Cảm nhận của em về Truyện An Dương Vương và Mị Châu Trọng Thủy


Cảm nhận của em về Truyện An Dương Vương và Mị Châu Trọng Thủy

Bài làm

Âu Lạc là một phần trong bề dày lịch sử bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước của đất nước ta. Thời ấy, dù vua An Dương Vương là người có lòng đức độ, chăm lo cho dân, cho nước, song ông vẫn để mất nước, kết thúc sự tồn tại của đất nước mang tên Âu Lạc. Song, vì nhân dân cảm thông và yêu quý, trân trọng ông nên họ đã sáng tác ra truyền thuyết Truyện An Dương Vương và Mị Châu Trọng Thủy với những tình tiết thần kỳ, hư cấu để giải thích lí do mất nước, cũng như bày tỏ tấm lòng thành kính, biết ơn đối với vị vua anh minh nhưng vẫn không giữ được đất nước mình.

Truyền thuyết bắt đầu từ sự kiện vua An Dương Vương xây thành Cổ Loa để bảo vệ biên giới của đất nước nhưng xây mãi không xong. Vua bèn lập đàn trai giới, cầu bách thần. Nhờ lòng thành kính, Rùa Vàng đã đến giúp đỡ vua, thành xây nửa tháng thì xong. Trước khi về, Rùa Vàng đã tặng cho vua chiếc vuốt để làm nỏ thần đánh lại quân thù. Về sau, Triệu Vương là Đà cử binh xâm lược phương Nam, cùng vua giao chiến. Vua lấy nỏ thần ra bắn, quân Đà thua lớn, bèn xin hòa. Ít lâu sau, Đà cầu hôn. Vua vô tình gả con gái là Mị Châu cho con trai Đà là Trọng Thủy. Trọng Thủy dỗ Mị Châu xem trộm nỏ thần rồi lấy trộm, đánh tráo chiếc nỏ khác. Có nỏ thần trong tay, Đà thừa cơ mang quân sang xâm lược Âu Lạc một lần nữa. Vua An Dương Vương chủ quan không hề nao núng, tới khi phát hiện ra chiếc nỏ giả thì đã quá muộn. Vua vội vàng dẫn Mị Châu chạy trốn. Mị châu theo lời thề hẹn, rắc lông ngỗng ở mỗi ngã ba đường để làm dấu cho Trọng Thủy tìm theo. Tới bờ biển, rùa vàng ngoi lên kết tội Mị Châu là kẻ phản nghịch. Vua cha bèn tuốt gươm chém chết Mị Châu rồi đi xuống biển. Mị Châu chết, máu chảy xuống biển, trai sò ăn phải đều hóa thành hạt châu. Trọng Thủy tới nơi thấy vợ đã chết, chàng đau đớn, tiếc thương và đưa xác Mị Châu về chôn ở Loa Thành. Lúc tắm, Trọng Thủy tưởng như Mị Châu ở dưới giếng bèn lao đầu xuống giếng mà chết.

>> Xem thêm:  Một nhà văn Nga đã nói: “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực, mà là nơi không có tình thương”. Anh (chị) nghĩ thế nào về câu nói ấy

Qua câu chuyện trên, nhân dân đã dựng lại sự kiện nước Âu Lạc sau hai lần bị quân Đà tấn công đã rơi vào tay Triệu Vương, kết thúc những năm tháng thái bình, êm ấm. Nhưng dù sao, An Dương Vương vẫn là một vị vua tốt, có trách nhiệm với nhân dân khi quyết tâm xây thành Cổ Loa để bảo vệ đất nước. Ở đây, tác giả dân gian đã sáng tạo nên chi tiết thần kì về rùa vàng và chiếc nỏ thần để chuyển hướng nguyên nhân bị mất nước Âu Lạc. Nhà vua đã chủ quan khi cậy mình có chiếc nỏ thần, không lo lắng chống lại quân Đà. Quân Đà tiến sát tới thành, vua mang nỏ thần ra bắn nhưng không thấy hiệu nghiệm nữa. Lúc này vua vội vàng dẫn theo Mị Châu chạy trốn.

Về phần Mị Châu, có nhiều ý kiến trái chiều nhau khi nhận định rằng chính Mị Châu là nguyên nhân gây mất nước Âu Lạc khi đã cho Trọng Thủy xem trộm chiếc nỏ thần. Nhưng có người lại cảm thông và giải thích rằng Mị Châu làm vậy là điều hợp tình hợp lí vì Trọng Thủy là chồng của nàng. Thời đại của câu chuyện là thời phong kiến. Vì vậy, Mị Châu là người vợ mang những “tiêu chuẩn” của phong kiến: nhất nhất theo chồng, một lòng sống vì chồng. Mặt khác, vốn tính Mị Châu cũng là người hiền dịu, nết nà và yêu thương chồng hết mực. Vì vậy, sau khi bị Trọng Thủy dụ dỗ bằng những lời ngon ngọt, Mị Châu đã cho chồng xem trộm chiếc nỏ thần của cha. Có thể chi tiết này cho thấy sự mất cảnh giác của Mị Châu, nhưng cũng không thể trách nàng, vì nàng đang hành động với vai trò là một người vợ. Hơn nữa, nàng cũng không ngờ rằng người chồng mình yêu thương lại có thể lừa dối mình như vậy. Sự ngây thơ của Mị Châu đáng thương hơn đáng trách. Thêm một chi tiết, khi cùng vua cha chạy trốn, Mị Châu đã rắc lông ngỗng làm dấu cho Trọng Thủy đuổi theo. Lúc này, nàng vẫn tin rằng Trọng Thủy sẽ cứu mình. Nhưng đáng tiếc, thêm một lần nữa, Mị Châu bị chính người mà mình yêu thương lừa dối. Mị Châu chết, máu chảy xuống  biển, trai sò ăn phải đều hóa thành hạt châu như lời nguyền của nàng.cam nhan cua em ve truyen an duong vuong va mi chau trong thuy - Cảm nhận của em về Truyện An Dương Vương và Mị Châu Trọng Thủy

>> Xem thêm:  Qua ca dao dân ca em hãy làm sáng tỏ vẻ đẹp của con ngươi Việt Nam trong đời sống nhiều gian truân ngày trước

Cái chết bi thảm của Mị Châu không những là cách mà nàng phải đền tội cho sự ngây thơ của mình khi đã gián tiếp gây nên bi kịch mất nước, mà còn nói lên nguyên tắc của một nhà vua không vì tình riêng mà phá vỡ phép nước. Dù yêu thương con gái hết lòng, nhưng An Dương Vương vẫn phải tuốt gươm chém chết con mình một cách dứt khoát. Điều đó làm cho người đọc thấy thương cho Mị Châu nhưng lại không trách giận An Dương Vương khi đã giết nàng. Bởi đó là phép nước. Vua là người đầu tiên phải gìn giữ phép nước theo đúng chuẩn mực. Nhưng sau đó, với tình cảm mến thương và lòng bao dung, tác giả dân gian đã để Mị Châu biến thành hạt châu, sáng lấp lánh và quý báu vô cùng.

Khi Trọng Thủy tới nơi, chỉ còn lại xác Mị Châu. Đến lúc này, chàng mới tỉnh ngộ nhận ra lỗi lầm của mình với vợ. Nhưng cũng không thể trách Trọng Thủy bởi chàng cũng chỉ là “nạn nhân” trong việc này. Cả Mị Châu và Trọng Thủy đều nằm trong âm mưu hiểm ác của Triệu Vương là vua Đà. Cuộc hôn nhân không hẹn trước nhưng vẫn chứa chan tình cảm yêu thương. Mị Châu đã luôn làm tròn vai trò của một người vợ. Còn Trọng Thủy – là đấng nam nhi, dù yêu thương vợ thế nào đi nữa cũng không thể vì vợ mà phản lại cha, phản lại đất nước mình. Chàng đau đớn, ôm xác Mị Châu về chôn ở Loa Thành, xác biến thành ngọc thạch. Trọng Thủy thương tiếc khôn cùng, khi tắm tưởng như thấy bóng dáng Mị Châu, bèn lao đầu xuống giếng mà chết. Người đời sau mò được ngọc ở Biển Đông, lấy nước giếng này mà rửa thì trong sáng thêm, nhân kiêng tên Mị Châu cho nên gọi ngọc minh châu là đại cữu và tiểu cữu.

Hình ảnh “giếng nước – ngọc trai” đã mang đến một kết thúc có hậu sau cái chết bi thảm của Mị Châu. Cuối cùng, tấm lòng trong sạch của nàng cũng được minh chứng và đền đáp. Còn Trọng Thủy, sau khi làm tròn nghĩa vụ của một người con trai, một hoàng tử với vua cha, với đất nước, chàng đã quay trở lại làm một người chồng trọn nghĩa tình với Mị Châu. Chỉ tiếc rằng, sự vẹn tròn ấy lại diễn ra sau khi hai người đã chết. Giếng nước mang hồn của Trọng Thủy, trong đó có hạt châu là hóa thân của Mị Châu. Ngọc càng rửa càng sáng, giống như tấm lòng của Mị Châu đã được Trọng Thủy cảm thấu.

>> Xem thêm:  Nghị luận xã hội về ý chí nghị lực

Tác giả dân gian đã dựng lên những chi tiết li kỳ vừa làm tăng tính hấp dẫn của câu chuyện, vừa thể hiện sự cảm thông và tấm lòng bao dung đối với vị cua An Dương Vương có đức độ, có trách nhiệm với đất nước nhưng vẫn không giữ được lãnh thổ. Về mối tình của Mị Châu, Trọng Thủy, dân gian muốn gửi tới thế hệ sau thông điệp về tình cảm khi yêu. Yêu chân thành nhưng phải luôn sáng suốt, khôn ngoan, không để tình yêu mù quáng gây nên hậu quả bi thương giống như nàng Mị Châu tội nghiệp. Bằng lối kể hấp dẫn, tình tiết li kỳ, câu truyện cho tới nay vẫn cuốn hút nhiều người đọc và mang ý nghĩa sâu sắc cho toàn thế hệ trẻ mai sau.

Bài viết liên quan