cho tới khi nhận ra thì mẹ đã già… Sự vô tâm đã làm khô héo tâm hồn bạn. Vô tâm vì bạn mải chơi, bạn thích thể hiện với bạn bè, bỏ mặc cha mẹ với tháng ngày lam lũ vất vả.

>> Xem thêm:  Anh (chị) hãy bình giảng bài thơ "Đây mùa thu tới" của Xuân Diệu

Sự vô tâm như một lưỡi dao vô hình giết chết hàng triệu con tim. Và điều đáng buồn hơn là con dao ấy do chính mỗi người tạo dựng nên. Các em nhỏ đang lang thang ngoài kia, nếu được mọi người giúp đỡ, mỗi người một chút một ít cả về vật chất lẫn tinh thần, các em sẽ có cơ hội được tới trường, được ăn một bữa cơm ngon, được mặc một bộ quần áo sạch sẽ, tinh tươm. Nhưng các em vẫn lang thang, vẫn vật vờ trước sự ơ thờ của dòng người lướt qua. Những cụ già neo đơn, những người nghèo khổ túng quẫn nếu được các gia đình giàu có mở rộng tấm lòng rủ thương, chia sẻ cho miếng cơm manh áo, họ sẽ bớt khổ hơn.

Nhưng sự vô tâm ngày càng trở thành vấn nạn nghiêm trọng trong xã hội. Cha mẹ bỏ bê con cái, con cái thờ ơ trước sự vất vả của bố mẹ. Người giàu ích kỷ, tham lam không biết san sẻ cho người cơ nhỡ, khó khăn… Rất nhiều tình cảnh éo le, trớ trêu vì lòng người vô tâm.

Tôi từng đọc báo vụ hôi bia thật xấu hổ và tủi nhục của người dân khi thấy một người tài xế bị lật xe bia. Mọi người tranh nhau ra cướp giật thật nhanh những thùng bia còn xót lại. Người tài xế đáng thương vừa đau đớn vừa bất lực trước thảm cảnh bi hài trước mắt. Anh ấy chỉ là người lái xe thuê, anh biết kiếm đâu ra số tiền lớn để đền lại số bia đã bị mất? Có ai đặt mình vào vị trí của anh ấy không?

>> Xem thêm:  Phân tích những nét chung và đặc điểm riêng của cảm hứng về quê hương đất nước trong các bài thơ Bên kia sông Đuống (Hoàng Cầm), Việt Bắc (Tố Hữu) và Đất nước (Nguyễn Đình Thi)

Câu chuyện về cái xác của bà cụ bên góc phố một lần nữa đánh thức sự vô tâm, vô cảm của mọi người. Bao nhiêu ngày cụ ngồi đó ăn xin, nhưng dòng người cứ đi qua lặng lẽ như không hề có sự tồn tại của cụ. Cụ yếu dần rồi trút hơi thở cuối cùng lúc nào cũng không ai hay.

Còn biết bao nhiêu em nhỏ vừa mới sinh ra chưa kịp uống ngụm sữa đầu đời đã bị chính mẹ đẻ của mình vứt bỏ. Lòng vô cảm đã làm nên tội ác tày trời.

Vậy làm sao để cải thiện được tình trạng này? Mỗi người chúng ta hãy tự kiểm điểm lại bản thân mình. Sống yêu thương nhiều hơn. Trước hết là quan tâm tới những người thân xung quanh mình. Đi học về, các bạn chịu khó nhìn xem bố mẹ đang làm gì, nếu có thể làm được hãy cùng làm với bố mẹ. Hãy cố gắng học hành, chăm ngoan để thầy cô và gia đình đều vui lòng, để không phụ công mẹ bao ngày mưa nắng dãi dầu bươn trải. Ra đường, nhìn thấy những em nhỏ hay cụ già ăn xin, nếu có tiền hãy dành cho họ dù chỉ là chút ít. Đừng thờ ơ với những mảnh đời bất hạnh. Cho đi là nhận lại. Làm việc thiện ắt sẽ gặp điều lành. Hãy sống mở rộng lòng mình, yêu thương, bao dung và luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác khi có cơ hội.

Đừng để sự vô cảm giết chết bất kỳ một ai, đừng để nó trở thành căn bệnh nan y khó chữa.

Bài viết liên quan