Phân tích nhân vật Mị trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài (dàn ý và bài làm chi tiết)


Phân tích nhân vật Mị trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài (dàn ý và bài làm chi tiết)

Dàn ý chi tiết

1. Mở bài:

– Tác giả: Tô Hoài là cây bút chuyên viết về người nông dân, ông có vốn hiểu biết sâu sắc về phong tục tập quán của nhiều vùng khác nhau trên đất nước ta.

Truyện của ông chân thật, xúc động về cuộc sống người dân quê, và hấp dẫn người đọc bởi lối trần thuật sinh động và tài ba, giàu hiểu biết

– Tác phẩm: Vợ chồng A Phủ là truyện ngắn xuất sắc nhất của Tô Hoài, được viết năm 1952 và in trong tập Truyện Tây Bắc

Truyện kể về quá trình nhận thức và đấu tranh của những người dân tộc miền núi Tây Bắc trước cách mạng, đại diện cho họ là nhân vật Mị

2. Thân bài

– Mị là một cô gái có tài lẫn sắc

+ Mị xinh đẹp, biết bao người theo đuổi

+ Mị có tài thôi sáo giỏi 

+ Mị còn là một cô con gái hiếu thảo, chăm chỉ và có ý thức về giá trị bản thân

– Cuộc đời của Mị gặp phải những bi kịch – đó là bức chân dung tiêu biểu cho những người phụ nữ miền núi trước cách mạng

+ Bố mẹ vay nợ, Mị bị bắt làm con dâu gạt nợ, làm việc quần quật từ sáng tới tối

+ Lúc đầu, Mị có ý định chết, nhưng sau khi tìm về gặp bố thì lại buông xuôi cuộc sống để gạt nợ cho bố mẹ

+ Mị dần dần mất đi cảm xúc, trở nên vô cảm với cuộc sống

+ Căn buồng Mị ở nhẹ hẹp, tăm tối, mất đi khái niệm về thời gian mà không gian, như chính cuộc đời Mị không thoát khỏi cường quyền và thần quyền.

– Quá trình nhận thức và đấu tranh

+ Trong đêm tình mùa xuân, ngoại cảnh tác động làm Mị thức tỉnh, đánh thức sức sống tiềm tàng trong Mị nhưng lại sớm bị A Sử trói trong phòng tối

+ Đêm mùa đông, Mị đã cắt dây trói cứu A Phủ và chạy trốn, thoát khỏi cảnh tù ngục đọa đày và tìm đến một cuộc sống mới

– Giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm

3. Kết bài

Vợ chồng A Phủ là một tác phẩm xuất sắc của nhà văn Tô Hoài, cả câu chuyện như là một thước phim sắc nét ghi lại cuộc hành trình thức tỉnh và đấu tranh của nhân vật Mị để tìm đến tương lai tươi sáng, từ đó lên án tố cáo xã hội bất công với cường quyền và thần quyền, đề cao giá trị con người.

phan tich nhan vat mi - Phân tích nhân vật Mị trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài (dàn ý và bài làm chi tiết)

Phân tích nhân vật Mị trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ

Bài làm tham khảo

Tô Hoài được biết đến như là nhà văn của người dân miền núi phía Bắc, những năm tháng kết duyên với cuộc sống của con người cùng cao đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm hồn nhà văn. Nếu ai đã từng một lần đến với Tây bắc, đến với những bản làng hiền hòa chìm trong sương sớm, ắt hẳn sẽ động lòng trước những cảnh đời cực khổ trăm bề nhưng vẫn cháy không nguôi khát vọng sống mạnh mẽ tựa như cây cổ thụ của núi rừng. Phẩm chất tốt đẹp đó của con người vùng cao đã được Tô Hoài phản ảnh qua nhân vật Mị trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ – một truyện ngắn xuất sắc của nhà văn Tô Hoài.

>> Xem thêm:  MS415 - Nêu quan điểm của em về trang phục áo dài và đồng phục của học sinh

Mị là một cô gái xinh đẹp, có nhan sắc vài tài năng. Mị thổi sáo rất giỏi, uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo và cô gái trẻ ấy có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị. Cô còn là một người con hiếu thảo, chăm chỉ, chịu thương chịu khó, biết làm nương ngô để giả nợ thay cho bố chứ không chấp nhận bị bán cho nhà giàu. Mị ý thức được giá trị của bản thân mình và cô có khao khát hạnh phúc mãnh liệt, khao khát được sống và được yêu.

Thế nhưng, người con gái miền Tây Bắc ấy lại phải chịu cuộc đời và số phận trớ trêu, bạc mệnh. Mị bị bắt làm con dâu gạt nợ cho nhà thống lí Pá tra, phải bị trình ma nhà nó, từ đó, cuộc sống của cô không ngày nào có nghĩa. Lúc đầu, đêm nào Mị cũng khóc, có lần cô bỏ trốn về gặp bố lần cuối để xin được ăn là ngón và chết, nhưng rồi  vì món nợ truyền đời kia mà Mị lại phải trở lại nơi chốn địa ngục trần gian. Mị phải vất vả làm việc quần quật từ sáng tới tối, cô lúc nào cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi, và mất dần cảm xúc với cuộc sống, “ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi”. Cô mỗi ngày lại càng không nói, lầm lũi như con rùa ở trong xó cửa, cứ làm việc suốt ngày, con trâu con ngựa còn có lúc được đứng gãi chân, nhai cỏ, chứ “đàn bà con gái nhà này thì vùi vào việc cả đêm lẫn ngày”.

Thật xót thương biết bao! Từ một cô gái xinh đẹp vốn khát khao hạnh phúc, cường quyền và thần quyền đã biến Mị thành một đồ vật biết đi. Căn buồng mị ở chỉ có một cửa sổ lỗ vuông bằng bàn tay, không biết là sương hay nắng. Cuộc sống của Mị mất đi khái niệm về không gian và thời gian, chính bản thân cô cũng không  còn những những khao khát hạnh phúc, và ý thức về cuộc đời, Mị sống chỉ để qua ngày, để đợi ngày chết đi mới có thể thoát khỏi nơi đây.

>> Xem thêm:  Cảm nhận về nhân vật Phùng trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu

Nhưng Tô Hoài đâu để nhân vật của mình chết dần chết mòn như vậy. Hồng Ngài năm ấy ăn Tết giữa lúc  gió và rét dữ dội, trên đầu núi, nương ngô nương lúa đã gặt xong, những chiếc váy hoa đã ssem ra phơi trên những mỏm đá xòe như những con bướm sặc sỡ. Khung cảnh ngày xuân thật rộn ràng và tươi mới, và tâm điểm của mùa xuân chính là tiếng sáo rủ bạn vang vọng lại tha thiết bồi hồi. Mị “nhẩm thầm bài hát”, theo tiếng sáo của người đang thổi. Lần đầu tiên trong đời sau khi bị bắt về làm con dâu gạt nợ, Mị có phản ứng với cuộc sống, phải chăng tiếng sáo ấy đã len lỏi vào tâm hồn Mị và đánh thức sức sống tiềm tàng trong cô? Từ một cô gái mặt buồn rười rười, lầm lũi không nói, giờ đây Mị đã nhẩm theo lời bài hát, đó là cả một bầu trời kỉ niệm xưa, lúc Mị còn trẻ.

Tâm trạng và thái độ sống của Mị đã dần thay đổi, dẫn theo một loạt những hành động đặc biệt khác với thường ngày của cô. Ngày Tết, Mị cũng uống rượu, uốn ực từng bát và “lòng Mị đang sống về ngày trước”. Tai Mị văng vẳng tiếng sáo, Mị đã được đánh thức bởi tiếng sáo ấy, là hồi ức về ngày xưa, khi mà Mị có rất nhiều ước muốn hạnh phúc và tương lai nhưng giờ đây Mị lại rơi vào hoàn cảnh éo le này.  Mị chợt buồn nhưng lòng Mị lại phơi phới lại. “ Mị còn trẻ, Mị muốn đi chơi”. Sức sống tiềm tàng của Mị đã nổi dậy, cô thầm  nghĩ nếu có nắm lá ngón trong tay Mị sẽ ăn cho chết ngay, lúc cô muốn được chết là lúc cô thực sự đang sống, vì sống làm con dâu gạt nợ nhà thống lí thì còn không bằng chết.

Mị đến góc nhà, xắn thêm mớ thắp đèn cho sáng, trong đầu Mị rập rờn tiếng sáo. Mị thắp thêm ánh sáng cho căn buồng của mình cũng như muốn tự thắp lên ánh sáng cho cuộc sống của mình. Cô muốn thay đổi, muốn đứng lên. Mị với tay lấy chiếc váy hoa, quấn lại tóc, và sắp sửa sống một cuộc sống như bao người. Nhưng than ôi, ngọn lửa sống vừa mới le lói thì A Sử đã tàn bạo dập tắt mất. Hắn trói Mị vào cột nhà, “tóc Mị xõa xuống, A Sử quấn luôn tóc lên cột” rồi hắn để Mị trong đêm tối và đi chơi. Mị đang chìm trong quá khứ tươi đẹp, hơi rượu và tiếng sáo đưa Mị theo những cuộc vui. Mị vùng bước đi nhưng chân Mị lại bị trói đau nhức. Cứ như thế, Mị lúc mơ lúc tỉnh. A Sử có thể trói được thể xác Mị nhưng không thế trói được tâm hồn và khao khát tự do đang bùng lên. Đêm tình mùa đông, Mị đã được đánh thức sự sống,  sức sống tiềm tàng trong cô đang đỏ cháy,chỉ cần đợi một ngọn gió thoảng qua là có thể bùng lên.

>> Xem thêm:  Theo anh (chị) tính dân tộc trong bài thơ "Việt Bắc" được biểu hiện cụ thể ở những phương diện nào? Trình bày vắn tắt và nêu dẫn chứng minh hoạ

Đó là một đêm mùa đông trên núi cáo dài và buồn, trời buốt lạnh. Mị đang thổi lửa hơ tay thì trông sang thấy A Phủ bị trói đứng vì tội làm mất bò của nhà thống lí. Mị vẫn thản nhiên, nếu A Phủ có chết đứng đấy cũng thế thôi. Tâm hồn của cô như trở về trong vô thức, phó mặc cuộc đời. Nhưng khi Mị thấy “một dóng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má” cô bỗng nhớ về lúc mình bị trói đứng thế kia, cũng khóc, cũng đau đớn biết bao. Từ xót thương người, cô tủi phận mình và nhận ra tội ác của nhà thống lí Pá tra. “Chúng nó thật độc ác”. Sau một quá trình đấu tranh tâm lí, từ vô cảm cho đến xót thương, Mị đã hành động, cô bước đến “rút con dao nhỏ cắt nút dây mây” cởi trói cho  A Phủ. Để A Phủ đi, rồi cô lại vụt chạy ra “A Phủ, cho tôi đi, ở đây thì chết mất”. Hành động ấy là cả quá trình đấu tranh của Mị chống lại thần quyền và cường quyền, cứu người đồng cảnh ngộ và cũng tự giải thoát mình khỏi địa ngục đọa đày, tìm đến tự do

Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài đã vẽ nên bức tranh miền núi tối tăm với những nỗi khổ của cả một tầng lớp đói nghèo để phản ánh và tố cáo bộ mặt của giai cấp thống trị miền núi. Từ đó nhà văn cất lên tiếng nói cảm thương và khẳng định đề cao sức sống tiềm tàng của những con người dân quê vùng núi Tây Bắc

Qua truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài đã làm nên một thước phim xuất sắc về quá trình nhận vật đi từ nơi đau thương và tìm đến miền đất hứa. Mị đại diện cho những con người miền núi Tây Bắc, là cô gái trẻ với tài năng và sức sống tiềm tàng mãnh liệt, chính điều đó đã giải thoát cô khỏi cuộc sống tăm tối và tìm đến tự do, hạnh phúc.

Lê Thị Thanh Tâm

Lớp 12A1 – Trường THPT Hướng Hóa, Quảng Trị

Bài viết liên quan