Phân tích bài thơ Tràng giang của Huy Cận (dàn ý và bài làm chi tiết)


Phân tích bài thơ Tràng giang của Huy Cận (dàn ý và bài làm chi tiết)

Dàn ý chi tiết

I, Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm, phạm vi phân tích

1, Tác giả:

-Là một trong những trụ cột của phong trào thơ mới

– Trước Cách Mạng, ông thường viết về thiên nhiên, vũ trụ với nỗi buồn của con người gắn bó với quê hương, đất nước.

– Sau Cách Mạng, hồn thơ lạc quan, được khơi nguồn từ cuộc sống chiến đấu và xây dựng đất nước của nhân dân lao động.

2, Tác phẩm:

-Trích trong tập thơ đầu tay “Lửa thiêng” (1939)

3, Nội dung phân tích: bài thơ là nỗi lòng của một cá thể cô đơn trước vũ trụ vô tận, trước dòng đời mênh mang

II, Thân bài:

1, Khái quát:

a, Hoàn cảnh sáng tác: Trích trong tập thơ đầu tay “Lửa thiêng” (1939)

-Cảm hứng sáng tác: Cảm hứng từ một buổi chiều mùa thu, khi tác giả một mình đứng ở bờ Nam bến Chèm, nhìn cảnh sông Hồng mênh mang sóng nước

b, Nhan đề:

+ Phép điệp âm “ang” à gợi hình ảnh con sông lớn, rộng mênh mông

+ Là một từ Hán Việt cổ nên gợi hình ảnh con sông cổ kính, lâu đời.

c, Lời đề từ:

+ Thâu tóm nội dung của cả bài thơ

+ Các hình ảnh “trời rộng”, “sông dài” gợi những phạm vi, không gian khác nhau

+ Cảm xúc của nhà thơ: nỗi buồn nhớ nhẹ nhàng, man mác

=>Vừa có tác dụng định hướng, vừa tạo tính cổ điển, hiện đại

2, Phân tích:

a, Khổ 1: “Tràng giang” mở ra bằng hình ảnh dòng sông mang nỗi sầu nhân thế (Trích 4 câu thơ)

-Câu 1:

+ Gợi sự vận động hết sức nhỏ bé, nhẹ nhàng của sóng

+ Từ láy “điệp điệp” khiến nỗi buồn trở nên cụ thể, chồng chất lên nhau

+Trên dòng tràng giang mênh mông, nổi bật hình ảnh một con thuyền lẻ loi, trôi vô định

+ Cụm từ “thuyền về nước lại” đọc lên nghe như có gì đó chia lìa đôi ngả.

+ Cụm từ “sầu trăm ngả”: nỗi sầu vô hướng, tỏa rộng khắp không gian

-Câu 4:

+ Hình ảnh “củi một cành khô” gợi cái cô đơn, nhỏ bé, phù du

+Số từ “một” gợi sự ít ỏi, “cành khô” gợi sự khô héo, “lạc” mang nỗi sầu vô định, vô hướng

=>Những cảm nhận tinh tế trước thiên nhiên sông nước, qua đó bộc lộ nỗi niềm, tâm trạng của nhà thơ

b, Khổ 2: Huy Cận như vẽ thêm cảnh qua một cái nhìn bao quát hơn (trích 4 câu thơ)

-Câu 1,2:

+ Từ láy “lơ thơ” với biện pháp đảo ngữ: nhấn mạnh cái trống trải, thưa thớt của cảnh vật trên cồn cát

+ Từ láy “đìu hiu”: tác giả học được từ câu thơ trong bài “Chinh phụ ngâm” (Đoàn Thị Điểm) -> làm sống lại không khí trống trải, thê lương của thơ xưa

+ Từ “đâu” có thể hiểu là đâu có hoặc đâu đó. Nhưng hiểu theo cách nào thì âm thanh nhỏ nhoi-biểu tượng cho dấu vết con người cũng quá mỏng manh, mờ nhạt

-Câu 3,4

+ Huy Cận đã thể hiện được sự vận động, mở rộng về mọi hướng của không gian

+ Cụm từ “sâu chót vót” khiến không gian được mở rộng theo 3 chiều: dài, rộng, cao

=>Đó là cảm giác nhớ nhà, bơ vơ, lạc lõng giữa thiên nhiên, giữa trời rộng, sông dài

>> Xem thêm:  Phân tích nhân vật Thị Nở trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao

c, Khổ 3: Nỗi buồn của cảnh vật gắn với nỗi sầu nhân thế (trích thơ)

-Câu 1,2

+ Hình ảnh “bèo dạt về đâu hàng nối hàng”: gợi sự bấp bênh, trôi nổi của những kiếp người vô định

+ Hình ảnh “bờ xanh tiếp bãi vàng”: thiên nhiên nối tiếp thiên nhiên, không có bóng dáng của con người

-Câu 3,4

+ Cấu trúc phủ định “không….. không” phủ nhận hoàn toàn những kết nối của con người

=>Trước mắt nhà thơ giờ đây không có chút gì gợi niềm thân mật để kéo mình ra khỏi nỗi cô đơn bao trùm

d, Khổ 4: Nỗi cô đơn được mở lên chiều cao với những hình ảnh đối lập (trích thơ)

-Câu 1,2

+ Bút pháp chấm phá: mở ra hình ảnh những núi mây trắng được ánh nắng chiếu vào như dát bạc

+ Câu thơ thứ 2 có thể hiểu theo 2 nghĩa: chim nghiêng cánh nhỏ kéo bóng chiều sa xuống tràng giang hay chính bóng chiều đè nặng lên cánh chim làm cánh chim nghiêng lệch

-Câu 3,4:

+ Từ láy “dợn dợn”:  thể hiện nỗi niềm cô đơn, bang khuâng

+ 2 chữ “nhớ nhà”: gợi hình ảnh một người lữ thứ xa nhà lẻ loi, dừng bước bên bờ tràng giang

+ Huy Cận không cần nhìn khói hoàng hôn cũng nhớ nhà bởi nỗi nhớ ấy không phụ thuộc vào ngoại cảnh mà xuất phát từ tâm can

=>Nét tâm trạng chung của các nhà thơ mới lúc bấy giờ

3, Đánh giá:

a, Nghệ thuật:

– Sử dụng những chất liệu, thi liệu gần gũi với đời sống

– Bút pháp chấm phá, lấy cảnh để nói tâm trạng được sử dụng linh hoạt

– Tiếp thu và làm mới thơ cổ điển

b, Nội dung:

-Nỗi buồn, nỗi cô đơn của tác giả khi đứng trước quê hương nhưng quê hương đã không còn

– Mong muốn tìm kiếm hơi ấm của con người nhưng cái nhận lại chỉ là thất vọng cùng cô đơn

– Bộc lộ kín đáo lòng yêu nước sâu đậm

III, Kết bài:

– Tổng kết lại vấn đề

– Nêu cảm nhận của bản thân

phan tich bai tho trang giang - Phân tích bài thơ Tràng giang của Huy Cận (dàn ý và bài làm chi tiết)

Phân tích bài thơ Tràng giang

Bài làm tham khảo

Huy Cận là một trong những trụ cột của phong trào thơ mới. Nhắc đến ông là nhắc đến một hồn thơ “ảo não” bậc nhất của thơ mới. Trước Cách Mạng, ông thường viết về thiên nhiên, vũ trụ với nỗi buồn của con người gắn bó với quê hương, đất nước. Bài thơ “Tràng giang” trích trong tập thơ đầu tay “Lửa thiêng” (1939) là một trong những tác phẩm như thế. Bài thơ là nỗi lòng của một cá thể cô đơn trước vũ trụ vô tận, trước dòng đời mênh mang.

Bài thơ “Tràng giang”  trích trong tập thơ đầu tay “Lửa thiêng” (1939), được lấy cảm hứng từ một buổi chiều mùa thu, khi tác giả một mình đứng ở bờ Nam bến Chèm, nhìn cảnh sông Hồng mênh mang sóng nước. Nhan đề “Tràng giang” sử dụng phép điệp âm “ang”  gợi hình ảnh con sông lớn, rộng mênh mông. Bên cạnh đó, “tràng giang” còn là một từ Hán Việt cổ nên còn gợi hình ảnh con sông cổ kính, lâu đời. Không chỉ có nhan đề đặc biêt, bài thơ còn gây ấn tượng bởi lời đề từ đặc biệt. Lời đề từ tuy ngắn gọn nhưng thâu tóm nội dung của cả bài thơ. Các hình ảnh “trời rộng”, “sông dài” gợi những phạm vi, không gian khác nhau nhưng đều lớn lao, mênh mông, có tầm vũ trụ.  Từ đây, nhà thơ muốn gửi gắm một nỗi buồn nhớ nhẹ nhàng, man mác.

>> Xem thêm:  Phân tích bài thơ Tôi yêu em của Puskin để thấy được những cảm xúc phức tạp của tình yêu đơn phương

Trước hết, khổ thơ đầu mở ra bằng hình ảnh dòng sông mang nỗi sầu nhân thế:

“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điêp

Con thuyền xuối mái nước song song

Thuyền về nước lại sầu trăm ngả

Củi một cành khô lạc mấy dòng.”

Hình ảnh “sóng gợn tràng giang” gợi sự vận động hết sức nhỏ bé, nhẹ nhàng của sóng. Đó là cái gợn rất khẽ, rất nhẹ của một dòng sông lớn như từ vạn kỉ đổ về. Cặp từ láy “điệp điệp” khiến nỗi buồn trở nên cụ thể, chồng chất lên nhau, nối tiếp nhau không dứt. Trên dòng nước tràng giang, nổi bật hình ảnh con thuyền lẻ loi đang xuôi mái như không hề có bóng người:

“Thuyền về nước lại sầu trăm ngả

Củi một cành khô lạc mấy dòng.”

Cụm từ “thuyền về nước lại” đọc lên nghe như có gì đó chia lìa đôi ngả. Đặc biệt, ba chữ “sầu trăm ngả” đặt ở cuối câu khiến nỗi sầu trở nên thấm thía, lan tỏa khắp không gian. Chính bởi mang trong lòng nỗi sầu thương lớn mà nhà thơ sẵn sàng đồng cảm với một cành củi khô. Hình ảnh “củi một cành khô” gợi cái cô đơn, nhỏ bé, phù du. Số từ “một” gợi sự ít ỏi, “cành khô” gợi sự khô héo, “lạc” mang nỗi sầu vô định, vô hướng. Hình ảnh này đã phản chiếu trọn vẹn cảm nhận của nhà thơ về sự nhỏ nhoi, nổi trôi đến tê tái của kiếp người giữa dòng đời vô tận. Khổ thơ là những cảm nhận tinh tế trước thiên nhiên sông nước, qua đó bộc lộ nỗi niềm, tâm trạng cô đơn của nhà thơ. Nếu khổ thơ đầu, tác giả chú ý đến cảnh mặt nước với bao chia lìa, thì ở khổ thơ thứ hai, Huy Cận như vẽ thêm cảnh qua một cái nhìn bao quát hơn:

“Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu

Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều

Nắng xuống trời lên sâu chót vót

Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.”

Từ láy “lơ thơ” được đảo lên trước nhấn mạnh cái trống trải, thưa thớt của cảnh vật trên cồn cát. Từ láy “đìu hiu” theo chia sẻ của huy Cận rằng tác giả đã học được từ câu thơ trong bài “Chinh phụ ngâm” (Đoàn Thị Điểm). Điều đó đã làm sống lại không khí trống trải, thê lương của thơ xưa. Từ “đâu” có thể hiểu là đâu có hoặc đâu đó. Nhưng hiểu theo cách nào thì âm thanh nhỏ nhoi-biểu tượng cho dấu vết con người cũng quá mỏng manh, mờ nhạt. Cái nhìn của Huy Cận còn bao quát cả phạm vi không gian, từ cao đến thấp, từ gần đến xa:

“Nắng xuống trời lên sâu chót vót

Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.”

Cụm từ “sâu chót vót” khiến không gian được mở rộng theo ba chiều: dài, rộng, cao. Không gian mở ra đến đâu thì nỗi buồn, sự cô liêu được mở theo đến đấy. Đó là cảm giác bơ vơ, lạc lõng của tác giả trước thiên nhiên, trời rộng, sông dài. Càng khao khát, mong mỏi tìm kiếm hơi ấm cho tâm hồn giá lạnh thì thiên nhiên lại đáp trả nhà thơ bằng những hình ảnh quạnh quẽ, đìu hiu. Dường như khi nhìn cảnh vật, ta thấy được một nỗi sầu nhân thế:

>> Xem thêm:  Phân tích nhân vật Chí Phèo để làm nổi bật bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao

“Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng

Mênh mông không một chuyến đò ngang

Không cầu gợi chút niềm thân mật

Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng”.

Hình ảnh cánh bèo trôi bồng bềnh trên sông thường được dùng trong thơ cổ điển, gợi sự bấp bênh, trôi nổi của kiếp người vô định. Nhưng trong thơ Huy Cận không chỉ có một cánh bèo mà là “hàng nối hàng”, càng ợi lên cảm giác cô đơn. Hình ảnh “bờ xanh tiếp bãi vàng” cũng là minh chứng cho sự ngự trị của thiên nhiên, không hề có bóng dáng của con người. Cấu trúc phủ định “không… không” như phủ nhận hoàn toàn kết nối của con người. Trước mắt nhà thơ giờ đây không có chút gì gợi niềm thân mật để kéo mình ra khỏi nỗi cô đơn bao trùm.  Cuối cùng, khép lại những “nỗi buồn mang mang thiên cổ sầu” là sự cô đơn đến tha thiết qua những hình ảnh đối lập:

“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc

Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa

Lòng quê dợn dợn vời con nước

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”.

Bút pháp chấm phá với hình ảnh “lớp lớp mây cao đùn núi bạc” mở ra những núi mây trắng được ánh nắng chiếu vào như dát bạc. Câu thơ “Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa” có thể hiểu theo hai cách. Chim nghiêng cánh nhỏ kéo bóng chiều sa xuống tràng giang hay chính bóng chiều đè nặng lên cánh chim làm cánh chim nghiêng lệch. Từ láy “dợn dợn” tương ứng với cụm từ “vời con nước” mang theo nỗi niềm cô đơn, bâng khuâng. Hai chữ “nhớ nhà” cuối bài đã khắc họa chân dung của một người lữ thứ xa nhà lẻ loi, dừng bước bên bờ tràng giang. Huy Cận không cần nhìn khói hoàng hôn cũng nhớ nhà bởi nỗi nhớ ấy không phụ thuộc vào ngoại cảnh mà xuất phát từ tâm can. Đây có lẽ cũng là nét tâm trạng chung của các nhà thơ lúc bấy giờ, là nỗi buồn của cả một thế hệ.

Về nghệ thuật, bài thơ là sự kết hợp hài hòa giữa thơ cổ điển và hiện đại. Tuy nhiên, nhưng chất liệu văn học mà tác giả sử dụng lại vô cùng giản dị, gần gũi. Bút pháp chấm phá, lấy cảnh để nói tâm trạng được sử dụng linh hoạt, tinh tế. Bài thơ được bao trùm bởi những nỗi buồn nối tiếp nhau không dứt. Đó là tâm trạng của con người đang đứng trên quê hương nhưng quê hương đã không còn. Nhà thơ mong muốn tìm kiếm hơi ấm, dấu vết của con người nhưng cái nhận lại chỉ là dấu vết ngự trị của thiên nhiên mà thôi. 

“Tràng giang” là tác phẩm tiêu biểu cho tập “Lửa thiêng” cũng như phong cách thơ Huy Cận trước Cách Mạng. Bài thơ là sự kết hợp hài hòa giữa vẻ đẹp cổ điển và hiện đại. Từ nỗi cô đơn, lẻ loi của kiếp người, nhà thơ đã tái hiện nỗi sầu nhân thế và từ đó bộc lộ lòng yêu nước thầm kín của Huy Cận.

Phạm Ngọc Khuê

Lớp 11S3 – Trường THPT Kim Liên, Hà Nội

Bài viết liên quan