Phân tích bài thơ Vội Vàng của Xuân Diệu


Đề bài: Em hãy phân tích bài thơ “Vội vàng” của Xuân Diệu.

Bài làm

Phong trào thơ Mới 1930-1945 là một cuộc cách tân về thơ ca. Trong đó, Xuân Diệu được Hoài Thanh nhắc đến với cụm từ “mới nhất trong các nhà thơ Mới”. Thơ Xuân Diệu lắm tình nhiều tứ mà sống động vô cùng, cho thấy mọi giác quan luôn “thức nhọn” của hồn thơ rất “vội vàng, giục giã”. Bài thơ “Vội vàng” của Xuân Diệu nói lên điều đó.

Xuân Diệu (1916-1985), tên khai sinh là Ngô Xuân Diệu, bút danh Trảo Nha. Là người con của mảnh đất Hà Tĩnh nghèo khó nhưng cần kiệm, sinh ra tại miền biển Bình Định nắng gió, lại trưởng thành từ vùng Quy Nhơn, tâm hồn Xuân Diệu là sự góp nhặt của nhiều niềm yêu, do đó cái tên “Ông hoàng thơ tình” không hề nói quá.

Sự nghiệp thơ Xuân Diệu được lưu giữ toàn bộ trong hai tập “Thơ thơ” và “Gửi hương cho gió”. Sau năm 1945, Xuân Diệu tiếp tục đứng vào hàng ngũ của Đảng để dùng ngòi bút chiến đấu cho độc lập dân tộc. Bài thơ “Vội vàng” nằm trong tập “Thơ thơ”, xuất bản năm 1938, là bài thơ tiêu biểu cho phong cách và hồn thơ Xuân Diệu trước Cách mạng.

Bài thơ mang đến một bức tranh thiên nhiên đầy xuân sắc, xuân tình cũng như niềm băn khoăn, lời giục giã của tác giả.

Tác giả bắt đầu từ ước muốn hoang đường mà bấy lâu nay người luôn khao khát:

“Tôi muốn tắt nắng đi

Cho màu đừng nhạt mất

Tôi muốn buộc gió laị

Cho hương đừng bay đi”.

Khao khát được tính theo cấp số nhân khi liên tục nhà thơ sử dụng điệp ngữ “tôi muốn”. Nhà thơ muốn gì? Ước muốn được đoạt quyền năng của Mặt Trời để “tắt nắng”. Ước muốn chiếm vị thế của trời cao để “buộc gió”. Để rồi sắc màu vạn vật và hương thơm muôn loài sẽ thu lại trong tầm tay tác giả. Ngay cả thời gian cũng phải ngừng lại, không gian cũng mãi mãi lưu giữ ở độ vừa đẹp nhất. Song hành với khao khát mãnh liệt chính là nỗi niềm muốn níu giữ, tiếc nuối.

>> Xem thêm:  Hãy phân tích những mâu thuẫn bi kịch giằng xé nội tâm của nhân vật văn sĩ Hộ trong truyện ngắn Đời thừa của Nam Cao

Vì sao lại tiếc nuối đến như vậy. Ngay sau đây Xuân Diệu sẽ chứng minh nó. Bởi, tại đây thôi đang có một ức tranh thiên nhiên mùa xuân tràn đầy sức sống tựa như thiên đường trần thế phơi bày trước mắt chúng ta đầy mời gọi theo từng con chữ, câu văn:

“Của ong bướm này đây tuần tháng mật

Này đây hoa của đồng nội xanh rì

Này đây lá của cành tơ phơ phất

Của yến anh này đây khúc tình si

Và này đây ánh sáng chớp hàng mi,

Mỗi sáng sớm, thần Vui hằng gõ cửa

Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”

Liên tiếp những hình ảnh liệt kê kèm theo tính từ thể hiện sự sống động của nó. Người đọc có cảm giác như lạc vào một khu vườn xuân. Ong bướm, hoa, lá, yến anh đang quần tụ, say đắm trong cảm giác của những ngày tuần trăng mật bên bạn tình. Thêm đó, ánh sáng từ hàng mi của một đôi mắt đẹp đang dõi theo từng động thái của cảnh vật khiến ta hình dung về một dáng hình thiếu nữ “tựa cửa nhìn xa” thường thấy trong thơ ca. Không gian lại được gieo rắc vài gia vị của niềm vui thần thánh. Do đó, tháng giêng – vô hình được hữu hình hóa tựa như “cặp môi” tròn đầy, căng mọng, thơm tho, ngọt ngào của người con gái xuân sắc đang kề gần. Hình ảnh này tạo nên nét vô cùng thú vị và mới lạ cho bài thơ.

phan tich bai tho voi vang cua xuan dieu - Phân tích bài thơ Vội Vàng của Xuân Diệu

Phân tích bài thơ Vội Vàng

Tuy nhiên, Xuân Diệu là thế. Ông luôn “giật mình” mỗi khi chạm một nửa bước chân tới hạnh phúc. “Vội vàng” cũng không nằm ngoài thực tế đó:

>> Xem thêm:  Phân tích bài thơ Vội Vàng của nhà thơ Xuân Diệu

“Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:

Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.”

Dấu chấm giữa dòng là cái giật mình, là cột trụ trời ngăn cách hai thế giới, không phải giữa trời với đất hay sống với chết, mà là giữa hạnh phúc và lo sợ tột cùng. Xuân Diệu hơn ai hết là người sợ hãi bước đi của thời gian, thế nên mới thấy được cái “vội vàng” trong từng động thái của nhà thơ.

Điều này được thể hiện bằng giọng thơ hết sức triết luận trong những câu thơ tiếp:

“Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua,

Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,

Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất

Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,

Không cho dài thời trẻ của nhân gian

Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,

Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lạị

Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi,

Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời”

Nào có phải như Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nói “Nhất nhật thanh nhất nhật tiên” (Nhàn một ngày là tiên một ngày”, với Xuân Diệu, thời gian là nỗi ám ảnh. Thời gian là phi tuyến tính, một đi sẽ không trở lại. Do đó, mỗi ngày của cuộc đời, tuổi trẻ đi qua cũng sẽ không trở lại. Điều này hình thành nên cảm giác trong “xuân tới” đã có “xuân qua”, trong “xuân non” có “xuân già”, trong tuổi trẻ đã thấy cái chết. Ngay như bài thơ “Đây mùa thu tới” của chính tác giả, ró ràng là “tới” nhưng ta chỉ thấy một màu mùa đông sang:

“Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang,

Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng”

Còn trong “Vội vàng”, mùa xuân đang đẹp thế, hội tụ cảnh sắc thế, nhưng cũng không giấu được cảnh chia li trước mắt:

“Mùi tháng, năm đều rớm vị chia phôi,

>> Xem thêm:  Vẻ đẹp tâm hồn và nhân cách Lê Hữu Trác qua đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh

Khắp sông, núi vẫn than thầm tiễn biệt….

Con gió xinh thì thào trong lá biếc,

Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?

Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi,

Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa?

Chẳng bao giờ. Ôi! Chẳng bao giờ nữa…”

Những từ ngữ như “chia phôi”, “tiễn biệt”, “bay đi”, “đứt”, “sợ”, “phai tàn”… đều tập trung khẳng định quan niệm về thời gian của tác giả: Mỗi giờ khắc trôi đi là một cuộc ra đi vĩnh viễn của thời gian, tuổi trẻ.

Cho nên, giục giã là tất yếu:

“Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm,

Ta muốn ôm

Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;

Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,

Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,

Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều

Và non nước, và cây, và cỏ rạng,

Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng

Cho no nê thanh sắc của thời tươi

– Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”

Một lần nữa, điệp ngữ “ta muốn” lại xuất hiện như con sóng khát vọng trào dâng trong lòng tác giả. Những hình ảnh sóng đôi như “ sự sống – mơn mởn”, “mây đưa – gió lượn”, “cánh bướm – tình yêu”, “hôn nhiều”, “non nước – cây – cỏ”, “mùi thơm – ánh sáng”, “thanh sắc – thời tươi”… khẳng định cuộc sống đáng sống và hưởng thụ. Do đó, phải “ôm”, “riết”, “say”, “thâu”, “cắn” bằng mọi cách để có thể luôn luôn giao cảm với cuộc đời.

Tóm lại, bài thơ “Vội vàng” là sự kết hợp hài hòa giữa mạch cảm xúc và triết luận; có nhiều sáng tạo về hình ảnh, ngôn từ; giọng thơ sôi nổi, đắm say. Qua đó, bài thơ cho thấy tiếng lòng khát khao được sống và hết mình giao cảm với đời, thể hiện rõ ý thức cá nhân của cái tôi thơ Mới.

Hoài Lê

Bài viết liên quan