Phân tích vẻ đẹp bài thơ Ánh trăng-Nguyễn Duy


Phân tích vẻ đẹp bài thơ Ánh trăng-Nguyễn Duy

Hướng dẫn

  • Mở bài:

Nguyễn Duy thuộc lớp nhà thơ trẻ tiêu biểu được rèn luyện và trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tuy viết không nhiều nhưng thơ ông để lại dấu son đậm nét trong nền văn học Việt Nam thế kỉ 20. Thơ ông gần gũi với văn hóa dân gian, nhưng sâu sắc mà rất đỗi tài hoa, đi sâu vào cái nghĩa, cái tình muôn đời của con người Việt Nam, đôi khi lại có cái ngang tàng nhưng vẫn trầm tĩnh và giàu chiêm nghiệm sâu sắc khiến người ta phải giật mình suy nghĩ. Bài thơ Ánh trăng thể hiện sâu sắc đặc điểm nghệ thuật ấy trong của ông. Vẻ đẹp bài thơ Ánh trăng thực sự mang lại cho người đọc những cảm xúc mới mẻ.

  • Thân bài:

Thơ Nguyễn Duy đưa ta về một thế giới quen thuộc. Nguyễn Duy đặc biệt thấm thía cái cao đẹp của những con người, những cuộc đời cần cù gian khổ, không tuổi không tên. Đọc thơ Nguyễn Duy, thấy ông thường hay cảm xúc, suy nghĩ trước những chuyện lớn, chuyện nhỏ quanh mình. Và từ những chuyện nhỏ cỏn con ông thường nâng lên thành triết lí nhân sinh sâu sắc “khiến cho ta giật mình”.

Ánh trăng được nhiều bạn đọc yêu thích trước hết vì nó thực sự là một phần của một cuộc đời, là tiếng nói của một cây bút có trách nhiệm trước cuộc sống xây dựng và chiến đấu sôi động trên đất nước ta những năm qua, luôn trăn trở về trách nhiệm, bổn phận và vai trò của mình đối với quê hương đất nước, đối với cuộc đời.

Mở đầu bài thơ thật dịu nhẹ. Chỉ vài câu thơ, tác giả đã đưa ta về với tuổi thơ bình dị, êm đềm:

“Hồi nhỏ sống với đồng

Với sông rồi với bể”.

Hai từ “hồi nhỏ” nghe thân quen, tha thiết lập tức gợi nhớ về những tháng ngày ấu thơ, hồn nhiên thơ dại. Con người được sống trong cái làng quê bình dị mà thắm đượm nghĩa tình. Thiên nhiên và con người như giao hòa, ôm bọc lẫn nhau. Tuổi thơ mấy ai không từng rong ruổi trên đồng trong những ngày hè nắng gió, hay bơi lội trên dòng sông quê, để cho làn nước trong mát xoa dịu cơ thể. Từu sông ra bể, không gian lớn, cuộc đời lớn rộng mở. Rồi bất ngờ, nhà thơ chuyển nhanh:

“Hồi chiến tranh ở rừng

Vầng trăng thành tri kỉ”.

Không gian, thời gian bất ngờ chuyển đỏi thế nhưng không gây cho người đọc sự hụt hẫng. Từ tuổi thơ mát rượi đột ngột đến “hồi chiến tranh ở rừng”. Gắn kết hai không gia xa cách ấy là “vầng trăng tròn”. Nếu những ngày tuổi thơ, vầng trăng rọi sáng vườn quê, rọi sáng sông quê, rọi vào cả những giấc mơ, dệt nên mơ ước. Giờ dây, khi ở rừng, vầng trăng lại trở thành người bạn tâm tình, người tri kỉ. Vầng trăng gắn bó với người lính trên mỗi bước hành quân, ở bên người lính những đêm rừng sâu thẳm, cùng xuất hiện với người lính trong trận chiến đấu với kẻ thù.

>> Xem thêm:  Giải thích câu nói sau của Lênin: Học, học nữa, học mãi

Có thể nói vầng trăng đã theo bước người lính vào sinh ra tử. và mỗi khi, người lính cần có một cái gì đó để sẻ chia nỗi cô đơn, nỗi nhớ nhà thì vầng trăng hiện diện. Nhìn lại khổ thơ người đọc nhận ra, vầng trăng đã cùng con người đi qua thời gian, nó gắn bó thiết tha, hòa quyện trong mối tình thiên thu giữa con người và trời đất:

“Trần trụi với thiên nhiên

hồn nhiên như cây cỏ

ngỡ không bao giờ quên

cái vầng trăng tình nghĩa”.

Với cảm nhận của người trong cuộc, Nguyễn Duy nghĩ về vầng trăng thật tự nhiên:

“Trần trụi với thiên nhiên

hồn nhiên như cây cỏ”.

Trăng muôn đời là vậy, lúc nào cũng “trần trụi” không bao giờ che giấu hay giả tạo. Trăng lúc nào cũng “hồn nhiên” không bao giờ vụ lợi hay ích kỉ. Cứ cho đi và chẳng nhận lại cái gì. Cứ tỏa sáng rực rỡ trên bầu trời mà chẳng đòi hỏi một điều gì ở thế gian. Trăng là một đứa trẻ con không biết suy tính, không cảm giận nhưng lại không vô tình. Cùng đồng hành với con người qua biết bao năm tháng, trắng gắn bó với con người như hình với bóng. Đó là vầng trăng nghĩa tình, chung thủy, vầng trăng của quá khứ hiền dịu, ngọt mát. Và nhà thơ đã “Ngỡ không bao giờ quên. Cái vầng trăng tình nghĩa” ấy.

Thế nhưng:

“Từ hồi về thàng phố

Quen ánh điện cửa gương

Vầng trăng đi qua ngõ

Như người dưng qua đường”.

Đoạn thơ có chúc uẩn khúc, đọc lên nghe thật xót xa, cay đắng. Đất nước hòa bình, hoàn cảnh sống có nhiều thay đổi thay đổi: yên bình hơn, tiện nghi hơn, con người cũng xa rời cuộc sống giản dị của quá khứ, con người được sống sung túc trong “ánh điện cửa gương”.

Cuộc sống đầy đủ, tiện nghi, khép kín trong những căn phòng hiện đại, xa rời thiên nhiên và hững hờ với cả vầng trăng – người bạn tâm tình thuở nào. Vầng trăng tri kỉ năm xưa giờ đây “đi qua ngõ như người dưng qua đường”.

Câu thơ như một tiếng thở dài buồn bã, vừa giật mình ngỡ ngàng, vừa chạnh lòng tủi hổ. Chốn phồn hoa đô thị đã giết chết cái hồn xanh mơ mộng của con người dù đã từng có một thời thủy chung, gắn bó. Vầng trăng bây giờ đối với người lính năm xưa chỉ còn là dĩ vãng, dĩ vãng nhạt nhòa của quãng thời gian xa xôi nào đó dường như không còn hiện hữu nữa.

Biện pháp nhân hóa đạc sắc và lối so sánh táo bạo đã nâng ý nghĩa câu thơ lên nhiều lần. Ta chợt nhận ra đâu đó cái nghịch cảnh này. Ta cung đã nhiều lần ngước nhìn vầng trăng trên những lầu cao và nhiều lần ta cũng từng vô tình, cũng từng dửng dưng như thế.

“Vầng trăng tình nghĩa” năm xưa trở thành “người dưng qua đường”. Vầng trăng vẫn “đi qua ngõ”, vẫn tròn đầy, vẫn thủy chung tình nghĩa, nhưng con người đã lãng quên trăng, hờ hững, dửng dưng đến vô tình. Vầng trăng giờ đây bỗng trở thành người xa lạ, chẳng còn ai nhớ, chẳng còn ai hay biết, cứ âm thầm đi qua trên bầu trời.

Mượn hình ảnh vầng trăng trong quá khứ, mượn cái tình cờ, ngẫu nhiên mà rưng rưng nước mắt để nói đến cái thực tại đang diễn ra. Có lẽ nhà thơ đã từng trải qua điều này. Người đọc không là gì với những bài thơ gây ấn tượng của Nguyễn Duy. Sau chiến tranh, ông có cái nhìn khác biệt. Sau những “Hơi ấm tổ rơm”, “Bầu trời vuông”, “Cát trắng”,… là những bài thơ đầy suy tư, trăn trở về hiện thực đất nước: “Đánh thức tiềm lực”, “Nhìn từ xa…Tổ Quốc” gây xúc động lòng người. Phải chăng, cái hiện thực ấy xuất phát từ sự vô tình như ông đang cảm thấy, đang nhìn thấy.

Để rồi đêm nay, khi sự cố tắt điện sảy ra:

“Thình lình đèn vụt tắt

Phòng buding tối om

Vội bật tung cửa sổ

Đột ngột vầng trăng tròn”.

Đèn vụt tắt chỉ là một sự tình cờ đã trở thành tình huống đặc sắc. Vốn quen với ánh điện sáng lòa, quen với đèn màu và hào quang ánh sáng, và khi đèn điện cúp, con người mới nhận ra bấy lâu mình bị bao quanh bởi bốn bức tường kín, bị lừa dối bởi ánh sáng đèn màu, bị tách biệt với thế giới bên ngoài.

Rồi con người tự lừa dối mình, tự chấp nhận nó như một sự tất yếu, dần dần rời bỏ quá khứ bình dị, rời bỏ quá khứ đau thương, lãng quên quá khứ nghĩa tình. Vầng trăng đột ngột hiện ra bên khung cửa sổ, vẫn tròn đầy thủy chung, vẫn hiền hòa và chờ đợi. Nó lập tức làm sống lại trong con người tình yêu thiên nhiên, tình yêu cuộc sống. Và chợt nhiên, có cái gì đó thức dậy trong lòng nhà thơ:

“Ngửa mặt lên nhìn mặt

Có cái gì rưng rưng

Như là đồng là bể

Như là sông là rừng”.

Chao ôi, ánh trăng đã mang đến nơi đây biết bao điều gần gũi, thân thương của ngày xưa cũ. Đó là đồng xanh yêu dấu, là bể rộng mênh mang. Đó là sông dài lượn khúc, là rừng đêm chiến trận; là tất cả những tháng ngày thân thương, gắn bó, thủy chung.

Câu thơ “Có cái gì rưng rưng” nghe thật tha thiết. Bắt gặp vầng trăng trên trời cao như được gặp lại cố nhân, vừa như bỡ ngỡ vừa như muốn vồ vập lấy. Giọt nước mắt rưng rưng không làm nhòe vầng trăng sáng. Trăng vẫn lặng im, không nói, không hờn cũng không oán trách. Trăng bao dung độ lượng, tha thứ cho tất cả và đón nhận tất cả.

Không những nhận ra cả một khoảng trời mênh mang và những tháng ngày xưa cũ từ vầng trăng sáng, nhà thơ còn nhận ra sự vô tình, phụ bạc của chính mình. Thế nên, khi “Ngửa mặt lên nhìn mặt”, một niềm tủi hổ hòa lẫn trong niềm vui hội ngộ tràn ngập trong lòng.

>> Xem thêm:  Cảm nghĩ về người lính trong Tiểu đội xe không kính hay

“Rưng rưng” của những niềm thương nỗi nhớ, của những lãng quên lạnh nhạt với người bạn cố tri; của một lương tri đang thức tỉnh sau những ngày đắm chìm trong cõi u mê mộng mị. “Rưng rưng” của nỗi ân hận, ăn năn về sự lãng quên của chính mình trong suốt thời gian qua.

Và trong phút giây nhân vật trữ tình nhìn thẳng vào trăng- biểu tượng đẹp đẽ của một thời xa vắng, nhìn thẳng vào tâm hồn của mình, bao kỉ niệm chợt ùa về chiếm trọn tâm tư. Ông chợt nhận ra một điều phủ phàng trong ái ngại:

“Trăng cứ tròn vành vạnh

Kể chi người vô tình

Ánh trăng im phăng phắc

Đủ cho ta giật mình”.

Hình ảnh “trăng cứ tròn vành vạnh” là tượng trưng cho quá khứ nghĩa tình, thủy chung, đầy đặn, bao dung, nhân hậu nhưng cũng rất nghiêm khắc nhắc nhở, là sự trách móc trong lặng im. Chính cái “im phăng phắc” của vầng trăng đã đánh thức con người, làm xáo động tâm hồn người lính năm xưa. Con người “giật mình” trước ánh trăng là sự bừng tỉnh của nhân cách, là sự trở về với lương tâm trong sạch, tốt đẹp.

Đó là lời ân hận, ăn năn day dứt, làm đẹp con người. Đó là một sự thức nhận đẹp đẽ và đau đớn của một tâm hồn vốn chưa bị bào mòn, chai sạn bởi cuộc sống đầy cạm bẫy. Nó đánh mạnh vào tiềm thức vốn đã ngủ yên từ lâu trong “căn phòng” giả tạo. Nó chà sát vào lương tri, thức tỉnh tình người.

Với cách nói vừa hồn nhiên vừa tỉnh táo, cách xây dựng và khắc họa hình ảnh đặc sắc, nhà thơ đã khắc họa thành công kí ức về thời gian gắn bó chan hòa với thiên nhiên, với vầng trăng lớn lao sâu nặng, nghĩa tình, tri kỉ. Chính thứ ánh sáng dung dị đôn hậu đó của trăng đã chiếu tỏ nhiều kỉ niệm thân thương, đánh thức bao tâm tình vốn tưởng chừng ngủ quên trong góc tối tâm hồn người lính.

  • Kết bài:

Với thể thơ năm chữ linh hoạt, cách xây dựng tình huống đặc sắc, ngôn ngữ tự nhiên mà đầy triết lí, chất thơ mộc mạc chân thành như vầng trăng hiền hòa, giàu tính biểu cảm, đoạn thơ đã đánh động tình cảm nơi người đọc, khơi gợi trong lòng ta về trách nhiệm với quá khứ và trước cuộc đời. Qua đó nhà thơ cũng nghiêm khắc nhắc nhở mình về lối sống nghĩa tình, hiện đại mà không quên quá khứ, sung sướng mà vẫn nhớ đến những tháng ngày gian khổ. Và đó cũng là bài học sâu sắc, là hành trang cho mỗi chúng ta đang tiến bước trên con đường đi đến tương lai.

Nguồn: Vietvanhoctro.com

Bài viết liên quan