MS541 – Nghị luận về bài học được rút ra trong mẩu chuyện ngắn Vì sao mà sống?


VÌ SAO MÀ SỐNG?

Có ba người mặt mày buồn bã đến hỏi ý kiến của một nhà hiền triết, làm thế nào để bản thân sống được vui vẻ.

– Trước tiên, các ông hãy nói xem các ông sống vì cái gì? – Nhà hiền triết hỏi.

Người đầu tiên nói:

– Vì tôi không muốn chết, vì vậy mà tôi sống.

Người thứ hai nói:

– Vì tôi muốn nhìn xem ngày mai có tốt hơn ngày hôm nay hay không, vì vậy mà tôi sống.

Người thứ ba nói:

– Vì tôi có một gia đình phải nuôi dưỡng. Tôi không thể chết, vì vậy mà tôi sống.

Nhà hiền triết lắc đầu nói:

– Thế thì đương nhiên các ông không được vui vẻ rồi…

(Theo http://songdep.xitrum.net/nghethuatsong/725.html)

Hãy lí giải vì sao nhà hiền triết lại khẳng định: Thế thì đương nhiên các ông không được vui vẻ rồi…? Từ đó, anh/chị hãy trình bày quan điểm của mình về cách sống để cuộc đời mỗi người trở nên thú vị và ý nghĩa.

Bài làm

Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua,

Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,

Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.

(Xuân Diệu)

Thanh xuân, tuổi trẻ và cuộc đời mỗi người trôi qua rất nhanh. Ngày còn bé, chúng ta luôn muốn buổi đêm trôi nhanh đi để tới ngày mai, để được trông thấy ánh dương ngập tràn trong không gian. Nhưng không biết tự lúc nào mà những đứa trẻ rồi cũng lớn dần lên, những đôi mắt trong veo dần dần không chỉ còn một màu nắng nữa, chúng nhuốm đầy buồn bã và ánh lên những tia lo âu, chán nản. Con người chính là như thế, khi chúng ta còn thơ dại, chúng ta sống vô tư, hồn nhiên như những thiên thần nhưng khi trưởng thành, đôi cánh thiên thần chẳng biết đã biến mất từ khi nào, vòng xoay của cuộc sống đầy khắc nghiệt đã khiến chúng ta mất dần đi những điều ngây ngô đáng quý nhất! Vậy giá trị thực sự của cuộc đời là gì? Câu chuyện “Vì sao mà sống” sẽ cho ta câu trả lời xác đáng nhất!

“Vì sao mà sống” là một câu chuyện ngắn mang đậm chất phương Tây – chỉ là những tình huống đơn giản, chỉ có vài ba nhân vật mà thôi nhưng lại mang những ý nghĩa triết lý vô cùng sâu sắc. Có ba người đàn ông đang chìm đắm trong nỗi buồn đã tìm đến một vị triết gia để mong muốn tìm được câu trả lời cho câu hỏi: “Liệu họ phải sống thế nào để được vui vẻ?” Đáp lại họ, vị hiền triết kia cũng đặt ra những câu hỏi: “Các ông sống vì cái gì?” Ba người đàn ông lần lượt trả lời rằng: “Vì không muốn chết”, “Vì muốn biết ngày mai có tốt hơn hôm nay không?”, “Vì còn một gia đình để nuôi dưỡng”. Ba người đàn ông là ba câu trả lời khác nhau nhưng khi nghe xong vị triết gia chỉ có thể cảm thán rằng: “Thế thì đương nhiên các ông không thể vui vẻ được rồi”. Cuộc sống muôn hình vạn trạng và mỗi chúng ta có hằng nghìn lí do để sống. Thế nhưng, người đàn ông đầu tiên đã để lộ tính cách hèn nhát, hẹp hòi khi lo sợ cái chết, mong muốn được sống chỉ vì tiếc nuối khi nghĩ tới một ngày mình không còn tồn tại nữa. Người đàn ông thứ hai thì lại không vậy. Ông không sợ hãi những điểu bất trắc sẽ xảy đến nhưng lại chỉ biết trông mong, đợi chờ vào ngày mai, ông ấy sống chỉ để mộng ước xa vời về một điểu may mắn hay hạnh phúc bất ngờ sẽ ập tới. Và người đàn ông cuối cùng, có lẽ ông ta là đại diện cho nhiều người trong xã hội hiện nay, biết mình sống, có trách nhiệm với cuộc sống nhưng lại vô tình biến chính cái trách nhiệm trở thành gánh nặng bó buộc, gượng ép mình chứ không phải sự tự nguyện được cống hiến cho cuộc đời. Vị triết gia kia đã nhận định đúng, ba người đàn ông kia sẽ không thể nào tìm được niểm vui trong cuộc sống, bởi vì ngay từ trong mục đích sống họ đã sai lầm.

>> Xem thêm:  Soạn bài Tức cảnh Pắc Bó

vi sao toi song - MS541 - Nghị luận về bài học được rút ra trong mẩu chuyện ngắn Vì sao mà sống?

Ảnh minh họa

Sinh lão bệnh tử là guồng xoay tự nhiên của cuộc đời mỗi người, cho dù có như những vị Đạo sĩ thời trung cổ, dành cả cuộc đời để đi tìm thứ gọi là “trường sinh bất lão” nhưng rồi điểm đến cuối cùng của họ cũng chính là cái chết. Mọi điều, mọi người xung quang chúng ta đều rất đáng để trân trọng nhưng có những lúc chúng ta phải biết hy sinh, phải biết từ bỏ hạnh phúc cá nhân để cuộc sống ý nghĩa hơn. Cơn bão số 3 đi qua đã để lại thiệt hại nặng nề cho các tỉnh phía Bắc đặc biệt là Thanh Hóa. Sau đợt lũ khủng khiếp ấy người ta đau buồn vì mất mát tài sản và cũng vô cùng xúc động trước tấm gương hy sinh quên mình cứu người giữa dòng thiên tai của trưởng công an xã Thao Văn Súa. Anh Súa không thân thiết những người dân đang gặp nạn, thậm chí còn là người dưng nước lã nhưng với trách nhiệm công việc và hơn hết đó là sự đồng cảm, thương yêu đồng bào, đồng loại anh đã hy sinh quên mình để cứu họ khỏi dòng nước xiết. Cái chết thực sự mà nói luôn khiến chúng ta phải e dè bởi vì nó sẽ khiến con người vĩnh viễn không thể gặp lại những người thân yêu nữa. Thế nhưng, nếu như không có những sự hy sinh như anh Súa, như những tấm gương anh hùng thời kì dựng nước và giữ nước, những người đang gặp nạn và cả những người như chúng ta có cuộc sống yên bình, hạnh phúc như hnay không? Trong cs có những sự hy sinh là cao cả, là vĩnh hằng, họ hy sinh nhưng họ không hề chết. Anh Súa và tất cả những tấm gương anh hùng trong cả thời bình và thời chiến, sự hy sinh của họ đã thắp sáng một tương lai đầy hy vọng và một cuộc đời đầy tươi đẹp. Cái chết chấm dứt một hơi thở nhưng hơi thở ấy sẽ còn sống mãi trong tiềm thức mỗi người nếu như con người biết sống yêu thương, sống ý nghĩa, sống để lan tỏa niềm hạnh phúc tới những người xung quanh.

Con người sinh ra với đôi mắt ở đằng trước chính là để chúng ta hướng tới tương lai, biết sống vì ngày mai. Trái đất vẫn cứ xoay vòng, ngày và đêm sẽ luôn nối tiếp nhau nhưng chỉ khi chúng ta thực sự cố gắng, nỗ lực để vén bức màn đêm tối, ngày mai mới thực sự đến. Dân gian có một câu chuyện cười châm biếm rất hay đó là: “Há miệng chờ sung”. Một anh chàng “đại lười” muốn ăn sung nhưng lại không muốn mất công hái, anh ta đã nghĩ ra một cách rất lạ lùng là nằm há miệng dưới gốc sung để chờ sung rụng vào miệng, và đương nhiên là anh chàng sẽ không có dù chỉ một quả sung để ăn. Cách hái sung của anh chàng kia thật kì lạ nhưng những người giống như anh chàng ấy lại không hề hiếm. Chúng ta ai ai cũng có mưu cầu được may mắn, hạnh phúc nhưng cái cách để tìm đến đích đến hạnh phúc của mỗi người lại không giống nhau, có người nỗ lực để tìm kiếm hạnh phúc nhưng cũng có những người lại chỉ biết giống anh chàng kia, ngồi yên một chỗ mong chờ may mắn sẽ đến. “Chúa không chơi xúc xắc với con người – may mắn do chính con người tạo ra” (Albert Einstein). May mắn không phải “từ trên trời rơi xuống” mà xuất phát từ chính sự nỗ lực, kiên trì của mỗi người. Bạn làm một bài kiểm tra, đề thi vừa tầm khả năng của bạn, bạn làm được bài và suy nghĩ rằng mình thật may mắn nhưng thực chất đó là thành quả của nhiều giờ ôn bài, học bài trước đó. Con người muốn sống một cuộc đời đáng sống cần có một lí tưởng sống đúng đắn để noi theo nhưng không phải là mộng mơ, hão huyền xa vời về một điều may mắn bất ngờ sắp tới. Điều đó giống như một con dao sắc và bạn đang nắm lấy lưỡi dao của nó, bạn sẽ bị u mê bởi “may mắn đang tới gần” mà không biết nỗ lực hết mình cho hôm nay, bạn sẽ chỉ biết mong chờ vào “may mắn đang tới gần” nhưng nó không bao giờ tới và bạn trở nên buồn bã, chán nản, tuyệt vọng. Một ngày chúng ta sống là một bước chân hướng tới tương lai đã cất bước, chỉ có những người biết vươn lên, cố gắng trân trọng những điều đang có và nỗ lực vì ước mơ, hoài bão, vì những điều sắp có mới có được một cuộc sống đáng sống, một cuộc đời đúng nghĩa.

>> Xem thêm:  MS439 - Phân tích hình tượng sông Đà trong Người lái đò sông Đà

Mỗi người khi sinh ra đều nợ một lời “cảm ơn cuộc đời” và cần có trách nhiệm với chính cuộc sống của bản thân mình. Trách nhiệm đối với cuộc sống đòi hỏi con người phải biết trân trọng, yêu thương bản thân mình và những người xung quanh. Tuy nhiên, khái niệm trách nhiệm lại khác xa hoàn toàn đối với nghĩa vụ. Chẳng ai ép buộc chúng ta phải sống có trách nhiệm mà nó thuộc về phần suy nghĩ, ý thức của mỗi người. Giống như người đàn ông thứ 3 trong câu chuyện trên, tổ ấm là niềm hạnh phúc lớn nhất nhưng trong suy nghĩ của mình nó lại là áp lực, gánh nặng trong ông. Sống trách nhiệm là để chúng ta biết trân trọng, nỗ lực vì một cuộc sống tốt đẹp hơn chứ không phải để cố gắng duy trì sự chịu đựng, mệt mỏi. Câu chuyện về người mẹ ung thư vĩ đại Nguyễn Thị Liên chính là minh chứng điển hình cho điều ấy. Mang niềm hạnh phúc lớn lao khi được làm mẹ nhưng trớ trêu thay, trong lúc chị Liên đang mong ngóng con ra đời từng ngày thì chị lại phát hiện mình bị ung thư. Chị hoàn toàn có thể lựa chọn bỏ thai để kéo dài sự sống thế nhưng, là một người mẹ với tình yêu vô bờ dành cho đứa con nhỏ chưa chào đời, chị đã quyết định bỏ điều trị để dành sự sống cho con. Tình yêu của mẹ dành cho con có phải một loại trách nhiệm không? Thưa rằng có, vì mỗi đứa trẻ chính là một ước vọng lớn lao trong lòng cha mẹ. Từ khi trái tim nhỏ bắt đầu những nhịp đập đầu tiên, cha mẹ đã có trách nhiệm nuôi nấng con nên người, uốn nắn, dạy dỗ cho con những bài học làm người đúng đắn để con trở thành một người tốt. Và cái trách nhiệm ấy cũng chính là nguồn sức mạnh lớn lao cổ vũ cho người mẹ ung thư, dù có đau đớn nghìn trùng, dù cho có là nỗi tiếc nuối vô cùng nếu không may chẳng kịp nhìn mặt con một lần, chị cũng quyết định sẽ sinh con ra. Có trách nhiệm trong mọi vấn đề sẽ giúp chúng ta có cách nhìn bao dung, giàu tình thương yêu hơn, chính vì thế, sống có trách nhiệm, biết trân trọng cuộc sống, trân trọng những người xung quanh cuộc sống của bản thân mình cũng chính là một điều hạnh phúc.

Mỗi buổi sáng mở mắt ra cảm thấy vui vẻ, không âu lo, mệt nhoài chính là cuộc sống hạnh phúc đúng nghĩa nhất. Chúng ta cứ luôn đeo đuổi những giá trị vật chất xa vời mà không biết rằng, sống sao cho thanh thản, vui vẻ mới là điểu đáng trân quý. Tuy nhiên, bên cạnh đó, con người cũng cần phải có ước mơ, lí tưởng sống để theo đuổi và biết sống nhân ái để trở thành một nhân tố xây dựng cuộc sống tràn ngập tình yêu thương. Ai cũng mong muốn bản thân mình được hạnh phúc, cũng chất chứa trong tâm khảm biết bao hoài bão, ước mơ. Vậy thì tại sao không biến chính những ước nguyện ấy trở thành lí tưởng sống và động lực tiến bước trong bạn? Có động lực, bạn sẽ có thể đứng dậy bước đi mà không còn chờ đợi trong vô vọng nữa, vì bạn biết, cuối con đường sẽ chính là đích đến hạnh phúc mà bạn đang kiếm tìm. Có động lực, bạn sẽ bỏ ngoài tai mọi cám dỗ, dèm pha để biết được rằng đâu mới là giá trị chân chính của cuộc đời mình từ đó không ngừng nổ lực theo đuổi nó, những hướng đi sẽ được rẽ lối và bạn không còn lạc lõng, hoang mang trong chính cuộc đời của mình nữa. Và cũng chính từ ấy bạn biết trân trọng cuộc sống của bản thân mình, tìm được những hạnh phúc, niềm vui trong cuộc sống, biết sống có trách nhiệm và hy sinh nhiều hơn vì người khác.

>> Xem thêm:  Bài 3 - Những câu hát về tình yêu quê hương, đất nước, con người

Sống thì ai cũng làm được nhưng sống sao cho vui vẻ, hạnh phúc lại là dấu hỏi chấm rất lớn đối với nhiều người. Có những người vì hèn nhát nên họ sợ phải tiến bước đi tìm hạnh phúc, sợ phải vứt bỏ lợi ích cá nhân để hướng tới những điều cao cả hơn. Có những người vì ích kỉ nên họ chỉ muốn sống cho bản thân mình, họ không muốn phải chịu trách nhiệm với moi điều trong cuộc sống, không muốn phải hy sinh vì những điều tốt đẹp cho cuộc sống. Cũng có những người lại ngu ngơ, ngốc nghếch, họ luôn muốn kiếm tìm niềm vui, hạnh phúc nhưng lại chỉ như kiến bò trong chảo, loay hoay, cuống cuồng không thể tìm được cho mình hướng đi đúng đắn. Kết cục của những con người ấy rồi cũng sẽ giống như 3 người đàn ông trong “Vì sao mà sống” “đương nhiên không được vui vẻ”, sẽ giống như anh chàng lười “há miệng chờ sung” nhưng cho dù đợi hết đời cũng chẳng có trái ngọt mà ăn. Mỗi người muốn tìm được niềm vui, niềm hạnh phúc cho bản thân mình thì trước khi đặt câu hỏi cho người khác hãy tự vấn chính mình rằng, liệu mình có thực sự đã xứng đáng với hạnh phúc và đúng đắn trong con đường đi tìm nó chưa?

Không phải ai cũng có thể đủ tỉnh táo, đủ sẵn sàng để sống một cuộc đời an nhiên, hạnh phúc. Có rất nhiều người giống như 3 người đàn ông trong câu chuyện kia, biết mình cần sống, có mục đích sống nhưng lại hoàn toàn sai lầm. Đừng ỷ lại vào những điều sắp tới và cũng đừng cố gắng chạy quá xa để tìm kiếm niềm vui vẻ. Hạnh phúc ở đâu khi về đến nhà được nhìn thấy tổ ấm yêu thương của mình, mỗi sáng tỉnh dậy lại thấy mình có sức khỏe, có thể lao động, cống hiên cho cuộc đời? Hạnh phúc tồn tại ngay trong chính suy nghĩ, ánh nhìn của chúng ta. Hạnh phúc không phải là giữ khư khư cho mình mà cần phải lan tỏa, sẻ chia. Nếu như bạn chưa vui vẻ, hạnh phúc hãy nỗ lực tìm kiếm nó bằng sự chân thành, trách nhiệm, dám hy sinh và nếu như bạn đã có một phần của hạnh phúc, ngại gì mà không san sẻ niềm vui ấy cùng những người xung quanh.

Hà Ngọc Huế

Bài viết liên quan