[Văn mẫu học trò] Suy nghĩ về câu chuyện Tất cả sức mạnh


Đề bài:

TẤT CẢ SỨC MẠNH

Có một cậu bé đang chơi ở đống cát trước sân. Khi đào một đường hầm trong đống cát, cậu bé đụng phải một tảng đá lớn. Cậu bé liền tìm cách đẩy nó ra khỏi đống cát.Cậu bé dùng đủ mọi cách, cố hết sức lực nhưng rốt cuộc vẫn không thể đẩy được tảng đá ra khỏi đống cát. Đã vậy bàn tay cậu còn bị trầy xước, rướm máu. Cậu bật khóc rấm rứt trong thất vọng.

Người bố ngồi trong nhà lặng lẽ theo dõi mọi chuyện. Và khi cậu bé bật khóc, người bố bước tới: “Con trai, tại sao con không dùng hết sức mạnh của mình?”.Cậu bé thổn thức đáp: “Có mà! Con đã dùng hết sức rồi mà bố!”.

“Không con trai – người bố nhẹ nhàng nói – con đã không dùng đến tất cả sức mạnh của con. Con đã không nhờ bố giúp”. Nói rồi người bố cúi xuống bới tảng đá ra, nhấc lên và vứt đi chỗ khác.

(Theo báo Tuổi trẻ – Bùi Xuân Lộc phỏng dịch từ Faith to Move Mountains).

Viết một bài văn khoảng 3 trang giấy thi trình bày suy nghĩ của em về những điều câu chuyện trên gợi ra.

(Trích đề tuyển sinh vào THPT chuyên ĐHSP Hà Nội năm 2018)

Dàn ý chi tiết

1. Mở bài

Giới thiệu câu chuyện và vấn đề cần nghị luận

2. Thân bài

Giải thích nội dung, ý nghĩa câu chuyện

– Cậu bé đối diện với khó khăn, dù cố gắng hết sức vẫn thất bại, khóc và tuyệt  vọng vì nghĩ rằng sức mạnh của con người nằm trong chính bản thân mình.

– Người cha với lời nói và hành động mang đến một thông điệp: sức mạnh của mỗi  người là sức mạnh của bản thân và sự giúp đỡ từ người khác.

=> Bài học: Tự lực là cần thiết nhưng nếu không biết dựa vào sự giúp đỡ từ người  khác khi cần thiết cũng khó thành công hơn.

Bàn luận về ý nghĩa câu chuyện

– Tại sao mỗi người nên nhận sự giúp đỡ của người khác?

+ Thực tế cuộc sống đặt ra nhiều vấn đề phức tạp, bất ngờ vượt khỏi khả năng của  mỗi cá nhân; có những vấn đề phải nhiều người mới giải quyết được.

+ Mỗi người luôn có khát vọng được thành công trên nhiều lĩnh vực.

– Ý nghĩa của sự giúp đỡ từ người khác:

+ Sự thành công sẽ nhanh và bền vững hơn.

+ Người nhận sự giúp đỡ có thêm sức mạnh và niềm tin, hạn chế được những rủi ro và thất bại.

>> Xem thêm:  Bình giảng bài ca dao Chẳng thơm cũng thể hoa nhài …

+ Tạo lập mối quan hệ tốt đẹp, gắn kết giữa người với người, nhất là trong xu thế hội nhập hiện nay.

– Giúp đỡ không phải là làm thay; giúp đỡ phải vô tư, chân thành, tự nguyện.

– Phê phán những người tự cao không cần đến sự giúp đỡ của người khác, những người ỷ lại, dựa dẫm vào người khác.

Bài học

– Phải nhận thấy sức mạnh của cá nhân là sức mạnh tổng hợp.

– Chủ động tìm sự giúp đỡ và chỉ nhận sự giúp đỡ khi bản thân thực sự cần.

– Có thói quen giúp đỡ mọi người.

3. Kết bài

Khẳng định ý nghĩa câu chuyện, liên hệ bản thân,…

suy nghu ve cau chuyen tat ca suc manh - [Văn mẫu học trò] Suy nghĩ về câu chuyện Tất cả sức mạnh

Suy nghĩ về câu chuyện Tất cả sức mạnh

Bài văn tham khảo

Trong cuộc sống, ai cũng muốn thành công, ai cũng muốn có những thứ tốt đẹp. Tuy nhiên, cuộc đời thiên biến vạn hóa lại không tốt đẹp như vậy. Đôi khi, ta gặp khó khăn và không thể vượt qua bằng tất cả sức mình. Đừng nản chí! Hãy mượn “sức mạnh” của người khác để vươn lên. Cũng đừng quên trao “sức mạnh” cho người khác để họ vươn lên cùng mình. Câu chuyện “Tất cả sức mạnh” gửi đến ta những thông điệp đó. Và theo tôi, đó là cơ sở của thành công.

Câu chuyện xoay quanh hai nhân vật (người con và người cha), hướng đến chủ đề “sức mạnh”. “Sức mạnh” là yếu tố, năng lực, quyền lực của mỗi người, góp phần quan trọng tạo nên thành công. Người này có sức mạnh lớn, người kia có sức mạnh bé. Và không ai trong chúng ta có cùng chung “sức mạnh”. Vì mỗi người có trình độ và kĩ năng khác nhau. Thực tế chứng minh và thừa nhận điều đó. Ở câu chuyện đã cho, ta thấy có sự sẻ chia “sức mạnh” từ người bố sang người con. Đó là bài học cuộc sống đầu tiên.

Ở người con, cậu dùng hết mọi cách, hết sức nhưng vẫn không tài nào đẩy được tảng đá. “Tảng đá” là hình ảnh của thử thách, khó khăn. Sở dĩ cậu bé không thành công là vì cậu chưa biết “mượn sức” người khác. Làm một mình khi không đủ “sức mạnh” chỉ cốt mang lại thất bại thảm hại, cụ thể là cậu bé bị “trầy xướt, rớm máu”. Qua đó, tôi rút ra được bài học đầu tiên: Trong cuộc sống, đôi khi ta cần mượn “sức mạnh” của những người xung quanh để vượt qua khó khăn hay thậm chí để thành công. Thật vậy, ta khó có thể đương đầu với sóng gió cuộc đời chỉ với một thân trần trụi. Đừng buồn! Hãy nhớ rằng tất cả “sức mạnh” của ta không chỉ đơn thuần là bản thân ta. Nó còn kết hợp với “sức mạnh” của cộng đồng, mới hoàn hảo và đầy đủ. Vậy nên đừng bao giờ quên mượn “sức mạnh” của những người tốt bụng xung quanh. Đừng ngại ngùng và đừng quên họ. Điều gì đảm bảo họ sẽ không giúp đỡ nếu ta lên tiếng? Không điều gì cả! Vậy tại sao ta không lên tiếng kêu gọi “sức mạnh” khi cần? Hãy nhận thức rõ năng lực của bản thân và mượn “sức mạnh” khi cần. Thực tế cho chúng ta thấy rằng: Có nhiều người mượn “sức mạnh” của người khác và thành công. Như Lưu Bị, ông ba lần mời Gia Cát Lượng xuống núi giúp mình làm việc lớn. Bằng tài trí hơn người, Gia Cát Lượng cùng Lưu Bị lập ra vương triều Thục Hán. Phải chăng Lưu Bị đã mượn “sức mạnh” của một vị tiên sinh tài ba và đạt được thành quả lớn? Học sinh cũng vậy, chúng ta thường xuyên học hỏi từ bạn bè, thầy cô…; “mượn sức mạnh” của họ tích lũy vào “sức mạnh” của mình. Đừng ngại ngùng và xấu hổ! Việc học là vinh quang, đó là một phương pháp học tốt. Hãy nghĩ rằng “Không thầy đố mày làm nên” và “Học thầy không tày học bạn”. Hãy mượn “sức mạnh” của những người xung quanh để vượt qua trắc trở rồi thành công!

>> Xem thêm:  Phân tích truyện ngắn “Làng” của Kim Lân

Mượn “sức mạnh” là tốt. Tuy nhiên, chúng ta mượn “sức mạnh” từ những người bản lĩnh thực sự, có khả năng giúp đỡ ta. Như Lưu Bị cầu hiên vật đấy! Mượn “sức mạnh” nhưng cũng phải thận trọng. Đôi khi, ta có thể tự mình hoàn thành công việc nhưng ỷ lại vào người khác là không tốt. Đó là điều sai. Chỉ mượn “sức mạnh” khi cần thiết để mang lại hiệu quả thật sự.

Khi đã vượt qua khó khăn và đi đến thành công, ta cũng nên giúp đỡ người khác, nghĩa là biết trao cho họ “sức mạnh”. Như người bố trong câu chuyện, ông chỉ ra lỗi sai, định hướng và giúp đỡ con vượt qua khó khăn. Người con không thể đẩy được tảng đá nhưng người cha thì có thể. Ông giúp đỡ cậu bé dù cậu quên việc mượn “sức mạnh” của bố. Qua đó, ta rút ra được bài học thứ hai: Trong cuộc sống, ta cần giúp đỡ người khác, trao cho họ “sức mạnh” để họ vượt qua khó khăn, đạt được thành công. Đừng quá ích kỷ cho dù là một lần! Khi mang lại “sức mạnh” cho người khác, chẳng có gì hại cho ta cả. Ngược lại, ta còn được tôn vinh, kính trọng. Nếu họ thành công, ta được “thơm lây” trong danh tiếng của họ. Hãy nghĩ về một con trai dưới nước. Một hạt cát chui vào bên trong nó làm nó khó chịu vô cùng. Không thể tống khứ hạt cát, nó đã tiết ra một chất dẻo vây lấy hạt cát. Dần dần, hạt cát biến thành viên ngọc trai lung linh. Dù không cho mượn “sức mạnh” từ lòng thiện nguyện nhưng con trai đã mang lại cơ hội cho hạt cát bé xíu được trở nên đẹp đẽ. Và con trai, nó đẹp hơn bao giờ hết! Vậy con người thì sao, ta thông minh và tài giỏi hơn muôn loài. Ta nên sẻ chia “sức mạnh” cho nhau để cùng phát triển. “Sức mạnh” ở đây chẳng lấy làm to lớn quá! Đôi lúc, một lời an ủi khi bạn bè vừa mất người thân, một lời động  viên cho một học sinh thi trượt, một gói mì cho những người chạy lụt… cũng là trao “sức mạnh” vô bờ bến cho họ. Quả như một văn hào đã nói: “Đôi môi có hé mở thì mới thu nhận được nụ cười. Bàn tay có mở rộng trao ban, tâm hồn mới ngập tràn vui sướng.”

>> Xem thêm:  Văn thuyết minh về một phiên chợ quê Việt Nam

Hãy trao “sức mạnh” một cách đúng đắn! Đừng cho người ta quá thừa để rồi người ta ỷ lại vào mình và thất bại. Hãy dạy người khác cách câu cá chứ đừng cho người ấy con cá! Đó là việc tốt hơn cả.

Qua câu chuyện “Tất cả sức mạnh”, ta nhận được bài học về nhận “sức mạnh” và cho “sức mạnh” hiện lên rất rõ. Qua hai nhân vật, ta càng thấm thía hơn nội dung câu chuyện. Điều đó thôi thúc chúng ta vận dụng bài học ấy vào cuộc sống. Như tôi, tôi sẽ nhờ thầy cô, bạn bè giúp đỡ khi gặp những bài tập vượt quá sức mình. Tôi cũng sẽ giúp đỡ các bạn học để họ cùng vươn tiến. Câu chuyện thật sự hay và ý nghĩa, nó giúp chúng ta nhiều điều.

Nguyễn Đức Minh

Bài viết liên quan