[Văn mẫu học trò] Cảm nhận của em về bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương


[Văn mẫu học trò] Cảm nhận của em về bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương

Dàn ý chi tiết

A. Mở bài

Giới thiệu vài nét về tác giả Viễn Phương: là một cây bút có mặt sớm nhất của lực lượng văn nghệ giải phóng ở miền Nam thời chống Mỹ cứu nước

Vài nét về bài thơ “Viếng lăng Bác”: bài thơ là dòng cảm xúc nghẹn ngào của tác giả khi đến thăm lăng, nó còn là nén hương thơm dâng lên chủ tịch Hồ Chí Minh

B. Thân bài: Lần lượt phân tích 4 khổ thơ:

1. Niềm xúc động, nghẹn ngào khi đến thăm lăng Bác:

– “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác”: Nhân dân miền Nam xưng con với Bác vì Bác như người cha già của dân tộc

– Nhà thơ dùng từ “thăm”: nói giảm nói tránh để giảm nhẹ đi nỗi đau. Mặc dù Bác đã đi xa nhưng trong tâm trí mỗi người, Bác luôn sống mãi

– Từ láy “bát ngát”: Hiện lên trước mắt là một màu xanh ngút ngàn, trải dài và lan ra quanh lăng

– Hình ảnh hàng tre mang nghĩa thực là những khóm tre quanh lăng nhưng còn mang nghĩa ẩn dụ chỉ phẩm chất con người Việt Nam (bất khuất, kiên cường, ngay thẳng, yêu thương, đùm bọc nhau)

=> Tác giả đứng trước lăng Bác với cảm xúc nghẹn ngào

2. Cảm xúc trước đoàn người vào viếng lăng Bác:

– Ẩn dụ “mặt trời”: Bác là mặt trời của dân tộc, mang ánh sáng ấm áp cho cuộc sống của dân tộc, đồng thời thể hiện niềm yêu mến kính trọng Bác

– Sử dụng điệp ngữ “ngày ngày”: thời gian vô tận, tấm lòng của của người dân chưa bao giờ thôi nhớ Bác

– Hình ảnh ẩn dụ “tràng hoa”: chỉ những người vào lăng viếng Bác kết thành tràng hoa rực rỡ huy hoàng, mỗi người mang một bông hoa của lòng thành kính, sự yêu mến và ngưỡng vọng lãnh tụ

– “Bảy mươi chín mùa xuân”: Hoán dụ chỉ cuộc đời Bác đẹp như những mùa xuân, đó còn là tuổi thọ của Bác

=> Sự biết ơn công lao to lớn của chủ tịch Hồ Chí Minh, niềm thành kính của người dân Việt Nam với vị lãnh tụ của dân tộc

3. Cảm xúc khi vào lăng, nhìn thấy di hài Bác:

– “Giấc ngủ bình yên”: nói giảm nói tránh nhằm giảm đi nỗi đau, vừa thể hiện thái độ nâng niu, trân trọng giấc ngủ của Bác

– “Vầng trăng sáng dịu hiền”: nhân hóa chỉ ánh đèn tỏa ra từ lăng, đó cũng là ẩn dụ chỉ vẻ đẹp tâm hồn thanh cao của Người

– “Trời xanh”: ẩn dụ Bác trường tồn, vĩnh hằng với non sông đất nước

– Nhà thơ dùng nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác (nghe nhói ở trong tim): Nhà thơ như nghe thấy nỗi đau cứ nhức nhối như cắt cứa trong tim mình

=> Cảm xúc trong lăng của nhà thơ với Bác: thành kính, xúc động

4. Những tình cảm, cảm xúc trước lúc ra về:

– “Mai về miền Nam thương trào nước mắt”: cảm xúc trực tiếp lưu luyến không muốn rời xa

– Liệt kê, ẩn dụ (con chim, đóa hoa, cây tre) cùng điệp ngữ “muốn làm”: niềm dâng hiến tha thiết, mãnh liệt, muốn làm một điều gì đó vì Bác

>> Xem thêm:  Tự trọng là gì? Đoạn văn giải thích về Lòng tự trọng

– Hình ảnh cây tre được lặp lại tạo kết cấu đầu cuối tương ứng

=> Chủ thể “con” đến đây không xuất hiện, thể hiện ước nguyện là của tất cả mọi người, của dân tộc ta đối với Bác

C. Kết bài: Tổng kết những thành công về nội dung, nghệ thuật của bài thơ:

– Nghệ thuật: Thể thơ tám chữ, giọng điệu thiết tha, sâu lắng; sử dụng linh hoạt các biện pháp tu từ quen thuộc; ngôn ngữ thơ giản dị và cô đọng

– Nội dung: Thể hiện niềm xúc động, thành kính và nỗi đau xót của nhà thơ trước sự ra đi của Bác, ước nguyện mãi ở bên Bác, dâng lên Bác tất cả lòng tôn kính và biết ơn

cam nhan bai tho vieng lang bac - [Văn mẫu học trò] Cảm nhận của em về bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương

Cảm nhận của em về bài thơ Viếng lăng Bác

Bài văn tham khảo

“Bác sống như trời đất của ta

Yêu từng ngọn cỏ, mỗi cành hoa

Tự do cho mỗi đời nô lệ

Sữa để em thơ, lụa tặng già”

Nhà thơ Tố Hữu đã ca ngợi Bác một cách thiêng liêng và sâu sắc. Quả thật, Bác vĩ đại và anh hùng khiến ai cũng tôn kính Bác; ai cũng ngậm ngùi tiếc thương trước sự ra đi của Bác. Mượn vần thơ để thể hiện sự thương tiếc vô hạn và lòng biết ơn Bác, nhà thơ Viễn Phương viết nên “Viếng lăng Bác”. Bài thơ thể hiện cảm xúc chân thành của nhà thơ trong một lần từ miền Nam ra viếng lăng Bác.

“Viếng lăng Bác” là dòng cảm xúc tuôn trào của Viễn Phương qua ba thời điểm: trước khi vào viếng lăng Bác, khi vào viếng lăng Bác và trước lúc trở về miền Nam thân yêu. Với bốn khổ thơ mang theo nhiều cảm xúc ở ba thời điểm, bài thơ xứng đáng là đóa hoa thắm tươi dâng lên Bác.

Trước khi vào viếng lăng Bác, nhà thơ Viễn Phương đã rất ấn tượng với hình ảnh hàng tre bên ngoài:

”Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng”

Trước lăng Bác, hiện lên mờ ảo trong làn sương là hàng tre Việt Nam. Hình ảnh hàng tre biểu tượng cho những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam. Từ bao đời nay, nhắc đến tre, người ta lại nghĩ đến những đức tính cần cù, siêng năng, đoàn kết… của người Việt Nam. Ở khổ thơ trên, tre biểu tượng cho sự kiên trì, bền bỉ, hiên ngang, dũng cảm:

“Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng”

Mượn hình ảnh hàng tre, tác giả còn muốn nhấn mạnh những phẩm chất tốt đẹp, công lao vĩ đại của Bác. Bác đã vượt qua khó khăn, hi sinh thanh xuân cho những tháng ngày hòa bình của dân tộc. Chắc hẳn vì vậy mà trong tiềm thức của Viễn Phương, Bác vẫn sống. Tác giả dùng từ “thăm” nghĩa là đi gặp một người còn sống. Song từ “viếng” ở nhan đề bài thơ lại là đi điếu một người đã mất, thường với thái độ buồn bã, tiếc thương. Ở khổ thơ đầu, tác giả dùng biện pháp nói giảm nói tránh để giảm nhẹ nỗi đau thương của mình trước sự ra đi của Bác. Ông tự an ủi lòng mình, cũng là an ủi lòng người đọc.

>> Xem thêm:  Phân tích truyện ngắn Cô bé bán diêm của nhà văn An-đéc-xen

Ở khổ thơ thứ hai, nhà thơ bộc lộ lòng biết ơn của ông nói riêng và của nhân dân miền Nam nói chung với Bác lúc đứng trước lăng của Người:

“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ

Ngày ngày tràng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”

Giọng thơ ngân lên thật thiết tha, lắng đọng, pha chút tiếc nuối, đau thương. Nó hòa vào lòng biết ơn và thương tiếc của dân tộc. Bằng hình ảnh ẩn dụ “mặt trời trong lăng”, tác giả đã khắc sâu và ghi nhớ công ơn của Bác trong lòng mình và thế hệ bạn đọc. Mặt trời là thiên thể trong vũ trụ, mang lại sự sống cho muôn loài cũng như Bác Hồ đã mang đến cuộc sống tự do, hạnh phúc cho muôn dân. Mặt trời to lớn đến đâu thì Bác của ta vĩ đại đến đấy. Ở hai câu thơ cuối, dòng cảm xúc như bị dồn nén lại. Thời gian tuần hoàn qua điệp ngữ “ngày ngày”, có thêm hơi ấm và sự thành kính của con người. Tràng hoa dâng lên Bác ở đây có thể hình ảnh hiện thực của dòng người viếng lăng cũng có thể là biểu trưng của lòng kính yêu, ngưỡng vọng của toàn dân đối với Bác Hồ. Cuộc đời cũng hiện lên thật đẹp. Với Viễn Phương, cuộc đời Bác là sự hội tụ của bảy mươi chín mùa xuân, thể hiện qua hình ảnh hoán dụ “bảy mươi chín mùa xuân”.  Với ta, đó cũng là bảy mươi chín mùa xuân của dân tộc. Khổ thơ thứ hai đi qua với nỗi lòng thương tiếc và biết ơn của bao con người.

Sang khổ thơ thứ ba, dòng cảm xúc của nhà thơ khi ở trong lăng Bác được bộc lộ chân thành:

“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền

Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim”

Nhà thơ nhận định rằng Bác chỉ đang ngủ một “giấc ngủ bình yên”, rằng Bác chưa mất. Điều đó đã được tác giả khẳng định ở từ “thăm” trong khổ thơ đầu. Sang khổ thơ này, xuất hiện thêm hình ảnh “vầng trăng sáng”. Đây có thể là hình ảnh thực của ánh đèn trong lăng song còn gợi ra sức liên tưởng khá cao. HÌnh ảnh vầng trăng tượng trưng cho tâm hồn cao quý, thanh khiết, tinh túy của Bác Hồ. Mặt khác, nhà thơ còn gợi ra những vần thơ tràn ngập ánh trăng của Bác. Như Hoài Thanh đã nói “Thơ Bác đầy trăng”, có vô vàn bài thơ của Bác có sự hiện diện của vầng trăng sáng:

“Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt

Nguyệt tòng song khích khán thi gia.”

(Vọng nguyệt)

“Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lòng cổ thụ bóng lồng hoa”

(Cảnh khuya)

Viễn Phương ca ngợi tâm hồn và thơ ca của Bác. Dù Bác không xem mình là nhà thơ nhưng ta thực sự xem Bác là một đại thi hào.

Bác sống trong tiềm thức của mỗi người. Song sự thật là Bác đã không còn trên trần đời. Thương tiếc như thế, Viễn Phương đã không kìm được cảm xúc:

>> Xem thêm:  Phân tích chi tiết giọt nước mắt của nhân vật Hộ trong truyện ngắn Đời thừa của Nam Cao

“Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim.”

Hình ảnh ẩn dụ “trời xanh” ở đây có thể là tượng trưng của Bác. Viễn Phương biết rằng Bác sống mãi với non sông gấm vóc, sống mãi trong lòng dân tộc như bầu trời là mãi mãi nhưng vẫn đau xót trước sự mất mát quá lớn. Dẫu biết chuyện sinh tử là lẽ thường, nhà thơ vẫn đau thương vì người cha già của dân tộc đã hóa khiếp thiên thu. Dù thế nào thì hiện thực là Bác cũng không còn nữa, tác giả xúc động đến mức nghe được con tim nhói đau. Từ cảm giác đau xót vô hình, nhà thơ chuyển tải nó thành âm thanh của tiếng “nhói”: Câu thơ cuối nghe thật đau thương. Nó nói đúng tâm trạng, tình cảm của mỗi người con Việt Nam đối với Bác lúc ấy.

Bước ra khỏi lăng Bác, hình như tình cảm dành cho Bác vẫn cứ tuôn trào vô tận, Viễn Phương lại bộc lộ nguyện ước chân thành của mình:

“Mai về miền Nam thương trào nước ta

Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác

Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây

Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.”

Nhà thơ lưu luyến, muốn ở mãi bên Bác. Từ dòng cảm xúc trực tiếp “thương trào nước mắt”, nhà thơ từng bước thể hiện ước nguyện của mình qua ba điệp ngữ “Muốn làm”. Tác giả muốn làm con chim, đóa hoa là mong muốn dâng hiến đời mình cho Bác. Đây là ước mong đền ơn Bác đầu tiên, nhà thơ như muốn canh cho giấc ngủ ngàn thu của Người. Đặc biệt, nhà thơ muốn làm cây tre trung hiếu với Bác. Đây là ước mong dâng hiến tâm hồn cho Bác. Vì tre thường là biểu trưng của phẩm chất, đạo đức tốt đẹp. Hình ảnh “cây tre” lặp lại với khổ thơ đầu tiên, tạo nên kết cấu đầu cuối tương ứng, cũng là hoàn thiện phẩm chất của con người Việt Nam: kiên trì, dũng cảm, nhân ái và trung hiếu. Kiểu câu rút gọn lược bớt chủ ngữ “Muốn làm” được sử dụng khéo léo và linh hoạt, đưa ước nguyện riêng tư của nhà thơ thành ước nguyện chung nhất của dân tộc Việt. Qua nguyện ước của mình, tác giả nói lên mong ước được đền ơn Bác. Điều đó cho ta thấy nguyện ước của ông thật chân thành và ý nghĩa. Đó còn là tiếng lòng của nhân dân Việt Nam thương nhớ Bác.

Bằng giọng thơ trang trọng, tha thiết và nhiều hình ảnh ẩn dụ đẹp, gợi cảm kết hợp các phép tu từ quen thuộc (điệp ngữ, nói giảm nói tránh…); bài thơ thể hiện lòng thành kính và niềm xúc động sâu sắc của nhà thơ đối với Bác Hồ trong một lần từ miền Nam ra thăm lăng Bác. Bài thơ là tiếng lòng của tác giả cũng như bao người đọc. Bác hiện lên thật đẹp, thật vĩ đại xuyên suốt bài thơ. Sự thương tiếc, ngưỡng vọng của tác giả nói riêng và của nhân dân nói chung đối với Bác Hồ kính yêu là mãi mãi, như lời thơ của Tố Hữu:

“Vì sao Trái Đất nặng ân tình

Nhắc mãi tên người: Hồ Chí Minh?”

Nguyễn Đức Minh

Bài viết liên quan