[Văn mẫu học trò] Phân tích cảnh cho chữ trong tác phẩm Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân


[Văn mẫu học trò] Phân tích cảnh cho chữ trong tác phẩm Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân

Dàn ý chi tiết

1. Mở bài:

Dẫn dắt giới thiệu tác giả, tác phẩm và cảnh cho chữ.

2. Thân bài

2.1. Tác giả, tác phẩm

– Nguyễn Tuân là một nghệ sĩ có phong cách nghệ thuật tài hoa, uyên bác được gói gọn trong một chữ ngông. Ông được mệnh danh là nhà văn suốt đời đi tìm cái đẹp, cái thật.

– “ Vang bóng một thời” đã thể hiện đầy đủ phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân. Truyện ngắn “ Chữ người tử tù” cụ thể là cảnh cho chữ đã thể hiện rõ điều đó.

2.2. Cảnh cho chữ

– Lí do cho chữ: Huấn Cao là một người nghệ sĩ tài hoa với tài viết chữ rất đẹp. Nét chữ ấy đã trở thành sở nguyện cao quý của viên quan coi ngục. Sau bao chân thành, kiên trì của ngục quan, cuối cùng, Huấn Cao đã cho chữ.

– Cảnh cho chữ xưa nay chưa từng có

+ Đọc đáo về không gian cho chữ: là một căn phòng tối, chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián.

+ Thời gian cho chữ: đêm khuya, người về hết, là khoảnh thời gian còn xót lại của người tử tù sáng ngày mai phải lên kinh chịu án chém.

+ Tâm trạng, tư thế của người cho chữ và người nhận chữ. Huấn Cao cổ đeo gông, chân vướng xiềng, mang trọng mình tâm thế của người sắp đối diện với cái chết vẫn dậm tô từng nét chữ.

+ Trật tự kỉ cương của nhà tù đảo lộn khi Huấn Cao là tù nhân mà uy nghi, ung dung, đĩnh đạc ban phát cái đẹp và răn dậy ngục quan. Ngục quan khúm núm, sợ sệt vái lạy tù nhân.

– Ý nghĩa:

+ Khẳng định sự chiến thắng, sự lên ngôi tuyệt đối của ánh sáng đối với bóng tối, của cái đẹp với cái xấu xa, nhơ bẩn, của cái thiện đối với cái ác. Cái đẹp, cái thiện được tôn vinh, toả sáng.

+ niềm tin vào con người, vào cái đẹp. Cái đẹp có thể xuất hiện, có thể nảy sinh ở bất kỳ đâu. Nó có sức mạnh cảm hoá tâm hồn con người.

>> Xem thêm:  Cảm nghĩ về khổ thơ hay nhất trong bài thơ Từ ấy.

3. Kết bài:

Cái đẹp là nghệ thuật sống. Nghệ thuật không chỉ cho người ta nhận thức thẩm mỹ mà còn cải tạo cuộc sống theo yêu cầu thẩm mỹ. Tiếng nói của cái đẹp đã thức tỉnh lương tri con người, chinh phục con người, hướng con người đến thiên lương, đến những vẻ đẹp nguyên sơ trong sáng nhất. Thông qua cảnh cho chữ, cái đẹp mới đạt tới đỉnh cao giá trị của nó và từ đó, làm nên sức sống lâu bền cho tác phẩm.

van mau hoc tro phan tich canh cho chu trong tac pham chu nguoi tu tu cua nguyen tu - [Văn mẫu học trò] Phân tích cảnh cho chữ trong tác phẩm Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân

Phân tích cảnh cho chữ trong tác phẩm Chữ người tử tù

Bài văn tham khảo

Văn chương nghệ thuật bao giờ cũng hướng đến cái đẹp, cái chân thiện mỹ. Văn chương chân chính là văn chương có khả năng rung động khoái cảm thẩm mỹ trong lòng người đọc. Có rất nhiều tác phẩm đã chạm đến quy định sáng tác ấy và trở nên thân thuộc với hậu thế hôm nay. Trong số các tác phẩm ấy không thể không kể đến tác phẩm “ Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân với cảnh cho chữ là đỉnh cao của nghệ thuật và cái đẹp.

Nguyễn Tuân là một nghệ sĩ có phong cách nghệ thuật tài hoa, uyên bác được gói gọn trong một chữ ngông. Ông được mệnh danh là nhà văn suốt đời đi tìm cái đẹp, cái thật. Tác phẩm nổi tiếng làm nên tên tuổi ông phải kể đến tập truyện “ Vang bóng một thời”. Tác phẩm gồm mười một truyện ngắn với mục đích đi tìm vẻ đẹp của một thời còn vang bóng. Cả mười một truyện ngắn đều có cảm giác bao trùm là bi quan trước thực tại, hoài nghi về tương lai, niềm tin duy nhất hướng về quá khứ. Nhưng cũng vì vậy, tập truyện đã thể hiện đầy đủ phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân. Con người có khả năng đi tìm cái đẹp, ngợi ca cái đẹp, con người có ý thức tìm đến văn chương để khoe tài hoa. Tất cả là hướng đến cái đẹp, cái toàn mĩ. Truyện ngắn “ Chữ người tử tù” cụ thể là cảnh cho chữ đã thể hiện rõ điều đó.

>> Xem thêm:  Nghệ thuật khắc họa tính cách nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm Chữ người tử tù của tác giả Nguyễn Tuân

Huấn Cao là một người nghệ sĩ tài hoa với tài viết chữ rất đẹp, từng nét chữ vuông tươi tắn nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người. Nét chữ ấy đã trở thành sở nguyện cao quý, một báu vật ở trên đời đối với viên quan coi ngục. Sau bao chân thành, kiên trì của ngục quan, cuối cùng, Huấn Cao đã hối hận và trân trọng vì đã kịp thời phát hiện ra một tấm lòng trong thiên hạ. Và rồi trong nhà tù thực dân phong kiến, lần đầu tiên diễn ra một cảnh cho chữ xưa nay chưa từng có.

Cảnh cho chữ là cảnh xưa nay chưa từng có bởi lẽ, không gian cho chữ là một căn phòng tối, chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián. Xưa nay cho chữ, người ta luôn cho ở những nơi thanh cao, sạch sẽ, sáng sủa, ở những nơi có gió thoảng hoa bay, hương hoa đua nở. Ai cũng biết, chơi chữ là một thú vui tao nhã, thể hiện sự tài hoa, thanh cao của những bậc Nho gia xưa. Thế mà giờ đây, nó lại được cho trong một không gian nhà tù không có ánh sáng, bẩn thỉu, hôi hám.

Không chỉ độc đáo về không gian cho chữ, thời gian cho chữ cũng rất khác biệt. Nó diễn ra trong thời gian là đêm đã khuya, người đã về hết. Và chẳng có gì đáng nói khi đây cũng chính là khoảnh thời gian còn xót lại của người tử tù sáng ngày mai phải lên kinh chịu án chém. Từ trước đến giờ chưa bao giờ có một người là người cho chữ, người chuyển giao cái đẹp lại là một tên tội phạm, một kẻ từ tù chỉ còn chút thời gian hiếm hoi trong cuộc đời mình trước khi phải chịu án chém. Chỉ Nguyễn Tuân mới có thể xây dựng tình huống trái ngược như vậy.

Cảnh cho chữ đúng là xưa nay chưa từng có khi còn lạ cả trong tâm trạng, tư thế của người cho chữ và người nhận chữ. Huấn Cao cổ đeo gông, chân vướng xiềng, mang trọng mình tâm thế của người sắp đối diện với cái chết vẫn dậm tô từng nét chữ. Trật tự kỉ cương của nhà tù hoàn toàn bị đảo lộn khi Huấn Cao là tù nhân mà uy nghi, ung dung, đĩnh đạc ban phát cái đẹp và răn dậy ngục quan. Ngục quan có cái quyền sinh sát, là viên quan coi ngục của nhà tù thực dân mà lại khúm núm, sợ sệt vái lạy tù nhân. Tất cả đều đảo lộn vị trí, hướng đến chủ ý nghệ thuật sâu sắc của nhà văn Nguyễn Tuân.

>> Xem thêm:  Lập dàn ý cho bài văn tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm

Cảnh cho chữ đã khẳng định sự chiến thắng, sự lên ngôi tuyệt đối của ánh sáng đối với bóng tối, sự chiến thắng của cái đẹp với cái xấu xa, nhơ bẩn, của cái thiện đối với cái ác. Cái đẹp, cái thiện được tôn vinh, toả sáng. Cảnh cho chữ cũng thể hiện niềm tin của nhà văn vào con người, vào cái đẹp. Cái đẹp có thể xuất hiện, có thể nảy sinh ở bất kỳ đâu, kể cả nơi mà ta không bao giờ nghĩ tới. Nó có sức mạnh, cảm hoá, thanh lọc và cứu rỗi tâm hồn con người. Khoảnh khắc kết thúc cảnh cho chữ là hình ảnh viên quản ngục xúc động nghẹn ngào, dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng “ kẻ mê muội này xin bái lĩnh” cũng là lúc cái đẹp đã thực sự lên ngôi, đã phát huy hết mọi sức mạnh cảm hoá. Người đọc hoàn toàn có thể tin tưởng một ngày kia, viên quản ngục sẽ cởi áo từ quan, mang theo nét chữ Huấn Cao về quê sống đúng với thiên lương trong sáng của mình.

Cái đẹp là nghệ thuật sống. Nghệ thuật không chỉ cho người ta nhận thức thẩm mỹ mà còn cải tạo cuộc sống theo yêu cầu thẩm mỹ. Tiếng nói của cái đẹp đã thức tỉnh lương tri con người, chinh phục con người, hướng con người đến thiên lương, đến những vẻ đẹp nguyên sơ trong sáng nhất. Thông qua cảnh cho chữ, cái đẹp mới đạt tới đỉnh cao giá trị của nó và từ đó, làm nên sức sống lâu bền cho tác phẩm.

Bài viết liên quan