Trình bày cảm nhận về bốn khổ thơ đầu trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính


Bài thơ về tiểu đội xe không kính là một trong những thi phẩm đặc sắc nhất của Phạm Tiến Duật, qua bài thơ tác giả đã tái hiện lại không khí chiến đấu đầy dữ dội và tinh thần kiên cường của những người lính lái xe đã không ngại gian khổ, hi sinh để hoàn thành nhiệm vụ hậu phương cho miền Nam ruột thịt. Em hãy trình bày cảm nhận  về bốn khổ thơ đầu trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” (Phạm Tiến Duật).

I. Dàn ý chi tiết cho đề trình bày cảm nhận về bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính

1. Mở bài

  • Giới thiệu tác giả: Phạm Tiến Duật là một cây bút lớn trong thơ ca thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
  • Giới thiệu tác phẩm và bốn khổ thơ đầu: “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” là một trong những thi phẩm đặc sắc của ông. Bốn khổ đầu bài thơ đã phác họa những nét vẽ đầu tiên về hiện thực chiến tranh và làm nổi bật hình tượng người lính hào hùng, dũng cảm.

2. Thân bài

  • Về nội dung:

+ Khổ thơ đầu: Sự lý giải ngộ nghĩnh và hồn nhiên về hình tượng chiếc xe không kính cùng với hình tượng người lính trong tư thế hiên ngang, quả cảm.

+ Khổ thơ thứ hai: Con đường hành quân gian khổ của những người lính và sự sẵn sàng hi sinh, vượt qua mọi thử thách của họ.

+ Hai khổ thơ tiếp theo: Những khó khăn mà người lính phải đối mặt đã cho thấy tinh thần lạc quan cùng với “chất lính” của họ.

  • Về nghệ thuật: Bằng thể thơ tự do, câu thơ đậm chất văn xuôi cùng nhịp thơ linh hoạt, ngôn ngữ giản dị, hình ảnh độc đáo kết hợp nhuần nhuyễn với bút pháp điệp ngữ và so sánh, bốn khổ thơ đầu đã làm nổi bật lên hiện thực khốc liệt của chiến tranh và từ đó tô đậm vẻ đẹp của người lính với tư thế hiên ngang, tinh thần chủ động, lạc quan và dũng cảm.
>> Xem thêm:  Hãy giới thiệu về nhà thơ Chính Hữu và bài thơ Đồng chí.

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề: Như vậy, bốn khổ đầu bài thơ như khúc dạo đầu cho bản hòa ca hào hùng về người lính. Cả đoạn thơ mặc dù nói về sự thiếu thốn của chiến tranh nhưng không mang âm hưởng của sự mất mát, đau thương mà ngược lại. Đó chính là nét riêng trong ngòi bút lạc quan và không kém phần hóm hỉnh, hài hước của Phạm Tiến Duật.

II. Bài tham khảo cho đề trình bày cảm nhận về bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính

Phạm Tiến Duật là một cây bút lớn trong thơ ca thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” là một trong những thi phẩm đặc sắc của ông. Bốn khổ đầu bài thơ đã phác họa những nét vẽ đầu tiên về hiện thực chiến tranh và làm nổi bật hình tượng người lính hào hùng, dũng cảm.

           “Không có kính không phải vì không có kính

           Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi

           Ung dung buồng lái ta ngồi

           Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng”.

Hai câu thơ đầu như một cách lý giải ngộ nghĩnh và hồn nhiên của người lính về hình tượng “chiếc xe không kính”. Điệp từ “không” được lặp đi lặp lại ba lần với cấu trúc câu “Không có…không phải…không có…” kết hợp với các động từ mạnh “giật”, “rung” đã thể hiện rõ thực tàn khốc của chiến tranh.Trong hiện thực như vậy, hình ảnh những người lính hiện lên như một tượng đài đẹp đẽ nhất với tư thế “ung dung” cùng với chữ “ta” khẳng định sự làm chủ của mình. Mặc mưa bom bão đạn, họ vẫn sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng đi về phía trước. Nhịp thơ 2/2/2 cùng điệp ngữ “nhìn” đã thể hiện rõ thái độ tự tin, tư thế hiên ngang, anh dũng của họ.

Khổ thơ thứ hai tiếp tục mạch cảm xúc với cái “nhìn thẳng” quyết tâm từ khổ một:

            “Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng

           Nhìn thấy con đường chảy thẳng vào tim

           Thấy sao trời và đột ngột cánh chim

           Như sa, như ùa vào buồng lái”.

trinh bay cam nhan ve bon kho tho dau trong bai tho ve tieu doi xe khong kinh - Trình bày cảm nhận về bốn khổ thơ đầu trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính
Trình bày cảm nhận về bốn khổ thơ đầu trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính

Điệp ngữ “nhìn thấy” đã vẽ ra một không gian rộng lớn và liên tục của những con đường hành quân gian khổ. Có gió bụi, có sao trời và có cả cánh chim,… Bởi vì xe không có kính mà tất cả như “đột ngột” “chảy thẳng vào tim”, “ùa vào buồng lái” với một vận tốc nhanh chóng. Họ trải qua mọi khó khăn, băng qua mọi địa hình hiểm trở không một chút ngần ngại. Họ tiêu biểu cho những người chiến sỹ với tinh thần sẵn sàng hi sinh để bảo vệ tổ quốc, chiến đấu vì một phần máu thịt của dân tộc.

Không chỉ đối mặt với gió “xoa mắt đắng” – một sự chuyển đổi cảm giác tinh tế, mà họ còn phải đối mặt với mưa bụi khắc nghiệt:

            “Không có kính, ừ thì có bụi

           Bụi phun tóc trắng như người già

           Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc

           Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha

           Không có kính, ừ thì ướt áo

           Mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời

           Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa

           Mưa ngừng, gió lùa mau khô thôi”.

Phạm Tiến Duật tài tình khi sử dụng biện pháp điệp cấu trúc “Không có kính, ừ thì…” ở hai khổ thơ liên tục để thể hiện rõ tinh thần lạc quan của những người lính. Dù “bom giật bom rung” hay “bụi phun mưa xối thì họ vẫn sẵn sàng vượt qua, xem nhẹ mọi gian truân vất vả. Không những thế, họ sống cùng khó khăn thử thách với một cái nhìn lạc quan, nhẹ nhõm, hóm hỉnh: “Bụi phun tóc trắng như người già”, “Mưa ngừng, gió lùa mau khô thôi”. Chẳng cần lo nghĩ nhiều, cứ vậy mà “phì phèo châm điếu thuốc” để tận hưởng những phút giây bình dị và vui vẻ trên đường chiến đấu. Tiếng cười “ha ha” của họ một lần nữa cho thấy thái độ lạc quan đầy “chất lính” của những con người hiên ngang trong khói lửa chiến tranh. Đối lập với những cái “không”, ở họ có cả trái tim nhiệt huyết và tinh thần sắt thép, dũng cảm tiến lên chi viện cho miền Nam tổ quốc. Đó chính là tình yêu nước bất diệt trong lòng những người lính.

>> Xem thêm:  MS158 - Yêu thương ở khắp mọi nơi, bạn hãy tìm lấy nó!

Bằng thể thơ tự do, câu thơ đậm chất văn xuôi cùng nhịp thơ linh hoạt, ngôn ngữ giản dị, hình ảnh độc đáo kết hợp nhuần nhuyễn với bút pháp điệp ngữ và so sánh, bốn khổ thơ đầu đã làm nổi bật lên hiện thực khốc liệt của chiến tranh và từ đó tô đậm vẻ đẹp của người lính với tư thế hiên ngang, tinh thần chủ động, lạc quan và dũng cảm.

Như vậy, bốn khổ đầu bài thơ như khúc dạo đầu cho bản hòa ca hào hùng về người lính. Cả đoạn thơ mặc dù nói về sự thiếu thốn của chiến tranh nhưng không mang âm hưởng của sự mất mát, đau thương mà ngược lại. Đó chính là nét riêng trong ngòi bút lạc quan và không kém phần hóm hỉnh, hài hước của Phạm Tiến Duật.

Bài viết liên quan