Các hình thức kết cấu của văn bản thuyết minh


Các hình thức kết cấu của văn bản thuyết minh

Hướng dẫn

I. KẾT CẤU CỦA VĂN BẢN THUYẾT MINH

a. Phân tích hình thức kết cấu của văn bản “Hội thổi cơm thi ở Đồng Vân”

Gợi ý:

Câu (a)

Hội thổi cơm thi ở Đồng Vân là một văn bản thuyết minh. Qua đó, tác giả nhằm giới thiệu rõ cho người đọc gần xa về thời gian, địa điểm và diễn biến của lễ hội này cũng như ý nghĩa của lễ hội này đối với đời sống tinh thần của bà con nhân dân lao động vùng châu thổ Bắc Bộ.

Câu (b)

Dàn ý chính của văn bản:

– Lễ hội thổi cơm thi diễn ra lúc nào, ở đâu (thời gian, địa điểm).

– Diễn biến:

+ Thi.

+ Chấm thi: tiêu chuẩn, phương thức.

– Ý nghĩa của lễ hội.

Câu (c)

Văn bản chọn hình thức kết cấu theo trình tự lô-gic và trình tự thời gian xen lẫn lời kể và lời tả (tả cảnh leo cây chuối, cảnh nấu cơm).

b. Phân tích hình thức kết cấu của văn bản “Bưởi Phúc Trạch”

Gợi ý:

Câu (a)

Bưởi Phúc Trạch là một văn bản thuyết minh. Qua đó, tác giả nhằm giới thiệu một giống bưởi nối tiếng ở Hà Tĩnh. Đọc bài văn, người đọc cảm nhận được hình dáng bên ngoài lẫn hương vị lôi cuốn và bổ dưỡng của bưởi Phúc Trạch.

Câu (b)

Dàn ý chính của văn bản:

– Hình dáng. – Hương vị đặc sắc.

– Sự hấp dẫn và bồ dưỡng. – Danh tiếng của giông bưởi này.

Câu (c)

Văn bản được kết cấu, sắp xếp theo nhiều quan hệ: quan hệ không gian từ ngoài vào trong và quan hệ lô-gic, quan hệ nhân quả (tương quan giữa các ý…).

II. LUYỆN TẬP

Bài tập 1.

Gợi ý:

– Giới thiệu chung về bài thơ: tác giả, thể loại, nội dung chính…

– Thuyết minh giá trị nội dung của bài thơ: hào khí Đông A, chí làm trai lập công danh.

>> Xem thêm:  Viết bài làm văn số 3 (bài làm ở nhà)

– Thuyết minh giá trị nghệ thuật của bài thơ: sự cô đọng, đạt tới độ súc tích cao, nhân mạnh tính kì vĩ về thời gian, không gian và con người.

Bài tập 2.

Gợi ý cho học sinh chọn một di tích, thắng cảnh ở vùng quê các em hoặc một di tích, thắng cảnh nổi tiếng của đất nước mà các em đã từng biết và yêu mến.

– Hướng dẫn học sinh xác định được nội dung thuyết minh để người đọc hình dung như mình đã tới thăm di tích, thắng cảnh đó về các mặt: vị trí, quang cảnh, sự tích, sức hấp dẫn và giá trị của đối tượng thuyết minh.

– Có thể kết hợp cách thuyết minh theo kết cấu trật tự không gian, thời gian và quan hệ lôgic một cách linh hoạt.

Sau đây là một bài văn thuyết minh có thể dùng để tham khảo:

HANG ĐỘNG PHONG NHA – KẺ BÀNG

Khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng nằm trong vùng địa máng Trường Sơn thuộc địa phận các huyện Bố Trạch, Minh Hóa của tỉnh Quảng Bình, với các dãy núi đá vôi phát triển hầu như liên tục, thành phần tương đối đồng nhất. Cùng với khối núi đá Ma-ha-say của Lào, đây được đánh giá là vùng hang Karst, rộng nhất thế giới với diện tích 200 ngàn ha. Trong phiên họp toàn thể lần thứ 27 từ 30/6/2003 đến 5/7/2003 tại Paris, ủy ban Di sản thế giới Unesco đã công nhận vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng là di sản thiên nhiên thế giới.

Khu Phong Nha – Kẻ Bàng có một quần thể hang động phong phú, kì vĩ. Một học giả cho rằng, đây là thiên đường cho bộ môn hang động học và du lịch hang động quả không ngoa. Đến nay, 20 hang động với tổng chiều dài trên 70km đã được đoàn khảo sát Hoàng Gia Anh phối hợp với khoa Địa lí Đại học Quốc gia Hà Nội khảo sát có hệ thống, kĩ lưỡng và được công bố trên tạp chí Hang động thế giới. Trong số 20 hang động được khảo sát thì có 17 hang động ở vùng Phong Nha – Kẻ Bàng, được đánh giá là một trong những cảnh quan đẹp nhất thế giới với các đặc trưng: có sông ngầm dài nhất, các hang có chiều cao và rộng nhất, các bãi cát trong hang dài nhất và có những cột thạch nhũ đẹp tuyệt vời. Hang Vòm có độ dài trên 15km được xếp vào danh sách hang động có sông ngầm dài nhất thế giới.

>> Xem thêm:  Phân tích và cảm nhận về chân dung Đô-xtôi-ép-ki

Cùng với các hệ thống hang động kì diệu, còn có những dòng sông: sông Tróc, sông Chầy, sông Son chảy trong khu Phong Nha – Kẻ Bàng với dòng nước trong xanh, chảy giữa vùng núi đá, có rừng với một thảm thực vật phong phú tạo nên cảnh đẹp thơ mộng như bức tranh thủy mạc đầy quyến rũ du khách. Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng còn tồn tại một khu rừng nhiệt đới nguyên sinh ít bị tác động với độ che phủ trên 95% và tính đa dạng sinh học cao. Theo số liệu điều tra bước đầu đã thống kê được 140 họ, 427 chi, 751 loài thực vật bậc cao, trong đó có 36 loài nguy cơ bị tuyệt chủng và được ghi trong sách đỏ của Việt Nam. Ngoài tài nguyên thực vật đa dạng, kết quả điều tra đã thống kê được trong rừng Phong Nha – Kẻ Bàng có 32 bộ, 98 họ, 256 giống, 381 loài của 4 lớp động vật có xương sống ở trên cạn. Trong đó có 65 loài quý hiếm trong sách đỏ của Việt Nam, 23 loài được xếp vào danh sách bảo vệ toàn cầu. So với các khu bảo tồn và vườn quốc gia khác ở Việt Nam thì độ phong phú của các loài động vật ở Phong Nha – Kẻ Bàng còn khá cao. Các loài quý hiêm như Voọc má trắng có số lượng cao nhất trong nước.

>> Xem thêm:  Đọc thêm: Khe chim kêu (Điểu minh giản)

Phong Nha – Kẻ Bàng có hàng chục đỉnh núi cao trên l.000m, hiểm trở, chưa từng có vết chân người, là các điếm hấp dẫn thể thao leo núi và thám hiểm. Điển hình là các đỉnh Corilata cao 1.128m, Copreu cao 1213m, xen kẽ giữa các đỉnh trên l.000m là những thung lũng bằng phẳng và các đỉnh núi từ 800m đến l.000m phù hợp cho du lịch sinh thái và leo núi như ngọn Phu Sinh 965m, Mama 835m. Đặc biệt đỉnh Mã Tấc cao 721m, có một mặt bằng rộng 70ha.

Khu Phong Nha – Kẻ Bàng còn ghi dấu nhiều di tích lịch sử quý giá. Trước hết phải kể đến di tích căn cứ kháng chiến chống Pháp của vua Hàm Nghi cuối thế kỉ XIX tại núi MARAI. Trong thời kì kháng chiến chống Mĩ, những địa danh như bến phà Xuân Sơn, đường mòn Hồ Chí Minh, đường 20 Quyết Thắng đã đi vào huyền thoại.

Trong những năm qua, khu du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng đã trở thành khu du lịch yêu thích của du khách. Số lượng khách đến tham quan Phong Nha – Kẻ Bàng ngày càng nhiều. Hiện nay, tỉnh Quảng Bình đang tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, mở thêm các tuyến du lịch sinh thái tạo nhiều sản phẩm du lịch, mở thêm các tuyến du lịch sinh thái, tạo nhiều sản phẩm du lịch mới, gắn việc tham quan du lịch với các di tích lịch sử của đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại để Phong Nha – Kẻ Bàng thực sự là một trong những khu du lịch trọng điểm của cả nước.

(Theo Thành Phương, Báo Đường Sắt Việt Nam, số 109-2003)

Mai Thu

Bài viết liên quan