Phân tích nhân vật Bé Thu trong Chiếc Lược Ngà của Nguyễn Quang Sáng


Đề bài: Phân tích nhân vật Bé Thu trong “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng.

Bài làm

Tác phẩm “Chiếc lược ngà” (1966) của Nguyễn Quang Sáng không chỉ phản ánh sâu sắc hiện thực cuộc kháng chiến chống Mĩ gian khổ của đồng bào miền Nam mà còn cho thấy tình cảm gia đình thiêng liêng luôn đẹp lấp lánh trong mưa bom bão đạn. Hình ảnh cô bé Thu trong tác phẩm để lại trong lòng người đọc những ấn tượng khó phai về cá tính và tình thương.

Nhân vật cô bé Thu trong truyện ngắn “Chiếc lược ngà” cũng là một trong số rất nhiều đứa trẻ sinh ra trong hoàn cảnh đất nước còn chìm trong chiến tranh giành đọc lập dân tộc. Bé Thu chịu nhiều đau thương của chiến tranh, đặc biệt là bi kịch gia đình bị chia cắt. Từ khi Thu còn chưa biết gọi tiếng “Mẹ” thì cha của Thu là ông Sáu đã phải lên đường ra tiền tuyến bảo vệ quê hương. Thu như những cô bé miền Nam khác thiếu thốn tình thương yêu bảo vệ của người cha. Thu chỉ biết mặt ông Sáu qua tấm ảnh cũ treo trong nhà. Thu dồn cả tình thương yêu vào đó.

Thu là một cô bé có nội tâm giàu tình cảm. Tuy rằng chưa được gặp cha ngày nào nhưng Thu luôn mong nhớ về cha. Tình thương ấy Thu gửi gắm trong những bức ảnh. Ngày ông Sáu trở về, Thu không nhận ra cha vì vết sẹo dài trên mặt ông Sáu. Thương cha, Thu không chấp nhận bất kì một người cha nào khác ngoài người giống như trong ảnh. Hình ảnh ông Sáu từ tấm ảnh đã in sâu vào tâm trí Thu khiến Thu không tài nào chấp nhận ngay cả khi mọi người đều công nhận ông Sáu. Yêu cha bao nhiêu, Thu lại càng ghét ông Sáu bấy nhiêu. Sự phản kháng chống đối của Thu với ông Sáu chứng tỏ tình thương mà Thu dành cho cha mình rất mãnh liệt.

>> Xem thêm:  Nghị luận xã hội về tính cần cù- văn lớp 9

phan tich nhan vat be thu trong chiec luoc nga cua nguyen quang sang - Phân tích nhân vật Bé Thu trong Chiếc Lược Ngà của Nguyễn Quang Sáng

Phân tích nhân vật Bé Thu

Bé Thu gây ấn tượng nhất ở cá tính mạnh mẽ. Tác giả đã tạo nên tình huống truyện éo le để qua đó làm nổi bật nên tính cách của nhân vật bé Thu. Thu không chịu gọi ông Sáu là cha mặc dù tất cả mọi người đều yêu cầu Thu phải làm như vậy. Với bé Thu, yêu ghét luôn rõ ràng. Thu không chấp nhận những điều bản thân thấy sai, bản thân không công nhận. Thu đã có những hành động mạnh mẽ thể hiện tư tưởng riêng của mình. “Vô ăn cơm”, “Con bảo người ta rồi mà người ta không nghe”. Khi ông Sáu gắp thức ăn cho Thu, Thu gạt phăng khiến cơm rơi tung tóe quanh mâm. Ông Sáu giận quá đánh Thu. Những đứa trẻ bình thường sẽ khóc toáng lên mà “ăn vạ” nhưng Thu lặng im, Thu dọn chỗ cơm vương vãi rồi bỏ về bà ngoại. Thu muốn thể hiện rằng bản thân đang thực sự giận dữ và thất vọng. Cái cứng đầu, cáu gắt của Thu thể hiện đây là một cô bé cứng cỏi và có nét hồn nhiên của trẻ nhỏ.

Thu là một cô bé dào dạt tình thương yêu cha. Khi được bà ngoại giải thích về nguyên nhân có vết sẹo trên mặt ông Sáu, Thu đã ân hận, một cái ân hận rất người lớn, rất nghiêm túc. Khi ông Sáu chuẩn bị trở lại chiến trường, Thu đã có những hành động thể hiện tình thương chan chứa “Ba a a ba!”. Thu nhào tới bên ông Sáu mà vồ vập: chạy tới, dang chặt hai tay, ôm cổ, hôn tóc, hôn cổ, hôn vai, hôn cả vết thẹo dài trên má…”. Hành động vồ vập ấy rất cảm động. Thu không cho ông Sáu đi, một lần nữa Thu nhất quyết làm theo ý mình.

>> Xem thêm:  Cảm nhận về bài thơ Nói với con của Y Phương

Như vậy, nhân vật bé Thu đã trở thành những dấu hoa mĩ trên bản trường ca những ngày kháng chiến Nam Bộ. Bé Thu dám yêu dám ghét, cá tính, giàu tình thương, trong sáng, cương trực xuất hiện trên nền tảng ngôn ngữ đậm văn hóa Nam Bộ, cốt truyện kịch tính, giọng văn linh hoạt. Qua đó, bé Thu trở thành điển hình cho vẻ đẹp và số phận của những đứa trẻ trong chiến tranh.

Truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã đề cập tới tình cảm thiêng liêng – tình cảm gia đình và thể hiện nó rất nhân văn thông qua nhân vật bé Thu. Do vậy giá trị của tác phẩm không chỉ nằm ở thời kì văn học kháng chiến mà có ý nghĩa xuyên suốt và vẫn được yêu thích cho tới ngày nay.

Hoài Lê

Bài viết liên quan