MS534 – Suy nghĩ về hai ý kiến: “Hãy quên mình đi để yêu thương người khác sâu sắc hơn” và “Chỉ khi nào bạn biết tôn trọng và yêu thương chính mình thì bạn mới thực sự biết yêu thương quý trọng người khác một cách sâu sắc”


Đề bài: Có ý kiến cho rằng: “Hãy quên mình đi để yêu thương người khác sâu sắc hơn” .Nữ sĩ Quỳnh Dao trong một bài tản văn lại có nói rằng: “Chỉ khi nào bạn biết tôn trọng và yêu thương chính mình thì bạn mới thực sự biết yêu thương quý trọng người khác một cách sâu sắc”.

Suy nghĩ của anh chị về hai ý kiến trên

Bài làm

Tình yêu thương là một thứ tình cảm đầy thiêng liêng, cao quý của con người. Ngay từ khi mới chào đời, mới biết chớp đôi mắt nhỏ để ngắm nhìn ánh sáng của thế giới ngoài kia, một đứa trẻ sơ sinh đã biết yêu mẹ, biết nhận ra hơi ấm của mẹ và luôn muốn cả ngày được bên mẹ. Và rồi, tình yêu trong lòng mỗi người cứ thế lớn dần lên, không chỉ biết yêu thương mẹ cha mà còn biết yêu thương mọi người xung quanh, không chỉ biết bi bô nói chuyện cùng người mình yêu thương mà còn biết quan tâm, sẻ chia, săn sóc,…họ. Thế nhưng, để thể hiện tình yêu thương một cách sâu sắc, yêu thương hết mình thì không phải là dễ dàng. Bàn về điều ấy, có ý kiến cho rằng: “Hãy quên mình đi để yêu thương người khác sâu sắc hơn” nhưng cũng có ý kiến lại cho rằng: “Chỉ khi bạn biết tôn trọng và yêu thương chính mình thì bạn mới thực sự biết yêu thương quý trọng người khác một cách sâu sắc”.

Tình yêu thương là thứ tình cảm thuần túy, trong sáng và thiêng liêng nhất của mỗi người. Có rất nhiều quan niệm về yêu thương: yêu thương là phải ở bên nhau, yêu thương là phải săn sóc nhau, yêu thương là luôn phải dõi theo nhau,… Nhưng, muốn làm được tất cả những điều ấy thì con người phải biết yêu thương một cách đúng đắn. “Quên mình” tức là biết gạt bỏ cái tôi, không màng tới tư lợi mà biết “yêu thương người khác” – dành tình cảm của mình tới một người nào đó. Ý kiến: “Hãy quên mình đi để yêu thương người khác sâu sắc hơn” đề cao sự cao cả của việc biết hy sinh, vì người khác trong tình yêu. “ Chỉ khi bạn biết tôn trọng và yêu thương chính bản thân mình thì bạn mới thực sự biết yêu thương và quý trọng người khác một cách sâu sắc”. “Tôn trọng và yêu thương chính mình” là khi ta tự giữ được cho mình lương tâm trong sáng, thấu hiểu được hết mọi xúc cảm và suy nghĩ trong tâm hồn của chính bản thân mình. Với ý kiến thứ hai, điều mà nó muốn nhắc nhở ta chính là giá trị của sự thấu hiểu, thấu đáo, biết đặt mình vào địa vị của người khác mà cảm thông, mà sẻ chia,…trong tình yêu. Hai ý kiến là hai quan điểm khác nhau về cách để yêu thương, thế nhưng, chúng đều hướng tới một cái đích chung, đó là dẫn con người tìm đến một tình yêu thương đúng nghĩa, một tình yêu chân thành, trong sáng, sâu sắc và đầy tính nhân văn.

>> Xem thêm:  MS467 - Nghị luận xã hội về sự tự tin

hay quen minh di de chia se - MS534 - Suy nghĩ về hai ý kiến: "Hãy quên mình đi để yêu thương người khác sâu sắc hơn" và "Chỉ khi nào bạn biết tôn trọng và yêu thương chính mình thì bạn mới thực sự biết yêu thương quý trọng người khác một cách sâu sắc"

Ảnh minh họa

“Hãy quên mình đi để yêu thương người khác sâu sắc hơn”. Biết “quên mình” trong tình yêu là biết gạt bỏ cái tôi, sự ích kỷ của bản thân, bỏ qua những tổn hại cá nhân để hướng tới lợi ích và những điều tốt đẹp hơn của cái chung. Khi biết quên mình, ta sẽ biết hy sinh, biết sống cống hiến, biết dành trọn những điều tốt đẹp nhất cho tình yêu.  Cũng giống như lời bài hát đã đi vào huyền thoại của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng… Để gió cuốn đi… Ôi trái tim đang bay theo thời gian”. Trái tim biết hy sinh sẽ là trái tim biết đập những nhịp đập của yêu thương, biết loạn nhịp vì hạnh phúc, vì được yêu, biết rỉ máu vì đau đớn, vì biết mình đang khổ đau trong tình yêu. Và cả khi trái tim ấy sẽ thôi không đập nữa, nó sẽ vẫn “bay theo thời gian”, vương vấn trong không gian, mãi mãi không bao giờ chết vì tình yêu mà nó đã hy sinh. Và rồi khi ta biết “quên mình”, tình yêu sẽ không còn những dối gian, vật chất,…điều duy nhất ở lại sẽ chính là sự thuần khiết, thiêng liêng và sức mạnh đầy cao cả của tình yêu. Một câu chuyện đã từng gây sốt trên mạng xã hội sẽ minh chứng cho sức mạnh của sự hy sinh cao cả ấy. Em Vì Quyết Chiến – một bé trai 13 tuổi ở Sơn La đã dám làm một điều mà tưởng chừng như sẽ không bao giờ xảy ra: em một mình đạp chiếc xe đạp không phanh, không một đồng tiền trong người, em cứ thế đạp xe 100 ki lô mét từ quê nhà Sơn La để những mong được gặp đứa em nhỏ của mình đang điều trị bệnh tại Hà Nội. Hành trình của em đã may mắn được các mạnh thường quân biết tới và giúp sức, em đã tới được Hà Nội, được gặp đứa em nhỏ mà em luôn yêu thương, thế nhưng, nghị lực và sự hy sinh lớn lao của em mới chính là điều đáng nể phục nhất. Đó không phải là sự bồng bột, mạo hiểm mà đó chính là sức mạnh của tình yêu, của sự hy sinh quên mình.

“Quên mình” không phải là cách duy nhất để có được tình yêu thương sâu sắc, mà có thể, “chỉ khi bạn biết tôn trọng và yêu thương chính bản thân mình thì bạn mới thực sự biết yêu thương và quý trọng người khác một cách sâu sắc”. Khi ta biết “tôn trọng và yêu thương chính bản thân mình” cũng chính là lúc ta thấu hiểu được rõ bản thân ta, ta biết ta đang ở vị trí nào, ta biết ta thích gì, cần gì, biết ta sẽ cảm thấy như thế nào nếu ở trong mọi hoàn cảnh,… Sự thấu hiểu và yêu thương chính bản thân mình chính là điều cốt lõi tạo nên tình yêu thương cho mỗi người. Trên cơ sở của sự thấu hiểu ấy, ta sẽ biết “thương người như thể thương thân”, biết yêu thương, sẻ chia, vị tha,… cho những người khác như chính bản thân mình. Và rồi, tình yêu dựa trên sự thấu hiểu ấy sẽ không còn rào cản của sự bất đồng, không còn khoảng cách của sự cá nhân nữa. Tình yêu biết sẻ chia, thấu hiểu sẽ vượt qua mọi biên giới của không gian, con người. Giống như thảm họa sóng thần tại Indonesia hồi tháng 9 năm 2018, đã có hàng nghìn người chết, cả đất nước Indonesia bàng hoàng nhưng hàng triệu con tim trên thế giới đau đớn. Sự mất mát, đau thương của dân tộc Indonesia những người khác – chúng ta – không trực tiếp trải qua, thế nhưng, chúng ta hoàn toàn có thể cảm nhận được không khí tang thương, sự đau đớn đến tột cùng của những gì đã xảy ra ấy. Và cả thế giới đã chung tay cùng với Indonesia, góp cả sức lẫn của cùng đất nước vừa trải qua đau thương ấy sẻ chia, vực dậy những người còn sống sót để họ tiếp tục cuộc sống của mình.

>> Xem thêm:  Thuyết minh về loài cây gắn với học sinh

Dù là “quên mình” hay “biết tôn trọng và yêu thương chính bản thân mình” thì cả hai ý kiến đều hướng con người tới những cách yêu thương đúng đắn, tới tình yêu trong sáng, chân thành, và thiêng liêng nhất. Cũng từ ấy, con người sẽ hạnh phúc vì được yêu và sống trong tình yêu, sẽ xây dựng được những mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa người với người. Đồng thời, tình yêu chân chính cũng sẽ đắp xây một cộng đồng giàu tình người hơn, một xã hội văn minh và bác ái hơn. Thế nhưng, ta phải biết linh hoạt giữa hai cách ứng xử trong tình yêu, khi nào cần “tôn trọng và yêu thương chính bản thân mình” và khi nào thì nên biết “quên mình” đi. Trước khi hành xử và tiến tới tình yêu ta hãy tập cho mình thói quen thấu hiểu, đặt mình vào địa vị của người khác để xem, nếu là họ ta sẽ cảm thấy như thế nào, nếu tình huống này xảy ra thì họ sẽ có phản ứng gì,… từ đó ta sẽ lựa chọn được cho mình cách hành xử đúng đắn nhất, phù hợp nhất. Đồng thời, trước mọi quyết định và sự lựa chọn, ta hãy suy xét kĩ mọi khả năng có thể xảy ra, bình tĩnh để biết đặt lợi ích chung lên hàng đầu, biết bỏ qua cái tôi và tư lợi của bản thân để đưa ra quyết định hay nhất, thích hợp nhất cho tất cả mọi người và cộng đồng, xã hội.

Tuy nhiên, trong cuộc sống không phải ai cũng đủ bình tĩnh để suy xét thật kĩ mọi việc. Vẫn có những người vì cái tôi, cái tự ái quá lớn và bị những thứ vật chất xa hoa hút hồn mà lựa chọn cách sống ích kỉ, cá nhân. Vẫn có những người luôn luôn thờ ơ, vô cảm và không chịu đặt mình vào hoàn cảnh người khác để cảm thông, sẻ chia,…hay tha thứ cho họ. Tất cả những điều ấy đều có điểm chung đó là sự bàng quan, ích kỷ, và đáng lên án. Con người ai cũng mong muốn được yêu thương và sống trong tình yêu, thế nhưng, thử hỏi chỉ muốn được yêu mà không biết san sẻ tình yêu của mình thì ai sẽ sẵn lòng dành tình yêu cho bạn? Nếu cứ ích kỉ muốn “nuốt trọn” mọi sự ưu ái, yêu thương của người khác thì có ai sẵn lòng quan tâm đến bạn không? Câu trả lời chắc chắn là không. Thế nhưng, ta cũng cần phải hiểu, biết “quên mình” chứ không được “bỏ mình”, biết cảm thông chứ không phải mù quáng. Mọi điều đều có giới hạn của nó và trong tình yêu cũng vậy, ta biết san sẻ và hy sinh nhưng cũng phải tỉnh táo để suy nghĩ xem nó đã xứng đáng hay đã đủ đầy chưa. Đừng để mình trở nên ích kỉ nhưng cũng đừng để mình bị lợi dụng, sai lầm. Và nên nhớ, một tình yêu chân chính sẽ chỉ bắt nguồn từ một trái tim yêu thương, khi ta bắt đầu một tình yêu thì hãy chuẩn bị cho mình sự cảm thông, thấu hiểu và hy sinh cần thiết nhất, đồng thời, đừng bao giờ có suy nghĩ tới sự vụ lợi, “kiếm chác” trong tình yêu. Tình yêu là thứ tình cảm thiêng liêng, đẹp đẽ của con người, nếu ta không thể làm nó thêm đẹp hơn thì cũng đừng làm xấu xí nó đi…

>> Xem thêm:  MS561 - Cảm nhận đoạn thơ "Khi ta lớn lên ... có từ ngày đó" trích Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm

“Hãy quên mình đi để yêu thương người khác sâu sắc hơn” nhưng cũng có thể “Chỉ khi bạn biết tôn trọng và yêu thương chính mình thì bạn mới thực sự biết yêu thương quý trọng người khác một cách sâu sắc”. Tình yêu là một thứ tình cảm bị chi phối bởi trái tim, cảm xúc của con người cho nên, có muôn vàn cách để ta tìm đến và ứng xử đúng đắn nhất trong tình yêu. Thế nhưng, điều tiên quyết là ta hãy biết “quên mình”, biết “tôn trọng và yêu thương chính bản thân mình” trước đã. Khi làm được, ta sẽ biết hy sinh, cảm thông trong tình yêu và xây dựng được những mối quan hệ tốt đẹp, những tình cảm trong sáng, sâu sắc và chân thành nhất. Tuy nhiên, để làm được những điều ấy thì luôn cần ở mỗi người sự cố gắng, rèn luyện và không ngừng trau dồi bản thân. Hãy tự mình biết yêu thương, tự mình muốn yêu thương và tự mình tìm đến yêu thương. “Sống chậm lại, nghĩ khác đi, yêu thương nhiều hơn”.

Hà Ngọc Huế

Bài viết liên quan