Phân tích bài thơ Ánh Trăng của tác giả Nguyễn Duy


Đề bài: Phân tích bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy.

Bài làm

Trăng khơi nguồn cho suối ngầm bao tâm hồn để cất lên cảm hứng thi ca muôn đời. Ánh trăng vẫn là tri âm, tri kỉ cũng là tấm gương phản ánh, soi tỏ tâm hồn thi nhân nhìn nhận rõ sự đời. Tôi đã bắt gặp ánh trăng ấy trong bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy.

Nguyễn Duy sinh năm 1948, là người con đất Thanh Hóa giàu truyền thống cách mạng. Ông vừa là một chiến sĩ cách mạng hoạt động tích cực trong kháng chiến chống Mỹ, vừa là nhà thơ hiện đại tiêu biểu trong lịch sử văn học Việt Nam. Tài năng của Nguyễn Duy được đánh giá cao nhất trong bài thơ “Ánh trăng” phản ánh thực tế lối sống có phần tiêu cực của con người thời đại mới.

Toàn bộ bài thơ “Ánh trăng” chịu sự chi phối của những chiêm nghiệm triết lí trong một tâm hồn có chút trầm tĩnh, có chút ngang tàng. Nguyễn Duy bắt đầu bài thơ thông qua một đôi mắt xưa cũ:

“Hồi nhỏ sống với đồng

với sông rồi với biển

hồi chiến tranh ở rừng

vầng trăng thành tri kỷ

 

Trần trụi với thiên nhiên

hồn nhiên như cây cỏ

ngỡ không bao giờ quên

cái vầng trăng tình nghĩa”

Quá khứ đứa cháu đầy hoang dại và ám ảnh. Đó là một tuổi thơ tươi trong với những điều thân thuộc không chỉ riêng nhà thơ mà thân thuộc với mỗi con người Việt Nam như đồng ruộng, sông nước, biển lớn, vầng trăng, cỏ cây… Điệp từ “với” liên kết các hình ảnh tạo nên một chuỗi kí ức dài dằng dặc. Hình ảnh được nêu đều có độ bao trùm cả đất, trời, biển; cả đêm lẫn ngày lại mở ra không gian rộng lớn vô cùng vô tận và thời gian không có điểm kết. Ở phông nền ấy, hình ảnh vầng trăng – tri kỉ xuất hiện ở cuối mỗi khổ thơ đồng thời được ưu tiên sử dụng cả một khổ thơ để miêu tả về nó như một cách khẳng định vai trò của nó với nhà thơ. Trăng giống như người bạn thuở thiếu thời của nhà thơ, thậm chí người bạn ấy còn đẹp “trần trụi”, “hồn nhiên”, rất mực trữ tình, rất mực trong trẻo, hoang dại. Vầng trăng “tình nghĩa” suốt những năm tháng kí ức đã quen thuộc, gắn bó mật thiết đến mức thi nhân còn tưởng mình “không bao giờ quên”.

>> Xem thêm:  Viết một đoạn văn kể về những việc làm hoặc những lời dạy bảo giản dị mà sâu sắc của người bà kính yêu đã làm cho em cảm động (trong bài văn có sử...

phan tich bai tho anh trang cua tac gia nguyen duy - Phân tích bài thơ Ánh Trăng của tác giả Nguyễn Duy

Phân tích bài thơ Ánh Trăng

Trở về hiện tại, nhà thơ có còn nhớ vầng trăng?

“Từ hồi về thành phố

quen ánh điện cửa gương

vầng trăng đi qua ngõ

như người dưng qua đường”

Vầng trăng xưa nay đã thành “người dưng qua đường”. Ta bắt gặp một điệu hồn đương lúc day dứt quá. Trăng tình nghĩa thế kia, đẹp thế kia mà nhà thơ nỡ quên đi chỉ vì “quen ánh điện cửa gương” của thành phố sầm uất. Thực trạng con người chạy theo xã hội mới xa hoa rồi bỏ quên lại truyền thống, cội nguồn là có thực. Vừa tự vấn, Nguyễn Duy đồng thời đáng trách cứ con người xã hội hiện đại bạc bẽo, “có mới nới cũ”.

Bài thơ giống như bài văn tự sự ngắn. Đoạn thơ tiếp giống như cao trào và cũng là nút thắt – mở của tác phẩm:

“Thình lình đèn điện tắt

phòng buyn-đinh tối om

vội bật tung cửa sổ

đột ngột vầng trăng tròn”

Theo cảm xúc nhân vật mà giọng thơ cũng thay đổi. Không còn sâu lắng, trầm ngâm nữa mà nhịp điệu trở nên nhanh, đột ngột hơn thông qua các từ “thình lình”, “bật tung”, “đột ngột”. Chỉ bốn câu thơ 5 chữ ngắn gọn nhưng có tới ba tính từ tình thái thể hiện cảm xúc bất ngờ tới choáng váng của tác giả. Khoảnh khắc điện ngắt, thứ ánh sáng nhân tạo của cuộc sống hiện đại trở nên vô dụng, con người mới chịu tìm kiếm ánh sáng từ thiên nhiên, vũ trụ. Ngay lúc đó, vầng trăng xuất hiện như cứu tinh.

>> Xem thêm:  Suy nghĩ của em về nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của nhà văn Nguyễn Thành Long

Đối mặt với vị cứu tinh đó, con người không còn gì ngoài cảm giác xấu hổ:

"Ngửa mặt lên nhìn mặt

có cái gì rưng rưng

như là đồng là bể

như là sông là rừng

 

Trăng cứ tròn vành vạnh

kể chi người vô tình

ánh trăng im phăng phắc

đủ cho ta giật mình”

Hai từ “mặt” đứng trong cùng một câu thơ tạo nên cảm giác đối trọng, tiếp xúc trực tiếp với nhau giữa trăng và thi nhân. Cảm xúc xấu hổ biểu hiện trong hai chữ “rưng rưng”. Những đồng ruộng, bể trời, rừng rú… tuổi thơ trở lại trong tâm trí con người. Con người quên đi ánh trăng là một lần bạc bẽo, nhưng vì phát hiện ra lợi ích của nó nên mới tìm kiếm trở lại là lần bạc bẽo thứ hai. Do đó, tác giả thêm một lần day dứt vì trăng vẫn thủy chung, son sắt – “cứ tròn vành vạnh” nhưng người thì lại quá “vô tình”. Trăng vốn dĩ không biết noi và không thể phát ra bất kì âm thanh gì, nhưng trước ánh trăng “im phăng phắc”, tác giả lại “giật mình”. Người ta vì âm thanh đột ngột mà giật mình. Còn thi nhân, vì thấy bản thân bạc bẽo mà giật mình. Thê nên, chữ “đủ” cuối bài thơ càng in sâu hơn vào tâm trí người đọc. Bấy nhiêu đó thôi cũng chứng tỏ được con người hiện đại vì chạy theo ánh sáng xa hoa mà quên đi tình xưa nghĩa cũ, quên đi nguồn cội, quê hương. Đó cũng chính là thông điệp cảnh tỉnh rất nhân văn, nhân đạo của Nguyễn Duy.

>> Xem thêm:  Hãy nêu những suy nghĩ, cảm xúc của em về thầy cô, bè bạn, mái trường, tình thầy trò, ... (kỉ niệm về thăm trường xưa)

Với bài thơ ngũ ngôn song không viết hoa đầu mỗi dòng thơ nên người đọc cảm giác thấy chất thú vị của một bài thơ gần như tự do trong ngôn từ, giọng điệu, nhịp điệu và cảm xúc. “Ánh trăng” của Nguyễn Duy đã chứng tỏ thiên chức phản ánh hiện thực, cảnh tỉnh lối sống, thanh lọc tâm hồn đồng thời cũng đậm bản chất trữ tình của thơ ca nói chung.

Hoài Lê

Bài viết liên quan