Biểu cảm về Cây bàng mà em yêu thích


Đề bài: Biểu cảm về cây bàng mà em yêu thích.

Bài làm

Tôi nhặt chiếc lá bàng đỏ úa đưa lên trên bầu trời, những tia nắng vàng lọt qua hàng ngàn lỗ nhỏ li ti trên chiếc lá sưởi ấm lòng tôi trong một ngày thu se lạnh. Đến lúc này, tôi nhận ra cây bàng thân thuộc và đáng yêu đến nhường nào!

Khí hậu nóng ẩm mưa nhiều của Việt Nam khá thuận lợi cho loài bàng phát triển. Bởi lẽ đó mà chúng ta có thể thấy bàng ở khắp mọi nơi ngay cả các thành phố lớn. Ở làng quê, bàng gắn bó mật thiết với đời sống tâm hồn và đời sống sinh hoạt thường nhật của con người. Ba mẹ tôi vẫn nghỉ mát dưới gốc bàng đầu cánh đồng khi làm ruộng vất vả. Những đứa trẻ chăn trâu, bộc cọc dưới thân bàng cho đàn trâu tránh nắng. Dọc con đường tới trường, có khi nào bàng không ngập dần trong đôi mắt học sinh bao thế hệ chúng tôi.

Bàng vốn là loại cây thân gỗ, mọc thẳng cao chừng 10-15m với cây trưởng thành. Lá bàng dẹt, bản to, tròn dài, chiều rộng khoảng 10cm và chiều dài cỡ 20cm. Hoa bàng có mùi hương thanh thanh, gồm nhiều bông hoa nhỏ li ti kết thành chùm. Quả bàng to cỡ gần giống quả cau nhưng bản dẹt hơn. Quả bàng có mùi hăng nồng, có thể ăn được, vị chua chát, ăn một lẫn nhớ mãi về sau.

>> Xem thêm:  Giải thích câu ca dao Ta về ta tắm ao ta Dù trong dù đục, ao nhà vẫn hơn

Điểm thú vị ở bàng đó là nó thay đổi vô cùng đa dạng theo bốn mùa. Mùa xuân bàng hòa theo không khí đâm chồi nảy lộc cùng muôn loài cây, loài hoa khác. Hè là lúc màu xanh lá bàng rực rỡ nhất, xen lẫn vài chùm hoa trắng nhỏ. Thu sang, lá bàng chuyển đỏ, vàng. Tùng mảng đỏ, đốm vàng lấn át dần màu xanh diệp lục và cuối cùng thay thế cho cả sắc xanh của cây. Lá bàng đỏ rụng lả tả cho tới hết mùa thu thì trở nên trơ trọi, thu mình cùng tạo vật ngủ đông để chuẩn bị xuân qua sẽ rạo rực xanh trở lại. Quả bàng xanh cũng ngả vàng rồi rơi rụng đầy quanh gốc nhân giống mọi nơi. Cứ như thế, bàng không để cho bản thân “cũ kĩ” một ngày nào.

bieu cam ve cay bang ma em yeu thich - Biểu cảm về Cây bàng mà em yêu thích

Biểu cảm về cây bàng

Cây bàng đẹp nhất tôi đã từng gặp nằm ở khu vực cuối sân đình. Cây bàng thuộc hàng cổ thụ, tuổi thọ ngang tầm mái đình và già cỗi rêu phong đậm màu linh thiêng chốn Thần Phật. Tán bàng xanh um, lá xum xuê chen nhau mọc, rợp bóng mọi loại cây xung quanh nó. Nếu chiêm ngưỡng cây bàng vào mùa rụng lá, cảnh tượng các cụ lão niên trong làng quèn quẹt chổi tre quét lá đa như đi ra từ câu chuyện cổ tích xa xưa.

Mỗi mùa hè, làng tôi đều tổ chức sinh hoạt hè cho học sinh trong sân đình. Đó là những ngày chúng tôi gắn bó với cây bàng nhất. Chúng tôi thường tụ tập đến thật sớm, ngồi nói chuyện vu vơ. Mấy bạn nữ thi nhau nhặt lá bàng rơi xuyên vào một cái que dài rồi nhặt nhạnh quả bàng chơi trò bày đồ hàng. Những bạn nam lại thích đào hố chơi bi dưới bóng bàng râm mát. Trong tiếng trống sân đình, hoa bàng li ti hồn nhiên rơi rụng trắng mái tóc bọn trẻ con. Mải tập luyện một lúc quay ra mấy đứa bò ra cười vì đầu tóc như gài hoa trắng. Lúc ấy, bàng như một đứa trẻ cũng chơi đùa với chúng tôi.

>> Xem thêm:  Cảm nhận về người phụ nữ xưa qua bài thơ Bánh trôi nước của bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương

Tuy mộc mạc, đơn sơ nhưng bàng cũng có nhiều công dụng hữu ích. Công dụng phổ biến nhất của bàng đó là cho gỗ. Hạt bàng có thể chế biến thành mứt. Trong y học cổ truyền, vỏ cây bàng cũng là một vị thuốc, lá bàng khô hỗ trợ chữa bệnh gan, lỵ, cảm sốt, viêm loét… thậm chí còn chứa một số chất đặc biệt có thể ngăn ngừa ung thư. Chính vì thế, trong sâu thẳm lòng người Việt, bàng đã là một phần của cuộc sống.

Nay tôi đã là học sinh lớp 7, cũng bắt đầu biết mơ mộng và ước ao xa vời. Cầm chiếc lá bàng đỏ trên tay, tôi chợt nhớ về những câu thơ trong bài “Cây bàng” của Xuân Quỳnh mà lòng bồi hồi khó tả:

“Bóng bàng tròn lắm

Tròn như cái nong

Em ngồi vào trong

Mát ơi là mát!

A bàng tốt lắm

Bàng che cho em

Nhưng ai che bàng

Cho bàng khỏi nắng!”

Hoài Lê

Bài viết liên quan