Cảm nghĩ về bài Cảnh Khuya của Hồ Chí Minh


Đề bài: Cảm nghĩ về bài “Cảnh khuya” của tác giả Hồ Chí Minh.

Bài làm

Bài thơ “Cảnh khuya” được tác giả Hồ Chí Minh sáng tác năm 1947, khi trận Việt Bắc, Sông Lô, Đoan Hùng của cuộc kháng chiến chống Pháp giành thắng lợi vang dội. Bài thơ là sự hòa quyện giữa thiên nhiên và con người, giữa nhiệt huyết và lòng yêu nước thiết tha của Hồ Chí Minh.

“Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”

Trước hết, bài thơ “Cảnh khuya” mang đến một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp của đêm núi rừng Việt Bắc. Những ngày chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa, Bác Hồ cùng cơ quan đầu não của nước ta chủ yếu tập trung và làm việc tại cứ địa Việt Bắc. Ở đây, không gian núi rừng cùng ánh trăng sáng đã gắn bó mật thiết trong điệu hồn Hồ Chí Minh để viết lên hai câu thơ tuyệt bút:

“Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”

Câu thơ đầu tiên gợi nhắc người đọc đến câu thơ của Nguyễn Trãi trong bài “Côn Sơn ca”:

“Côn Sơn suối chảy rì rầm

Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai”

Tuy nhiên, khác với dụng ý dùng âm thanh tiếng đàn cầm để ví với âm thanh tiếng suối, Hồ Chí Minh chọn âm thanh tiếng hát để thể hiện tiếng suối. Tiếng đàn thiên về vẻ đẹp nghệ thuật trang nhã, thanh cao, thoát tục. Trái lại tiếng hát lại tạo nên vẻ gần gũi, thân thương, trong trẻo. Hơn nữa lại còn là tiếng hát ở xa xôi vọng lại. Điều này cho thấy không gian nhân vật trữ tình đang sống vô cùng vắng lặng. Chỉ khi không gian im bặt mới có thể nghe được cả tiếng suối từ xa dội về. Mặt khác, tác giả còn sử dụng nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác từ thính giác sang thị giác khi miêu tả được âm thanh có màu trong.

>> Xem thêm:  Giải thích và bình luận câu tục ngữ Thất bại là mẹ thành công – Văn mẫu lớp 7 tuyển chọn

cam nghi ve bai canh khuya cua ho chi minh - Cảm nghĩ về bài Cảnh Khuya của Hồ Chí Minh

Cảm nghĩ về bài Cảnh Khuya

Câu thơ thứ hai là một bức tranh cảnh đêm khuya ngậm tràn ánh trăng và bóng trăng. Từ xưa đến nay trăng luôn là tri kỉ với Hồ Chí Minh nói riêng và các thi nhân nói chung. Trăng trong thơ Bác luôn có vẻ đẹp và linh hồn:

“Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ,

Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ

(“Ngắm trăng”)

Ở đây, ánh trăng của núi rừng Việt Bắc mang vẻ đẹp hùng vĩ và thơ mộng vô cùng. Hùng vĩ là bởi cách diễn tả “trăng lồng cổ thụ” – ánh trăng bao trùm lên cả một cây cổ thụ lớn trong cánh rừng. Thơ mộng là bởi bóng trăng “bóng lồng hoa” – bóng trăng rọi qua kẽ lá in xuống mặt đất một tấm thảm hoa trăng. Điệp từ “lồng” xuất hiện hai lần trong cùng một câu thơ tạo nên tầng không gian trùng điệp từ ánh trăng đến tán cây đến đốm ánh sáng trăng rồi đến mặt đất. Mỗi tầng không gian lại được kết tinh hoặc trăng, hoặc hoa lá, hoặc bóng cây, hoặc cả ánh trăng và cây cỏ. Tất cả hội tụ, hòa quyện, đan xen vào nhau trở thành nghệ thuật tạo hóa vô cùng mĩ miều, tráng lệ của thiên nhiên. Thông qua đó, ta bắt gặp chân dung một con người có tình yêu thiên nhiên tha thiết và nhãn quan đầy tinh tế.

>> Xem thêm:  Trình bày nội dung và nghệ thuật bài thơ Qua đèo ngang của Bà Huyện Thanh Quan

Nếu hai câu thơ trước là cảnh thì hai câu thơ sau là người:

“Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”

Nhân vật trữ tình hiện lên trong trạng thái “chưa ngủ”. Vì sao tác giả lại không dùng từ “không ngủ”, “không ngủ được”, “mất ngủ” mà lại là “chưa ngủ”. Bởi vì từ “chưa ngủ” nhấn mạnh đến sự trăn trở, dở dang của một vấn đề nào đó khiến con người không thể an tâm mà yên giấc nồng chăng? Là vì lí tưởng con chưa đạt được, con đường đấu tranh còn nhiều gian nan khiến con người không sao bình yên được chăng? Giải thích lí do này, tác giả dùng hai cụm từ “cảnh khuya như vẽ” và “lo nỗi nước nhà”. Trong câu thơ đầu tiên, cũng có thể tác giả vì cảnh thiên nhiên đẹp quá mà không thể ngủ nổi. Nhưng có ai vì cảnh đẹp mà lại không yên lòng hay không? Trong câu thơ thứ hai, nỗi nước nhà là con đường độc lập, là chủ quyền lãnh thổ, là sự nghiệp cơm ăn áo mặc của toàn dân. Vậy ra, cái lí do “cảnh khuya như vẽ” kia chỉ là thứ yếu còn “nỗi nước nhà” mới là lí do chính khiến lòng người vướng bận. Hồ Chí Minh là vậy, một con người cả đời đau đáu cho quê hương, một người muốn làm thi sĩ bên thiên cảnh lại phải gác mong ước để hoàn thành sự nghiệp dân tộc. Tâm hồn, lí tưởng của người cao đẹp lắm thay.

>> Xem thêm:  Phân tích ý nghĩa bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương

Bài thơ “Cảnh khuya” của Hồ Chí Minh không chỉ thành công về mặt nghệ thuật ngôn từ sáng tạo, hình ảnh hàm súc mà còn mang đến bức tranh thiên nhiên và bức tranh lòng người sâu sắc. Giờ đây Người có được an lòng bầu bạn với trăng hay không?

Hoài Lê

Bài viết liên quan