Cảm nhận của em về bài thơ Nói Với Con của Y Phương


Đề bài: Cảm nhận của em về bài thơ “Nói với con” của Y Phương.

Bài làm

Trong nền văn học Việt Nam từ xưa đến nay, đôi lúc chính các nhà thơ, nhà văn đã mượn lời nói, lời dặn dò con cái để thể hiện lí tưởng, khát vọng của bản thân. Bài thơ “Nói với con” của Y Phương cũng đã mượn lời người cha nói với con mình để thể hiện quan niệm nhân sinh.

Y Phương may mắn sinh ra giữa cái nôi văn hóa lớn của người Tày ở một vùng núi thuộc huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng và có tên khai sinh là Hứa Vĩnh Sước. Nhà thơ Y Phương đã mang đến màu sắc nghệ thuật vô cùng mới mẻ cho thi đàn Việt Nam với một hồn thơ chân thật, mạnh mẽ, phóng khoáng và ngôn từ trong sáng, cách tư duy giàu hình ảnh biểu tượng.

Bài thơ “Nói với con” được tác giả sáng tác vào năm 1980, lấy nền tảng là lời nhắc nhở của người cha với đứa con bé bỏng về tình yêu quê hương đất nước, ghi nhớ nguồn cội và ơn nghĩa cha mẹ. Bài thơ viết theo thể thơ tự do hiện đại đậm bản sắc văn hóa dân tộc Tày cũng như bộc lộ quan niệm sống nhân văn của nhà thơ.

Cuộc trò chuyện “nói với con” bắt đầu bằng những câu thơ 5 chữ ngắn:

“Chân phải bước tới cha

Chân trái bước tới mẹ

Một bước chạm tiếng nói

Hai bước tới tiếng cười”

Trước hết, Y Phương nhắc nhở đứa con về công ơn sâu nặng của cha mẹ. Khác với lời ngợi ca lớn lao ta thường bắt gặp trong văn học dân gian:

“Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”

Ở bài thơ “Nói với con”, công ơn cha mẹ gắn liền với những điều nhỏ bé, nình dị nhất mà bậc sinh thành làm cho con. Đó là dìu dắt con đi những bước chân đầu tiên, cùng con cười nụ cười trẻ thơ và dạy con biết nói tiếng mẹ đẻ dân tộc. Cấu trúc “chân phải…chân trái”, “Một bước…hai bước” kết hợp nhịp thơ 2/3 đều đặn trong từng dòng thơ đã tạo nên những bậc thang ngắn, mỗi một bậc thang là thêm một ngày đứa trẻ lớn lên và học được thêm một thứ. Mặt khác, điệp từ “bước tới”, “chạm” như nhân lên gấp nhiều lần quãng thời gian trưởng thành của đứa trẻ, qua đó khẳng định đức hi sinh, tính kiên nhẫn và chăm lo từng li từng tí của cha mẹ với đứa con của mình.

>> Xem thêm:  Hướng dẫn soạn văn Khi con tu hú – Chương trình Ngữ văn lớp 9

“Người đồng mình yêu lắm con ơi

Đan lờ caì nan hoa

Vách nhà ken câu hát

Rừng cho hoa

Con đường cho những tấm lòng

Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới

Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời.”

Đoạn thơ tiếp theo tác giả đan xen câu thơ ngắn dài cùng khởi đầu “con ơi” đã tạo nên âm hưởng tha thiết, vang vọng cho bài thơ. Tác giả gọi tên “người đồng mình” chân chất, ngọt ngào, dân dã để nói chung về phẩm chất con người dân tộc Tày. Đó là phẩm chất kiên trì, khéo léo, tỉ mỉ (“Đan lờ cài nan hoa”) và rất yêu đời (“Vách nhà ken câu hát”). Tất cả những gì thuộc về quê hương mình đều có giá trị tốt đẹp riêng của nó. Cánh rừng bạt ngạt góp cho đời hoa thơm. Con đường mòn ngoằn nghèo dẫn lên bản mang tấm lòng yêu thương tha thiết. Và cuối cùng, tất cả những gì đẹp nhất hội tụ trong “ngày cưới”, ngày mà tác giả gọi là “đầu tiên đẹp nhất trên đời”. Như vậy, mọi thứ cuối cùng kết thúc lại trong tình yêu, tình nghĩa vợ chồng và đứa con ra đời giống như thành quả tốt đẹp nhất của quê hương và con người hội tụ.

cam nhan cua em ve bai tho noi voi con cua y phuong - Cảm nhận của em về bài thơ Nói Với Con của Y Phương

Cảm nhận về bài thơ Nói Với Con

Khúc hát tiếp tục được nhấn nhá bằng cách lặp lại tiếng gọi vang vọng về “người đồng mình thương lắm:

>> Xem thêm:  Đóng vai người lao động kể lại chuyến ra khơi trong Đoàn thuyền đánh cá

“Người đồng mình thương lắm con ơi

Xa đo nỗi buồn

Cao nuôi chí lớn

Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn

Sống trên đá (không chê đá gập ghềnh)

Sống trong thung (không chê thung nghèo đói)

Sống như sông như suối

Lên thác xuống ghềnh

Không lo cực nhọc”

Trong đoạn thơ này, Y Phương vừa ca ngợi con người và bày tỏ niềm tự vào về con người quê hương mình bằng cách đặt họ trong không gian rộng lớn với những tình cảm và ý chí lớn lao thông qua các cặp từ “cao” – nỗi buồn, “xa” – chí lớn.

Hơn nữa tác giả còn khẳng định bản chất thật thà trong sáng và tính cần mẫn, biết phấn đấu vươn lên của những người đồng mình. Hàng loạt từ “sống” lặp lại đầu mỗi câu thơ thể hiện sức sống mãnh liệt của con người. Mặt khác cách nói “không chê…”, “không lo…” cũng khẳng định bản chất biết cố gắng vươn lên trong hoàn cảnh sống trên đá gập ghềnh hay sống trong thung nghèo đói.

Trong phần kết thúc bài thơ, Y Phương tôn vinh tầm vóc con người dân tộc Tày trong lịch sử văn hóa, phong tục truyền thống:

“Người đồng mình thô sơ da thịt

Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con

Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương

Còn quê hương thì làm phong tục

Con ơi tuy thô sơ da thịt

Lên đường

Không bao giờ nhỏ bé được

Nghe con.”

Để làm điều này, tác giả lấy hai hình ảnh đối lập làm trung tâm, đó là “thô sơ da thịt” với “đục đá kê cao quê hương”. Tác giả lấy cái nhỏ bé, thô sơ của cơ thể con người rồi khẳng định khả năng quật khởi của họ đó là đục được cả đá.  Từ đó, Y Phương đồng thời khẳng định giá trị lớn lao của văn hóa phong tục bản sâc dân tộc trong hình ảnh “còn quê hương thì làm phong tục”.

>> Xem thêm:  Viết đoạn văn phân tích vẻ đẹp của người con gái Thuý Vân trong đoạn trích Chị em Thuý Kiều (Truyện Kiều) của Nguyễn Du

Sau cùng, lời kết của câu chuyện “nói với con” là lời dặn dò: “không bao giờ nhỏ bé được”. Cái nhỏ bé ở đây không phải là nhỏ bé ở vóc dáng như câu thơ trên mà biểu tượng cho tâm hồn và ý chí, khát vọng. Sự nhỏ bé, thô sơ của cơ thể đối lập hoàn toàn với ý chí nội lực bên trong con người. Điều này vừa là niềm tự hào của người cha vừa là nhắc đứa con phải ghi nhớ, tự hào và biết gìn giữ, phát huy phẩm chất cao quý đó.

Tóm lại, bài thơ “Nói với con” của Y Phương đã mang đến bức tranh toàn cảnh về đời sống sinh hoạt và đời sống tinh thần của người dân tộc Tày nói riêng và người Việt Nam nói chung. Tác giả không chỉ cho thấy niềm tự hào mà còn nhắc nhở đứa con cùng như nhiều thế hệ người Việt phải biết khắc ghi và làm đẹp hơn tâm hồn, phẩm chất mà thế hệ cha anh đã tạo dựng.

Hoài Lê

Bài viết liên quan