MS564 – Vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ là vẻ đẹp của hình thức nghệ thuật, nhưng hình thức nghệ thuật ấy chỉ đẹp khi được nhà thơ sáng tạo ra để chuyển tải một nội dung tư tưởng sâu sắc


Đề bài: “Vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ là vẻ đẹp của hình thức nghệ thuật, nhưng hình thức nghệ thuật ấy chỉ đẹp khi được nhà thơ sáng tạo ra để chuyển tải một nội dung tư tưởng sâu sắc”. Hãy làm rõ nhận định trên qua tác phẩm đã học.

Bài làm

Nhà văn Nga Leonit Leonop từng khẳng định: “Tác phẩm nghệ thuật đích thực bao giờ cũng là một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung”. Sự thống nhất hài hòa giữa nội dung và hình thức là yếu tố quyết định nên giá trị bất hủ của tác phẩm, là kết quả chứa đựng tài năng, tâm huyết và sức sáng tạo miệt mài của người nghệ sĩ. Không chỉ đem lại giá trị độc đáo trong văn chương, mối quan hệ giữa nội dung và hình thức cũng góp phần tạo nên vẻ đẹp cho thơ ca. Có ý kiến cho rằng: “Vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ là vẻ đẹp của hình thức nghệ thuật, nhưng hình thức nghệ thuật ấy chỉ đẹp khi được nhà thơ sáng tạo ra để chuyển tải một nội dung tư tưởng sâu sắc”.

“Ngôn ngữ thơ” là những câu từ, con chữ được người nghệ sĩ mã hóa, trau chuốt, chắt lọc từ đời sống, là phương tiện bật lên toàn bộ sức sống cho bài thơ. “Hình thức nghệ thuật” bao gồm các hình ảnh thơ, từ ngữ, cú pháp,…làm vỏ bọc bên ngoài cho tác phẩm thêm phần sinh động, sâu sắc; được biểu hiện qua nội dung tư tưởng. Nội dung và hình thức gắn bó với nhau như máu cùng huyết quản. “Nội dung tư tưởng” chính là những quan điểm, tình cảm, cảm hứng của nhà thơ về con người và về cuộc đời. Nhận định trên khẳng định vai trò của nội dung và hình thức đối với văn chương nói chung và với tác phẩm thơ ca nói riêng. Một tác phẩm thơ l Tác phẩm văn học là một hệ thống chỉnh thể được biểu hiện qua mối quan hệ giữa nội dung và hình thức. Nội dung là những mảnh ghép vụn vỡ lấy chất liệu từ hiện thực đời sống và được khai thác bằng nghệ thuật, bộc lộ tư tưởng, quan điểm mà người viết muốn gửi gắm. Hình thức được xay dựng nên bằng hệ thống phương tiện bên ngoài cũng như nội dung bên trong tác phẩm. Nội dung bao giờ cũng quyết định hình thức còn hình thức là sự thể hiện của nội dung. Sự thống nhất cao độ giữa nội dung và hình thức thể hiện ở mọi phương diện khác nhau: ngữ âm, cú pháp, thể loại, nhạc điệu,.. để tạo nên tác phẩm thơ giá trị, chân chính. Nội dung giá trị khi hướng người đọc đến tinh thần Chân-Thiện-Mĩ, còn hình thức đẹp phải có sự kết hợp giữa kết cấu, cú pháp câu thơ. Nội dung nào-hình thức ấy. Một hình thức đẹp đẽ sẽ phát huy tối đa chức năng bộc lộ sâu sắc nội dung nó biểu hiện, nguọc lại, tác phẩm có nội dung mới mẻ, ý nghĩa mới lôi cuốn được độc giả khám phá hình thức ngôn từ. Nội dung và hình tthức luôn gắn liền, bổ sung cho nhau, không tách rời. Bielinxki có câu: “Nội dung và hình thức gắn bó với nhau như tâm hồn và thể xác”. Để tạo nên sự gắn bó giữa hai yếu tố nội dung-hình thức, yêu cầu người nghệ sĩ phải trải qua quá trình tìm tòi, sáng tạo, có cá tính và phong cách riêng. Có thể nói, quá trình lao động nghệ thuật là quá trình công phu, ghi nhận toàn bộ quá trình đóng góp của người nghệ sĩ trên con đường hoạt động nghệ thuật của mình. Sự sáng tạo trong văn chương không có phép bất cứ người nghệ sĩ nào dẫm lên lối mòn của người khác đặc biệt là con đường mình đã tạo ra. Chỉ có như thế, họ mới sáng tạo ra những vần thơ bất hủ, giá trị, những đứa con tinh thần đặc sắc có sự kết hợp hài hòa giữa nội dung và hình thức, bởi “Vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ là vẻ đẹp của hình thức nghệ thuật” biểu hiện ” một nội dung tư tưởng sâu sắc”.

>> Xem thêm:  MS372 - Nghị luận xã hội về vấn đề cá nhân và tập thể

ms564 ve dep cua ngon ngu tho la ve dep cua hinh thuc nghe thuat nhung hinh t - MS564 - Vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ là vẻ đẹp của hình thức nghệ thuật, nhưng hình thức nghệ thuật ấy chỉ đẹp khi được nhà thơ sáng tạo ra để chuyển tải một nội dung tư tưởng sâu sắc

Thơ ca là tiếng nói chân thành của con người, bộc lộ tâm tư, xúc cảm mãnh liệt của thi sĩ khi bắt gặp phút giây giao cảm, rung động trước cuộc đời. Ngôn ngữ thơ chính là phương tiện cụ thể nhất, biểu hiện đặc trưng của thơ ca. Chính vì vậy, vẻ đẹp ngôn ngữ thơ luôn giữ vai trò quyết định nên vẻ đẹp trong tác phẩm. Với ông hoàng thơ tình Xuân Diệu, mỗi từ ngữ, chất liệu làm nên vỏ bọc, hình thức bên ngoài tác phẩm luôn được ông trau chuốt, mài giũa đồng thời nội dung tư tưởng, tình cảm, cảm xúc cũng được ông bộc lộ đầy đủ và rõ nét nhất qua tác phẩm của mình. Trong Vội Vàng, từng câu từng chữ chở nặng ý vị tuyên ngôn, mang đậm tư tưởng mơi mẻ và đậm chất Xuân Diệu.

Mở đầu bài thơ, thể ngũ ngôn truyền thống đã làm bật lên cái khát khao sống mãnh liệt, điên cuồng của thi sĩ:

“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi”.

Thật kỳ lạ, thi vị biết bao! Cái ước muốn và khát khao của Xuân Diệu là những ước muốn hết sức phi lý, điên cuồng, tước đoạt quyền tạo hóa, cưỡng lại quy luật tự nhiên. Không phải vì ghét mùa xuân, ghét màu nắng hay hương gío mà nhà thơ muốn tắt, buộc. Đơn giản vì ông khát khao giữ cho cái đẹp mãi mãi lên hương, tỏa sắc giữa cuộc đời, bất tử hóa cái đẹp, cái tươi của vạn vật thiên nhiên. Mong ước ấy càng trở nên tha thiết hơn, khi nhà thơ sử dụng liên tiếp hai chữ “đừng” chứa đựng nguyện vọng sâu sắc. Có lẽ vì quá đỗi say mê, khát khao ham sống đến tột cùng, đến vô biên mà thi nhân trở nên tham lam, ích kỷ, muốn giữ lại vẻ đẹp, sự sống cho tạo vật. Thế mới có cảm giác âu lo, sợ hãi, nuối tiếc thể hiện trong từng câu chữ. Tư tưởng ấy còn thể hiện cả trong nhịp thơ đang năm chữ bỗng chuyển sang thể tám chữ. Một sự chuyển đổi rất đẹp của bài thơ, hình thức sắc sảo đã nâng nội dung tư tưởng thêm phần sâu sắc:

“Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến oanh này đây khúc tình si
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi”.

Trước mắt người đọc như trải ra một mẫm cỗ đầy, bữa tiệc lớn với thực đơn vô cùng quyến rũ, một bức tranh xuân thì tươi ngon đặc sắc. Có sự góp mặt của đầy đủ vạn vật đang trong mùa yêu, mùa nhớ, “bướm ong” đắm say tuần tháng mật, “cành tơ hoa lá” căng tràn nhựa sống, chim yến oanh cất lên khúc nhạc tình si,… Qua cặp mắt xanh non biếc rờn và lăng kính tình yêu đầy sắc xuân như thế, Xuân Diệu như chìm đắm miên man mê mẩn, đắm đuối trong niềm hạnh phúc nơi trần thế. Nói như Hoài Thanh, “Xuân Diệu đốt cảnh bồng lai, để đưa ai nấy về hạ giới”, thật chí lý! Bằng tài năng văn học, nhãn hiệu “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” mà Xuân Diệu đã bộc lộ đầy đủ, trọn vẹn tình yêu trần thế, khát khao tận hưởng cùng quan điểm mĩ học mới mẻ của mình. Tất cả chúng như được đẩy lên đến tột đỉnh sâu sắc nhờ vào hình thức hấp dẫn mà thi vị. Thật là một sự kết hợp hoàn hảo giữa nội dung và hình thức trong tác phẩm Vội Vàng của Xuân Diệu.

>> Xem thêm:  MS414 - Suy nghĩ của em về chức năng giáo dục của tác phẩm văn học

Khác với “ông hoàng thơ tình”, tác phẩm của Huy Cận luôn vương vấn nét “mang mang thiên cổ sầu”, đậm chất nhà thơ trước Cách Mạng tháng tám. Nhưng sau giai đoạn ấy, nguồn thơ của ông trở nên lạc quan, yêu đời hơn và vơi bớt đi ưu tư, sầu não. Trích trong tập Lửa Thiêng, Tràng Giang xứng đáng là tác phẩm vừa đậm nét cổ điển lại đậm chất hiện đại của Huy Cận. Tràng Giang là cách nói đầy sáng tạo, gợi cho người đọc con sông không chỉ dài mà còn rộng mênh mang và sâu thăm thẳm. Vầng “ang” như mở rộng thêm không gian cả bề rộng lẫn chiều sâu tạo âm hưởng dư ba cho nhan đề bài thơ. Trước cảnh bao la, rộng lớn của thiên nhiên đất trời, nỗi niềm bâng khuâng, buồn bã càng được khơi gợi. Lời đề từ giản dị ấy, phải chăng đã thâu tóm cảm xúc chủ đạo của cả bài thơ. “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài”. Ngay từ đầu nhan đề, ta đã thấy đậm chất cổ kính, đường thi, đến cách sử dụng từ ngữ cũng đầy vẻ cổ điển:

“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song”

Từ láy “điệp điệp, song song” cuối hai câu thơ mang đậm sắc thái thi cổ và đượm nét buồn. Cách sử dụng từ láy giàu sức gợi hình, gợi tả đã bộc lộ vẻ đẹp tâm hồn con người ẩn sâu dưới thiên nhiên bao lao rộng lớn. Trong cảnh có sự chuyển động lững lờ, nhẹ nhàng, vô tận khiến nỗi buồn của con người cũng đầy ắp trong lòng.

“Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng”

Hình ảnh đối lập “thuyền-nước” gợi lên sự chia lìa, xa cách khiến nỗi sầu như lan tỏa ra tận trăm ngả đất trời. Từ chỉ số nhiều “trăm” hô ứng cùng từ chỉ số “mấy” đã thổi vào câu thơ một nỗi buồn vô hạn. Độc đáo, sáng tạo ở hình ảnh “một cành củi khô”. Không phải là bèo, gỗ hay một vật liệu nào khác. Huy Cận đặc tả một cành củi khô “lạc mấy dòng”. Trên dòng tràng giang đầy màu sắc cổ điển ấy, thi nhân đã thả một chi tiết sống sít, chân thực đến mức chỉ có ở thơ hiện đại mà thôi. Nhà thơ đã đẩy cao tuyệt đối sự nhỏ nhoi, cô độc, cạn kiệt sức sống, lẻ loi của “cành củi khô”- như nhấn mạnh thêm thân phận nổi trôi vô định của những kiếp người. Cái tôi sầu muộn, tội nghiệp, cô đơn đã tìm thấy tình yêu, nảy nở trong lòng nhà thơ tấm lòng luôn hướng về quê hương, đất nước. Khổ cuối cùng khắc họa cảnh tượng rực rỡ, hùng vĩ khi mặt trời xuống thấp, bắt ánh sáng lên những lớp mây cao cuồn cuộn đùn ra như những núi bạc:

>> Xem thêm:  Phân tích phẩm chất anh hùng của các nhân vật trong Rừng xà nu

“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc”

Chữ “đùn” càng đặc tả sức đẩy ở bên trong, cứ trồi lên hết lớp này đến lớp khác. “Chim nghiêng cánh nhỏ” tương phản với lớp núi bạc càng trở nên nhỏ nhoi, cô độc. Lòng thương nhớ quê hương cứ dợn mãi lên trong tâm hồn trước cảnh sông nước hoang vắng đìu hiu và nhà thơ đã kết thúc những giai điệu trong cõi lòng mình bằng câu kết: “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”. Với lối thơ thất ngôn niêm vận chặt chẽ như thơ Đường Luật dồi dào nhạc điệu, ngôn từ hàm súc tinh vi. Đặc biệt là cạc sử dụng tinh tế hình ảnh mang âm hưởng thi ca cổ kính,  những điển cố đienr tích trong thơ Đường Luật đã chuyển tải được nội dung tác phẩm: tình yêu con người, yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước. Tràng giang xứng đáng là tác phẩm điển hình cho sự kết hợp hài hòa giữa nội dung và hình thức: Hình thức phù hợp nội dung, nội dung gắn liền hình thức.

Nhận định trên về vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ ca là hoàn toàn đúng đắn, xác đáng và mang ý nghĩa sâu sắc đối với nhà thơ và việc sáng tạo nghệ thuật. Một tác phẩm thơ giá trị, bất hủ khi hội tụ đủ hai yêu tố nội dung sâu sắc và hình thức bóng bẩy, trau chuốt. Đối với thi nhân, đòi hỏi rất nhiều cái tâm và cái tài thể hiện trong tác phẩm. Đồng thời, đề cao cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ trong quá trình sáng tác của mình. Về phần độc giả, cần có cái nhìn khách quan, toàn diện về thi phẩm trên hai phương diện nội dung và hình thức. Có như thế, mới tạo được sữ đồng điệu gắn kết giữa người cầm bút và người tiếp nhận.

“Nội dung và hình thức liên lạc với nhau như máu cùng huyết quản”. Nhận định văn học trên của nhà phê bình Đinh Gia Trinh có nét tương đồng trong quan điểm thơ ca sau: Vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ là vẻ đẹp của hình thức nghệ thuật, nhưng hình thức nghệ thuật ấy chỉ đẹp khi được nhà thơ sáng tạo ra để chuyển tải một nội dung tư tưởng sâu sắc”. Những tác phẩm thơ có hình thức hấp dẫn hòa quyện trong nội dung sâu sắc chắc chắn sẽ bất tử hóa trong lòng người đọc và đánh dấu mốc quan trọng cho sự nghiệp sáng tác của người nghệ sĩ.

Nguyễn Thị Hoa 

Bài viết liên quan