Suy nghĩ về văn bản Cuộc chia tay của những con búp bê


Suy nghĩ về văn bản Cuộc chia tay của những con búp bê

1. Tình cảm của hai anh em Thành và Thủy

–  Cuộc chia tay của những con búp bê viết về giờ phút chia li của hai anh em Thành và Thuỷ khi bố mẹ của hai em đã li dị. Hai anh em phải lần lượt chia tay từng sự vật thân quen: góc vườn, gốc cây, ngôi nhà, trường học,… Một không khí u buồn và đau đớn bao trùm lên cả câu chuyện, và được đẩy lên tới đỉnh điểm vào lúc hai anh em phải chia đồ chơi, mà cụ thể là tìm cách chia hai con búp bê Vệ Sĩ và Em Nhỏ. Đối với hai anh em, việc tưởng như đơn giản này lại không dễ dàng chút nào. Dùng dằng, phân vân,… hai anh em không biết nên để Vệ Sĩ, Em Nhỏ ở lại với nhau, hay để mỗi người giữ một con búp bê?

–  Những kỉ niệm đẹp giữa hai anh em cứ ùa về theo dòng cảm xúc của Thành và Thuỷ. Trong một lần đá bóng, vì lỡ làm rách áo mà Thành không dám về nhà, phải ngồi lì ở ngoài bãi. Thuỷ nghe tin bèn mang cả kim chỉ ra tận bãi để khâu áo cho Thành: “Anh cởi áo ra, em vá lại cho. Em vá khéo, mẹ không biết được đâu”. Cử chỉ dịu dàng của Thuỷ đã khiến Thành cảm động và ân hận vì từ trước đến nay đã không thực sự quan tâm đến em gái. Kể từ đó, hai anh em đã gắn bó khăng khít bên nhau…

–  Vậy mà, hình ảnh hai bàn tay nhỏ bé nắm chặt lấy nhau bỗng chốc trở thành hồi ức xa xăm. Hai anh em sắp phải xa nhau và hai bàn tay ấy, có thể sẽ phải rời nhau mãi mãi. Khoảng thời gian ngắn ngủi mà vô cùng quý giá còn lại, Thành tranh thủ dành cho em gái những cử chỉ âu yếm, dịu dàng nhất. Thành “kéo em ngồi xuống và khẽ vuốt lên mái tóc”, Thành nhường cho em tất cả đồ chơi của mình. Thành ân cần dắt em tới trường để em “nắm chặt tay và nép sát vào như những ngày còn nhỏ”,… Dáng hình nhỏ bé, quấn quýt của hai anh em để lại trong người đọc ấn tượng thật day dứt, khó quên.

–  Cuộc chia tay đã để lại trong lòng hai anh em những khổ đau như nhau nhưng cách thể hiện lại khác nhau. Nỗi bàng hoàng của hai anh em bắt đầu từ mệnh lệnh khô khốc của người mẹ: “Thôi, hai đứa liệu mà đem chia đồ chơi ra đi” – câu nói tưởng như bình thường ấy lại gây ra cho hai anh em một nỗi kinh hoàng đến mức “run lên bần bật”:

>> Xem thêm:  Hướng dẫn soạn văn Từ trái nghĩa

+ Hai anh em đã hiểu rõ chuyện từ lâu: Thuỷ đã “khóc nức nở, tức tưởi” cả đêm hôm qua, còn Thành đã phải “cắn chặt môi để khỏi bật lên tiếng khóc to, nhưng nước mắt cứ tuôn ra như suối, ướt đầm cả gối và hai cánh tay áo”.

+ Sáng sớm hôm nay, hai anh em lại ngồi bên nhau, nhìn đằng đông trời đang hửng dần và bần thần chờ đợi tới lúc chia xa. Trong suốt cả ngày hôm đó, Thuỷ “như người mất hồn, loạng choạng bám vào cánh tay Thành”, có khi lại “buồn bã lắc đầu”, sụt sịt, nức nỡ: “mặt tái xanh như tàu lá”, rồi khóc nức lên. Có bao nhiêu buồn khổ, Thuỷ để cho chúng tuôn ra theo nước mắt.

+ Khác với Thuỷ Thành “người lớn” hơn, chững chạc hơn, bởi vậy Thành cố gắng kìm nén bản thân mình nhiều hơn, phần vì không muốn cuộc chia tay thêm đau khổ, phần vì muốn là chỗ dựa vững chắc cho em. Thành đã phải “cắn chặt môi”, rồi “nhếch mép cười cay đắng”, và “cố vui vẻ theo em”. Nhưng cảm xúc càng dồn nén, tâm trạng của Thành càng trở nên đau khổ hơn, giằng xé hơn và Thành cũng không kiểm soát được bản thân nữa: Nước mắt Thành ứa ra, rồi Thành khóc nấc lên và cuối cùng là “mếu máo và đứng chôn chân xuống đất”. Giờ phút chia tay gần kề, cảm xúc của hai anh em đang bị dồn nén bỗng vỡ oà trong nước mắt với sự bất lực và tuyệt vọng không thể nói thành lời.

–  Chi tiết Thành và Thuỷ tìm cách phân chia hai con búp bê Vệ Sĩ và Em Nhỏ đã thể hiện sâu sắc tâm trạng đau đớn, giằng xé của hai anh em. Phải mất bốn lần, hai con búp bê mới được đặt vào vị trí mà hai anh em cho là thích hợp nhất: để chúng ở bên cạnh nhau.

–  Những con búp bê chính là hình ảnh ẩn dụ cho hai anh em Thành và Thuỷ. Cũng như Thành và Thuỷ, Vệ Sĩ và Em Nhỏ chưa phút nào phải rời xa nhau, chúng gắn bó với nhau mật thiết không rời. Cũng như tấm lòng của Thuỷ, luôn dịu dàng quan tâm tới anh trai, Vệ Sĩ đêm nào cũng canh gác cho Thành được ngon giấc, không phải chiêm bao tới ma quỷ. Để hai con búp bê bên cạnh nhau, “chúng lại thân thiết quàng tay lên vai nhau và âu yếm ngước nhìn”. Giá như cuộc đời cũng để hai anh em mãi mãi “thân thiết quàng tay lên vai nhau” như thế, chúng cũng sẽ âu yếm nhìn cuộc đời của chúng như vậy. Thuỷ đã “hôn gấp gáp” Vệ Sĩ khi để nó ở lại bảo vệ anh và cuối cùng, lại quyết định để cả hai con búp bê ở lại với yêu cầu Thành phải hứa sẽ không bao giờ để chúng phải rời xa nhau. Đó cũng chính là mong ước của Thuỷ – tình cảm giữa hai anh em sẽ không bao giờ phai nhạt.

>> Xem thêm:  Hướng dẫn soạn văn Bài ca Côn Sơn – Chương trình Ngữ văn lớp 7

2. Cuộc chia tay của Thủy với trường học

–  Nếu nỗi đau chia xa là một hệ quả đau đớn của cuộc li dị giữa bố và mẹ thì còn có một hệ quả khác lớn hơn và kéo dài hơn nhiều. Hệ quả ấy được đề cập tới khi Thành và Thuỷ tạm biệt lớp học, cô giáo muốn tặng Thuỷ một quyển sổ và một cây bút, chúc Thuỷ học tập tốt ở trường mới, nhưng Thuỷ đã từ chối bởi sẽ không còn được đi học nữa. Thuỷ phải về quê ngoại, tương lai của Thuỷ được định đoạt bằng “một thúng hoa quả để ra chợ ngồi bán”. Sự thật ấy đã khiến cô giáo Tâm phải sửng sốt, tái mặt và nước mắt giàn giụa. Chỉ vì chuyện của bố mẹ mà tương lai của Thuỷ bị ảnh hưởng. Không được đi học nữa, cuộc đời của Thuỷ sẽ đi đâu, về đâu? Phải tiếp xúc với những nhộn nhạo, bon chen của cuộc đời ngay từ khi còn nhỏ tuổi như vậy, thay vì được hưởng cái quyền mà bất cứ đứa trẻ nào cũng được nhận – quyền được đến trường, được đi học, thì quả là quá thiệt thòi.

–  Khi dắt em ra khỏi trường, tâm trạng của Thành lại “kinh ngạc thấy mọi người vẫn đi lại bình thường và nắng vẫn vàng ươm trùm lên cảnh vật”. Cảnh vật vẫn đẹp, cuộc đời vẫn bình yên,… Tất cả đối lập với sự mất mát và đổ vỡ quá lớn trong tâm hồn của Thành và Thuỷ. Cách miêu tả chính xác, lô-gíc diễn biến tâm trạng của nhân vật đã khắc sâu thêm nỗi buồn sâu thẳm, trạng thái thất vọng, bơ vơ của nhân vật, đồng thời khiến người đọc thấy day dứt, chạnh lòng.

>> Xem thêm:  Cảm nghĩ về bài thơ Sông núi nước Nam lớp 7 hay nhất đầy đủ

3. Đặc sắc về nghệ thuật

–  Cốt truyện dung dị, ngôn từ mộc mạc với ngôi kể thứ nhất (nhân vật Thành – người kể xưng “tôi” trong truyện) đã tạo được sự truyền cảm chân thực, tự nhiên. Cách kể chuyện đúng với tâm lí của một đứa trẻ (Thành) vừa giản dị vừa hồn nhiên, ngây thơ khiến người đọc không khỏi xúc động: “Em tôi bất giác run lên bần bật, kinh hoàng đưa cặp mắt tuyệt vọng nhìn tôi. Cặp mắt đen của em lúc này buồn thăm thẳm, hai bờ mi đã sưng mọng lên vì khóc nhiều; Tôi cố vui vẻ theo em nhưng nước mắt đã ứa ra; Em nắm chặt tay tôi và nép sát vào như những ngày còn nhỏ”;…

–  Cách kể chuyện bằng sự miêu tả cảnh vật xung quanh kết hợp với miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật đã khiến câu chuyện trở nên sinh động, cuốn hút và tạo được sự xúc động trong người đọc: “Chúng tôi cứ ngồi im như vậy. Đằng đông, trời hửng dần. Những bông hoa thược dược trong vườn đã thoáng hiện trong màn sương sớm và bắt đầu khoe rộ cánh rực rỡ của mình,… Cảnh vật vẫn cứ như hôm qua, hôm kia thôi mà sao tai hoạ giáng xuống đầu anh em tôi nặng nề thế này”; “Ra khỏi trường, tôi kinh ngạc thấy mọi người vẫn đi lại bình thường và nắng vẫn vàng ươm trùm lên cảnh vật”;…

*  Cuộc chia tay của những con búp bê là câu chuyện đầy đau đớn và cảm động của hai em bé trong truyện. Câu chuyện là một bức thông điệp giản dị mà sâu sắc: Tổ ấm gia đình là vô cùng quý giá và quan trọng. Hãy cùng nhau gìn giữ hạnh phúc gia đình, có lương tâm, có trách nhiệm với con cái, tránh những đổ vỡ rạn nứt trong cuộc sống gia đình để không còn những cuộc chia tay đầy nước mắt của những đứa trẻ ngây thơ, vô tội.

Bài viết liên quan