Suy nghĩ về văn bản Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu


Suy nghĩ về văn bản Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu

1. Tác phẩm Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu của Nguyễn Ái Quốc phản ánh về cuộc gặp gỡ của hai nhân nhân vật có thực trong lịch sử. Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ của hai nhân nhân vật trong tác phẩm là không có thực trong lịch sử. Điều này được chính tác giả nói ngay ở phần đầu của tác phẩm: “Nhưng chúng ta hãy theo dõi, theo dõi bằng chính đôi cánh của trí tưởng tượng”. 

Trong thực tế, khi Va-ren sang Đông Dương cũng không có cuộc gặp gỡ của y với Phan Bội Châu ở Hoả Lò (Hà Nội). Qua đây, chúng ta có thể thấy bằng nghệ thuật hư cấu, nhà văn dựng lên cảnh gặp gỡ rất sinh động, diễn ra y như thật. Dựng lên cuộc gặp gỡ này, Nguyễn Ái Quốc muốn nhằm mục đích vạch trần bộ mặt xảo trá, lừa bịp nhố nhăng của tên toàn quyền Đông Dương và ca ngợi người anh hùng Phan Bội Châu, góp thêm một tiếng nói đòi thả tự do cho nhà yêu nước Phan Bội Châu. So sánh với thể kí, qua tác phẩm, ta thấy một đặc điểm của truyện: khác kí về cách phản ánh đời sống hiện thực. Kí là ghi chép, phản ánh về con người và sự việc có thực. Trong khi đó, truyện lại chủ yếu là dùng trí tưởng tượng để hư cấu, sáng tạo những bức tranh về đời sống trên cơ sở hiện thực.

2. Nhân vật Va-ren và Phan Bội Châu được Nguyễn Ái Quốc khắc hoạ cụ thể như sau:

– Nhân vật Va-ren được khắc hoạ chủ yếu trên phương diện ngôn ngữ. Đó là hình thức đối thoại đơn phương (gần như độc thoại vì Phan Bội Châu không hề đáp lại lời nào. Cụ thể:

>> Xem thêm:  Phát biểu cảm nghĩ về nhân vật Thị Kính

+ Phần đầu tác phẩm, người kể chuyện kể lại lời “nửa chính thức hứa” của Va-ren về việc sẽ “chăm sóc vụ Phan Bội Châu”.

+ Khi gặp Phan Bội Châu (qua tưởng tượng của nhà văn): Va-ren bảo với Phan Bội Châu: “Tôi đem tự do đến cho ông đây!” Va-ren bắt tay Phan Bội Châu trong tư thế “tay phải giơ ra bắt”, “tay trái thì nâng cái gông to kệch đang xiết chặt Phan Bội Châu”. Va-ren yêu cầu Phan Bội Châu: “trung thành với nước Pháp, hãy cộng tác, hãy hợp lực với nước Pháp”. Va-ren muốn cùng Phan Bội Châu xây dựng Việt Nam thành “một quốc gia tân tiến lớn, một xứ tự trị, một nước Pháp ở châu Á!”. Va-ren khuyên Phan Bội Châu “để mặc đấy những ý nghĩ phục thù”, “từ bỏ những mưu đồ xưa cũ, và, thôi, chớ tìm cách xúi giục đồng bào nổi lên” chống Pháp, hãy “bảo họ cộng tác với người Pháp”,… Va-ren kể cho Phan Bội Châu những tấm gương phản bội để thuyết phục ông như: Nguyễn Bá Trác, Guy-xta-vơ, A-lếch-xăng. A-ri-xtít, An-be, Pôn, Lê-ông và chính bản thân y.

– Nhân vật Phan Bội Châu được thể hiện qua ba cách: Miêu tả nhân vật qua nhiều điểm nhìn của người kể chuyện và các nhân vật khác, nhưng vẫn thống nhất để tăng tính thuyết phục, cùng ngợi ca Phan Bội Châu.

+ Lời trực tiếp của người kể chuyện (ngôi thứ ba vô hình nhưng luôn thể hiện thái độ, tình cảm qua lời kể chuyện, miêu tả, bình luận): “con người đã hi sinh cả gia đình và của cải để xa lánh khỏi thấy mặt bọn cướp nước mình…. bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập”.

>> Xem thêm:  Nỗi nhớ của người xa quê qua bài ca dao: Anh đi anh nhớ quê nhà. Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương. Nhớ ai dãi nắng dầm sương, Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao

+ Trong cuộc chạm trán với Va-ren, Phan Bội Châu được miêu tả rất ít, chỉ bằng một câu: “Nhưng, lạ chưa! Những lời nói của Va-ren hình như lọt vào tai (Phan) Bội Châu chẳng khác gì “nước đổ lá khoai”, và cái im lặng dửng dưng cả (Phan) Bội Châu suốt buổi gặp gỡ hình như làm cho Va-ren sửng sốt cả người”.

+ Nhân cách và chí khí của Phan Bội Châu được khắc họa qua lời kể các nhân chứng của buổi gặp gỡ. Anh lính dõng An Nam bảo Phan Bội Châu chỉ “cười ruồi” còn người khác thì bảo Phan Bội Châu “nhổ vào mặt Va-ren”.

Xây dựng hai nhân vật Va-ren và Phan Bội Châu, Nguyễn Ái Quốc đã sử dụng nghệ thuật tương phản (đối lập) để cho mọi người thấy được nhân cách của hai người. Qua những lời của Va-ren, người ta thấy sự giả dối, lố bịch cùng tâm địa đen tối của một kẻ phản bội giai cấp vô sản. Hình thức độc thoại nội tâm là cách tác giả để cho nhân vật tự “bóc mẽ” mình. Với Phan Bội Châu, nhà văn dùng sự im lặng làm phương thức đối lập với những lời “thao thao bất tuyệt” của Va-ren. Sự im lặng đó đã thể hiện sự phớt lờ, coi thường “vị thiên sứ”. Sự tương phản của hai nhân vật là sự tương phản của một bên là kẻ phản bội, bất lương (Va-ren, đại diện cho bọn thống trị xâm lược) và một bên là nhà yêu nước, người anh hùng dân tộc nhưng bị thất bại, bị bắt làm người tù. Đó là sự tương phản về nhân cách. Đối lập với Va-ren, nhân cách của Phan Bội Châu hiện lên thật cao cả, vĩ đại. Nghệ thuật xây dựng nhân vật của Nguyễn Ái Quốc thật đặc sắc, thâm thuý, sinh động và lí thú.

>> Xem thêm:  Cảm nghĩ về người cha thân yêu

3. Đoạn cuối của truyện (phần tái bút), Nguyễn Ái Quốc đã thuật lại lời kể của hai nhân chứng có mặt trong buổi gặp gỡ giữa Va-ren và Phan Bội Châu. Người thứ nhất thì bảo Phan Bội Châu "… đôi ngọn râu mép của người tù nhếch lên một chút rồi lại hạ xuống ngay, và cái đó chỉ diễn ra có một lần thôi” (Phan Bội Châu cười ruồi). Và người thứ hai thì bảo: “Phan Bội Châu đã nhổ vào mặt Va-ren, cái đó thì cũng có thể”. Hai lời kể này tạo nên sự đa dạng cho cách kể chuyện, thể hiện sự khách quan cho câu chuyện, trong việc phản ánh khí phách và thái độ của Phan Bội Châu (không phải một người thấy được sự coi thường khinh bỉ của Phan Bội Châu với Va-ren mà là hai người, cũng có nghĩa là nhiều người trông thấy). Làm cho kết truyện trở nên bất ngờ, thú vị.

Hai lời kể làm tăng cấp sự thể hiện nhân vật Va-ren và Phan Bội Châu. Phan Bội Châu thì khí phách hiên ngang, bất khuất, nhân cách cao thượng trước kẻ thù. Ngược lại Va-ren càng lộ rõ sự thất bại thảm hại, lố bịch trước nhà yêu nước vĩ đại.

Thái độ của Nguyễn Ái Quốc: Với nhân vật Va-ren nhà văn đã châm biếm, đả kích, vạch trần những trò hề lố bịch cùng nhân cách thấp hèn của một kẻ phản bội giai cấp, kẻ xâm lược bất lương. Với Phan Bội Châu, tác giả đã thể hiện lòng khâm phục, sự tôn kính, ngợi ca nhân cách cao đẹp, khí phách hiên ngang, bất khuất trước kẻ thù.

Bài viết liên quan