Biểu cảm loại cây em yêu – Cây hoa sưa


Biểu cảm loại cây em yêu – Cây hoa sưa – Dàn ý

1. Mở bài

– Hoa sưa nở vào mùa Xuân, đầu tháng Ba

Mọi người gặp màu chói đỏ, tên cứ nôm na mộc mạc, thân quen với mọi người: Hoa sưa.

2. Thân bài

– Hoa sưa nở trắng toát trên các tán cây.

– Độc chiếm một khoảng không gian, một khoảng xanh của cây cối.

– Rồi những cây sưa khác trong các vườn, các hè phố Phùng Hưng, Ngô Quyền…, ở gò Đống Đa, đầu đền Bà Kiệu, đối diện hồ Gươm, cũng òa nở trắng như những tán tuyết cây mùa đông như các nước xứ tuyết ở châu Âu, châu Á.

– Hoa sưa phảng phất và kín đáo, nở rồi tàn.

– Lúc hoa gặp nắng mới òa ra đầy tán thì như tuyết phủ.

– Khi hoa tàn, rụng trước gió, nhất là những cơn gió nam trong buổi giao mùa thổi lộng vào tháng ba, tháng trẻ con nhà quê có thể thả diều, hoa từ cây rụng, bay bay như một đàn bướm trắng.

– Hoa sưa nở trong lúc lá cũng còn đang vào độ tơ non, nên hoa át cả lá, nhìn xa khá đẹp, mà nhìn gần cũng đẹp.

– Hoa trên cây tụ hội chừng mươi lăm ngày rồi rụng dần.

– Dáng hoa rụng bay bay như bướm, cũng đầy gợi cảm, mà khi qua những đêm gió lặng hoặc gió nhẹ, hoa rụng trên vỉa hè, trên đường, trên thảm cỏ, vườn hoa, để lại một thảm hoa trắng, đón những bước chân thiếu nữ Hà Nội bước qua cũng khiến ai đó qua đường chứng kiến dễ ngẩn ngơ.

3. Kết bài

Cây sưa đã trở thành những kỉ niệm khó quên trong lòng tôi.

Biểu cảm loại cây em yêu – Cây hoa sưa – Bài 1

Sau những trận mưa phùn dai dẳng, trời ẩm, mùa xuân dốn dắn níu những ngày cuối mùa ẩm ướt, bỗng một buổi sáng nắng xuân cuối chang chói, thứ nắng có màu sáng nhạt kiểu nắng đầu năm, gần trưa lại có chút gắt gắt kiểu nắng hè đi qua vườn hoa Chi Lăng, núi Nùng trong Bách Thảo, khách bộ hành vội thầm thốt lên: Đã mùa hoa sưa…

Hoa sưa nở trắng toát trên các tán cây. Và hầu như độc chiếm một khoảng không gian, một khoảng xanh của cây cối. Rồi những cây sưa khác trong các vườn, các hè phố Phùng Hưng, Ngô Quyền…, Ở gò Đống Đa, đầu đền Bà Kiệu, đối diện Hồ Gươm, cũng òa nở tràng như những tán tuyết cây mùa đông như các nước xứ tuyết ở châu Âu, châu Á. Tự nhiên, lòng thấy nao nao.

Người Hà Nội thường chú ý đến mùa hoa phượng đỏ phố, lúc hè sang, mùa hoa sấu ngan ngát chua chua, khi nở, những giọt hoa trắng li ti rơi trên vai áo. Gần đây là màu tím bằng lăng, hoa trĩu trịt đầy cành khiến những đường phố dài ngắn tím ngát màu hoa, làm dịu đi cái nắng oi ả mùa hè.

Song, thứ hoa sưa, dù đã có từ lâu, từ thế kĩ trước, từ lúc Hà Nội chưa rộng bát ngát như bây giờ, Hoàng Mai, Cầu Giấy, những quận nội thành hiện nay, còn coi là ngoại thành; những Giảng Võ khi đêm về còn nghe tiếng ếch nhái, tiếng cuốc, thay những mộng lúa đang vào thì con gái.

Hoa sưa phảng phất và kín đáo, nở rồi tàn. Lúc hoa gặp nắng mới òa ra đầy tán thì như tuyết phủ. Khi hoa tàn, rụng trước gió, nhất là những cơn gió nam trong buổi giao mùa, thổi lộng vào tháng ba, tháng trẻ con nhà quê có thể thả diều, hoa từ cây rụng, bay bay như một đàn bướm trắng.

>> Xem thêm:  Đề số 11: Nêu ý kiến của em về câu nói của nhà bác học Nguyễn Bá Học: “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”.

Lại nhớ đến mùa nao, chiến đấu ở Trường Sơn, đang hành quân trên đường giao liên leo đèo, vượt dốc, chợt gặp một đàn bướm rừng, con đậu, con bay, trắng xóa bên lèn đá…

Mùa hoa sưa, tôi hay ngồi ở trước cổng đền Ngọc Sơn, nhìn sang đền Bà Kiệu, bên một gốc cây ven hồ. Lúc thì nhìn những du khách, áo ngắn, áo dài ra vào đền núi Ngọc; lúc lại nhìn sang phía mấy cây sưa đền Bà Kiệu đầy hoa trắng. Và, phía dưới tán hoa, những nữ sinh trường Trưng Vương, áo dài trắng, cắp cặp trong tay, tốp đôi, tốp ba, vừa đi vừa trò chuyện tới trường.

Cái tà áo trắng của cô gái dậy thì Hà Nội gốc, đi dưới những tán lá hoa sưa ấy, đầy chất lãng mạn. Cái chất lãng mạn ấy thấm vào mình từ thời trẻ, để đến mùa hoa sưa, nếu có mặt ở Hà Nội, thế nào cũng có một buổi lảng vảng ở đền Ngọc Sơn, để có những giây phút hoài niệm.

Hoa sưa nở trong lúc lá cũng còn đang vào độ tơ non, nên hoa át cả lá, nhìn xa khá đẹp, mà nhìn gần cũng đẹp. Hoa trên cây tụ hội chừng mươi lăm ngày rồi rụng dần. Dáng hoa rụng bay bay như bướm, cũng đầy gợi cảm, mà khi qua những đêm gió lặng hoặc gió nhẹ, hoa rụng trên vỉa hè, trên đường, trên thảm cỏ vườn hoa, để lại một thảm hoa trắng, đón những bước chân thiếu nữ Hà Nội bước qua cũng khiến ai đó qua đường chứng kiến dễ ngẩn ngơ.

Một mùa hoa sưa ngắn ngủi qua đi, để lại những cảm nghĩ bâng khuâng về một loài cây có một loại hoa như là biểu trưng cho sự trinh trắng. Cánh hoa mỏng manh, thường chỉ muốn tụ lại bên nhau, chẳng muốn rời nhau. Hoa mỏng manh, kiêu sa, nhìn hoa lại có một chút lo lo thường gặp ở những vẻ đẹp. Đó là những trớ trêu, trắc trở…

Có một độ, không biết từ đâu, thứ gỗ sưa, mà tên chữ Hán gọi là Hoàng (Huỳnh) Đàn, có nơi nào đó mua với giá khá cao, đến nỗi có những người đã đi đẵn trộm những cây sưa đem gỗ đi bán. Và cây sưa bỗng lên ngôi.

Người ta lo cho những mùa hoa sưa sau đấy ở Hà Nội. Nhưng may thay, ở trong nội thành, lâm tặc trở tay được cũng khó. Cho nên, những cây sưa cổ vẫn còn và mùa hoa sưa năm Sửu, người Hà Nội và du khách lại đến bên chiêm ngưỡng. Họ còn “nháy” những kiểu ảnh với những dáng sưa ban mai, lúc hoàng hôn, khi hoa đang rộ hoặc bay trong những cơn gió nam đầu mùa…

Và ở chân núi Tam Đảo, có những người trồng rừng, đã nhặt quả sưa đem về trồng được cả một vườn ươm nhỏ. Mai đây, những vạt rừng sưa mới: sẽ có mặt trên những trảng đồi trung du. Nếu như các phố thị đang mọc lên khá nhiều, cần đến một thứ cây khá đẹp này, mà gặp lúc “sốt gỗ” thì lại có tiền, khi khai thác, hẳn sẽ được đáp ứng. Và nỗi lo mất dáng những màu hoa sưa ở Hà Nội cũng được vơi đi.

Biểu cảm loại cây em yêu – Cây hoa sưa – Bài 2

Có nhiều thứ hoa để tỏ tình. Nào tha thiết đắm say hồng nhung. Nào nhớ nhung vời vợi Pensé. Nào tấm lòng quân tử cúc vàng, cúc trắng. Có lẽ đã có một đồng cảm dâng đầy không gian khiến đất phải mượn hoa gửi tình cho tươi, hoặc trời nhờ hoa trao say cho đất.

Hà Nội có những ngày như thế. Hình như đêm qua vừa có một chàng lực sĩ Bắc cực đã cưỡi con tuần lộc phi qua rừng già và biển thẳm về đây, chở cây còn nguyên cả tuyết phủ trên cành để tặng một ai đó tình nhân mơ ngủ, rồi chẳng vội vã ra đi, chỉ người được nhận hoa mới biết người yêu ấy đã về lúc nửa đêm. 

>> Xem thêm:  Mỗi một hình ảnh, mùi vị cũng khiến người đi xa nhớ về quê nhà. Thay lời người đi xa, em hãy kể lại kỉ niệm gắn bó với quê hương

Mà cũng có thể, cái Tết đã đi qua nhưng còn luyến tiếc hơi người ấm áp mùi da thịt nên còn gửi lại niềm trinh bạch trong ngần vào hoa lê, hoa lí chưa thỏa nên rung rinh cành trắng cho thỏa si mê?

Mà cũng có thể những vòm sao náu mình trong bát ngát vì chưa có hoa gạo dắt lối, đom đóm đưa đường nên mượn loài hoa trắng “tuyết phau ngàn giá” thay cho ánh mắt trao duyên để phồn hoa đô hội đừng quên phút giây thanh thản hồn hòa vào nhau đắm đuối?

Hay cũng có thể… Nhưng ta mê đi rồi trong niềm hoan lạc và ngỡ ngàng, trong cái ngơ ngác của kẻ si tình thoáng bóng cố nhân vừa xuất hiện sau trùng trùng xa cách mà hương còn vương vất một loài thơm trong nhớ, khiến ta càng đòi đoạn nhớ nhung phải theo bằng được.

Cây sưa đấy. Cây sứa hoàn toàn không phải là cây sữa đã bẽ bàng mưa ẩm. Cây sưa im lặng khuất chìm vào bao màu khác, bây giờ mới rủ biếc tỉnh cô miên, bừng dậy một vòm hoa, một trời hoa, trắng ngần trắng muốt, tinh khiết, nguyên sơ như tâm hồn nàng gái ta yêu mà lỡ làng ngay từ thời vụng dại tuổi rằm. Ta chẳng biết ngoài cái tên sưa người ta say sưa, thì nó còn có tên gì khác. Và ta tự bịa ra, nghĩ ra một cái tên cho là thích hợp: Hoa tuyết ngần.

Trên cái phố cổ của Hà Nội ngàn năm rộn ràng từ tinh mơ đến khuya đêm đèn rực, nơi có hàng triệu đôi giày dép, hàng vạn trai thanh, gái lịch mải mê chọn kiểu, ướm chân, vén cái gấu váy lộ ra bắp chuối non, đôi bít tất mỗi ngày thay hai lần, rồi hỏi giá, trả tiền cho yểu điệu dáng đi, cho quay cuồng bước nhảy… thì trên cao kia, trên những cành cây tưởng chết héo lịm khô, phố Hàng Dầu ấy, đã sáng rực một trời những hồn hoa phách nụ, trong ngần, thanh sạch, tuyết băng, thứ hoa sưa (xin nhắc lại, đừng lầm với hoa sữa) của kinh thành xưa cũ Thăng Long góp mình vào Đông Liễu, Tây Hòe còn phơ phất sót lại hai con đường như câu thơ Đường trong bức tranh thi pháp: Liễu Giai và Hòe Nhai.

Sưa ơi, sức mạnh nào cho cây tự biến mình từ khẳng khiu, khô nỏ, vụng dại mạnh hơn cả tràng áo trắng tà bay của hào hoa Hà Nội bên hồ lộng gió?

Hoa sưa trắng rợn người, trắng nổi da gà hồi hộp khiến ta tạm quên những ồn ào tiền bạc ở mặt đường kia mà tự nhẹ bỗng mình bay lên, tự lan truyền thân ta từ cành la lên cành bổng, hồn ta tan nhập vào hồn hoa kinh dị. Không ai được thấy hương thơm của loài hoa tuyết ngần ấy. Hình như nó bảo rằng chỉ nguyên màu trắng cũng đủ hút lấy não tủy chàng thư sinh đa tình trong đêm Liêu Trai, nên nếu có thêm hương nữa thì trái đất nghiêng ngả mất thôi. Nó cũng không có nhiều trên đường phố chen vai xe cộ. Trên ngọn gò xinh xinh vườn Bách Thảo, xưa kia nó um tùm nên gò có tên Sưa Sơn tức cái núi mọc nhiều cây sưa, chứ chẳng phải núi Nùng, càng không là núi Khán (núi Nùng ở tít trong “thành”, núi Khán ở gần Lăng Bác, đã thành thiên cổ mịt mụ từ lâu). 

>> Xem thêm:  Viết đoạn văn phân tích thành công về một nét nghệ thuật của bài thơ “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương, trong đó có sử dụng hai thành ngữ

Nay cây sưa nhiều nhất ở phố Hàng Dầu, nằm lẫn vào khu phố cổ Hàng Thùng, Hàng Sũ, cầu Gỗ, Hàng Bè nhiều cây dâu da, và Bà Kiệu có bóng đa rợp mát, cổ tượng đài “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Ngoài phố Hàng Dầu, nó có mặt bên Hồ Gươm, xế cửa Nhà Đèn nay gọi là Sở Điện lực, bên cạnh gốc sung già, hàng xóm với bãi vông. Mấy cây này tuy nhỏ bé nhưng chắc số phận long lanh hơn, được vào mắt nhiều người hơn, hơn cả những cây trên đường phố Phan Chu Trinh, hoặc trên đường Hoàng Hoa Thám cạnh vườn Bách Thảo cũ. Nhiều người đang thực hiện câu “Thì giờ là vàng bạc” theo nghĩa đen, ai lơ mơ, ai chờ đợi nó, ai xuýt xoa gặp lại, ai tần ngần như không trở chia ta với màu tuyết phủ… và ai nữa bùi ngùi khi hoa sưa rụng trắng mặt đường tủi phận dưới bánh xe qua?

Hà Nội dưới con mắt du khách là thành phố xinh xắn, trữ tình, êm đềm, bình lặng. Dưới con mắt người làm ăn thì Hà Nội quá chật chội và thấp bé; cần vươn ra xa, cần đứng tót sỗ sàng với chiều cao liên doanh, cần to bụng chứ không cần đẹp mắt.. Hoa sưa ơi, có tủi một kiếp nữ trinh thiêng quý? Nhưng dưới con mắt những người yêu Hà Nội thì Hà Nội vẫn oai hùng lịch sử ngàn năm và ngàn năm thanh lịch, mà hồn hoa sưa kia là di ảnh sót lại, lẩn khuất nỗi niềm nhắc ta suy ngẫm và giữ gìn bản sắc riêng ta, như không thể ăn xôi vò, chè đường với pho mát, không thể hầm cá rô bằng bơ, dù là hảo hạng.

Mỗi mùa xuân, nhiều cây non được trồng thêm đã thấy những cây sưa tuổi thiếu niên đứng vào hàng bên vỉa hè đây đó. May lắm. Chúng ta góp mặt với Hà Nội tưng bừng tùy theo bước đi của ngày, của tháng, mà mở đầu trong tháng giữa xuân lúc giao mùa, lúc ta để đầu trần đi trong mưa không ướt, đi trong nắng không bỏng… là trắng muốt hoa sưa, ta gọi là hoa tuyết ngần, rồi sẽ đến lượt hoa vông đằm thắm, hoa gạo hồng đào, hoa phượng rực rỡ, hoa bằng lăng nước tím say, cả hoa vàng anh, hoa lộc vừng, hoa dạ hương, hoa sữa ngát đêm thu… cho lung linh thêm một cổng thành Cửa Bắc, cổ kính hơn một Ô Quan Chưởng, trầm tư hơn một tháp Hòa Phong, tịch liêu nữa một Quán Thánh.

Hoa sưa có lẽ xưa là hồn một nàng gái kết tinh thành bạch ngọc, thành tuyết bay, thành mối tình u ẩn không thể giãi bày, nên cuối xuân là tha thiết nhớ tình lang, chàng Thăng Long Hà Nội, nên hiện ra thoáng mơ hồ ít ngày ngắn ngủi rồi lại bay về hư ảo, nói những lời im, bay tà áo mỏng rợn rùng, tung tóe vào trời mưa phấn, phô cái gáy nõn nà ngó cần phơ phất sợi ma huyền hoặc… để ngơ ngẩn những ai Hà Nội tình si, bút rút một kiếp người tình ái. 

Nhiều người ngợi ca hoa sưa đêm thu, còn hoa sưa, chút hồn trinh bạch vẫn còn bị phũ phàng quên lãng, thờ ơ, vô tình, bị lẫn và bụi đời ô nhiễm. Nhưng hoa sưa vẫn bao dung độ lượng chẳng hờn ghen, mùa tiếp mùa cứ về trắng ngát một góc Hà Nội như lời hẹn ước đắm say không gì bôi xóa được.

Bài viết liên quan